Mỹ muốn gì ở Ai Cập?

09:25 23/07/2013

Trong khi tương lai chính trị tại Ai Cập vẫn còn mịt mù và thậm chí còn đe dọa tới tình hình an ninh khu vực thì Mỹ, một đồng minh của Cairo, lại chưa có thái độ dứt khoát với cuộc đảo chính hôm 3/7 tại Ai Cập.

Dân chủ lập lờ

Ngày 15/7, một nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ đã tới Ai Cập nhằm tìm cách chấm dứt tình hình lộn xộn tại đây. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, William Burns là quan chức cao cấp Mỹ đầu tiên đến Ai Cập kể từ sau khi quân đội phế truất Tổng thống ông Morsi hôm 3/7.

Tại Cairo, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, William Burns đã có những cuộc tiếp xúc với đại diện của các nhà cầm quyền Ai Cập, của xã hội dân sự và các doanh nhân Ai Cập. Thông điệp chính nhằm khẳng định là Mỹ luôn đứng về phía nhân dân Ai Cập để chấm dứt bạo động và đưa đất nước này bước vào một giai đoạn chuyển tiếp, mở đường cho một chính quyền dân sự và dân chủ lên cầm quyền.

Thứ trưởng Mỹ đến Ai Cập trong bối cảnh tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ủng hộ ông Morsi kêu gọi biểu tình vào hôm 15/7 ở Cairo. Phe này tin chắc rằng, tổng thống bị lật đổ sẽ trở lại lãnh đạo đất nước. Từ nhiều ngày nay, Huynh đệ Hồi giáo và những người khác ủng hộ ông Morsi đã duy trì một cuộc phản đối bên ngoài đền Rabia el-Adawiya ở đông - bắc thủ đô Cairo, đòi Tổng thống được bầu cử tự do đầu tiên tại Ai Cập phải được phục chức. Đến cuối ngày 15/7, hàng trăm người ủng hộ ông Morsi đã đụng độ với lực lượng an ninh Ai Cập tại Cairo. Cảnh sát bắn hơi cay vào những người trung thành với ông Morsi, những người này trả đũa bằng cách ném đá.

Trong một toan tính chặn đứng lưu thông, những người biểu tình ủng hộ ông Morsi dựng rào cản và tìm cách cắt đứt một cây cầu tại Cairo, trước khi lực lượng an ninh bắn hơi cay và đẩy lui họ. Những người lãnh đạo Huynh đệ Hồi giáo thề quyết leo thang các cuộc phản đối của họ. Các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra tại nhiều thành phố Ai Cập khác. Hàng trăm ngàn người tham gia trong những cuộc biểu tình trên khắp Ai Cập.

Cũng trong ngày 15/7, nhà chức trách cho hay các nghi can chủ chiến đã tấn công một chiếc xe buýt chở công nhân làm việc tại các hãng xưởng ở thị trấn El-Arish ở phía bắc bán đảo Sinai, giết chết ít nhất 3 người và làm bị thương 17 người khác. Bán đảo Sinai đã chứng kiến bạo động leo thang từ khi ông Morsi bị lật đổ.

Trong khi đó, tướng lĩnh hàng đầu Ai Cập đã đọc một bài diễn văn trước quốc dân trên đài truyền hình, bênh vực quyết định lật đổ ông Morsi là để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đại tướng Abdel Patta el-Sissi nói: Ông Morsi đã mất đi tính cách chính đáng để điều hành vì các vụ biểu tình đông đảo do những người chống đối ông tổ chức. Quân đội Ai Cập bác bỏ những lời tố cáo cho rằng hành động của họ có động cơ tôn giáo.

Người biểu tình ủng hộ tổng thống bị lật đổ Morsi tại Cairo.

Từ khi bị lật đổ, ông Morsi đã bị câu lưu tại một địa điểm không được tiết lộ, trong khi hàng chục thành viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo cũng bị bắt giữ. Giới hữu trách không buộc ông về một tội ác, nhưng nói rằng họ đang tiến hành điều tra một loạt những đơn khiếu nại chống ông, kể cả tội gián điệp và phá hoại nền kinh tế.

Đối với giới quan sát, đó là các hành động trả đũa ông Morsi và phong trào Huynh đệ Hồi giáo bằng con đường tư pháp. Trước đây, ông Morsi đã cho truy tố hàng trăm nhà đối lập về tội "thóa mạ" Tổng thống và "khinh miệt đạo Hồi". Một số đông những người bị bắt đã được ngành tư pháp trả tự do.

Các nguồn tin tư pháp Ai Cập hôm 15/7 cho hay, các công tố viên đã hạ lệnh phong tỏa tài sản của 14 nhân vật Hồi giáo nổi bật, kể cả thủ lĩnh tối cao của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, ông Mohamed Badie.

Trước đó, ngày 14/7, lãnh đạo Ai Cập được quân đội ủng hộ đã chọn ông Mohamed ElBaradei làm Phó tổng thống lâm thời, và chọn một cựu đại sứ tại Mỹ làm Bộ trưởng Ngoại giao. Ông ElBaradei đã tuyên thệ nhậm chức trước Tổng thống Adly Mansour hôm 15/7. Ông ElBaradei là một trong những người lãnh đạo các cuộc biểu tình lớn cách nay hai tuần để đòi Tổng thống Morsi từ chức.

Thủ tướng lâm thời Hazem al-Beblawi tiếp tuc tìm thêm người để lập chính phủ. Cũng trong ngày 15/7, ông al-Beblawi đã bổ nhiệm ông Nabil Fahmy, cựu đại sứ tại Washington, vào chức Bộ trưởng Ngoại giao. Một số bộ trưởng khác sẽ được thông báo trong những ngày tới.

Xô xát giữa những người chống đối và những người ủng hộ ông Morsi tại thủ đô Cairo, Ai Cập, ngày 15/7.

Chuyến công tác của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Cairo đang trong thời điểm tế nhị. Ai Cập vốn là một đồng minh truyền thống của Mỹ tại khu vực Cận Đông. Hàng năm, Washington cấp cho quân đội Ai Cập 1,3 tỉ USD. Kể từ khi Tổng thống Morsi bị lật đổ, chính quyền Mỹ đã tránh né sử dụng cụm từ đảo chính, bởi vì trong trường hợp đảo chính, thì Washington sẽ phải ngưng viện trợ cho chính quyền Cairo.

Tuy nhiên, hai chính khách trong hàng ngũ đảng Cộng hòa là Thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham đang gia tăng áp lực kêu gọi chính quyền Obama cắt viện trợ cho Ai Cập. Ngoài ra, Mỹ đang kêu gọi Ai Cập trả tự do cho ông Morsi.

Cho đến thời điểm này, Mỹ vẫn chưa có thái độ dứt khoát là ủng hộ bên nào tại Ai Cập mà chỉ nói chung chung là mong muốn một nền dân chủ thực sự tại quốc gia này. Thái độ lập lờ của Mỹ khiến mọi người nhớ lại hồi đầu năm 2011, khi dân chúng Ai Cập tràn ngập đường phố thủ đô Cairo đòi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức, ông Obama là người đầu tiên trong hàng ngũ lãnh đạo các quốc gia đồng minh lên tiếng “gợi ý” ông Mubarak phải ra đi. Gần 2 năm rưỡi sau đó, khi người dân Ai Cập tràn ra đường trở lại đòi lật đổ chính vị tổng thống họ đã bầu lên, không thấy ông Obama có thái độ cương quyết như trước.

Ngay cả khi quân đội đưa tối hậu thư buộc Tổng thống Morsi phải từ chức cũng không thấy ông lên tiếng nói gì, ngoại trừ lời phát biểu được đưa ra khi trả lời báo chí lúc đang công du Tanzania cho hay cam kết của nước Mỹ với quốc gia đông dân nhất trong khối Arập "là lời cam kết của tiến trình dân chủ", từ lâu vai trò của nước Mỹ "không phải là vai trò chọn người lãnh đạo cho Ai Cập" vì quyết định đó "là quyết định của chính người dân Ai Cập".

Những người bất mãn biểu tình tại Cairo.

Nhà phân tích Mike Wilson từng giúp ứng viên Cộng hòa Mitt Romney tranh cử tổng thống hồi năm ngoái kể lại chuyện vào năm 2011 khi quân đội Ai Cập đưa xe tăng vào thủ đô Cairo, ông Obama rất lo âu, cho đến khi Đô đốc Tổng tham mưu trưởng Mike Mullen báo cáo rằng ít nhất phân nửa các tướng lĩnh Ai Cập đều tốt nghiệp các khóa huấn luyện quân sự và tham mưu ở Mỹ, lúc đó Tổng thống Obama mới thở phào nhẹ nhõm. Lần này cũng thế, ông Obama biết thái độ khôn khéo nhất là cứ ngồi yên không lên tiếng phê bình, tiếp tục viện trợ cho những tướng lĩnh ông tin vẫn là đồng minh của nước Mỹ, chờ đợi cuộc bầu cử diễn ra, một chính phủ mới thành hình ở Cairo rồi mới tính tiếp chuyện tương lai.

Ông Wilson nói thêm Mỹ coi dân chủ là mục tiêu tối thượng, nhưng nếu ông Obama lên tiếng chỉ trích các tướng lĩnh Ai Cập đảo chính ông Morsi thì có lợi gì không? Chỉ trích họ không đi theo đường hướng dân chủ chỉ giúp thỏa mãn nước Mỹ chứ chưa chắc đã có lợi, vì các tướng lĩnh Ai Cập có thể đưa ra phản ứng gay gắt, nói rằng Washington can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác. Lúc đó, lại mất thì giờ để sửa chữa chứ chẳng được gì cả. Điều đó có nghĩa là Mỹ "mặc nhiên chấp nhận chuyện quân đội lại điều khiển chính trường Ai Cập tương tự như điều đã xảy ra ngay sau khi ông Hosni Mubarak mới bị lật đổ, không cần thiết phải lên tiếng chỉ trích các tướng lĩnh đã sử dụng vũ lực đảo chính, truất quyền hành của một chính quyền dân sự.

Về phương diện nhân đạo, ngày 15/7 Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu xét chính sách viện trợ lúa mì cho Ai Cập. Ai Cập là quốc gia nhập khẩu loại ngũ cốc này nhiều nhất trên thế giới. Vào tuần trước, Cairo lên tiếng báo động là kho dự trữ lúa mỳ của Ai Cập chỉ còn đủ sức bảo đảm an ninh thực phẩm cho dân chúng trong vỏn vẹn hai tháng.

Sự tài trợ cho Ai cập thời kỳ hậu Morsi?

Sự tài trợ này rất cần thiết cho nền kinh tế Ai Cập đang kiệt quệ. Trong khi ngân sách 2012-2013 đã được xác lập với dự báo tăng trưởng GDP ít nhất 4% nhưng thời gian gần đây con số này chỉ còn 2%. Theo Chương trình Lương thực Thế giới, tình trạng yếu kém về kinh tế của người dân đã trầm trọng thêm từ sau cuộc cách mạng 2011. Giờ đây có một nửa số dân chúng bị xem như là nghèo đói hay ở ngưỡng nghèo đói.

Koweit: Theo Bộ trưởng về các vấn đề của Hội đồng Bộ trưởng Koweit, Sheik Mohammed Abdallah Al-Sabah, sự tài trợ của nước này gồm 1 phần tặng 1 tỉ USD, 1 phần đóng vào Ngân hàng Trung ương Ai Cập 2 tỉ USD và phần cung cấp 1 tỉ USD bằng sản phẩm từ dầu hỏa.

Arập Xêút: Bộ trưởng Tài chính nước này, Ibrahim Al-Assaf, liệt kê chi tiết phần tài trợ của Arập là tặng 1 tỉ USD, 2 tỉ USD nạp vào Ngân hàng Trung ương và phần cung cấp 2 tỉ USD bằng sản phẩm dầu khí. Sự trợ giúp này do Vua Abdallah quyết định nhằm "hỗ trợ cho nền kinh tế Ai Cập để đối phó với các thách thức mà nước này đang gặp phải". Arập Xêút đã nhận định với sự tích cực việc ông Morsi bị quân đội truất quyền và Vua Abdallah là nguyên thủ đầu tiên chúc mừng Tổng thống lâm thời Adli Mansour chỉ vài giờ sau khi vị này nhậm chức.

Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất đã hứa sẽ viện trợ cho Ai Cập 1 tỉ USD và một phần đóng vào Ngân hàng Trung ương 2 tỉ USD. Một viên chức dẫn đầu một phái bộ đã đến Ai Cập để gặp gỡ Tổng thống Mansour và khẳng định của mối quan hệ với Ai Cập và tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ phát triển thêm.

Qatar: Nước này là hậu thuẫn chính của Anh em Hồi giáo và là nhà tài trợ quan trọng dưới thời Tổng thống Morsi. Hôm 10/4 đất nước giàu khí đốt này đã công bố ý định mua lại các trái phiếu Ai Cập với giá 3 tỉ USD, thêm vào đó là phần tài trợ 5 tỉ USD. Qatar đã tỏ ra dè dặt với sự kiện ông Morsi bị hạ bệ, đồng thời khẳng định mong muốn tiếp tục ủng hộ Ai Cập". Chính phủ Doha lên án những hành động bạo lực đã làm chết 10 người trung thành với ông Morsi tại Cairo.

Mỹ: Tạm thời Mỹ chưa xét đến vấn đề thay đổi chương trình trợ giúp lương thực vì không nằm trong quyền lợi của Mỹ bất chấp những vụ đàn áp đẫm máu tại Cairo. Nhà Trắng cho biết, rằng phải cần thời gian để xác định xem việc truất phế ông Morsi có phải là đảo chính không. Thật vậy, luật pháp Mỹ ngăn cấm tài trợ cho một chính phủ lên nắm quyền nhờ đảo chính.

Chính phủ Israel cũng yêu cầu Mỹ đừng đóng băng việc trợ giúp quân sự cho Ai Cập trị giá 1,3 tỉ USD mỗi năm. Tờ Haaretz nhận định rằng mọi sự xét lại chương trình tài trợ của Mỹ cho Ai Cập sẽ có "hậu quả tiêu cực" đối với an ninh của Israel vì như thế Ai Cập sẽ có ít phương tiện hơn để đảm bảo an ninh tại bán đảo Sinai.

Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mỳ hàng đầu thế giới, mà một nửa được phân phối cho người dân dưới dạng bánh mỳ. Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) tỏ ra lo lắng về tình trạng an ninh lương thực tại đất nước đông dân nhất (84 triệu người) trong thế giới Arập này do những rối loạn xã hội.

Trong báo cáo cuối quý về "viễn cảnh thu hoạch và tình trạng lương thực", FAO dự báo giai đoạn 2013-2014 Ai Cập sẽ gia tăng nhập khẩu giống như năm qua dù có thu hoạch dồi dào. FAO cũng cảnh báo rằng sự giảm sút trữ lượng ngoại tệ sẽ có thể dẫn đến nhiều gò bó mới đối với các giao dịch của Ngân hàng Trung ương.

Hàng năm Ai Cập nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn lúa mỳ. Vắng mặt khỏi các thị trường từ tháng 2, nước này vừa nhập khẩu 180.000 tấn lúa mỳ ngay trước khi ông Morsi rời khỏi chính trường

Mộc Thạch - Mặc Lâm (tổng hợp)

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文