Chiến dịch truy lùng tham nhũng mới của Trung Quốc

07:47 17/01/2024

Năm 2024 đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc khi không chỉ “đả hổ, diệt ruồi” mà còn truy lùng “diệt cả ruồi và kiến”.

1. Ngay trước thềm giải đấu bóng đá lớn nhất châu lục Asian Cup, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã phát sóng bộ phim tài liệu về tiêu cực trong nền bóng đá nước này. Trong đó, liệt kê hẳn "đội hình tham nhũng" gồm 11 cái tên “số má” dính vòng lao lý vì những hành vi sai trái, bao gồm cựu Chủ tịch Chen Xuyan, Phó Chủ tịch Du Zhaocai của Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) và cựu huấn luyện viên trưởng Đội tuyển quốc gia Li Tie.

Trong phim tài liệu, Li Tie, một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất của Trung Quốc đã thú nhận “mua chiếc ghế huấn luyện viên trưởng Đội tuyển quốc gia với giá 418.000 USD”. Các thành viên Đội tuyển Trung Quốc đang tập luyện chuẩn bị Asian Cup được yêu cầu xem bộ phim tài liệu này. Thậm chí, theo một số nguồn tin, các quan chức của CFA phải viết “bài thu hoạch” dài ít nhất 1.500 chữ bàn về vấn đề tiêu cực trong bóng đá sau khi xem bộ phim.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mở rộng cuộc chiến chống tham nhũng.

Không phải ngẫu nhiên mà CCTV lại chọn chiếu bộ phim này trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến ngày 9/1 vừa qua bởi ngoài việc đánh động Đội tuyển bóng đá quốc gia đang tập trung cho một chiến dịch lớn thì đó còn là quãng thời gian Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 3 trong nhiệm kỳ này. Sau khi bế mạc phiên họp vào ngày 10/1, trong thông cáo báo chí, CCDI đã tuyên bố “Trong năm 2024, Trung Quốc sẽ chống tham nhũng sâu rộng hơn trong các lĩnh vực tài chính, doanh nghiệp nhà nước, năng lượng, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng...”. Một lời tuyên bố rất rõ ràng về những mặt trận mới mà CCDI nhắm tới trong năm mới.

Vụ tham nhũng tại CFA không phải là quá lớn nếu so với nhiều vụ tham nhũng khác trong những năm qua đã bị CCDI phanh phui, nhưng ảnh hưởng xã hội của nó là rất lớn. Bóng đá là môn thể thao được yêu thích nhất tại Trung Quốc. Trong những năm qua, rất nhiều tiền đã được đầu tư vào phát triển bóng đá trong nước nhưng chất lượng chung của nền bóng đá Trung Quốc không những không đi lên mà còn giảm sút. Đây là một nỗi thất vọng lớn nếu so sánh với thành công của nhiều môn thể thao khác. Nhưng, hơn cả thể thao, vụ việc Le Tie “mua” chiếc ghế huấn luyện viên trưởng Đội tuyển quốc gia thực sự là một nỗi hổ thẹn lớn khiến người ta có cảm giác như không gì là không thể. Đó gần như là một “nỗi nhục quốc thể” với người Trung Quốc. Thêm vào đó, vụ việc ở CFA sẽ chứng minh cho chiến lược của giai đoạn tiếp theo trong chiến dịch mà CCDI đang phát động, tấn công vào “tham nhũng ngầm” với những lĩnh vực được mở rộng hơn.

Một hình ảnh từ bộ phim tài liệu về tham nhũng trong bóng đá ở Trung Quốc.

2. Năm 2023 là năm có nhiều quan chức bị "ngã ngựa" nhất kể từ khi Trung Quốc phát động cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" năm 2013. Theo tổng kết của CCDI, trong số hơn 40 cán bộ trung ương quản lý bị điều tra trong năm 2023 thì có hơn 30 cán bộ bị xử lý kỷ luật. Đây chính là những con “hổ lớn” mà CCDI nhắm tới. Số vụ điều tra cấp cao trong năm 2023 đã tăng 40% so với năm trước đó. Hầu hết các đối tượng bị điều tra từ cấp thứ trưởng trở lên do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý. Với tinh thần “không có hạ cánh mềm” được chỉ đạo từ đầu năm, CCDI lôi ra 27 cán bộ đã nghỉ hưu phạm tội ra ánh sáng.

Khi phát hiện sai phạm, đối tượng "quan chức" sẽ đối mặt với các cuộc điều tra cấp cao nhất từ CCDI. Những cuộc điều tra trong năm vừa qua cũng nhắm đến chủ nghĩa hưởng thụ, ăn uống xa hoa, lối sống không chuẩn mực của cán bộ lãnh đạo; tuyên chiến với lợi dụng tặng quà đắt giá, biến tướng hối lộ trong giới lãnh đạo. Những vụ lớn như vụ xét xử 8 lãnh đạo hàng đầu của 5 ngân hàng nhà nước cùng 90 cán bộ khác trong hệ thống tài chính hay vụ việc điều tra 160 lãnh đạo ngành y tế từ cấp viện trưởng trở lên đã gây chấn động dư luận. Vụ việc ở CFA cũng tạo lên một làn sóng phẫn nộ lớn vì mức độ phổ biến và được yêu thích của môn thể thao bóng đá.

Nhưng, vụ lớn nhất lại là vụ điều tra trong quân đội Trung Quốc. Đúng ngày 30/12/2023, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã tuyên bố cách chức 9 tướng lĩnh quân đội. 5 sĩ quan trong số đó là cựu chỉ huy hàng đầu hoặc đương nhiệm của lực lượng tên lửa thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa. Chính quyền Bắc Kinh chưa xác nhận liệu có ai trong số 9 người này đang bị điều tra vì cáo buộc tham ô, lợi dụng chức vụ hay không nhưng đây đều là những cán bộ thuộc diện điều tra của CCDI trong 2 năm qua. Một vụ việc làm rúng động không chỉ chính trường Trung Quốc mà còn gây ảnh hưởng tầm thế giới khi trong số những nhân vật bị mất chức có cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Lý Thượng Phúc.

CCDI cũng mở rộng những cuộc điều tra ở các cấp địa phương với con số đáng kinh ngạc. Số liệu 3 quý đầu năm 2023 cho thấy, Trung Quốc khởi tố hơn 111.000 cán bộ từ cấp thôn, huyện trong diện là đảng viên hoặc công chức nhà nước. Nhiều cái tên trong số này đã bị phát hiện biển thủ những khoản tiền trong ngân sách nhà nước để làm lợi cho mình. Những con số đó đã biến năm 2023 trở thành năm bận rộn và “thành công” nhất kể từ khi CCDI được thành lập tới nay, đồng thời mở ra chiến dịch mới nhắm cả vào những “con kiến”.

Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

3.Phát biểu trong phiên họp toàn thể của CCDI hôm 8/1 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: “Mặc dù đã giành được thắng lợi áp đảo trong nỗ lực chống tham nhũng kéo dài hàng thập kỷ nhưng tình hình còn phức tạp”. “Trước tình hình phức tạp như vậy, không thể dừng lại, sao lãng hay thỏa hiệp trong công tác chống tham nhũng”.

Ông nói: “Chúng ta sẽ tăng cường khắc phục tình trạng tham nhũng trong các lĩnh vực tập trung quyền lực, thâm dụng vốn và giàu tài nguyên”. Ông nhấn mạnh, Đảng sẽ “trừng phạt hành vi tham nhũng của ruồi và kiến” để cho quần chúng “được hưởng lợi nhiều hơn”.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch truy lùng cả “hổ” - quan chức cấp cao cũng như “ruồi” - cán bộ cấp thấp hơn. Việc nhắc đến “ruồi và kiến” ám chỉ tham nhũng ở quy mô nhỏ, dễ che giấu hơn. Đây chính là định hướng chỉ đạo từ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với CCDI trong thời gian tới khi cuộc chiến sẽ không chỉ đi sâu mà còn mở rộng ra mọi đối tượng.

Ông Alfred Wu, chuyên gia tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore nhận định, qua thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thì cuộc chiến chống tham nhũng sẽ còn kéo dài. "Phát biểu của ông Tập đề cập đến một số vấn đề cấp bách nhất, như tình trạng tham nhũng trong nền kinh tế. Điều này cho thấy chiến dịch trên tiếp tục là ưu tiên hàng đầu", ông Wu nói.

Đánh giá về hoạt động của CCDI, ông Deng Yuwen, cựu Phó Tổng Biên tập của Tạp chí Học tập, tờ báo chính thức của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, cho rằng việc điều tra của CCDI đang tập trung vào các quan chức đã nghỉ hưu khi họ nhận ra nhiều hành vi sai trái của giới lãnh đạo xảy ra hơn trước khi ông Tập lên nắm quyền. “Trong số các quan chức bị bắt những năm gần đây, không có nhiều người bị bắt vì tham nhũng ở chức vụ hiện tại. Hầu hết các vi phạm đều xảy ra trong vài năm, thậm chí hơn 10, 20 năm trước. CCDI không còn tuân theo quy tắc bất thành văn trước đây rằng các quan chức đã nghỉ hưu sẽ không bị điều tra”.

Nhiều quan chức cấp cao của Trung quốc bị đưa ra xét xử trong năm 2023.

“Bây giờ, không ai được an toàn,... đã phát hiện thêm nhiều vấn đề tích tụ trong 3 thập kỷ qua do sự phát triển kinh tế nhanh chóng và kỷ luật đảng lỏng lẻo. Và, không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ ngừng việc điều tra”, ông Deng nói thêm. Khi một chiến dịch mới đã được phát động, sẽ còn những con hổ hoặc ruồi và kiến khác lộ ra. Lần này ông Tập đã xác định sẵn sàng “tiêu diệt” tất cả.

Trong phiên bế mạc hôm 10/1 vừa qua, ông Lý Hi, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư CCDI đã nhấn mạnh: "Chúng ta phải tiếp tục gây áp lực, tiếp tục theo dõi chặt chẽ các vấn đề then chốt, các lĩnh vực then chốt, những người chủ chốt, các hình thức tham nhũng mới - đặc biệt là những hình thức tham nhũng ngầm". Đó là lời khẳng định, cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc thực sự đã bước sang một trang mới, quyết liệt hơn.

Tử Uyên

Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei phê chuẩn Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber làm quyền Tổng thống Iran, sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi qua đời vì tai nạn trực thăng.

Sau năm ngày xét xử sơ thẩm nhóm tội phạm trong đường dây “rửa tiền” xuyên quốc gia cho các app đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giao dịch rút tiền mặt mỗi ngày từ 20 đến 150 tỷ đồng, chiều 20/5, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với nhóm tội phạm này.

UBND TP Hà Nội đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ có biện pháp quản lý nhà nước về hoạt động khai thác cát trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu Công an TP Hà Nội và các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm hành vi khai thác cát, khoáng sản trái phép.

Đối tượng đó là Phạm Khắc Dũng (SN 1984, HKTT tại số 98/455 đường Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Liên quan đến vụ án trên, ngày 20/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Dũng về hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản”.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lương Tam Quang trao tặng lẵng hoa và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới chư tôn đức trong Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN và toàn thể tăng, ni, phật tử một mùa Phật đản an lạc, cát tường.

Sáng 20/5, TAND tỉnh Lào Cai mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai), bị cáo Doãn Văn Hưởng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) cùng 15 bị cáo khác trong vụ án: “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến hành vi khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit .

Ngày 20/5, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Lường Văn Nam (SN 1992, ở tại Xuân Hòa, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) để điều tra về hành vi “Cướp giật tài sản”. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文