Chiến sự Hamas-Israel: Khủng hoảng nhân đạo đã cận kề
Hàng nghìn tấn hàng cứu trợ mắc kẹt tại biên giới Ai Cập với Gaza nhiều ngày trong khi người dân Gaza cạn kiệt lương thực, thuốc men, nước uống,... thảm họa nhân đạo trước mắt khiến cả thế giới đứng ngồi không yên, trong khi Israel vẫn quyết tâm tàn phá Dải Gaza hằng ngày khiến cộng đồng Arab Hồi giáo ngày càng phẫn nộ, cùng nhau lên án Israel, nguy cơ chiến tranh lan rộng vì thế cũng ngày càng cao.
Thảm cảnh của người Palestine
Theo tổ chức từ thiện quốc tế Hành động chống nạn đói (Action Against Hunger - AAH), thiếu nước là một trong những thách thức lớn nhất ở Gaza, đồng thời cảnh báo về “một cuộc khủng hoảng sức khỏe trên bờ vực bùng nổ”. Nhân viên của tổ chức này cho biết những nơi tạm trú quá đông đúc đang gần đến mức phá vỡ. Họ nói thêm rằng, một nơi trú ẩn ở Gaza hiện đang hỗ trợ hơn 24.000 người và 60% trẻ em ở đó bị ảnh hưởng bởi bệnh tiêu chảy. Một số người đã phải dùng đến cách đi vệ sinh ngoài trời.
Liên hợp quốc ước tính mỗi người ở Gaza hiện có được chưa tới 3 lít nước mỗi ngày, một nửa trong số đó là trẻ em có nguy cơ cao nhất do thiếu nước và nhiễm trùng tiêu chảy - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trên toàn cầu. Số lượng ít ỏi đó có thể sẽ giảm dần khi nguồn cung cấp và nhiên liệu dùng để làm ra nước uống được trong các nhà máy xử lý nước bị giảm đi.
Chiara Saccardi, quan chức phụ trách khu vực Trung Đông của tổ chức Hành động chống nạn đói, cho biết: Đối mặt với tình huống bất khả thi này, nhiều gia đình ở Gaza phải dùng đến nguồn nước không thể uống được, chẳng hạn như giếng nông nghiệp. Điều này khiến họ có nguy cơ bị mất nước và thậm chí bùng phát các bệnh truyền nhiễm như dịch tả. Một trận dịch như vậy nếu xảy ra sẽ khiến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này càng trở thành một vấn đề lớn hơn.
Không chỉ là vấn đề thiếu nước, thiếu lương thực, người Palestine ở Gaza còn phải gánh chịu mối nguy hiểm cực lớn từ những quả bom do Israel ném xuống vùng đất của họ. Sau khi Thủ tướng Israel Netanyahu ra lệnh cho người Palestine ở miền Bắc Gaza rời khỏi nhà cửa đi xuống miền Nam để được an toàn hơn, họ đã tin và rời đi. Có khoảng hơn 600.000 người đã rời đi chỉ 2 ngày sau khi có lệnh di dời. Thế nhưng, niềm tin đã biến thành thảm họa đối với họ. Dọc đường đi họ đã trở thành “miếng mồi” cho những trận bom như thế. Hàng trăm người Palestine đã chết do trúng bom trên đường di tản. Thế giới, đặc biệt là các quốc gia khối Arab, Hồi giáo kịch liệt lên án hành động “trừng phạt tập thể” đối với dân thường Palestine của Nhà nước Israel. Vua Abdullah II của Jordan đã mạnh mẽ lên án Israel, cho rằng hành động trả đũa Hamas của Israel đã vượt ra ngoài quyền tự vệ khi tiến hành trừng phạt tập thể thường dân Palestine.
Lãnh đạo các nước EU tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực giảm thiểu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza nhằm tạo ra một mặt trận ngoại giao thống nhất sau một tuần rối loạn và các thông điệp trái chiều từ các nhà lãnh đạo ở Brussels.
Sau cuộc họp video khẩn cấp để giải quyết vụ xung đột ở Trung Đông, lãnh đạo Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra “một đường lối hành động thống nhất rõ ràng, phản ánh sự phức tạp của tình hình đang diễn ra”.
Cuộc đàm phán hôm 17/10 diễn ra trước tuyên bố của các nhà lãnh đạo EU hôm 15/10 lên án mạnh mẽ “các cuộc tấn công khủng bố” của Hamas, đồng thời đề cập đến “tầm quan trọng của việc bảo vệ tất cả dân thường vào mọi lúc” và sự cần thiết của Israel phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Michel nói về sự cần thiết phải sử dụng tất cả đòn bẩy mà EU có thể tập hợp được để giúp đỡ các con tin bị Hamas bắt giữ và thuyết phục Ai Cập phê duyệt một hành lang nhân đạo cho viện trợ và người tị nạn.
Ai Cập và Jordan giáp Israel ở hai phía đối diện, có chung đường biên giới với Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng. Cả hai đều tỏ ra dè dặt trong việc cho phép người Palestine di tản vào. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi hôm 18/10 đã đưa ra những nhận xét cứng rắn nhất, nói rằng cuộc chiến hiện tại không chỉ nhằm chống lại Hamas “mà còn là một nỗ lực nhằm thúc đẩy dân thường... di cư đến Ai Cập”. Ông cảnh báo điều này có thể phá hoại hòa bình trong khu vực. Thay vào đó, người Palestine có thể được chuyển đến sa mạc Negev của Israel “cho đến khi các chiến binh bị xử lý”, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi phát biểu trong cuộc họp báo chung ở Cairo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Tuy nhiên, đến ngày 19/10, sau các cuộc đàm phán với Tổng thống Mỹ Biden, Tổng thống Ai Cập Sisi đã đồng ý mở cửa khẩu và cho một nhóm ban đầu gồm 20 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào. Ông nói nếu Hamas tịch thu viện trợ, “mọi chuyện sẽ kết thúc”. Các quan chức Nhà Trắng cho biết viện trợ sẽ bắt đầu được chuyển sớm nhất vào ngày 20/10. Ông nói thêm rằng 20 chiếc xe tải sẽ được lăn bánh trong đợt đầu tiên. Những chiếc xe tải còn lại có được phép đi qua cửa khẩu hay không sẽ phụ thuộc vào việc “di chuyển như thế nào”. Ai Cập cho biết các con đường xuyên biên giới cần được sửa chữa sau khi bị Israel không kích phá hủy cách đây vài ngày. Người đứng đầu tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Bắc Sinai Khalid Zayed cho biết hơn 200 xe tải và 3.000 tấn hàng viện trợ đã được bố trí tại hoặc gần cửa khẩu Rafah.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói với kênh truyền hình Al-Arabiya TV rằng các nguồn cung cấp sẽ được đưa vào dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Khi được hỏi liệu người nước ngoài và người có hai quốc tịch muốn rời đi có được phép đi qua hay không, ông nói: “Miễn là cửa khẩu hoạt động bình thường và đường sá đã được sửa chữa”.
Hiện tại rất nhiều quốc gia và tổ chức nhân đạo quốc tế đã gửi hàng cứu trợ cho người Palestine, kể cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết các xe tải của WHO “đã chất đầy hàng và sẵn sàng hoạt động” ngay khi cửa khẩu Rafah được mở.
Phát biểu tại cuộc họp giao ban chiều 19/10, ông Tedros cho biết WHO “rất quan ngại về tỉnh cảnh bi thảm của người dân ở Gaza, những người đang phải chịu đựng các cuộc bắn phá và bao vây” cũng như về các cuộc tấn công vào cơ sở chăm sóc y tế ở cả Gaza và Israel. Ông nói: “WHO ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức của Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Chúng tôi kêu gọi thả ngay lập tức và an toàn các con tin bị Hamas và các nhóm vũ trang khác bắt giữ, trong đó có trẻ em, người già và những người cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Israel và Hamas tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế để bảo vệ dân thường và chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi kêu gọi Israel khôi phục nguồn cung cấp điện và nước”.
Mỹ có nguy cơ sa lầy cùng Israel
Một mặt vận động cứu trợ nhân đạo, kêu gọi Israel hoãn đưa quân vào Gaza, mặt khác Mỹ cũng có những hành động ủng hộ Israel không chỉ về mặt chính trị, ngoại giao mà cả về khí tài quân sự. Sau khi Hamas bắt đầu bắn hàng nghìn quả tên lửa về phía Israel vào ngày 7/10, áp đảo hệ thống phòng không Iron Dome của Israel, Mỹ đã vào cuộc để bổ sung nguồn cung cấp tên lửa Tamir cho Israel, cũng như vận chuyển hàng nghìn khẩu súng trường đến trang bị cho những người Do Thái định cư ở Bờ Tây, nơi các khu định cư kiên cố chỉ dành cho người Do Thái đã được thành lập giữa các thị trấn cũ của người Palestine.
Khi cuộc chiến diễn ra vài ngày, Mỹ đã điều động 2 đội tàu chiến, có cả hàng không mẫu hạm đến Địa Trung Hải để phòng hộ cho Israel. Chưa hết, Lầu Năm Gốc còn động viên 2.000 lính thủy quân lục chiến đến hỗ trợ Israel về hậu cần và y tế, giúp Israel có thêm trợ lực trong cuộc chiến.
Trong một động thái được cho là vừa kiềm chế leo thang chiến tranh, vận động sự “hỗ trợ nhân đạo” cho người dân Palestine bị Israel đuổi khỏi nhà cửa ở Gaza, vừa để tăng cường hậu thuẫn cho Israel, Tổng thống Biden đã quyết định đi thăm Trung Đông vào ngày 18/10. Trước đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đã du thuyết một số quốc gia Trung Đông không ngoài mục đích vận động ngoại giao theo hướng có lợi cho Israel. Đây có thể là một “sáng kiến hay” của Nhà Trắng trong “canh bạc” ngoại giao năm 2023.
Vấn đề là ông Biden cũng không ngờ chuyến đi của ông đã bị phá hỏng bởi một sự cố khá to: Vụ nổ lớn tại bệnh viện al-Ahli al-Arabi vào tối 17/10, chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi ông Biden đặt chân đến Trung Đông. Cơ bản là vì chuyến đi của ông bị đánh giá là quá trễ để có thể ngăn chặn vụ nổ xảy ra. Báo cáo từ cơ quan y tế của Gaza cho biết hậu quả của vụ nổ đã làm chết 500 thường dân vô tội. Tính chất vô nhân đạo của vụ nổ chính là ở chỗ rất đông người dân Palestine bao gồm bệnh nhân và người đi sơ tán xuống Nam Gaza hoặc chạy trốn bom đạn Israel đã vào tá túc tại đây. Hamas đã lên tiếng cáo buộc quân đội Israel cố tình ném bom vào bệnh viện.
Ông Biden đứng về phía Israel với lập luận trái chiều về “nguồn gốc vụ nổ” ở bệnh viện al-Ahli al-Arabi ở khu Bờ Tây, trái ngược với cáo buộc của Hamas. Tuy vậy, ông cũng không thể ngăn được cơn phẫn nộ trong thế giới Arab Hồi giáo sau khi vụ nổ xảy ra. Hezbollah ở Liban đã kêu gọi cộng đồng Hồi giáo tổ chức “Ngày thịnh nộ” chống Israel. Khắp nơi ở Trung Đông, châu Á, Đông Nam Á,... người dân biểu tình phản đối, có cả bạo động chống Israel và Mỹ, khiến cho một số cơ sở ngoại giao của Israel và Mỹ tại một số quốc gia trong khu vực phải tạm thời đóng cửa. Một quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh đã tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao và yêu cầu Đại sứ Israel phải rời khỏi nước này nay lập tức. Chính ông Biden cũng phải chịu ảnh hưởng tai hại của vụ nổ bệnh viện. Các lãnh đạo mà ông Biden dự kiến sẽ tiếp xúc trong chuyến đi của mình gồm Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Vua Jordan Abdullah II và Hoàng Thái tử Mohamed bin Salman của Saudi Arabia đều từ chối gặp ông, khiến cho một hội nghị thượng đỉnh khu vực để tìm giải pháp cho cuộc chiến Hamas-Israel phải hủy bỏ. Một phần quan trọng trong mục tiêu của chuyến đi đã không thể thực hiện được, khiến cho chuyến đi trở thành một thất bại thay vì đạt mục đích như dự tính ban đầu.
Nói về vai trò của Mỹ trong việc để xảy ra cuộc chiến hiện nay giữa Hamas và Israel, giới phân tích cho rằng cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 chẳng qua chỉ là “tức nước vỡ bờ”, mặc dù hệ quả của nó có thể đã ngăn chặn việc bình thường hóa giữa Israel và Saudi Arabia. Hamas cũng đã lên tiếng nêu rõ nguyên nhân khiến họ làm ra cuộc tấn công vào Israel là bởi chính sách của Israel ức hiếp, đàn áp người Palestine suốt nhiều năm qua, đặc biệt là trong 16 năm sau khi các vòng đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine bị đóng băng. Các chuyên gia cho rằng sai lầm của chính quyền Mỹ chính là đã “bỏ mặc sự tình”, không kịp thời triển khai các hành động ngoại giao cần thiết khi xuất hiện những mầm mống xung đột âm ỉ giữa hai bên. Sự thiếu hành động cần thiết của Mỹ đã khiến Israel “được nước làm tới”, còn người Palestine thì uất ức, căm thù, từ đó châm ngòi bùng phát cuộc chiến.