Trục vớt tàu chở vàng lớn nhất thế giới

08:00 26/05/2006
Chính phủ Anh và một công ty của Mỹ  chuẩn bị trục vớt tàu Sussex chở đầy vàng bạc châu báu bị đắm ở vùng biển gần Gibraltar.

Sau nhiều năm tìm kiếm ở vùng biển Địa Trung Hải gần khu vực Gibraltar, ông Stemm cùng các nhà tìm kiếm đã phát hiện xác tàu Sussex ở độ sâu 900 mét.

Ông Greg Stemm là chủ hãng khai quật dưới đáy biển mang tên “Odyssey”. Hãng này cùng với Chính phủ Anh, Tây Ban Nha đang chuẩn bị tiến hành khai quật, nếu thành công, thì đây sẽ là vụ khai quật lớn chưa từng có vì tàu Sussex được mệnh danh là con tàu chở nhiều vàng bạc châu báu nhất thế giới, số tài sản trên con tàu này trị giá 4 tỉ euro. Đây cũng là vụ săn tìm vàng bạc ở độ sâu lớn nhất, có thể đem lại một khoản lợi nhuận khổng lồ nhưng đồng thời cũng là vụ khai quật gây nhiều rắc rối về mặt ngoại giao nhất. Vụ đắm tàu Sussex được coi là một trong những thảm họa thê thảm nhất trong lịch sử Hải quân Hoàng gia Anh.

Chiếc tàu Sussex bị bão đánh đắm ngày 19/2/1694 gần eo biển Gibraltar đã mang theo xuống đáy biển một kho báu khổng lồ, đó là rất nhiều hòm và thùng bằng gỗ chứa đầy tiền kim loại và vàng, bạc thỏi ước tính trị giá 1 triệu bảng thời đó. Với kho báu khổng lồ này, Vua William III (Anh) có ý định mua chuộc, lôi kéo công tước xứ Savoyen đứng về phía mình, chiêu mộ một đội quân đánh thuê, tấn công nước Pháp dưới sự lãnh đạo của Vua Ludwig XIV từ phía biển Địa Trung Hải. Và tàu Sussex có sứ mạng quyết định, cung cấp tiền của để thực hiện ý đồ chiến lược này. Tuy nhiên, một cơn bão đã ập xuống, tàu Sussex với toàn bộ kho báu đã bị chìm xuống đáy biển gần Gibraltar.

Năm 1994, một nhà nghiên cứu người Italia đã có cuộc tiếp xúc với ông Greg Stemm tại văn phòng của ông ở Tampa, Florida. Ông ta đã phát hiện trong kho lưu trữ một công hàm ngoại giao từ thời đó đề cập đến vụ đắm tàu làm mất lượng vàng bạc khổng lồ.

Khi nghe tin này ông Stemm như bị choáng. Ông rất am hiểu lịch sử ngành hàng hải, có nhiều kinh nghiệm về các vụ trục vớt xác tàu đắm và nắm trong tay những thiết bị thăm dò, khai quật và trục vớt hiện đại nhất. Bên cạnh đó, ông được sự ủng hộ của nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chịu rủi ro và có khả năng chi hàng triệu USD cho các vụ tìm kiếm.

Ông Stemm vào nghề khai quật xác tàu một cách ngẫu nhiên. Cách đây 20 năm ông có ý định tìm mua một con tàu để dạo chơi ở vùng biển Caribe. Tuy nhiên, khi đó ở bến cảng chỉ có một con tàu nghiên cứu của một trường đại học treo biển: “For sale” (Để bán). Chỉ vài ngày sau ông quyết định mua ngay con tàu này và mua thêm một computer hoạt động dưới nước đầu tiên. Một năm sau khi mua tàu, Stemm thành lập Hãng Odyssey Marine Exploration. Stemm cộng tác với John Morris, một chuyên gia về công nghệ dưới mặt nước.

Khi Stemm nghe về vụ Sussex. Vấn đề đầu tiên đặt ra là phải biết chính xác con tàu này ở vị trí nào, xác định giá trị của cải trên con tàu này để từ đó quyết định, có tiến hành trục vớt hay không.

Bản thân Hãng Odyssey có 7 chuyên gia chuyên nghiên cứu về tìm kiếm và trục vớt dưới đáy biển. Ngoài ra còn có một đội ngũ cộng tác viên thường xuyên thu thập thông tin về các vụ tàu đắm. Vào thời điểm này mọi thông tin liên quan đến tàu Sussex đối với Hãng Odyssey đều rất quan trọng như: các bản ghi chép cổ, nhật ký hành trình, các biên bản của hải quân, v.v...

Những thông tin mới của dân đánh cá và dân sở tại ở vùng ven biển Tây Ban Nha cũng hết sức được chú ý. Vào thời điểm này, Stemm quán xuyến khoảng 15 dự án của hãng. Ông quan tâm nhất đến công tác điều tra, nghiên cứu. Ông bay tới London làm việc miệt mài cả tuần lễ trong các thư viện và cơ quan lưu trữ. Qua quá trình khảo sát này dần dần ông nhận thấy vụ tàu Sussex rất có thể trở thành vụ tàu đắm mang theo nhiều của cải nhất trong lịch sử thế giới.

Lịch sử của chiếc tàu Sussex bị đắm

Cuối thế kỷ XVII là thời kỳ mà sự thù địch giữa Anh và Pháp lên đến đỉnh cao nhất. Thời kỳ đó Hải quân Pháp phát triển mạnh mẽ và có khả năng qua mặt Hải quân Anh, được coi là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới thời đó. Người Anh tìm mọi cách để ngăn cản sự phát triển của các hạm đội Pháp.

Năm 1694, cuộc chiến giữa Anh và Pháp kéo dài đã 5 năm mà không phân thắng bại. Vua Anh lôi kéo công tước xứ Savoyen làm đồng minh chống Pháp. Tuy nhiên, Công quốc này đang ở trong tình trạng khánh kiệt không có tiền để tăng cường lực lượng vũ trang. Vua Anh cho thành lập một đoàn tàu khổng lồ với 206 chiếc và ở vị trí chính giữa đoàn tàu này là tàu Sussex trang bị 80 khẩu pháo và chuyên chở một kho tiền vàng khổng lồ.

Đô đốc Sir Francis Wheeler là người chỉ huy con tàu vô cùng quan trọng này. Khi đoàn tàu đã đi qua vùng biển miền Nam nước Pháp và tiến vào eo biển Gibraltar ở Địa Trung Hải thì bất ngờ gặp một cơn bão lớn. 1.200 lính thủy bị chết, tàu Sussex bị đắm và chỉ có 2 thủy thủ thoát chết trở về. Với việc tàu Sussex bị đắm, chiến lược tấn công nước Pháp từ nhiều phía của Vua William bị phá sản hoàn toàn.--PageBreak--

Quá trình nghiên cứu, thu thập tài liệu của ông Stemm thấy đã có cơ sở để làm việc với nhà đương cục Anh. Ông xin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Anh khi đó là Geoff Hoon vì về lý thuyết tàu Sussex thuộc về Hải quân Anh. Tháng 9/2002, hai bên đi đến thỏa thuận Hãng Odyssey với kinh nghiệm và vốn liếng của mình có quyền thăm dò trục vớt số vàng trên tàu Sussex, sau đó khoản vàng này sẽ được chia theo một công thức hết sức phức tạp.

Ông Stemm được Bộ Quốc phòng Anh bảo đảm dành cho khoảng thời gian là 20 năm để độc quyền tiến hành dự án này.

Không có dự án tìm kiếm nào có sức hấp dẫn như tàu Sussex

Một khó khăn lớn nhất là người ta chưa biết chính xác vị trí của xác con tàu này, mặc dù đã có nhiều tài liệu quý trong tay, đến thời điểm này người ta mới biết xác tàu Sussex nằm trong một diện tích khoảng 1.000 km2 và dưới độ sâu 900m. Các nhà nghiên cứu đã phân ô khu vực này. Sau đó dùng tàu thả thiết bị tìm kiếm Minibex và Odyssey Explorer xuống dưới biển để rà soát, tìm kiếm theo từng lô một.

Các nhà nghiên cứu theo dõi con mắt điện tử hoạt động qua màn hình máy tính. Những hình ảnh này được ghi lại trên băng video để nghiên cứu. Với phương pháp này họ lập được bản đồ trắc địa. Tuy nhiên, công việc này lại không hề đơn giản. Thiết bị dò tìm trị giá 250.000 USD chỉ có thể cung cấp những bức ảnh có giá trị sử dụng khi nó được treo ổn định ở vị trí cách đáy biển từ 20m đến 40m. Do tàu nghiên cứu phải kéo theo tàu ngầm mini ở phía sau và độ sâu của biển dao động từ 300m đến 900m, vì thế tốc độ tàu luôn phải điều chỉnh để tương ứng với chiều dài của dây cáp.

Khi các nhà tìm kiếm phát hiện một vật gì đó bất bình thường dưới đáy biển, họ lệnh cho lái tàu phải tiếp cận vị trí đó ở phía khác sau đó họ đánh dấu nhân vào trắc đồ. Cuối một vệt quét như vậy họ đã đánh dấu được 418 vị trí. Tuy nhiên sau khi tiếp cận gần hơn và xem xét kỹ các vị trí này họ lại buộc phải xóa đi hàng loạt dấu nhân. Những vị trí trồi lên đó quá lớn so với chiều dài 48m của tàu Sussex. Cũng có khi họ lại phát hiện ra xác một con tàu khác nhưng lại còn quá mới so với tàu Sussex đã chìm dưới đáy biển trên 300 năm. và cũng có trường hợp chỗ gồ lên đó chỉ là một mỏm núi đá bình thường. Phần lớn những chỗ có dấu vết đặc biệt, mặc dù đã tiếp cận và xem xét kỹ nhiều lần nhưng các chuyên gia vẫn không thể có kết luận chắc chắn.

Và thế là họ phải thực hiện bước tiếp theo, sử dụng robot lặn tự động mang tên remote operated vehicle (ROV). Robot này có kích thước như một cái tủ lạnh và giá lên tới 3 triệu USD. Thông thường ROV được sử dụng ở độ sâu mà con người không thể tới được vì áp lực nước quá lớn. Vùng eo biển Gibraltar vốn là tuyến đường biển rất tấp nập tàu bè vì thế các chuyên gia trên tàu Odyssey phát hiện khá nhiều xác tàu đắm vào thời kỳ Chiến tranh thế giới I và II, cạnh đó họ còn phát hiện cả những chiếc thuyền gỗ trên 1.000 năm tuổi từ thời đế chế La mã.

Niềm tin của các nhà tìm kiếm chứa chan hy vọng

Đó là vùng biển mà người ta đã phát hiện tổng cộng 19 khẩu đại bác, nằm theo một hàng dọc thẳng tắp. Cạnh đó họ còn phát hiện hai mỏ neo. Ông Stemm quyết định cho vào cuộc một loại vũ khí thượng thặng của mình, đó là một robot hoạt động dưới đáy biển có tay cầm và túi thu lượm, thực chất đây là một tàu ngầm mini không người lái.

Tàu ngầm đã lặn tổng cộng 17 lần, thu nhặt một loạt vật dụng trong đó có cả một nòng pháo. Các nhà khảo cổ làm việc trên tàu và một chuyên gia Bộ Quốc phòng Anh đã xem xét kỹ nòng pháo này và đưa vào phân tích trong phòng thí nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy nòng pháo này tương tự loại nòng pháo trên tàu Sussex cách đây trên 300 năm.

Việc thăm dò xác định vị trí tàu Sussex vừa mới hé mở thì đã nổi lên một mâu thuẫn mới. Sau khi báo chí Anh dồn dập đưa tin về sự hợp tác giữa Hãng Odyssey và Chính phủ Anh và về mối lợi khổng lồ lên tới nhiều triệu euro thì người Tây Ban Nha cảm thấy bực bội. Về mặt pháp lý thì nước Anh thực sự là chủ sở hữu khoản tài sản bị đắm. Nhưng xác con tàu hiện tại được xác định đắm tại vùng biển thuộc chủ quyền của Tây Ban Nha vì thế Madrid mới là người có quyền cho phép thực hiện các biện pháp tìm kiếm và khai quật.

Khi các chính trị gia Tây Ban Nha phản đối vụ khai quật này thì báo chí Anh lập tức coi đây là “một lời tuyên chiến”. Trong "cuộc chiến" này Stemm là người bị thiệt. Tháng 1/2006, Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố chỉ cho phép Stemm được tìm kiếm trong vùng lãnh hải của mình. Chính phủ Tây Ban Nha đòi Stemm phải ngừng ngay mọi hoạt động tại đây.

Cuối năm 2005, khi Stemm tiến hành một chuyến khảo sát tại vùng biển này đã có tới 25 tàu của Tây Ban Nha chở người biểu tình phản đối cuộc thăm dò.

Một cuộc thương lượng – marathon mới đã diễn ra. Kết quả là các nhà khảo cổ Tây Ban Nha cũng sẽ được chính thức tham gia quá trình trục vớt. Vấn đề hiện chưa rõ là liệu phía Tây Ban Nha sẽ được chia tài sản sau khi trục vớt như thế nào

V.P (Theo Spiegel)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文