“Nóng” tranh chấp khí đốt tại Địa Trung Hải

09:11 27/08/2020
Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ kéo dài thời hạn hoạt động của các tàu thăm dò khí đốt ở vùng tranh chấp Địa Trung Hải bất chấp sự phản đối ngày càng mạnh và rõ ràng từ nhiều nước. Giữa bối cảnh căng thẳng có dấu hiệu gia tăng, Mỹ thông báo điều động tàu ngầm tới khu vực.

Ngày 23-8, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành chỉ thị mới, nêu rõ công việc của tàu thăm dò địa chấn Uruj Rais cùng 2 tàu khác sẽ tiếp tục cho đến ngày 27-8. Trước đó, ngày 10-8, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez thông báo tàu Oruc Reis đã “tới điểm đến trên biển Địa Trung Hải, nơi nó sẽ nối lại hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 23-8”. Khu vực thăm dò của Uruj Rais cùng 2 tàu khác của Thổ Nhĩ Kỳ là vùng biển mà Hy Lạp, Síp và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tuyên bố chủ quyền.

Việc Ankara nối lại hoạt động thăm dò là nhằm đáp trả lại thỏa thuận hàng hải giữa Ai Cập và Hy Lạp. Nhưng, việc kéo dài thời hạn hoạt động của các tàu trên là nhắm đáp trả thái độ cứng rắn của Hy Lạp và châu Âu, nhất là động thái của Pháp. Kể từ hôm 10-8, khi đoàn tàu Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào vùng biển có tranh chấp, Hy Lạp đã phái lực lượng hải quân của mình đến nơi để giám sát.

Các tàu quân sự Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống tàu thăm dò Oruc Reis.

Theo tiết lộ của một nguồn tin quân sự Hy Lạp với hãng Reuters, thì vào ngày 12-8, khi tàu khảo sát Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ và đoàn chiến hạm hộ tống di chuyển qua khu vực nằm giữa đảo Síp và đảo Crete của Hy Lạp, chiếc khinh hạm mang tên Limnos của Hy Lạp đã sáp lại gần đoàn tàu và khi bẻ lái để tránh đâm thẳng vào tàu Thổ Nhĩ Kỳ, chiếc Limnos đã vô tình chạm vào đuôi của khinh hạm Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Reis.

Nguồn tin Hy Lạp khẳng định vụ việc chỉ là một “tai nạn”, chiến hạm Hy Lạp không hề bị hư hại và sau đó tham gia cuộc tập trận với hải quân Pháp ngày 14-8. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, phản ứng có phần gay gắt hơn. Phát biểu tại Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlut Cavusoglu yêu cầu Hy Lạp có hành động chừng mực, “đừng tìm cách khiêu khích tàu khảo sát Oruc Reis như đã làm 2 ngày trước đó, nếu không muốn bị trả đũa”.

Cùng lúc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào tàu thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải sẽ phải trả giá rất đắt và hàm ý cho hiểu rằng Ankara đã thực hiện lời cảnh cáo đó.

Sau cuộc họp của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu ngày 15-8, các nước châu Âu khẳng định tình đoàn kết với Hy Lạp. Trước đó, Pháp điều động tàu chiến và phi cơ chiến đấu đến khu vực Địa Trung Hải để hỗ trợ Hy Lạp. Đáp trả hành động này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng lời lẽ nặng nề, khi ví sự hiện diện quân sự của châu Âu tại vùng biển này như các hoạt động của “quân lục lâm, thảo khấu”.

Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu cáo buộc Pháp hành động “giống như đại ca giang hồ”. Ông Cavusoglu nói: “Pháp nên ngừng thực hiện các biện pháp làm gia tăng căng thẳng” liên quan đến tình hình ở Địa Trung Hải không chỉ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp, mà còn giữa Libya và Syria.

Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias phát biểu bên cạnh Ngoại trưởng Síp Nikos Christodoulides.

Nội bộ châu Âu hiện không thống nhất trước việc Pháp điều động thêm quân đến khu vực này để hỗ trợ Hy Lạp. AFP cho biết, Pháp tạm thời đã điều 2 chiến đấu cơ Rafale và 2 tàu chiến đến vùng biển này. Đức giữ khoảng cách với biện pháp này và cố đứng ra làm môi giới hòa giải. Liên minh châu Âu sẽ trở lại thảo luận về vấn đề này trong phiên họp ngày 27 và 28 tại Berlin, theo mạng thông tin châu Âu Euractiv.

Căng thẳng Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã âm ỉ từ lâu. Giữa tháng 6, Bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly cho biết tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ đã có những thao tác “vô cùng hung hăng” nhắm vào một chiến hạm Pháp tham gia chiến dịch của NATO ở Địa Trung Hải. Bộ trưởng Pháp cho đây là một sự cố rất nghiêm trọng giữa thành viên NATO với nhau. Hộ tống hạm Pháp Le Courbet khi đang tìm cách nhận dạng một tàu chở hàng bị nghi ngờ chở vũ khí sang Libya, đã 3 lần bị tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ dùng radar khóa mục tiêu, bà Parly nói.

Trước đó, khẩu chiến giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên. Paris tố Ankara vi phạm lệnh cấm vận vũ khí ở Libya. Vào mùa thu 2019, Pháp cũng đã tố cáo sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các lực lượng Kurdistan, đồng minh của phương Tây ở Syria.

Lãnh đạo ngoại giao Liên minh châu Âu Josep Borrel cho rằng căng thẳng lần này ở Đông Địa Trung Hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ rất nghiêm trọng. Trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này, Hy Lạp đã huy động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Ngày 20-8, Hy Lạp và Cộng hòa Síp đã kêu gọi Liên minh châu Âu cần có lập trường cứng rắn hơn khi đối mặt với những ý định của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải. Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias đã có chuyến thăm đến Cộng hòa Síp để hai quốc gia thuộc Liên minh châu Âu này hợp tác với nhau đối phó Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại một cuộc họp báo ở Nicosia, sau khi gặp người đồng cấp Síp Nikos Christodoulides và Tổng thống Nicos Anastasiades, Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ cử một hạm đội hải quân hộ tống tàu nghiên cứu địa chấn đến vùng biển tranh chấp là “Hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ hướng vào EU” và cáo buộc Ankara đóng “vai trò gây bất ổn” trong khu vực.

Trong một cuộc điện đàm mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ mối quan ngại của hai nước về tình hình căng thẳng “gia tăng” giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, các đồng minh trong khối NATO. Ngày 22-8, website của Hạm đội 6 Hải quân Mỹ cho biết tàu ngầm USS Seawolf đã được Mỹ điều động từ Bangor, bên bờ Thái Bình Dương, tới Địa Trung Hải. Hiện Ankara chưa phản ứng gì trước thông tin này.

Trước đó, ngày 19-8, Tổng thống Erdogan tuyên bố không gì cản được bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải. “Không một cường quốc thực dân hay mối đe dọa nào có thể cản trở đất nước chúng tôi từ bỏ nguồn lợi dầu mỏ, khí đốt được cho là tồn tại ở vùng biển này”, ông Edorgan nói, đồng thời cho biết Ankara sẵn sàng giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và ngoại giao thay vì làm leo thang căng thẳng.

Theo giới quan sát, Thổ Nhĩ Kỳ tự biết là mình bị cô lập trong vấn đề này và cũng không có quyền lợi gì hơn Hy Lạp láng giềng khi tình hình xấu đi. Ngoài ra, cho dù có cứng rắn đến đâu chăng nữa thì lời cảnh cáo của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn kèm theo kêu gọi đối thoại.

Việc phát hiện ra các mỏ khí đốt lớn trong những năm gần đây ở Đông Địa Trung Hải đã kích thích sự thèm khát của các nước ven biển và làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, các thành viên của NATO, đồng thời gây bất hòa về việc phân định biên giới giữa các nước trong khu vực.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, đang được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến người dân, TP lên kế hoạch cấm các hoạt động, sự kiện dưới hình thức thuần túy hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm... quanh phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc ngày 3/5 với Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, rút kinh nghiệm chương trình sơ duyệt khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng để nhờ người xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” và bị tuyên phạt 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Trong vụ án mới đây, Hằng đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là 4 xe ô tô trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文