Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Lá phiếu trách nhiệm

15:35 18/11/2014

Sáng 15/11, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có 3 người lần đầu lấy phiếu tín nhiệm là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn; Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền. Đây là lần thứ hai Quốc hội thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước…

Một trong những nội dung của kỳ họp thứ 8 này thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân là lấy phiếu tín nhiệm, bởi qua kết quả lấy phiếu này, mỗi người sẽ có dịp "chấm điểm" không chỉ với những người được lấy phiếu mà cả đại biểu Quốc hội.

Cũng như lần đầu lấy phiếu tín nhiệm cách đây hơn một năm, lần này tiêu chí đánh giá không thay đổi, ba mức tín nhiệm cũng vẫn giữ nguyên là "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp". Nhưng theo ông Hà Minh Sơn, Phó trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội, lần lấy phiếu này có 2 điểm mới:

Thứ nhất là hướng dẫn rõ bản báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm nên bố cục thế nào, trong đó có phần nói về chức trách nhiệm vụ được giao, phần nói về tự rèn luyện, tự kiểm điểm về phẩm chất đạo đức, lối sống. Khi thực hiện chức trách nhiệm vụ ấy thì tự thấy mình có hạn chế gì, hướng khắc phục trong thời gian tới như thế nào. Trước đây, không đưa ra mẫu chung nên người được lấy phiếu làm bản báo cáo không theo khuôn khổ chung, người viết quá dài, người viết ngắn.

Thứ hai là vấn đề kê khai tài sản. Kỳ trước chưa có nội dung này vì tháng 7/2013 Chính phủ mới ban hành nghị định về minh bạch tài sản thu nhập cá nhân, trong nghị định có quy định việc kê khai tài sản còn phục vụ cho việc lấy phiếu tín nhiệm. Bản kê khai tài sản nay đã gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội.

Lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Tại kỳ họp thứ 7, khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết thuật ngữ "lấy phiếu tín nhiệm" bắt đầu có từ Nghị quyết Trung ương 4. Việc này với mong muốn thường xuyên có động tác cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa để cho mỗi cán bộ khi làm chức trách của mình thì tự soi, tự sửa là chính. "Khi đã đến lúc phải bỏ phiếu bất tín nhiệm là bước đường cùng. Anh không còn có thể chỉnh sửa được nữa thì thôi cho nghỉ".

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công tác đánh giá cán bộ hàng năm còn nhiều trường hợp rất hình thức, không thực chất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó vì còn nể nang không dám nói thật. Vì vậy, cuối năm khi bình bầu, hầu hết đảng viên đủ tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc, còn hầu hết tổ chức trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, mới cần lấy phiếu tín nhiệm và đây là kênh thăm dò tín nhiệm cán bộ, một bước để đi đến bỏ phiếu tín nhiệm.

Không quá lời khi nói rằng mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm, cả người được lấy phiếu và đại biểu cũng đều có những áp lực riêng.

Áp lực với những người được lấy phiếu thì đã rõ, bởi lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Nhìn lại hơn một năm sau lần lấy phiếu tín nhiệm trước, ở nhiều lĩnh vực đã có nhiều thay đổi tích cực. Chia sẻ với báo chí, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (đại biểu Ninh Thuận) cho rằng 3 ngành có chuyển biến tích cực và được đánh giá rất cao là: Giao thông - Vận tải, Ngân hàng, bên cạnh đó có một số bộ trưởng khác như Bộ trưởng Tài chính cũng rất quyết liệt, giúp cho việc tăng thu ngân sách.

Còn nhớ vào tháng 6/2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn lần đầu tiên. Kết quả cho thấy Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình là người có phiếu "tín nhiệm thấp" với tỷ lệ cao nhất. Thời điểm ấy ngành ngân hàng đang đứng trước nguy cơ rất nặng nề, lo ngại về sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng, huyết mạch của nền kinh tế. Tuy nhiên, hơn một năm qua, đánh giá một cách khách quan nhất, ai cũng thấy ngân hàng đã làm được rất nhiều việc, từ ổn định giá vàng, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng thương mại nên lo ngại đổ vỡ của hệ thống ngân hàng gần như bị loại bỏ… nói như đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) là so với lần lấy phiếu tín nhiệm trước, lần này ngành Ngân hàng có rất nhiều tiến bộ.

Hay một lĩnh vực khác là giao thông - vận tải, theo ông Cương, những giải pháp quyết liệt mà Bộ trưởng Giao thông - Vận tải đặt ra không phải là những chuyện vụn vặt như trảm ông này, trảm ông kia mà cái Bộ trưởng Đinh La Thăng "ghi điểm" là những việc lớn như xử lý xe quá tải, là các công trình trọng điểm, như Quốc lộ 1A, hay sự cố đường cao tốc, xử lý trong việc chấn chỉnh trong cách đăng kiểm phương tiện là những điểm sáng, nó là tiền đề cho việc xây dựng nề nếp trong ngành Giao thông - Vận tải.

Đưa ra hai ví dụ ấy để thấy rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là áp lực nhưng cũng là động lực để mỗi vị "tư lệnh ngành" cần phải cố gắng hơn để lĩnh vực mình phụ trách có những chuyển biến tích cực hơn và sự cố gắng ấy sẽ được ghi nhận bằng những lá phiếu "tín nhiệm cao" của các đại biểu, cũng là sự ghi nhận của nhân dân.

Áp lực với những người được (hay bị) lấy phiếu tín nhiệm thì như vậy, nhưng với mỗi đại biểu, khi quyết định "hạ bút" vào lá phiếu cũng sẽ phải cân nhắc. Mặc dù mỗi người được lấy phiếu tín nhiệm đều đã có báo cáo nhưng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, báo cáo là chủ quan còn để khách quan là phải nhìn toàn diện bức tranh của lĩnh vực mà từng người được lấy phiếu đó phụ trách, đó mới là yếu tố quyết định sự đánh giá của đại biểu.

Còn theo đại biểu Trần Ngọc Vinh thì "tất cả những báo cáo không thực tế, nhận khuyết điểm chung chung đều bị đại biểu cho điểm thấp" thì mỗi đại biểu sẽ phải có những kênh khác để có đánh giá khách quan, toàn diện nhất về người được lấy phiếu.

Lần thứ hai lấy phiếu tín nhiệm, cử tri và nhân dân cả nước đều hy vọng mỗi đại biểu quốc hội, với trọng trách được giao sẽ "chấm điểm" một cách khách quan nhất. Và như lời phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là "với ý thức trách nhiệm và sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, Quốc hội tin tưởng sẽ hoàn thành tốt trách nhiệm hệ trọng này trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước"

Nguyễn Thiêm

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文