Chiến lược đối trọng với Nga và Trung Quốc của G7

14:19 29/06/2022

Thành công lớn nhất của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa tổ chức tại Đức chính là việc tăng cường áp lực kinh tế-chính trị lên Nga và cam kết huy động 600 tỷ USD trong vòng 5 năm để tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nhằm đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Kế hoạch 600 tỷ USD đầy tham vọng

Hãng tin AP cho hay, hôm 26-6, tức ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Schloss Elmau, miền Nam nước Đức, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác đã khởi động lại dự án "Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu" (PGII). “Các nước đang phát triển thường thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu để giúp đối phó với các cú sốc toàn cầu như đại dịch. Vì vậy, họ cảm nhận được những tác động sâu sắc hơn và gặp khó khăn hơn trong việc phục hồi. Đó không chỉ là mối quan tâm nhân đạo, đó còn là mối quan tâm về kinh tế và an ninh đối với tất cả chúng ta”, ông Joe Biden nói và cho biết, Mỹ sẽ huy động 200 tỷ USD tài trợ từ đầu tư công và tư trong vòng 5 năm để hỗ trợ các dự án ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ huy động 200 tỷ USD cho dự án "Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu". Ảnh: Reuters

Cụ thể, hàng trăm tỷ USD bổ sung có thể đến từ các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính, quỹ tài sản và các tổ chức khác. “Châu Âu sẽ huy động 317 tỷ USD cho sáng kiến này trong cùng thời kỳ nhằm xây dựng một giải pháp thay thế bền vững cho sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Italy, Canada và Nhật Bản cũng lên tiếng về kế hoạch của mình. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson không có mặt nhưng tuyên bố có tham gia.

Nguồn tin từ Nhà Trắng khẳng định, đây chỉ là sự khởi đầu, Mỹ và các thành viên G7 sẽ tìm cách huy động thêm vốn từ các đối tác cùng chí hướng khác. Chưa hết, để thể hiện quyết tâm, Tổng thống Joe Biden đã phát hành Bản ghi nhớ tổng thống để thực hiện PGII trên 4 trụ cột ưu tiên.

Thứ nhất là giải quyết khủng hoảng khí hậu và củng cố an ninh năng lượng toàn cầu thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu, công nghệ năng lượng chuyển đổi và phát triển chuỗi cung ứng năng lượng sạch.

Thứ hai, phát triển mở rộng và triển khai cơ sở hạ tầng và mạng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) an toàn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện cho xã hội kỹ thuật số mở - từ việc hợp tác với các nhà cung cấp đáng tin cậy để cung cấp kết nối kỹ thuật số 5G và 6G.

Thứ ba, thúc đẩy bình đẳng giới và công bằng - từ cơ sở hạ tầng chăm sóc giúp tăng cơ hội tham gia kinh tế của phụ nữ, đến cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh được cải thiện nhằm giải quyết khoảng cách giới trong việc sử dụng thời gian và công việc không được trả lương.

Cuối cùng là phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng của hệ thống y tế và đóng góp vào an ninh y tế toàn cầu thông qua đầu tư vào các dịch vụ y tế lấy bệnh nhân làm trung tâm; sản xuất vaccine và các sản phẩm y tế thiết yếu khác...

Hội nghị thượng đỉnh G7 được kỳ vọng sẽ đưa ra giải pháp cho các vấn đề nóng của thế giới. Ảnh: Getty

Một số dự án nổi bật trong chương trình này gồm dự án phát triển năng lượng mặt trời trị giá 2 tỷ USD ở Angola với sự hỗ trợ từ Bộ Thương mại, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ, Công ty Africa Global Schaffer và nhà phát triển dự án Sun Africa của Mỹ; 3,3 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật cho Viện Pasteur de Dakar ở Senegal khi tổ chức này phát triển một cơ sở sản xuất đa vaccine quy mô công nghiệp, linh hoạt; Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cũng sẽ cam kết hỗ trợ 50 triệu USD trong vòng 5 năm cho Quỹ Khuyến khích chăm sóc trẻ em toàn cầu của Ngân hàng Thế giới.

Friederike Roder, Phó Chủ tịch của nhóm phi lợi nhuận Global Citizen nhận định, các cam kết đầu tư có thể là “một khởi đầu tốt” hướng tới sự tham gia nhiều hơn của các nước G7 vào các quốc gia đang phát triển. Giờ đây, G7 nhận thấy rằng, nếu không có các nước đang phát triển, sẽ không có sự phục hồi bền vững cho nền kinh tế thế giới. Thông qua một loạt dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, G7 muốn tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Á và châu Phi.

Quyết sách đối với cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine

Bên cạnh dự án Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu nhằm đối trọng với Trung Quốc, trong ngày họp thứ hai, G7 cũng sớm ra tuyên bố chung về chiến sự Nga-Ukraine, đồng thời xem xét một gói hành động mới nhằm gia tăng sức ép đối với Moscow. Sau bài phát biểu trực tuyến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại hội nghị, lãnh đạo các nước G7 cam kết duy trì và tăng cường áp lực kinh tế cũng như chính trị với Nga; khẳng định “tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và sát cánh với Ukraine trong thời gian cần thiết"; tạo “hành lang an toàn” cho những người tị nạn, bằng cách hợp lý hóa các thủ tục nhập cư và các yêu cầu về thị thực; đáp ứng các nhu cầu nhân đạo của Ukraine...

Các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp ở Đức vào hạ tuần tháng 6. Ảnh: Reuters

Thậm chí, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn nói với các đồng minh rằng "chúng ta phải ở cùng nhau để chống lại Nga” bởi chiến sự ở Ukraine đã tác động mạnh tới nguồn cung cấp thực phẩm, năng lượng và kinh tế toàn cầu. Hãng tin Bloomberg cho hay, khi bắt đầu cuộc họp, 4 trong số 7 thành viên G7 gồm Anh, Mỹ, Nhật Bản và Canada đưa ra đề xuất cấm nhập khẩu vàng của Nga để thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Giới chức Anh còn lập luận rằng, lệnh cấm nhằm vào những người Nga giàu có đang mua vàng thỏi để trú ẩn an toàn nhằm giảm tác động tài chính của các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Năm 2021, xuất khẩu vàng của Nga trị giá 15,5 tỷ USD.. Nhưng, sau đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thừa nhận, vấn đề này cần phải được thảo luận thêm và xử lý cẩn thận.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng đạt được tiến bộ trong việc đặt ra mức giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Động thái này được cho là nhằm ngăn Nga được hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cũng như chặn giá dầu tăng vọt. Hiện tại, Nga vẫn đang là nhà cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu thô hàng đầu cho châu Âu. Để giảm bớt sự siết chặt của Nga đối với nguồn cung năng lượng, vốn đã khiến giá tăng vọt, đại diện Pháp đề xuất đưa Iran và Venezuela (2 quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt) quay trở lại thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, G7 không thể một sớm một chiều và cũng không đơn giản khi thông qua việc này. Thống kê từ tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết, nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua Ukraine qua trạm cửa khẩu Sudzha hôm 27-6 vẫn không thay đổi và là ngày thứ tư liên tiếp, ở mức 42,1 triệu m3. Dòng chảy khí đốt vận chuyển qua tuyến đường ống này vượt biển Baltic sang Đức cũng vậy, trong khi dòng khí đốt vào Slovakia trung chuyển qua Ukraine thông qua trạm biên giới Velke Kapusany chỉ thay đổi chút ít, không đáng kể...

Các nhà lãnh đạo G7 cũng đạt được tiến bộ trong việc đặt ra mức giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga

Giới quan sát nhận định, hội nghị thượng đỉnh G7 lần này thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế bởi người ta hy vọng các quốc gia hàng đầu thế giới sẽ sớm đưa ra hành động thực tế về tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu cũng như nguy cơ của một cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế thời kỳ hậu COVID-19. Tuy nhiên, những vấn đề nóng lại chỉ được nhắc đến rất ít mà nhường chỗ cho những cuộc thảo luận kỹ hơn về cách mà G7 phải đối phó với Nga và Trung Quốc. Vì vậy, dù một quan chức của G7 khi trả lời phỏng vấn báo giới vẫn khẳng định về “mục tiêu kép” của nhóm, song nhiều câu hỏi cũng được đặt ra về cái gọi là nỗ lực của những quốc gia phát triển và sự coi trọng đối với phần còn lại của thế giới nói chung. Bản chất, gốc rễ của các nguy cơ khủng hoảng toàn cầu vẫn chưa được giải quyết. Những biện pháp đưa ra chỉ là nhằm thắt chặt vòng vây hơn đối với Nga và Trung Quốc. Điều này có lợi cho phương Tây hay không, chúng ta khoan bàn luận nhưng chắc chắn nó sẽ tác động mạnh đến các quốc gia nghèo và đang phát triển, thậm chí lôi họ vào một vòng xoáy cạnh tranh mới.

Khánh Chi

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

Trong bối cảnh cả Nga và Triều Tiên đều chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hai quốc gia đã tìm thấy điểm tựa chiến lược để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao, mối quan hệ này không chỉ giúp họ đối phó với sự cô lập, mà còn góp phần tái định hình cục diện địa chính trị tại Đông Bắc Á.

Đợt không khí lạnh tăng cường khiến các tỉnh thành ở miền Bắc nền nhiệt tiếp tục giảm, trời rét. Thủ đô Hà Nội ngày nắng, về đêm và sáng sớm lạnh. Vùng núi cao một số nơi dưới 16 độ C.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文