Cam kết khí hậu, nhìn từ thảm họa thiên tai ở Pakistan

19:22 12/10/2022

Trận mưa lũ lịch sử xảy ra từ hơn một tháng trước ở Pakistan đã gây ra thảm họa thiên tai vô cùng lớn, đến nay vẫn còn ngổn ngang, nước vẫn còn ngập ở nhiều nơi, trong khi hàng triệu người vẫn chưa được cứu trợ, chưa có nhà cửa để ở.

Thảm họa thiên tai lịch sử

Trận mưa lũ bắt đầu từ cuối tháng 8 và kéo dài trong nhiều ngày. Mưa gió mùa được mô tả là lớn như “ngày tận thế” đã để lại hậu quả thảm khốc. Một phần ba diện tích đất nước Pakistan chìm trong nước. Một số khu vực đã bị ảnh hưởng bởi lượng mưa 1,7 mét, mức cao kỷ lục.

Một phần ba diện tích Pakistan chìm trong lũ lụt.

Số người chết chính thức do lũ lụt là 1.600 người, mặc dù nhiều ước tính trên thực tế cho rằng con số có thể cao hơn. Hơn 9 triệu người đã bị mất nhà cửa, nơi ở, phải di dời, hơn 2 triệu ngôi nhà bị phá hủy và hàng triệu gia đình buộc phải sống trong những căn lều tạm bợ hoặc nơi trú ẩn bên đường.

Mặc dù lượng mưa đã ngừng nhưng nhiều khu vực ở Pakistan - đặc biệt là khu vực Sindh - vẫn bị ngập lụt. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Pakistan tiếp tục trở nên tồi tệ hơn khi nước tù đọng khiến các dịch bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết hoành hành, với số lượng lớn trẻ em bị bệnh và các bệnh viện đã quá tải. Trong khi đó, viện trợ và hỗ trợ khẩn cấp vẫn chưa đến được phần lớn những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở các vùng Sindh và Balochistan.

Mức độ thiệt hại về kinh tế ước tính là từ 30 tỉ đến 35 tỉ USD, nhưng Chính phủ Pakistan cho rằng đó chỉ là “ước tính sơ bộ, con số có thể nhiều hơn”, với hơn 30.000 km đường giao thông bị phá hủy cùng với cầu, đường sắt và đường dây điện, 4 triệu ha hoa màu bị cuốn trôi.

Khủng hoảng chồng khủng hoảng

Ngay cả trước khi lũ lụt xảy ra, Pakistan đã phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, với lạm phát tăng vọt, các khoản trả nợ nước ngoài ngày càng tăng và dự trữ ngoại tệ giảm nhanh. Chính phủ của Thủ tướng Shehbaz Sharif, người lên nắm quyền vào tháng 4 sau khi thủ tướng trước đó Imran Khan bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, đã khôi phục chương trình với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để mang lại một số ổn định kinh tế cho đất nước, nhưng các khoản tiền giải cứu luôn đi kèm với các điều kiện vô cùng khắc nghiệt và đau đớn.

Ông Sharif kiên quyết rằng ngay cả với khoản thanh toán nợ nước ngoài hàng tỉ USD sắp tới và hàng tỉ USD nữa hiện đang bị thiệt hại do lũ lụt, đất nước đã tránh được việc vỡ nợ thông qua thỏa thuận của IMF và vẫn có thể thực hiện phần còn lại của các khoản thanh toán nợ nước ngoài, tổng cộng khoảng 22 tỉ USD cho năm tới. “Chúng tôi sẽ không vỡ nợ”, ông nói.

Ông Sharif xác nhận rằng chính phủ của ông sẽ nói chuyện với “tất cả mọi người” - bao gồm cả Trung Quốc và Câu lạc bộ Paris - về khả năng hoãn nợ nước ngoài. Ông nói: “Những gì chúng tôi đang yêu cầu là không gian tài chính nhưng không phải gánh thêm gánh nặng nợ nần”.

Nhưng, Bộ trưởng Tài chính Ishaq Dar thì cho biết trong một cuộc phỏng vấn riêng rằng ông không muốn “cầu cứu” Câu lạc bộ Paris, một tập hợp các quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Australia và Pháp để giúp các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nần. Ông nói: “Nếu cộng đồng toàn cầu hợp tác, quyên góp và giúp đỡ trong việc tái thiết thì tôi nghĩ chúng ta có thể tránh được điều đó. Đến Câu lạc bộ Paris không phải là một cảm giác thoải mái lắm vì vậy tôi hy vọng chúng tôi sẽ không phải dùng đến giải pháp đó”.

Những lời cam kết

Thảm họa thiên tai của Pakistan đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã gọi lũ lụt là “sự tàn sát khí hậu” trên quy mô mà ông chưa từng thấy trước đây. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sử dụng bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York để kêu gọi các nước giúp đỡ Pakistan và các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Ảrập Xê-út, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã quyên góp hàng triệu USD và cam kết hỗ trợ thêm nữa.

Thủ tướng Sharif cho biết ông rất biết ơn vì “những lời nói và tuyên bố rất cảm động”, tuy nhiên, “tất cả đều rất ổn nhưng quan trọng hơn là việc chứng minh thực tế những tuyên bố này thành hành động”.

Ông Sharif đã không giấu sự bực tức, cho rằng Pakistan không nên bị buộc phải đi “ăn xin” các quốc gia giàu gây ô nhiễm sau trận mưa và lũ lụt đã tàn phá đất nước ông và tuyên bố ông sẽ đi tìm “công lý khí hậu” từ cộng đồng quốc tế.

Các nhà khoa học đã xác định lũ lụt là do sự tàn phá về khí hậu. Nhưng, với việc Pakistan chịu trách nhiệm về 0,8% lượng khí thải carbon toàn cầu, ông Sharif nói rằng “trách nhiệm của các nước phát triển, những người gây ra lượng khí thải này, cần phải đứng về phía chúng tôi”.

Ông Sharif cho rằng các khoản cam kết viện trợ và cứu trợ rõ ràng là “không đủ”. Ông nói: “Trong khi họ đang làm rất tốt công việc và chúng tôi đánh giá cao điều đó. Nhưng, bấy nhiêu là chưa đủ. Họ phải đưa ra một kế hoạch tốt hơn và lớn hơn rất nhiều để giải cứu chúng tôi và phục hồi chúng tôi, đưa chúng tôi đứng vững trở lại”.

Ông Sharif chỉ ra lời hứa chưa được thực hiện của các quốc gia giàu có hơn một thập kỷ trước là cam kết 100 tỉ USD mỗi năm trong quỹ khí hậu dành cho các quốc gia kém phát triển đi đầu trong vấn đề khẩn cấp về khí hậu. "Số tiền đó ở đâu?" - ông hỏi. “Đã đến lúc chúng tôi đặt câu hỏi và nhắc nhở các quốc gia này thực hiện các cam kết và lời hứa mà họ đã đưa ra”.

Nhiều tiếng nói ở Pakistan yêu cầu không chỉ là các khoản viện trợ, cứu trợ giải quyết khó khăn, mà cần phải có các khoản bồi thường khí hậu từ các quốc gia giàu có gây ô nhiễm. Bởi chính những quốc gia giàu có ấy đã không chịu thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu và chính họ đã gây ra thảm họa khí hậu mà Pakistan đang phải gánh chịu.

An Châu (Tổng hợp)

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

Như thông tin đã đưa, khoảng 3h sáng ngày 6/5, tại số nhà 01B/17 Kiều Đại, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá xảy ra vụ cháy nhà riêng khiến 2 người tử vong. Qua kiểm tra hiện trường, bước đầu cơ quan chức năng nhận định, Bùi Văn G đã phóng hỏa đốt nhà khiến mẹ đẻ ngủ dưới tầng 1 chết cháy, sau đó dùng dao tự sát.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文