Một công dân Mỹ bị FBI ép buộc làm chỉ điểm

14:50 04/07/2012

Dường như sinh viên mới tốt nghiệp bằng thạc sĩ Kevin Iraniha không cảm thấy ngạc nhiên khi một đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bất ngờ gõ cửa nhà anh vào tháng 8/2011, ngay sau khi anh vừa trải qua hành trình ngắn đến các nước Ấn Độ, Ai Cập và Iran. Sau đó, Iraniha còn gặp đặc vụ này một lần nữa. Tưởng mọi chuyện đơn giản, nhưng vào đầu tháng 6 vừa qua Iraniha mới tá hỏa khi biết mình bị liệt vào "danh sách cấm bay" của Mỹ.

Kevin Iraniha  có người mẹ nổi tiếng là nhà hoạt động thân Palestine và chống chủ nghĩa tư bản Mỹ. Kevin Iraniha vừa mới tốt nghiệp chương trình học thạc sĩ tại Đại học Hòa bình được Liên Hiệp Quốc công nhận ở Costa Rica, và khi cùng với hai người anh em và cha ra sân bay để trở về Mỹ vào ngày 5/6 thì bị chặn lại với lý do anh bị liệt vào "danh sách cấm bay" của Mỹ. Sau đó Iraniha và cha anh phải trải qua cuộc thẩm vấn kéo dài 6 giờ trong Tòa đại sứ Mỹ ở San José, thủ đô Costa Rica.

Chỉ riêng Iraniha phải trả lời nhiều câu hỏi của một đặc vụ FBI và một quan chức ngoại giao Mỹ về nhiều vấn đề phần lớn gắn liền với việc anh là người Hồi giáo và đã đi đến một số quốc gia Hồi giáo. Họ cũng hỏi han về quan điểm chính trị của Iraniha về vấn đề "Hồi giáo" cũng như Palestine và chính sách đối ngoại của Mỹ. Về những lần đến thánh đường Hồi giáo ở Costa Rica và San Diego của Iraniha, họ tra vấn xem anh có "chú ý thấy bất cứ điều gì hay bất cứ người nào đáng nghi ngờ" hay không, cũng như anh có tham gia vào "bất cứ nhóm nào kích động bạo lực" hay không.

Thực tế là Iraniha có đến thánh đường Hồi giáo ở Costa Rica vài lần, vì anh là nhà hoạt động nhân quyền, chống chiến tranh và cũng là thành viên của Hội Sinh viên vì công lý cho Palestine (SJP) ở San Diego. Nhưng Iraniha không thuộc một nhóm kích động bạo lực nào và cũng không thấy có gì đáng ngờ ở những người trong những thánh đường Hồi giáo mà anh từng đến.

Iraniha cho biết, tay đặc vụ FBI thậm chí hỏi anh những câu hết sức kỳ cục, như là liệu anh có muốn phá hoại một trung tâm Do Thái ở San Diego hoặc một tòa nhà chính quyền Mỹ hay không?

Sau khi kết thúc màn tra vấn, đặc vụ FBI và quan chức ngoại giao cho biết Kevin vì là công dân Mỹ nên anh được phép đến Mỹ nhưng không được sử dụng phương tiện hàng không mà phải sử dụng thuyền hay đường bộ để vào Mỹ. Đó là lý do khiến Kevin Iraniha phải bay đến thành phố Tijuana ở miền Bắc Mexico rồi đi bộ dọc theo biên giới Mỹ - Mexico để vào Mỹ!

Các quan chức Đại sứ quán Mỹ ở Costa Rica không nêu bất cứ lý do nào khiến cho Kevin Iraniha bị đưa vào danh sách cấm bay - hiện bao gồm khoảng hơn 20.000 tên và chừng 500 tên trong số đó là công dân Mỹ. Nhưng có lẽ có một người biết rõ lý do Iraniha bị đưa vào danh sách cấm bay - đó là tay đặc vụ FBI mà anh gặp 2 lần ở San Diego.

Sau khi biết chuyện của Iraniha, đặc vụ này nói sẽ đứng ra dàn xếp vụ việc khi Iraniha trở về San Diego. Nhưng sau khi gọi điện thoại đến văn phòng của Hội đồng về các mối quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo (CAIR), Iraniha mới biết những gì đang xảy ra với anh - đó là chiến thuật thường được FBI sử dụng nhằm lôi kéo những người Mỹ Hồi giáo trở thành người chỉ điểm mật.

Theo lời của Iraniha, FBI đưa một người vào danh sách cấm bay rồi sau đó đưa ra khỏi danh sách này chỉ để buộc đối tượng phải chấp nhận làm kẻ chỉ điểm cho FBI.

Chiến thuật của FBI không có gì mới: CAIR từng nhận được "hàng chục"  đơn khiếu nại về điều này. Theo Hanif Mohebi, Giám đốc điều hành CAIR San Diego, mỗi tháng tổ chức này nhận được từ một đến vài đơn kiện liên quan đến danh sách cấm bay từ khắp nơi trên nước Mỹ.

Toà Đại sứ Mỹ ở San Jose, Costa Rica, nơi Kevin Iraniha bị thẩm vấn.

Hanif Mohebi cho biết chính quyền Mỹ rất bí mật về danh sách cấm bay và không muốn tiết lộ bất cứ điều gì về việc tại sao người này bị đưa vào danh sách và lý do gì mà một người sau đó được đưa ra khỏi danh sách. Nhưng với ông Mohebi thì vấn đề là một người vô tội sẽ rất khổ sở nếu bị đưa vào danh sách quỷ quái này. Bức xúc trước vụ việc của Kevin Iraniha cũng như nhiều người vô tội khác, CAIR đã lập hồ sơ kiện chính quyền Mỹ về tính hợp pháp của bản danh sách cấm bay.

Vào tháng 5/2012, với sự giúp đỡ của Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU), 15 người Mỹ Hồi giáo trong đó bao gồm 4 cựu quân nhân đã khởi kiện chính quyền liên bang về việc họ bị FBI đe dọa và theo dõi một cách bất hợp pháp.

Một nguyên đơn từng bị đưa vào danh sách cấm bay - Ibrahim "Abe" Mashal, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ - tiết lộ với giới truyền thông rằng, một nhóm đặc vụ FBI đã đề nghị anh làm chỉ điểm mật cho cơ quan nếu muốn được đưa ra khỏi danh sách này.

Đối với trường hợp của Kevin Iraniha, người phát ngôn của FBI cho biết cơ quan không đưa cá nhân nào vào danh sách cấm bay mà "chỉ dựa vào cơ sở tôn giáo hay các đặc tính cá nhân". Nhưng những công dân Mỹ Hồi giáo, hay gốc Arập, đều bị FBI theo dõi sát sao và bí mật đưa một số người vào danh sách cấm bay để buộc họ chấp nhận làm kẻ chỉ điểm cho cơ quan chống lại bạn bè, gia đình và cộng đồng của họ.

Mohebi còn tiết lộ các nhà báo thu thập được nhiều tài liệu và video cho thấy Sở Cảnh sát New York (NYPD) và FBI luôn tìm cách đe dọa để chiêu mộ những công dân Mỹ Hồi giáo và gốc Arập trở thành kẻ chỉ điểm như thế nào nhằm chống lại thế giới Hồi giáo. Hiện nay, với sự giúp đỡ của CAIR, Kevin Iraniha đang tìm kiếm câu trả lời từ chính quyền liên bang và có thể đòi bồi thường thiệt hại từ phía FBI

Thục Miên (tổng hợp)

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文