Vì sao Ba Lan không vội vàng với lá chắn tên lửa Mỹ?

11:30 04/02/2008
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk từng tuyên bố với báo chí rằng, Ba Lan sẽ không vội vàng trong việc đàm phán triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu, tuyên bố này đã khiến dư luận đặt câu hỏi về chính sách thật sự của Ba Lan trong vấn đề nhạy cảm trên.

Chuyến làm việc tại Mỹ hôm 14/1 của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Bogdan Klich được giới quan sát chú ý theo dõi bởi nó bao gồm những nội dung quan trọng liên quan đến chính sách của Chính phủ mới tại Ba Lan về dự án lắp đặt hệ thống phòng thủ lá chắn tên lửa của Mỹ tại nước này và nước láng giềng Cộng hòa Czech.

Điểm đặc biệt của tiến trình đàm phán trong giai đoạn mới này là ở chỗ, đây là lần đầu tiên kể từ khi Mỹ bắt đầu xúc tiến xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, Ba Lan và CH Czech phối hợp với nhau, hình thành chiến thuật đàm phán "2 trong 1", tức là kết quả một vòng đàm phán của Ba Lan đồng thời cũng là của CH Czech.

Kế hoạch này đã được 2 Thủ tướng Donald Tusk (Ba Lan) và Mirek Topolanek (CH Czech) nhất trí tại cuộc họp song phương ngày 10/1 ở thủ đô Prague của CH Czech. Theo giới bình luận châu Âu, chiến thuật này có lợi ở chỗ nó hình thành một khối nhất quán trong đàm phán của 2 nước Ba Lan và CH Czech, tránh tình trạng bất nhất: Một nước nói "không" nhưng nước kia lại nói "được”. Từ đó, Ba Lan và CH Czech sẽ có được lợi nhiều hơn trong tiến trình đàm phán so với trước đây.

Bước đi đầu tiên của chiến thuật đàm phán “2 trong 1” được thể hiện ngay trong chuyến công du nước Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Klick. Ông Klick đã yêu cầu Mỹ thỏa mãn thêm các điều kiện về bảo đảm an ninh quốc phòng để “mặc cả" cho "lá chắn tên lửa".

Ông Klick đã trao cho các quan chức Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ bản danh sách các yêu cầu mới của Warsaw, trong đó yêu cầu trọng tâm là Mỹ giúp Ba Lan hiện đại hóa hệ thống phòng không, tức là Mỹ có thể trang bị cho Ba Lan hệ thống tên lửa phòng không Patriot có khả năng cơ động rất cao.

Song song đó, Ba Lan cũng đòi hỏi các bảo đảm kỹ thuật và các thỏa thuận bảo đảm an ninh của Washington tương đương mức mà các đồng minh Italia và Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng.

Về những điều kiện này, giới quan sát cho rằng, trong điều kiện hiện tại, Washington khó lòng đáp ứng. Hệ thống tên lửa Patriot chỉ được trang bị cho các đồng minh sống còn của Mỹ tại các khu vực trọng yếu như Israel ở Trung Đông, hay Nhật Bản ở Đông Bắc Á. Klick đã tái khẳng định thông điệp của Thủ tướng Tusk trước đó rằng Ba Lan không thấy có lý do gì để vội vàng trong vấn đề lá chắn tên lửa này.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Bogdan Klich (trái) trong chuyến làm việc tại Mỹ hôm 14/1.

Giới chức Mỹ đã không giấu nổi thất vọng trước thái độ “lạnh nhạt” hay “thụt lùi” của các “đồng minh” Ba Lan và CH Czech, vì từ trước tới nay, chính phủ cũ của 2 nước này đều tỏ ra nhiệt tình trong việc đàm phán triển khai "lá chắn tên lửa" bất chấp sự không đồng tình của Nga.

Báo chí Mỹ cho rằng Ba Lan và CH Czech là 2 "đồng minh cật ruột" nên Mỹ mới quyết định xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại đây. Sâu xa hơn thì việc triển khai các hệ thống lá chắn tên lửa là để phòng ngừa "các mối đe dọa tên lửa từ CHDCND Triều Tiên và Iran".

Thực tế chứng minh không phải vậy. CHDCND Triều Tiên giờ đây không còn là mối đe dọa mà Mỹ lo ngại nữa vì nước này đã thực thi việc tháo dỡ các lò phản ứng hạt nhân theo thỏa thuận đàm phán 6 bên đạt được ngày 13/2/2007 tại Bắc Kinh.

Iran cũng vừa được “minh oan” bởi báo cáo NIE 2007 của cộng đồng tình báo Mỹ rằng nước này đã "ngưng chương trình vũ khí hạt nhân từ năm 2003”, có nghĩa là, hiện tại Iran không hề là "mối đe dọa” thường trực như lập luận của chính quyền Mỹ.

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski khẳng định: “Chúng tôi không xem Iran là mối đe dọa đáng kể”. Theo Trung tâm Cải cách châu Âu CER (đóng tại London), một khi triển khai lá chắn tên lửa, Ba Lan sẽ bị đặt vào tình trạng an ninh nhạy cảm hơn nhiều so với chỉ đơn thuần là "mối đe dọa từ Iran và CHDCND Triều Tiên". Và đó mới chính là mối bận tâm hàng đầu của Warsaw.

Trong khi đó, chính việc triển khai hệ thống phòng thủ này đã gây nên sự phản đối quyết liệt ngay từ đầu của Nga. Sự thật, và cũng là lý do quan trọng nhất khiến Moskva phản đối, là ở chỗ một hệ thống tên lửa như thế sẽ trực tiếp đe dọa đến an ninh của Nga hơn là để bảo vệ các đồng minh như Mỹ "rêu rao".

Chính đây là ngòi nổ gây căng thẳng trong quan hệ song phương Mỹ - Nga cũng như quan hệ Nga - NATO, khiến cho Nga từ bỏ hiệp ước vũ trang thông thường tại châu Âu (CFE), đồng thời nối lại các cuộc tuần tra trên không bằng máy bay ném bom tầm xa.

Các quan chức cao cấp của Mỹ (Ngoại trưởng Condoleezza Rice và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates) từng nhiều lần tìm cách "thuyết phục" các đồng nghiệp Nga nhưng không thành công. Ngay cả Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp tại Hội nghị G-8 tại Đức hồi giữa năm ngoái cũng không thể thuyết phục được Tổng thống Nga Putin về vấn đề này.

Trong bối cảnh như thế, việc Chính phủ mới của Ba Lan yêu cầu thêm điều kiện để đàm phán "lá chắn tên lửa" với Mỹ cũng được hiểu là một bước đi thận trọng. Quan điểm đối ngoại mới của chính quyền Thủ tướng Donald Tusk là sẽ cân bằng giữa các mối quan hệ với phương Tây và phương Đông, nghĩa là Ba Lan sẽ xem xét kỹ lưỡng mối quan hệ truyền thống với Nga trước khi triển khai bất kỳ động thái nào với phương Tây nhằm tránh gây xích mích với nước láng giềng phía đông.

Theo dự kiến, Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski sẽ thăm Washington vào ngày 1/2 tới để xúc tiến các cuộc đàm phán. Sau đó, Thủ tướng Tusk cũng sẽ đến Washington theo một lịch trình đàm phán đã định sẵn. Vì vậy, trước mắt chưa thể nói Ba Lan sẽ ngả về phía nào, song chắc chắn là sẽ không vội vàng trong tiến trình đàm phán này

Văn Trương (tổng hợp)

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

Như thông tin đã đưa, khoảng 3h sáng ngày 6/5, tại số nhà 01B/17 Kiều Đại, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá xảy ra vụ cháy nhà riêng khiến 2 người tử vong. Qua kiểm tra hiện trường, bước đầu cơ quan chức năng nhận định, Bùi Văn G đã phóng hỏa đốt nhà khiến mẹ đẻ ngủ dưới tầng 1 chết cháy, sau đó dùng dao tự sát.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文