Tại sao không thể ngừng chiến giữa Israel với Hamas?

08:00 16/01/2009
Lãnh đạo Israel đã từ chối ngừng cuộc tấn công quân sự vào Dải Gaza bất chấp những cuộc biểu tình, cũng như các hoạt động ngoại giao đã và đang được tiến hành cả trong và ngoài khu vực khiến dư luận thực sự quan ngại về một cuộc chiến nằm ngoài tầm kiểm soát.

Từ những bất ổn tại Trung Đông...

Tổng thống Israel Shimon Peres đã bác bỏ khả năng ngừng bắn trong bối cảnh lực lượng quân đội nước này đang đẩy mạnh cuộc tấn công trên bộ nhằm vào các tay súng Hamas ở Dải Gaza.

Mọi người đều cho rằng, Isarel không tái chiếm Dải Gaza như đã từng làm trước đây, nhưng điều này không có nghĩa những người khai hỏa không kiếm lợi thông qua cuộc chiến này. Cho dù tiến vào Dải Gaza từ 4 hay 5 cánh quân thì Israel cũng không thể tạo được thế bất ngờ hay chủ động giống như các cuộc không kích được tiến hành trong mấy ngày qua.

Được biết, ngoài việc rải truyền đơn, Israel còn dùng cả YouTube để quảng bá cho chiến dịch Gaza. Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Gabriela Shalev từng cho rằng, cuộc tấn công kéo dài sẽ có thể tiêu diệt hoàn toàn Hamas, nhưng đó là nhận định sai lầm.

Tuy đang chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trên chiến trường, nhưng quân đội Israel đã và đang phải đối mặt với những hệ quả tất yếu từ 2 cuộc chiến trên không và trên bộ. Khác với những cuộc chiến trước đây, lần này Tel- Aviv công khai mục tiêu tấn công của cuộc không kích cũng như mở cuộc chiến trên bộ - tiêu diệt hoặc tiêu hao tối đa lực lượng Hamas để tổ chức này không còn khả năng tấn công vào Israel trong thời gian trước mắt.

Giới quân sự nhận định, tuy được chuẩn bị khá kỹ càng, cùng việc tung hàng nghìn binh lính dưới sự hỗ trợ của hàng trăm xe tăng, xe bọc thép và máy bay chiến đấu yểm trợ, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Isarel sẽ nhanh chóng giành thắng lợi trên chiến trường khi mở cuộc chiến trên bộ.

Kể từ khi Israel khai hỏa cuộc không kích và mở màn cuộc chiến trên bộ đã có hơn 500 người Palestine chết (trong đó có khoảng 90 trẻ em và phụ nữ bị thiệt mạng) cùng gần 3.000 người khác bị thương. Cuộc chiến trên bộ cũng đã và đang khiến cho cuộc sống của khoảng 1,5 triệu người Palestine lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Quyết định mở cuộc chiến trên bộ cũng đồng nghĩa với việc Isarel sẽ phải căng mình để đối phó với ít nhất là 2 cuộc chiến - Dải Gaza và khả năng khai hỏa của các tay súng Hezbollah ở Liban.

...Và thương vong không thể tránh khỏi.

Chẳng ai ngây thơ nghĩ rằng, Tel-Aviv đưa bộ binh vào Dải Gaza chỉ nhằm mục tiêu ngăn chặn Hamas bắn rocket vào lãnh thổ Israel. Việc tàn phá nặng nề hầu hết các cơ sở của Hamas ở Dải Gaza không đồng nghĩa với việc lực lượng này mất chỗ dựa cũng như khả năng tác chiến. Tuy đã tiêu diệt được một số lãnh đạo cấp cao cũng như nhiều tay súng Hamas, nhưng Israel khó có thể tiêu diệt tổ chức này bởi họ có tới từ 15.000 đến 25.000 chiến binh.

Có tài liệu nói rằng, khoảng 25.000 tay súng Hamas đã được triển khai dọc biên giới Gaza - Israel. Israel vẫn lo sợ tái diễn "thảm kịch Liban 2006" - thất bại trong cuộc chiến chống lại Hezbollah. Nhà lãnh đạo lưu vong của Hamas Khaled Meshaal tuyên bố, sẽ biến Gaza thành "tử địa của lính Israel".

Giới tình báo cho rằng, Israel đã lên kế hoạch cụ thể nhằm tiêu diệt hoặc triệt phá cơ sở của Hamas sau khi lực lượng này giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi đầu năm 2006 và chiếm giữ Dải Gaza từ tháng 6/2007.

Theo đánh giá của giới quân sự, những thiệt hại mà Hamas đang gánh chịu là lớn nhất kể từ khi phong trào này được thành lập và kiểm soát Dải Gaza đến nay. Cuộc tấn công bằng bộ binh  của Israel nhằm gây sức ép buộc Hamas phải ký thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện, tạo hành lang an toàn tức là Hamas không bắn rocket vào lãnh thổ Israel.

...Đến "cuộc chơi của những ông lớn"

Giới quân sự coi đây là chiến dịch quân sự dài ngày và chưa có hồi kết - nó chỉ kết thúc sau khi những người khai hỏa cuộc chiến thu được những lợi ích nhất định. Cuộc chiến tại Gaza cũng như bất ổn tại Trung Đông đang là cơ hội cho "những ông lớn" tái hoạch định chiến lược. Nhiều người cho rằng, chính thái độ của Mỹ đã khiến cho chảo lửa Trung Đông càng thêm "nóng". Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp nhiều lần nhưng vẫn không thể đưa ra được tuyên bố chung về tình hình tại Dải Gaza.

Cho đến nay Mỹ vẫn coi Hamas là nguyên nhân gây ra cuộc xung đột Israel đang nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Trước đó, Tổng thống Bush khẳng định, Hamas phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột tại Dải Gaza hiện nay. Cũng có người cho rằng, Israel hy vọng người dân ở Dải Gaza sẽ nhanh chóng đổ lỗi cho Hamas về cuộc chiến hiện nay, nhưng tình hình không diễn ra như vậy.

Nhiều người cho rằng, khai hỏa cuộc chiến trên bộ cũng là liệu pháp "xì hơi", "tăng tỉ lệ ủng hộ" khi Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama chính thức nhậm chức hôm 20/1 và cuộc bầu cử Quốc hội Israel đang đến gần (10/2). Có người thẳng thắn nhận định, cuộc chiến càng khốc liệt thì tỉ lệ ủng hộ Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Tzipi Livni và cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barack càng tăng cao.

Mặc dù phái đoàn ngoại giao của Liên minh châu Âu cũng như chuyến công du của Tổng thống Pháp (kéo dài 3 ngày từ 5/1) đang được tiến hành ráo riết, nhưng cuộc chiến tại Dải Gaza cũng như tình hình bất ổn ở Trung Đông vẫn đang diễn ra theo hai chiều đối nghịch bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Khả năng vẽ lại bản đồ chính trị Palestine sau cuộc chiến là điều khó xảy ra bởi từ lâu Fatah, lực lượng trung thành với Tổng thống Mahmud Abbas đã "mất điểm" trong lòng người dân Palestine.

Giới truyền thông cho rằng, chuyến công du của Ngoại trưởng Cộng hòa Czech Karel Schwarzenberg, Ủy  viên Ủy ban châu Âu phụ trách đối ngoại Ferrero-Waldner, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt và người đồng cấp Pháp Bernard Kouchner tới Trung Đông để hội đàm với các nhà lãnh đạo Israel, Palestine và Jordan chỉ mang tính ngoại giao, không có kết quả cụ thể. Nếu có thì đó chỉ là hoạt động mang tính "cứu trợ nhân đạo". Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner cho rằng, Dải Gaza đang thiếu đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống như thức ăn, nước uống, thuốc men và xăng dầu, nhưng Israel đang cản trở các hoạt động cứu trợ.

Nhiều cuộc biểu tình cũng đã và đang tiếp tục nổ ra trên phạm vi thế giới sau khi Israel phát động cuộc chiến trên bộ kể từ đêm 3/1. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình tại Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan, Pháp, Canada, Indonesia, Liban... dường như không mấy ảnh hưởng tới chiến trường. Làn sóng biểu tình phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza đã và đang tiếp tục nổ ra tại nhiều thành phố lớn trên thế giới và ngày càng lan rộng.

Cộng đồng quốc tế đều muốn Israel chấm dứt ngay cuộc chiến, thực hiện thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Nhiều người cảnh báo, nếu cuộc xung đột Israel với Hamas kéo dài có thể tạo điều kiện bùng phát một cuộc chiến tranh lớn hơn, nhất là khi Liban, Syria, Iran và một số quốc gia khác bị lôi cuốn. Dư luận cho rằng, Iran tài trợ cho Hamas và Hezbollah không chỉ nhằm chống lại Israel, mà còn muốn tạo ảnh hưởng trong thế giới Arập. Tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể để chấm dứt chiến dịch gây hấn của Israel.

Hiện Israel đã chia cắt Dải Gaza làm 2 phần để tiện cho việc truy sát các nhân vật cấp cao của Hamas. Chỉ huy quân đội Israel cho biết, các tay súng Hamas đang rút sâu hơn vào bên trong Gaza. Chiến thắng của Israel cũng đồng nghĩa với thắng lợi của Ai Cập, Jordan và các nước khác trong khu vực bởi họ chống lại Hamas và Iran. Điều này cũng đồng nghĩa với việc củng cố địa vị của Tổng thống Mahmoud Abbas, người hết nhiệm kỳ trong tháng 1.

Nhưng nếu cuộc tấn công của Israel kéo dài thì khả năng bị cô lập của Tổng thống Mahmoud Abbas càng tăng lên. Giới phân tích nhận định, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas sẽ phải diễn ra trong thời gian tới - nhanh chậm tùy theo tiến triển của chiến sự

Nguyễn Thị Lân (Tổng hợp)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文