BRICS: Đông-Tây đối đầu kinh tế

08:23 27/06/2022

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine đe dọa làm kinh tế thế giới tụt hậu, gây khủng hoảng lương thực trên toàn cầu, hôm 23-6, Trung Quốc đã tổ chức Thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 qua cầu truyền hình. Bắc Kinh nhấn mạnh BRICS là một công cụ để khởi động lại cỗ máy kinh tế toàn cầu. Đây cũng là dịp để Trung Quốc và nhất là Nga muốn bác bỏ những luận điệu của G7 cho rằng các biện pháp trừng phạt là hiệu quả.

BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Có nhiều nước muốn gia nhập, chẳng hạn như Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã tham sự hội nghị lần này với tư cách quan sát viên. Phát biểu khai mạc thượng đỉnh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lưu ý “công luận đang lo ngại kinh tế toàn cầu sa lầy trong các cuộc khủng hoảng chồng chất”. Các nhà lãnh đạo nhóm BRICS cho đến nay từ chối trực tiếp lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Bắc Kinh, New Delhi có những mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế với Moscow. Trung Quốc cảnh báo “mở rộng các liên minh quân sự” dẫn tới chiến tranh, như khủng hoảng Ukraine đã cho thấy.

Theo giới quan sát, đây là thông điệp nhắm trực tiếp vào NATO và Mỹ. Theo lãnh đạo Trung Quốc, xung đột Ukraine là “tiếng chuông báo động, thức tỉnh nhân loại” trước sự mù quáng “tin vào sức mạnh” và tham vọng “mở rộng các liên minh quân sự”, trước thái độ ích kỷ của một số quốc gia chỉ lo cho “an ninh của chính mình”. Bắc Kinh quan niệm thái độ đó chỉ có thể dẫn đến bế tắc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu qua truyền hình tại thượng đỉnh BRICS 2022.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích phương Tây “hành động ích kỷ” khi áp lệnh trừng phạt Moscow và kêu gọi các lãnh đạo BRICS hợp tác để đối mặt khủng hoảng. “Chỉ trên cơ sở hợp tác trung thực và cùng có lợi, chúng ta mới có thể tìm ra cách thoát khỏi tình trạng khủng hoảng vốn đã phát triển trong nền kinh tế toàn cầu do những hành động ích kỷ và thiếu hiểu biết của một số quốc gia”, Tổng thống Nga nói khi đề cập các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Theo ông Putin, những quốc gia phương Tây “đang sử dụng các cơ chế tài chính để chuyển sai lầm của chính họ trong chính sách kinh tế vĩ mô sang toàn bộ thế giới”. Tổng thống Nga đồng thời cáo buộc phương Tây bỏ qua “các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường” như thương mại tự do.

Tổng thống Putin cho biết chính sách kinh tế vĩ mô của Nga đang cho thấy sự hiệu quả trước sức ép trừng phạt từ bên ngoài và nước này ưu tiên hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp các nước BRICS. Ông khẳng định hệ thống tài chính của Nga được bảo vệ trước các cú sốc và bắt đầu ổn định tình hình bằng cách cung cấp hỗ trợ xã hội có mục tiêu cho người dân.

Theo ông Putin, nước Nga chủ yếu tập trung vào việc kích thích sự chủ động của tư nhân, gánh nặng hành chính đang được giảm bớt, các chương trình cho vay ưu đãi mới đang được triển khai, các ưu đãi về thuế và hải quan đang được áp dụng. Ông nói thêm rằng các nhà chức trách Nga cũng đang tích cực tham gia định hướng lại các dòng chảy thương mại và các mối liên hệ kinh tế đối ngoại với các đối tác quốc tế đáng tin cậy, trong đó chủ yếu là với các nước BRICS. Nhà lãnh đạo Nga đánh giá Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS có vai trò thiết thực và to lớn trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư, tăng cường quan hệ hợp tác, mở rộng đối thoại trực tiếp của các cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ ở quy mô hiệp hội mà còn ở quy mô toàn cầu.

Các nước BRICS có dân số hơn 3 tỷ người, chiếm 25% GDP toàn cầu, 20% thương mại, khoảng 25% đầu tư trực tiếp và tổng dự trữ quốc tế của BRICS chiếm khoảng 35% của thế giới. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cho rằng giới doanh nghiệp BRICS đang phải tham gia phát triển kinh doanh trong những điều kiện khó khăn. Ngoài ra, ông Putin cảnh báo ngày càng có nhiều biện pháp trừng phạt mang động cơ chính trị và các cơ chế gây áp lực đối với các đối thủ cạnh tranh đang được tăng cường. Điều này dẫn đến việc phá vỡ các mối quan hệ hợp tác, các chuỗi vận tải và hậu cần. Kết quả là các vấn đề trong nền kinh tế toàn cầu đang trở nên khó giải quyết, hoạt động kinh doanh giảm, thất nghiệp gia tăng, thiếu nguyên liệu và linh kiện, khó khăn trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng, giá ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp cơ bản khác đang tăng lên. Trong bối cảnh này, Nga tăng cường hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp của các nước BRICS.

Nhà lãnh đạo Nga dẫn chứng về các cuộc đàm phán đang được tiến hành để mở chuỗi cửa hàng Ấn Độ ở Moscow, gia tăng thị phần ôtô, thiết bị và máy móc của Trung Quốc trên thị trường của Nga. Đồng thời, sự hiện diện của Nga ở các nước BRICS ngày càng mở rộng. Tổng thống Putin cho biết trong quý 1-2022, kim ngạch thương mại của Liên bang Nga với các nước trong BRICS đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 45 tỷ USD.

Trong bối cảnh nền kinh tế Nga chịu nhiều lệnh trừng phạt “hà khắc” từ phương Tây, Moscow chủ trương hình thành cơ chế thanh toán thay thế đáng tin cậy đối với các đối tác BRICS, trong đó hệ thống nhắn tin tài chính của Nga được mở để kết nối các ngân hàng từ 5 quốc gia BRICS, thẻ thanh toán ngân hàng Mir cũng tích cực được sử dụng trong nội bộ các nước này. Đồng thời, giới kinh doanh Nga phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp của các quốc gia BRICS thực hiện các bước đi nhanh chóng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng lại các tuyến đường hậu cần và tạo ra các chuỗi sản xuất mới.

Lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gặp gỡ vào tháng 6-2019.

Ông Putin nhấn mạnh rằng chiến lược nhất quán của Nga là tăng cường tiềm lực kinh tế, công nghệ và khoa học, sẵn sàng làm việc cởi mở với tất cả các đối tác tận tâm trên nguyên tắc tôn trọng lợi ích của nhau, thượng tôn pháp luật quốc tế vô điều kiện và sự bình đẳng của các quốc gia và các dân tộc.

Cũng trong bài phát biểu ngày 22-6, Tổng thống Putin cho biết nhóm BRICS đang làm việc để tạo ra ngoại tệ dự trữ quốc tế mới. “Vấn đề tạo ra đồng tiền dự trữ quốc tế dựa trên giỏ tiền tệ của các nước BRICS là nội dung đang được nghiên cứu”, đài RT của Nga dẫn lời Tổng thống Putin tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS. Trước đó, BRICS cho biết họ đang tiến hành thiết lập một mạng lưới thanh toán chung để giảm phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây.

Thượng đỉnh BRICS lần này gửi đến thông điệp rằng Nga dù gánh chịu một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng không hề đơn độc. “Chúng ta đang nói về việc các lãnh đạo quốc gia có nền kinh tế lớn trên thế giới sẵn sàng đối thoại với ông Putin, dù chỉ là hội nghị diễn ra trực tuyến”, Sushant Singh, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách (CPR) ở New Delhi, nhận định. Tuy nhiên, việc Nga chuyển trong tâm kinh tế sang các nước BRICS khi bị phương Tây cấm vận về lâu dài có thể khiến Moscow dần phụ thuộc quá nhiều vào các nước thành viên của BRICS, nhất là Trung Quốc về mặt kinh tế. Đây cũng là điều được nhiều chuyên gia quan tâm bình luận.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文