Kia
Mobifone

Vì sao Nga rút quân khỏi Syria?

Thứ Hai, 21/03/2016, 13:50
Mặc dù Tổng thống Nga Vladimia Putin tuyên bố quyết định này được thực hiện là do Moscow hoàn thành toàn bộ mục tiêu đề ra tại Syria kể từ khi bắt đầu các cuộc không kích hồi tháng 9/2015, song Mỹ và một số quốc gia phương Tây cho rằng động thái này là để giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế đang chật vật của Nga, thậm chí muốn gia tăng sự ủng hộ trong nước trong bối cảnh uy tín của ông Putin đang giảm dần do sự can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này. Vậy đâu là động cơ thực sự?

Chi phí khổng lồ

Dựa trên chi phí cho các chuyến xuất kích, tiền lương và tiền duy trì hoạt động cho quân đội, giao hàng và vận chuyển, tính tới cuối tháng 10/2015, chi phí một ngày hoạt động của Nga tại Syria tiêu tốn gần 156,3 triệu ruble (2,5 triệu USD). Tuy nhiên, sau khi chiến dịch quân sự bắt đầu, số lượng máy bay của lực lượng Nga tại Syria đã tăng lên 50-70 chiếc, cùng với quân đoàn phòng không, trong đó có tổ hợp tên lửa S-400, chi phí hoạt động mỗi ngày đã tăng lên khoảng 230 triệu ruble (3,3 triệu USD). Như vậy, tổng chi phí của Nga ở Syria có thể lên tới 38,4 tỷ ruble (khoảng 546 triệu USD).

Ở Syria, các chuyến xuất kích được chia làm 3 loại theo bán kính tác chiến tính từ căn cứ không quân: gần, trung và xa. Theo các báo cáo, khoảng 80% số chuyến bay được thực hiện trong phạm vi ngắn (chưa tới 40 phút), số còn lại xuất kích ở khoảng cách trung bình và xa chiếm không quá 20% (thời gian bay từ 1-1,5 giờ). Như vậy, ước tính chi phí xuất kích trong phạm vi ngắn là 3,5 triệu ruble, xa là 5,5 triệu ruble. 

Phần chi phí lớn thứ hai là phóng tên lửa hành trình. Tổng cộng Nga đã phóng 48 tên lửa hành trình Caliber vào các mục tiêu ở Syria. Chi phí cho mỗi quả tên lửa, mà các chuyên gia so sánh với loại tên lửa Tomahawk của Mỹ, ít nhất là 750.000 USD. Do đó, việc sử dụng loại tên lửa mới nhất có thể khiến Bộ Quốc phòng Nga tiêu tốn 36 triệu USD (tương đương 2,4 tỷ ruble).  Đó là chưa kể những thiệt hại về người và phương tiện bị phá hủy.

Ngoài những chi phí trên, Nga còn phải chi gần 1 tỷ ruble cho hoạt động vận chuyển, ước tính trong số đó có chi phí cho các chuyến bay hằng ngày bằng máy bay IL-76, AN-124 từ Mozdok (thuộc nước Cộng hòa Bắc Ossetia – Alania thuộc Nga) tới Latakia, cũng như việc sử dụng tàu hàng để cung cấp hàng hóa bằng đường biển. Chi phí rút quân khỏi căn cứ Hmeymim khó xác định hơn vì vẫn chưa rõ những lực lượng nào còn ở lại sân bay Latakia, những lực lượng nào được rút về nước.

Những quyết định của ông Putin luôn khiến phương Tây bất ngờ.

Phương Tây: Đoán già đoán non

Sau khi ông Putin bất ngờ ra lệnh rút phần lớn lực lượng của Nga về nước, đã xuất hiện một số ý kiến tại phương Tây nhận định rằng việc rút quân khỏi Syria là để giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế đang chật vật của Nga và “việc thiếu ngân sách” là một trong những lý do khiến Moscow đưa ra quyết định trên, đặc biệt trong bối cảnh Nga đang thực sự đối mặt trước sức ép từ việc giá dầu sụt giảm. Tuy nhiên, trái với quan điểm trên, giới phân tích cho rằng “tiền” không hẳn là lý do chính của việc Nga rút quân khi chiến dịch của Moscow đã phần lớn đạt được mục tiêu đề ra.   

Wan Chengcai - một chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga nói: “Chúng ta không thể suy nghĩ đơn giản rằng việc Nga rút quân có liên quan đến tiền, mà thực sự nó liên quan đến chiến lược tổng thể của Nga”. Ông nhấn mạnh rằng Nga đã đạt được các mục tiêu của họ, bao gồm phá hủy hầu hết các cơ sở của IS và giúp lực lượng Chính phủ Syria thay đổi vị thế trong cuộc nội chiến.

Chu Yin - Phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Quan hệ Quốc tế có trụ sở ở Bắc Kinh, cho rằng “Các mục tiêu chính của Moscow đó là giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại vị và buộc Washington và các đối tác khác phải ngồi vào bàn đàm phán”. Vì vậy, trên thực tế, Nga sẽ hưởng lợi ít hơn nếu họ tiếp tục tiến hành không kích”. 

Quyết định của ông Putin có thể khiến một số người bất ngờ, nhưng trong mắt của giới phân tích, thời điểm ông Putin tuyên bố rút quân, đó là giữa lúc lệnh ngừng bắn một phần tại Syria (bắt đầu từ hôm 27/2) đã chứng tỏ là hiệu quả và bền vững hơn những gì mà người ta dự đoán, góp phần giảm bớt đáng kể tình trạng bạo lực tại quốc gia này.

Andrew J. Tabler, học giả chuyên về chính trị Arập thuộc Viện Chính sách Cận Đông của Washington nói: “Trong mấy tuần qua, chế độ Assad đã đưa ra một số tuyên bố cho thấy quan điểm đàm phán của họ với phe đối lập vẫn rất xơ cứng. Thông báo của ông Putin - đúng vào ngày các cuộc hòa đàm của Liên Hiệp Quốc bắt đầu tại Geneva và giữa lúc các lực lượng của ông Assad thiếu một chiến thắng dứt điểm - là dấu hiệu cho thấy có thể Moskva sẽ không đứng về phía Assad đến cùng”.

Theo các nhà phân tích, cách giải thích khả dĩ nhất cho tuyên bố quyết định rút quân của Moscow là gần như chắc chắn ông Putin chưa bao giờ có ý định tiến hành một chiến dịch quân sự kéo dài. Ông Putin đã đạt được cái ông muốn và không thấy có thêm được lợi lộc gì nhiều nếu biến Nga thành một “bên tham chiến tích cực” tại Syria.

Mặc dù vậy, vẫn có một số quan điểm khác cho rằng việc Nga rút quân có thể diễn biến theo nhiều kịch bản khác nhau, và không phải tất cả đều tốt cho ông Putin.

Những kịch bản bất lợi gồm: Thứ nhất, tốc độ rút quân có thể rất chậm và số quân được rút nhỏ đến mức không có ý nghĩa. Việc ông Putin không thực hiện tuyên bố của mình sẽ càng khiến dư luận quốc tế hoài nghi về uy tín của ông.

Thứ hai, lực lượng của ông Bashar al-Assad yếu trở lại như trước khi Nga bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự. Chính quyền Assad lại đứng trước bờ vực sụp đổ. Khi đó ông Putin sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn hóc búa: tái can thiệp hay để mặc ông Assad phải ra đi.

Thứ ba, các chính phủ phương Tây bắt đầu hành động mạnh tay hơn. Có thể ông Putin cho rằng ông đã hành động đủ để ngăn cản Mỹ và các đồng minh can thiệp sâu vào Syria. Tuy nhiên, nếu vòng đàm phán hòa bình đang diễn ra tại Geneva thất bại, làn sóng người di cư tiếp tục, IS vẫn mạnh thì rất có thể Mỹ sẽ thay đổi chiến thuật tại Syria.

Bảo Trân (tổng hợp)

.
.