Nguy hiểm nếu quân sự hóa Biển Đông

13:50 02/09/2020
Việc Trung Quốc gia tăng tập trận tại các vùng biển có tranh chấp, trong đó có Biển Đông, thời gian gần đây được biện minh là để đáp trả những động thái khiêu khích về mặt quân sự của Mỹ. Washington thì phản đối chính sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, do đó thường xuyên gửi tàu chiến đi ngang qua tuyến đường thủy chiến lược này với lý do đảm bảo “tự do hàng hải”.

Việc các nước lớn tung hứng dù với bất cứ lý do gì để làm leo thang quân sự tại Biển Đông là trái với các công ước quốc tế và làm tổn hại tới quyền lợi của các nước trong khu vực.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn gần đây, Trung Quốc liên tục có những cuộc phô trương thanh thế của lực lượng hải quân trên 4 vùng biển: Biển Đông, Hoàng Hải, Bột Hải và eo biển Đài Loan. Trong bài viết trên báo Hong Kong South China Morning Post ngày 25-8, nhà nghiên cứu Richard Javad Heydarian, người thường xuyên cộng tác với các trung tâm nghiên cứu như CSIS hay CFR của Mỹ, cho biết tổng cộng có đến 6 cuộc diễn tập do Trung Quốc tiến hành tại các vùng biển có tranh chấp. Hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ đã được điều tới Biển Đông 2 lần trong tháng 7. Thời gian này, Mỹ tiến hành hai cuộc diễn tập quân sự cùng lúc ở 2 vùng biển châu Á với sự tham gia của các đồng minh như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ...

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án, yêu cầu Trung Quốc hủy tập trận gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang về nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, công nghệ, nhân quyền đến vấn đề Biển Đông với việc Washington tỏ ra cứng rắn hơn trong việc chống lại yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, đồng thời gia tăng sự hiện diện hải quân trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc Trung Quốc “quân sự hóa” khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Khoảng 3.000 tỉ USD thương mại đi qua tuyến đường thủy này mỗi năm.

Việc cả Trung Quốc và Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự ở vùng biển này đều không được các nước trong khu vực hoan nghênh. Tuần trước, Manila gửi công hàm phản đối Trung Quốc “vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Philippines” qua việc uy hiếp ngư dân Philippines đang hoạt động tại bãi cạn Scarborough. Nhà nghiên cứu Richard Javad Heydarian cho rằng, hành động của Trung Quốc ngày càng quá quắt đến nỗi, đặt Tổng thống Philippines, vốn có lập trường hòa hoãn với Bắc Kinh, vào thế khó xử. Nhiều thành viên trong chính quyền Manila công khai đưa ra quan điểm trái ngược với lập trường của Tổng thống Duterte.

Trước đó, Australia gửi tuyên bố chính thức lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách lãnh thổ và hàng hải của Bắc Kinh đối với Biển Đông, một động thái cho thấy nước này liên kết chặt chẽ hơn với Washington trong cuộc tranh cãi đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc về vùng biển.

Hồi đầu tháng 8, các thành viên ASEAN lên tiếng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình và theo luật quốc tế. Bản thông cáo của khối nhấn mạnh vào thái độ quan ngại của các nước Đông Nam Á về việc Mỹ và Trung Quốc gia tăng quân sự trong vùng. Ngày 29-8, phát biểu sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nói: “Chúng tôi nhất trí rằng cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng kiên quyết trước bất kì sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông”.

Theo giới quan sát, việc Bắc Kinh đang diễu võ giương oai ở các vùng biển có tranh chấp nhằm 3 lý do. Thứ nhất là hù dọa Đài Bắc và thuyết phục Mỹ giữ khoảng cách với Đài Loan mà Trung Quốc luôn xem là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Thứ hai là tỏ thái độ bất bình trước sự hiện diện ngày càng nhiều của quân đội Mỹ trong khu vực mà Bắc Kinh luôn coi là sân sau của mình. Lý do thứ ba khiến Trung Quốc gia tăng các cuộc tập trận tại các vùng biển có tranh chấp chủ quyền, nhằm gia tăng sức ép với các đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như với Philippines.

Nhà nghiên cứu Benoit de Tréglodé, Giám đốc khu vực châu Phi - châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) thì có cái nhìn xa hơn. Theo ông, tình hình đang thay đổi thực sự. Bối cảnh hiện nay đã rất khác, trật tự hậu Chiến tranh Lạnh bị suy yếu rõ ràng. Hiện nay, Trung Quốc phản đối hoàn toàn trật tự tồn tại ở châu Á từ cuối Thế chiến 2, về nền hòa bình kiểu Mỹ mà Bắc Kinh coi là chiến lược vây tỏa. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để có thể hiểu được sự thay đổi lập trường của Trung Quốc. Yếu tố thứ hai cần nhắc đến, đó là giai đoạn hiện nay vô cùng bấp bênh bởi vì các nước tham dự vào việc leo thang quân sự ở Biển Đông đang trong bối cảnh chính trị nội bộ rất quan trọng. Tại Trung Quốc, tiến tới kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 là thời điểm rất quan trọng về mặt huy động quần chúng, khích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa để đạt sự ủng hộ của ông Tập Cận Bình. Tại Mỹ, là cuộc vận động tái tranh cử của ông Donald Trump.

Trước sự cạnh tranh và đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, khối ASEAN từ chối chọn phe. Thực tế chính trị và lịch sử của đa số các quốc gia trong vùng Đông Nam Á là duy trì chính sách cân bằng giữa các cường quốc, cũng như luôn bận tâm về nguy cơ một nước thứ ba gây ra một cuộc chiến trong khu vực. Do vậy, có thể nói những nước có chung Biển Đông và những vùng biển có tranh chấp khác đang trở thành con tin trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài từ vài tháng nay, đầu tiên là căng thẳng thương mại, tiếp theo là quan hệ thương mại trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và hiện giờ là chính sách ngày càng hiếu chiến hơn giữa các bên liên quan đến Biển Đông.

Ngày 26-8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói “việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ động thái này của Bắc Kinh “đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông”.
Mộc Thạch (Tổng hợp)

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều nay (27/4) cho biết, trong hành trình truy bắt 3 đối tượng người nước ngoài gây án cướp tài sản có tổng trị giá gần 700 triệu đồng, các trinh sát hình sự phát hiện còn có 1 đối tượng đồng phạm khác cũng là người nước ngoài, nên đang khẩn trương truy lùng.

Quá trình kiểm tra, đối tượng khai nhận đang cất giấu trong người 1 khẩu súng ngắn, trong súng có chứa 4 viên đạn  với mục đích mua về để sử dụng phòng thân và hiện đang cất giấu ma tuý đá, heroin, hồng phiến tại chỗ ở của hai vợ chồng.   

Chiều 27/4, Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam theo đường mòn, lối mở trái phép trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, nên xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ.  

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Ngay sau đó, Vương quốc Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt lên tiếng “hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine” nhằm giúp nước này phòng thủ trước Nga. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu 61 tỉ USD có đủ cho Ukraine không?

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

Sáng 27/4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, người dân vẫn tiếp tục rời Hà Nội đi du lịch và về quê qua cửa ngõ phía Nam Thủ đô khiến mật độ phương tiện trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tăng cao, ùn tắc kéo dài đã xảy ra trước trạm thu phí.

Từ nhiều năm qua, hơn 60 hộ gia đình nông dân ở thôn Lễ Lộc Bình, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (Phú Yên) bức xúc vì con đường đi ra đồng đất Khu A hình thành lâu đời bỗng bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một hộ dân, cất nhà trên đó; để rồi bà con không có lối đi để sản xuất, vận chuyển nông sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文