Ấn Độ làm gì với G20?

11:20 05/12/2022

Bắt đầu từ ngày 1/12, Ấn Độ chính thức tiếp quản vai trò chủ tịch của G20 và sẽ chủ trì hàng loạt cuộc họp trên khắp đất nước 1,4 tỷ dân, nhằm chuẩn bị cho chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh nhóm dự kiến diễn ra vào tháng 9/2023. Vai trò này được coi là một cơ hội vàng cho Ấn Độ, khi mà nó đến vào một thời điểm “không thể tốt hơn” với New Delhi.

“Điểm sáng” của kinh tế toàn cầu

Tháng 9 vừa qua, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, thay thế Vương quốc Anh. Được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mô tả là một “điểm sáng” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, nền kinh tế Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm tài chính 2022, chỉ đứng sau Saudi Arabia và nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế G7.

Việc dẫn dắt G20 mang lại cho New Delhi một cơ hội thể hiện những gì Ấn Độ có thể làm trên trường quốc tế.

Thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế cho Thủ tướng (EAC-PM) Sanjeev Sanyal tự tin tuyên bố: “Trong bối cảnh có nhiều lo ngại thế giới rơi vào suy thoái, Ấn Độ có thể sẽ nổi lên thành nền kinh tế lớn mạnh nhất với tốc độ tăng trưởng 7% trong năm 2023”.

Sanyal còn lưu ý rằng nếu Ấn Độ có được một môi trường giống như môi trường mà nước này đã được hưởng trong giai đoạn 2002-2003 đến 2006-2007, khi nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng, áp lực lạm phát toàn cầu bị dập tắt, thì nền kinh tế của nước này có khả năng đạt mức tăng trưởng 9%.

Liên quan đến việc đồng rupee của Ấn Độ chạm mức thấp lịch sử vào đầu tháng 10, Sanyal nói: "Tôi không nghĩ chúng ta nên quá lo lắng khi chỉ nhìn vào tỷ giá hối đoái của đồng tiền Ấn Độ”. Theo Sanyal, rõ ràng đồng USD đang mạnh lên rất nhiều so với tất cả các loại tiền tệ và trong trường hợp đó, đồng rupee thực sự đang tăng giá so với tất cả các loại tiền tệ khác, ngoại trừ USD.

Cơ hội vàng cho New Delhi

Kể từ khi giành được độc lập, Ấn Độ đã ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, tích cực tham gia các diễn đàn về các vấn đề bao gồm không phổ biến vũ khí hạt nhân, quy tắc thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu và can thiệp nhân đạo. Trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình, Ấn Độ có kế hoạch tổ chức 200 cuộc họp khác nhau của G20 tại các thành phố trên khắp đất nước, làm cho các bang của Ấn Độ trở thành những bên liên quan trong sự can dự toàn cầu của New Delhi. Các cuộc họp này sẽ đánh dấu một số hoạt động ngoại giao quan trọng nhất mà Ấn Độ từng thực hiện.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tự hào nói: “Vai trò chủ tịch G20 là một cơ hội cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ tập trung vào lợi ích của toàn cầu, vào sự hòa bình, thống nhất và phát triển bền vững của thế giới. Ấn Độ có giải pháp cho những thách thức liên quan đến các vấn đề này. Chúng tôi đã đặt khẩu hiệu chủ đề cho nhiệm kỳ chủ tịch của mình là Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai”.

Khi công bố biểu tượng G20 cho năm 2023 - một bông sen, giống như logo của Đảng Bharatiya Janata cầm quyền của Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lưu ý rằng thế giới hiện đang trải qua xung đột, những hậu quả của “đại dịch nghìn năm có một,” và sự bất ổn về kinh tế. Để dẫn dắt nỗ lực vượt qua những thách thức này, Ấn Độ sẽ dựa vào kinh nghiệm để đóng góp cho lợi ích toàn cầu thông qua chính sách ngoại giao vaccine và ghi nhận tăng trưởng kinh tế tốt hơn mong đợi - tất cả diễn ra đồng thời với nỗ lực thúc đẩy thương hiệu chủ nghĩa đa phương kiểu mới của Ấn Độ.

Nhiệm vụ và thách thức

Ấn Độ mong muốn giải quyết những gì họ coi là vấn đề cấp bách của thế giới thông qua vai trò lãnh đạo của mình, bao gồm biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Trong lịch sử, New Delhi từng đại diện cho khu vực Nam Bán cầu nêu bật những mối lo ngại này tại các diễn đàn đa phương, và chắc chắn nước này sẽ tận dụng vai trò chủ tịch của mình để làm điều tương tự tại các cuộc họp cấp cao của G20. Trong năm lãnh đạo của mình, Ấn Độ dự kiến sẽ nêu bật các vấn đề quan trọng đối với các nền kinh tế mới nổi: cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công cộng, tinh thần kinh doanh và đổi mới, các quy tắc về khí hậu và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hợp lý.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thách thức - chủ yếu là căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc lớn trong G20 và cuộc khủng hoảng tín nhiệm mà các thể chế đa phương đang phải đối mặt. Nhiệm vụ theo đuổi sự đồng thuận toàn cầu của Ấn Độ sẽ là một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, khi mà thế giới dường như đang ở một điểm uốn, đặc biệt với cuộc xung đột ở Ukraine.

Ấn Độ nhấn mạnh học thuyết về quyền tự chủ chiến lược trong cách tiếp cận ngoại giao của mình, theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích hơn là liên kết với bất kỳ cường quốc lớn nào. Do đó, họ sẽ thoải mái tập hợp các nhà lãnh đạo G20 tại một hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi vào năm tới.

Chương trình nghị sự của Ấn Độ cũng sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tín nhiệm ngày càng trầm trọng mà các thể chế đa phương phải đối mặt. Nhiều thể chế đa phương do Liên hợp quốc lãnh đạo không còn phản ánh những thực tế địa chính trị đã thay đổi, thể hiện qua việc các thể chế này không tạo được sự đồng thuận giữa các cường quốc lớn và không thể ngăn ngừa xung đột. Điều này đã mở đường cho các nhóm khác lấp đầy khoảng trống. G20 cũng không phải là miễn nhiễm với những lời chỉ trích, khi một số nhà phân tích đã tập trung vào sự thất bại của cách tiếp cận dựa trên sự đồng thuận, khiến các quan điểm về thương mại và biến đổi khí hậu thường bị "chết yểu".

 Ngoài ra, các xu hướng kinh tế vĩ mô ngày càng tồi tệ - thất nghiệp gia tăng, chi phí sinh hoạt tăng, các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng - đã làm trầm trọng thêm những thách thức trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Độ. Khi các quốc gia hướng nội để giải quyết các vấn đề trong nước, triển vọng hợp tác quốc tế trở nên mờ mịt hơn. Theo quan điểm của Ấn Độ, cuộc khủng hoảng chủ nghĩa đa phương trở nên tồi tệ hơn do thiếu sự đại diện rộng rãi hơn của các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi trong các thể chế đa phương. New Delhi đã ủng hộ một chủ nghĩa đa phương kiểu mới để các tổ chức quốc tế có trách nhiệm hơn và có tính bao trùm hơn.

Ngọc Bích

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文