Cấm mặc đồ bơi Hồi giáo vì sợ liên quan đến… khủng bố
- Nhìn gương Pháp và Đức, Anh tăng cường an ninh London
- Khủng bố tại Nice, Pháp: Nhiều lỗ hổng an ninh
Lệnh cấm nêu trên được thực thi vào đúng giai đoạn cao điểm của mùa nghỉ hè ở Cannes. Ông David Lisnard, Thị trưởng thành phố Cannes cho rằng "burkini như là một biểu tượng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan", và nó có thể châm ngòi cho những cuộc gây rối trật tự công cộng. Bất cứ ai không chấp hành lệnh cấm này sẽ bị phạt tiền 38 Euro (khoảng gần 900.000 đồng Việt Nam).
Bộ đồ tắm Burkini của phụ nữ Hồi giáo nay đã bị cấm ở Cannes. |
Thông báo của Thị trưởng Cannes có đoạn: "Cố ý ăn mặc để biểu lộ khuynh hướng tôn giáo trong lúc nước Pháp và nhiều quốc gia khác đang hứng chịu những đợt tấn công khủng bố là nguy cơ tạo ra bất ổn cho trật tự cộng đồng".
Trả lời phỏng vấn của báo Nice Matin, Thị trưởng David Lisnard còn nói thêm rằng biện pháp nêu trên cũng có thể được áp dụng đối với những phụ nữ Ấn Độ mặc đồ tắm Sari (khăn choàng trùm kín người) vì nó gây cản trở nỗ lực cứu hộ nếu xảy ra sự cố đuối nước.
Đồng tình với bản thông báo ấy, ông Thierry Migoule, một quan chức thuộc Hội đồng thành phố Cannes nói: "Chúng tôi không muốn đề cập tới việc mặc những trang phục có liên quan tới biểu tượng tôn giáo trên biển, nhưng những bộ quần áo như thế dễ làm liên tưởng tới các hoạt động khủng bố, vốn đã gây ra không ít vấn đề cho an ninh của người dân Pháp thời gian qua".
Burqini hay burkini là một loại quần áo bơi dành cho phụ nữ theo đạo Hồi, ra đời vào năm 2004 bởi Adeha Zanetti, một nhà thiết kế thời trang người Australia gốc Liban, làm việc tại Công ty may mặc Ahiida. Cái tên "burqini" là sự kết hợp giữa hai từ "burqa" (nghĩa là cơ thể) và bikini (đồ tắm hai mảnh). Khác với bikini, burkini che kín từ đầu đến chân, trừ khuôn mặt, bàn tay và bàn chân, vừa đủ để không vi phạm giới luật Hồi giáo nhưng vẫn đủ nhẹ để người mặc thoải mái bơi lội.
Đây không phải là lần đầu tiên nước Pháp ra lệnh hạn chế một số trang phục của phụ nữ theo đạo Hồi. Năm 2011, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cấm phụ nữ đeo Burka (mạng che toàn bộ khuôn mặt) và Niqab (mạng che một phần khuôn mặt). Trước khi lệnh cấm của Thị trưởng David Lisnard được ban hành thì hồi đầu tuần này, một công viên nước gần Marseille đã phải hủy bỏ một sự kiện dành riêng cho áo tắm burkini vì lời phản đối của những tập thể, cá nhân theo khuynh hướng cực hữu.
Ngay sau khi lệnh cấm burkini được ban hành, nó lập tức vấp phải những sự chỉ trích. Bà Feiza Ben Mohamed, Tổng Thư ký Liên đoàn Hồi giáo miền Nam nước Pháp nói: "Hiện tại, nhắc đến người theo đạo Hồi thì tất cả mọi thứ đều thành vấn đề, từ thức ăn, quần áo, tàu điện ngầm và giờ đây là các bãi biển. Nhưng các nữ công tước của xứ Arab Saudi sẽ không bị phạt dù họ mặc burkini, cảnh sát Pháp chỉ chú ý đến các bà mẹ Hồi giáo bình thường muốn dẫn con đi tắm biển mà thôi".
Thẩm phán Marie, Tòa án Cannes thì cho rằng nguy cơ gây rối trật tự công cộng được viện dẫn bởi Thị trưởng Cannes có vẻ khá mong manh: "Sự tự do cơ bản về ăn mặc đã bị xâm phạm bởi một lý do không tương xứng".
Còn tờ Le Monde viết: "Nước Pháp không có luật cấm mặc đồ bơi kiểu này hay kiểu kia. Các luật về cấm đeo mạng che toàn bộ khuôn mặt chỉ có hiệu lực ở những nơi công cộng trong lúc bộ quần áo tắm burkini lại để hở cả mặt nên nó hoàn toàn hợp pháp". Riêng tờ Liberation cáo buộc Thị trưởng Cannes đang cố gắng ghi điểm chính trị để lấy lòng cử tri bởi lẽ ông này vốn là thành viên đảng Cộng hòa hữu khuynh.
Theo người đại diện của "Liên đoàn Nhân quyền Pháp" và "Tập thể chống tinh thần bài Hồi giáo" thì họ sẽ kiện lệnh cấm của Thị trưởng thành phố Cannes ra tòa. Luật sư Sefen Guez Guez gọi lệnh này là "bất hợp pháp, phân biệt đối xử và vi hiến".
Với người đi tắm biển ở Cannes, hầu hết cũng không đồng tình với lệnh cấm Burkini. Diana Bishay, hiện sống ở Paris nói: "Tôi sinh ra ở Ai Cập và tôi lớn lên với những phụ nữ mặc burkini khi họ đi tắm biển. Nhưng tôi thật sự sốc khi nghe tin này. Chúng ta phải tôn trọng sự tự do ở một đất nước tự do mà chúng ta đang sống". Magaritte, dân Cannes chính hiệu thì cho rằng: "Lẽ ra nên cấm những phụ nữ mặc những bộ đồ bơi nhìn như… không mặc gì! Đó là sự xúc phạm đến thuần phong mỹ tục. Việc cấm burkini là một động thái phân biệt đối xử, gây ra những căng thẳng tôn giáo".
Helene, giáo viên một trường cấp 2 ở thành phố cảng Marseille bức xúc: "Tuần trước, thị trưởng của một thị trấn bên ngoài Marseille đã ra lệnh cấm bơi 1 ngày tại một công viên nước đối với những phụ nữ mặc đồ bơi kín từ cổ đến đầu gối với lý do đó là hình thức của luật Hồi giáo Awra. Tôi không theo đạo Hồi nhưng tôi thấy lệnh này quá phi lý. Nó sẽ khiến người Pháp xa lánh những người theo đạo Hồi. Hãy lưu ý rằng trong vụ tấn công bằng xe tải xảy ra ở Nice hôm Quốc khánh Pháp 17-7, trong số 85 nạn nhân thiệt mạng, 1/3 là người Hồi giáo"".
Susane, sinh viên Đại học Toulouse nói thêm: "Chẳng có liên quan gì giữa bạo động chính trị và kiểu quần áo tắm được phụ nữ Hồi giáo ưa thích".
Mặc dù gặp phải sự phản đối mạnh mẽ, không chỉ từ những người theo đạo Hồi mà còn từ những người theo các tôn giáo khác, nhưng ngày 13-8, một thẩm phán thuộc Tòa án Cannes đã bác bỏ yêu cầu hủy lệnh cấm mặc burkini tại các bãi biển công cộng. Trước sự kiện ấy, Luật sư Sefen Guez Guez, thuộc "Tập thể chống lại tinh thần bài Hồi giáo" tại Pháp tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết của thẩm phán này lên Hội đồng Nhà nước, là cơ quan quản lý tối cao của nước Pháp.
Cũng cần nói thêm rằng nước Pháp là nơi có một trong những cộng đồng Hồi giáo lớn nhất EU. Quốc gia này đang trong tình trạng báo động cao sau một loạt các đợt khủng bố, trong đó có vụ một xe tải lao vào thường dân hôm 14-7 tại Nice, tiếp giáp với Cannes khiến 85 người thiệt mạng. Tổ chức khủng bố IS nhận trách nhiệm cuộc tấn công đẫm máy này. Chưa tới 2 tuần sau đó, một linh mục Công giáo La Mã ở tây bắc nước Pháp bị những kẻ tuyên bố trung thành với IS sát hại trong lúc đang cử hành thánh lễ.
Mặc dù tới nay, chưa một phụ nữ nào ở Cannes bị xử phạt vì mặc burkini nhưng nhìn chung, đa số phụ nữ theo đạo Hồi có thói quen tắm biển hoặc bơi tại những hồ bơi công cộng đều e dè. Cô Lea, một người Pháp gốc Jordan nói: "Hàng chục năm nay, tôi đã quen với bộ burkini mỗi lúc tắm biển. Bây giờ phải mặc áo tắm một mảnh hoặc hai mảnh để khỏi bị phạt, tôi thấy chẳng dễ chịu chút nào…".