Châu Âu dần mất chỗ đứng trên Lục địa đen

08:00 22/02/2022

Ngày 17-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố nước Pháp và các đồng minh sẽ rút quân đội ra khỏi Mali, chấm dứt chiến dịch Barkhane - sứ mệnh chống khủng bố kéo dài gần 10 năm tại khu vực Hạ Sahara (Sahel). Việc rút quân đồng thời cũng nhằm chấm dứt một cuộc khủng hoảng ngoại giao gần một năm qua giữa Pháp và Mali.

Chiến dịch Barkhane gây tranh cãi

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Macron cho rằng việc rút lực lượng chống khủng bố ra khỏi Mali là việc cần thiết phải làm nhưng cần phải theo lộ trình giảm dần quân số chứ không triệt thoái một cách ồ ạt. Nói chung, Pháp sẽ chỉ rút quân khỏi Mali chứ không phải rút toàn bộ lực lượng ra khỏi khu vực Sahel. Cuộc chiến chống khủng bố Al-Qaeda và IS tại khu vực này hiện nay vẫn tiếp diễn và các quốc gia trong khu vực vẫn cần có sự hỗ trợ nhất định của lực lượng quốc tế do Pháp dẫn đầu. Ông Macron cho biết, Pháp sẽ điều chuyển lực lượng thường trực từ Mali sang nước láng giềng Niger.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải) và Tổng thống Senegal Macky Sall họp báo chung thông báo việc rút quân khỏi Mali.

Trả lời báo chí tại Điện Élysee về quyết định rút quân này liệu có phải là một thất bại của nước Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố lẫn trong chính sách đối ngoại hay không, Tổng thống Macron đã thẳng thắn bác bỏ quan điểm này, cho rằng việc triển khai quân Pháp tại Mali đã đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, giới ngoại giao quốc tế cho rằng Pháp cơ bản thành công về mặt chiến lược chống khủng bố nhưng lại thất bại về chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ lo ngại việc rút quân Pháp khỏi Mali sẽ kích hoạt làn sóng rút quân của các quốc gia khác trong lực lượng đặc nhiệm Takuba ra khỏi chiến dịch Barkhane ở khu vực Sahel, đặc biệt là Mali. Giới ngoại giao châu Âu cũng bày tỏ lo ngại việc rút quân của Pháp có thể tác động tiêu cực đến các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc và các sứ mệnh khác của EU tại Mali và khu vực Sahel nói chung.

Đúng như lo ngại của các nhà ngoại giao châu Âu, sau khi Pháp chấm dứt chiến dịch Barkhane chống thánh chiến ở vùng Sahel, đặc biệt là ở Mali, Estonia vừa tiếp bước Đan Mạch bằng cách rút binh sĩ khỏi chiến dịch này. Tiến sĩ Cheikh Hamdi, chuyên gia về an ninh quốc tế, khẳng định rằng với việc rút quân lần lượt như trên châu Âu đang sắp mất chỗ đứng ở châu Phi.

Trách nhiệm với “cựu thuộc địa”?

Pháp bắt đầu triển khai quân đội đến Mali vào năm 2013, dưới thời Tổng thống Francois Hollande. Trong giai đoạn đầu, sự đưa quân can thiệp đã giúp chặn đà tiến quân và dập tắt các lực lượng nổi dậy, thu hồi các thành phố giao lại cho Chính phủ Mali kiểm soát, trong đó có các thành phố lớn như Timbuktu.

Mali cũng như một số quốc gia khác trong khu vực Sahel và Tây Phi như Niger, Burkina Faso là những cựu thuộc địa của Pháp. Việc Pháp đưa quân đội sang Mali và cả khu vực này vừa là trách nhiệm của nước Pháp đối với các cựu thuộc địa vừa để tham gia sứ mệnh chống khủng bố chung của Liên Hợp quốc và Liên minh châu Âu tại khu vực này. Đến nay, quân số Pháp tại Mali lên đến 2.400 quân, chiếm gần một nửa trong tổng số hơn 5.000 quân Pháp tại khu vực Sahel.

Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội Pháp dần bộc lộ những vấn đề khiến dư luận Mali không đồng tình. Thứ nhất, việc chống khủng bố không mang tính bền vững mà chỉ tạo ra kết quả nhất thời, giúp Chính phủ Mali dập tắt ngòi nổ khủng bố trong thời điểm Pháp đưa quân sang mà không xây dựng chiến lược lâu dài là tiêu diệt hoàn toàn mầm mống khủng bố trong nước Mali cũng như toàn khu vực Sahel và Tây Phi. Bởi thế, sau khi phiến quân khủng bố ngay sau đó đã nhanh chóng tập hợp lực lượng trở lại và bắt đầu những cuộc tấn công mới nhắm vào các mục tiêu của Chính phủ Mali.

Không bị tiêu diệt hẳn, các lực lượng khủng bố ngày càng lớn mạnh, gia nhập mạng lưới khủng bố toàn khu vực có tên gọi tắt là JNIM.Trong những năm gần đây, lực lượng khủng bố ở Mali đã tiến hành nhiều cuộc tấn công quy mô lớn và đã kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn của Mali.

Làn sóng phản đối sự hiện diện của quân đội Pháp tại khu vực Sahel đã xuất hiện và ngày càng lan rộng. Xu hướng chính trị này đã gây tổn hại cho các nỗ lực hàn gắn các mối quan hệ giữa Pháp với các nhà lãnh đạo Mali thời kỳ hậu thuộc địa. Các vụ đảo chính liên tục tại Mali thời gian gần đây, đầu tiên là vụ đảo chính năm 2020 lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và sau đó tiếp tục một cuộc đảo chính khác phế truất chính phủ lâm thời của ông Keita đã làm sụp đổ quan hệ tốt đẹp giữa hai chính phủ Pháp và Mali dưới thời ông Keita.

Người dân Mali phản đối sự hiện diện của quân Pháp

Chế độ quân phiệt do đại tá Assimi Goita - người thực hiện cả hai cuộc đảo chính - dẫn đầu đã bị EU và các quốc gia khu vực Tây Phi trừng phạt và bị cộng đồng thế giới chỉ trích do không nhanh chóng chuyển giao quyền lực trở lại cho chính quyền dân sự. Mặc dù các lãnh đạo quân phiệt Mali hứa sẽ chuyển giao quyền lực vào năm 2026 nhưng dư luận thế giới không tin rằng ông Goita và chế độ quân phiệt của ông sẽ thực hiện lời hứa một cách nghiêm túc. 

Quân đội Pháp đóng vai trò dẫn dắt trong chiến dịch Barkhane chống khủng bố tại khu vực Sahel, với “trái tim” chiến dịch đặt ở Mali. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ cao cả của mình, quân Pháp cũng như nhiều lực lượng đặc nhiệm khác của Mỹ,... đã mắc những sai lầm nghiêm trọng, bị cáo buộc có những hành động lạm dụng dân thường gây nên sự phẫn nộ trong công chúng địa phương. Reuters dẫn báo cáo của Liên Hợp quốc và các tổ chức quyền công dân Mali về một vụ không kích tai hại của quân đội Pháp tại làng Bounti vào tháng 1-2021 đã giết chết 19 người, trong đó có 3 tay súng vũ trang. Người Pháp bác bỏ cáo buộc, cho rằng mục tiêu không kích nhắm vào thành phần khủng bố.

Một vấn đề mang tính mấu chốt trong cuộc chiến chống khủng bố tại Mali và khu vực Sahel nói chung mà người Pháp không thể giải quyết được ngoài chiến dịch quân sự Barkhane, đó là việc chính quyền các nước sở tại chủ trương đàm phán với các lực lượng phiến quân, khủng bố để có được hòa bình, tạm thời hạn chế được các cuộc tấ công khủng bố, chấp nhận sự tồn tại của mạng lưới khủng bố JNIM để tìm đối sách hợp lý hơn.

Nhà phân tích Nathaniel Powell tại tổ chức nghiên cứu Oxford Analytica nhận định: Chiến dịch quân sự của Pháp ở khu vực Sahel đã cho các kết quả tốt xấu lẫn lộn và mục tiêu quốc phòng xa hơn dường như đã thất bại. “Chính sách an ninh tổng quát của Pháp ở khu vực Sahel là một thất bại lớn và chiến dịch Barkhane là một trong những nguyên nhân chính. Người Pháp đã có những thành công chiến thuật nhưng thất bại về chính sách đối ngoại” - ông Powell nói.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Khi phát hiện người phụ nữ bế trên một cháu bé đang khóc không ngớt và chân tay co giật đứng ở lề đường, tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương đưa cháu bé trong tình trạng sốt cao, co giật đến bệnh viện cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời, hiện tại cháu bé đã giảm sốt, bệnh viện đang tiếp tục theo dõi điều trị cho cháu ổn định.

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文