Cuộc nội chiến Ethiopia và an ninh vùng Sừng châu Phi

18:09 11/11/2021

Sau hơn một năm giao chiến với quân đội chính phủ và chịu nhiều thương vong, giờ đây Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) đã được tiếp thêm sức mạnh với sự hợp lực của 8 nhóm chống chính phủ khác, trong đó có các nhóm như Quân đội Giải phóng Oromo (OLA), Quân đội Giải phóng nhân dân Gambella (GPLA).

Việc 8 nhóm tham gia cùng TPLF tạo thành một liên minh mới chống chính phủ của Thủ tướng Abiy Ahmed có tên gọi là Mặt trận Thống nhất các lực lượng Liên hiệp và Liên bang Ethiopia (UFEFCF). Các đại diện của 9 nhóm đã họp công bố sự ra đời vào ngày 5-11 tại câu lạc bộ Báo chí quốc gia ở Washington.

Cựu Ngoại trưởng Ethiopia Berhane Gebre-Christos đại diện cho TPLF tuyên bố các nhóm của Ethiopia liên minh lại với nhau vì cùng chung mục tiêu lật ngược tình thế chiến tranh tàn khốc do Thủ tướng Abiy Ahmed khởi xướng và cho quân đội hợp sức với nước láng giềng phía Bắc là Eritrea tấn công càn quét vùng Tigray. UFEFCF ra tuyên bố chung, nêu rõ sẽ tiến hành cuộc chiến lật đổ chính quyền của Thủ tướng Abiy Ahmed bằng nhiều hình thức, từ chính trị cho đến quân sự, đồng thời kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ họ trong cuộc chiến này. UFEFCF cũng thúc giục cộng đồng thế giới và Liên Hiệp Quốc sớm có hành động thích hợp trước khi Ethiopia bùng nổ cuộc nội chiến tàn khốc, đe dọa an ninh cả khu vực Sừng châu Phi.

Lực lượng Tigray ở miền Bắc Ethiopia.

Sự kiện 9 nhóm hợp nhất thành lập liên minh UFEFCF diễn ra vài ngày sau khi quân đội TPLF đánh chiếm 2 thị trấn cách thủ đô Addis Ababa khoảng 250 km về phía Đông Bắc trên đường tiến quân về thủ đô của nhóm này. Tình hình này khiến Chính phủ Ethiopia phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi người dân cầm súng chống lại quân đội TPLF và người sắc tộc Tigray.

Các nhà phân tích cho rằng liên minh mới UFEFCF đang tạo áp lực chính trị lên chính phủ của Thủ tướng Abiy Ahmed. Nhà phân tích William Davison của Nhóm phân tích khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng liên minh mới ra đời là dấu hiệu thay đổi cán cân chính trị ở Ethiopia. Thực tế cho thấy Thủ tướng Abiy Ahmed đang đối mặt sự phản đối bằng quân sự của không chỉ người Tigray mà ở nhiều vùng khác nhau trên đất nước Ethiopia. Các nhà phân tích nhận định: Trường hợp có sự gãy đổ trong đảng cầm quyền hay một sự chuyển dịch quyền lực ở Addis Ababa thì các nhóm quân sự này sẽ đóng vai trò then chốt tại các vùng cát cứ khi Ethiopia trải qua giai đoạn chuyển tiếp.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng chưa nắm chắc sức mạnh thực sự của liên minh mới này ra sao. Bởi, ngoại trừ TPLF và 2 nhóm OLA và GPLA, một số nhóm khác không có lực lượng chiến đấu đủ mạnh, còn các nhóm chính trị lại không có chương trình hành động rõ ràng.

Trong khi đó, Thủ tướng Abiy nhận được sự ủng hộ từ các nhóm sắc tộc Amhara và Oromo. Đất nước Ethiopia là một tập hợp của ít nhất 80 nhóm sắc tộc và 10 chính quyền khu vực, luôn xung đột, chia rẽ về đất đai, lịch sử, ngôn ngữ và sự cân bằng quyền lực giữa chính phủ liên bang và các khu vực. Bên cạnh người sắc tộc Tigray, liên minh UFEFCF còn bao gồm đại diện cho các nhóm sắc tộc Oromo, Somalia, Gambella và Sidama,...

Việc TPLF đứng đầu liên minh UFEFCF chống Chính phủ Ethiopia có thể sẽ khiến nhiều người Ethiopia xa lánh. Ngày 5-11, các cuộc biểu tình phản đối TPLF đã được tổ chức tại Addis Ababa và các thành phố khác của Ethiopia. Tổng chưởng lý Ethioippia Gedion Timothewos cho rằng, TPLF “không được ai ưa thích” và nói rằng nhóm này cũng như các thành viên khác của liên minh mới sẽ “không thể tiếp nhận một Ethiopia mà ở đó họ không biết gì cả”.

Trong gần 3 thập niên, bắt đầu từ năm 1991, TPLF là lực lượng chính trị thống trị ở Ethiopia và đã bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, giam giữ các nhà báo và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Ảnh hưởng của TPLF bắt đầu suy yếu khi ông Abiy Ahmed lên nắm quyền vào năm 2018 với lời hứa sẽ phân phối quyền lực và nguồn lực một cách bình đẳng. Ông Abiy Ahmed đã loại bỏ nhiều quan chức chính phủ người Tigray.

Tháng 11-2020, xung đột quân sự bắt đầu bùng nổ với việc Thủ tướng Abiy Ahmed cho quân đội tấn công vùng Tigray sau khi đưa ra cáo buộc nhóm TPLF đột kích vào một doanh trại quân đội chính phủ. Kể từ đó, cuộc chiến trả đũa qua lại giữa quân đội Chính phủ Ethiopia và quân đội Tigray liên tục leo thang, gây thương vong cho hàng chục ngàn người, trong đó có nhiều dân thường, chủ yếu là người Tigray.

Đầu năm nay, Chính phủ Ethiopia liên kết với nước láng giềng Eritrea ở phía Bắc, giáp Tigray, tạo nên gọng kìm nhằm bóp nghẹt lực lượng của TPLF. Cần biết rằng, khi TPLF nắm quyền lãnh đạo đất nước giai đoạn trước năm 2018, Ethiopia từng có cuộc chiến tranh biên giới với Eritrea kéo dài nhiều năm. Vì mối thâm thù cũ mà Eritrea sẵn sàng hợp tác chống TPLF. Điều này gây ra tình trạng nhiều dân thường Tigray bị hãm hiếp, giết hại.

Báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra nhiều vụ việc vi phạm quyền con người nghiêm trọng, có thể xem là “vi phạm tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người”. Cao ủy viên Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet cho biết đa số các vụ vi phạm tội ác đó diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 11-2020 đến tháng 6-2021 và do các lực lượng quân đội Chính phủ Ethiopia cùng đồng minh Eritrea gây ra.

Việc 9 nhóm chống Chính phủ Ethiopia liên minh lại gây nên mối quan ngại trong cộng đồng quốc tế về nguy cơ nội chiến toàn diện ở Ethiopia và có thể lan sang láng giềng Eritrea và cả khu vực Sừng châu Phi. Vì vậy các nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc, Mỹ, châu Âu và châu Phi đang ráo riết vận động, đàm phán nhằm tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh. Thượng viện Mỹ đã thông qua lệnh trừng phạt mới đối với các bên tham chiến. Trong khi đó, đặc phái viên Mỹ tại vùng Sừng châu Phi Jeffrey Feltman đã có cuộc gặp khẩn cấp với Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) Moussa Faki và đến Ethiopia để tiếp xúc các bên liên quan. Kết quả vẫn chưa được công bố.

An Châu (Tổng hợp)

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc ngày 3/5 với Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, rút kinh nghiệm chương trình sơ duyệt khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng để nhờ người xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” và bị tuyên phạt 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Trong vụ án mới đây, Hằng đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là 4 xe ô tô trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Ngày 3/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phú (SN 1996, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文