Đức tiếp tục “chặt vòi bạch tuộc” của phong trào phát xít mới

11:14 27/09/2023

Chính quyền Đức - trong một nỗ lực mà Bộ trưởng Nội vụ nước này, Nancy Faeser mô tả là “tín hiệu rõ ràng chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc” - vừa đặt nhóm phát xít mới nổi tiếng Hammerskins Deutschland ra ngoài vòng pháp luật.

Tổng tấn công nhóm cực hữu nguy hiểm nhất

Hammerskins (còn được gọi là Hammerskin Nation) là một nhóm cực hữu theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng được thành lập vào năm 1988 tại Dallas, bang Texas (Mỹ). Trọng tâm chính của nhóm này là sản xuất và quảng bá nhạc rock cổ xúy quyền lực của người da trắng.

Giới chức Mỹ đánh giá Hammerskins là một trong những nhóm đầu trọc theo đuổi chủ nghĩa quyền lực da trắng nổi bật nhất của nước này. Trong khi đó, Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL) - một tổ chức phi chính phủ chuyên về chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa bài Do Thái - mô tả Hammerskins là nhóm phát xít mới được tổ chức tốt nhất ở Mỹ.

Một thủ lĩnh của nhóm phát xít mới Hammerskins Deutschland bị bắt. Ảnh: Euronews

Trên trang web Hammerskin Nation, nhóm cực đoan này tự hào khoe có 6 chi nhánh ở Mỹ và hàng loạt chi nhánh khác ở Canada, New Zealand, Australia cũng như nhiều nước châu Âu. Trong đó, chi nhánh ở Đức của chúng, có tên Hammerskins Deutschland, được cho rằng có khoảng 130 thành viên và đang hoạt động rất tích cực để quảng bá chủ nghĩa phát xít mới.

Trong nỗ lực trấn áp Hammerskins Deutschland, cảnh sát Đức đã đã đột kích nơi ở của 28 thành viên cầm đầu nhóm trên khắp cả nước, thu giữ “các đồ vật sùng đạo” cực hữu cũng như tiền mặt. Truyền thông Đức đưa tin một số thành viên của nhóm có giấy phép mang vũ khí.

Khi thông tin với báo chí về vụ việc, Bộ trưởng Nội vụ Đức, Nancy Faeser không tiết lộ có thành viên nào của Hammerskins Deutschland bị giam giữ hay không. Tuy nhiên, bà Faeser khẳng định rằng lệnh cấm, mở rộng đến tất cả các chi nhánh khu vực và một tổ chức phụ Crew 38 của nhóm, là một “đòn mạnh chống lại chủ nghĩa cực đoan cánh hữu có tổ chức” ở Đức và góp phần chấm dứt “những hành động vô nhân đạo của một hiệp hội phát xít mới trên bình diện quốc tế”.

Cũng theo bà Nancy Faeser, lệnh cấm đối với Hammerskins Deutschland được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài hơn một năm có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ liên bang và các tiểu bang tại Đức. Bên cạnh đó, nữ chính trị gia này cho biết thêm: “Chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với các đối tác Mỹ của mình”.

Cảnh sát vây kín khu nhà có kẻ cầm đầu nhóm Hammerskins Deutschland trong cuộc đột kích diễn ra tuần qua. Ảnh: DW

Hồ sơ của cảnh sát Đức chỉ ra rằng, Hammerskins đã hoạt động ở nước này từ đầu những năm 1990 và là một trong những tổ chức cực hữu có ảnh hưởng nhất ở châu Âu. Hammerskins Deutschland, tên của chi nhánh tại Đức, được chia thành 13 chi hội và trong một số trường hợp, các chi hội này sử dụng những cái tên ám chỉ tới Đức Quốc xã. Các chi hội của Hammerskins Deutschland hoạt động trên khắp nước Đức với cơ cấu tương tự như các băng đảng mô tô khét tiếng.

Khi âm nhạc và võ thuật trở thành công cụ tuyên truyền

Theo thông tin từ cảnh sát Đức, phương thức hoạt động của Hammerskins Deutschland là thông qua âm nhạc: Nhóm này sử dụng các bản ghi âm có thông điệp cực hữu và bài Do Thái để tuyên truyền học thuyết chủng tộc dựa trên hệ tư tưởng của Đức Quốc xã và tuyển dụng thành viên.

Hammerskins đã tham gia rất nhiều vào việc thành lập các hãng âm nhạc theo chủ nghĩa phát xít mới, bán đĩa hát chống Do Thái và tổ chức các sự kiện âm nhạc bí mật. Ví dụ, nhóm này có liên quan đến một địa điểm tên là Hate Bar ở bang Saarland, miền Tây nước Đức, nơi cảnh sát đã bắt giữ hành vi trưng bày các biểu tượng bị cấm trong các buổi hòa nhạc cực hữu gần đây vào tháng 4 năm nay.

Chúng cũng tranh thủ việc tổ chức các buổi hòa nhạc hard-rock để bán hàng hóa nhằm tăng thêm nguồn tài chính. Các thành viên của Hammerskins Deutschland gọi nhau là "anh em" và tự coi mình là “tinh hoa của phe đầu trọc cực đoan cánh hữu”.

Cơ quan tình báo nội địa Đức trước đó cho biết nhóm này cũng đã tổ chức sự kiện võ thuật cực hữu lớn nhất nước Đức mang tên “Kampf der Nibelungen”, vốn đã bị cấm từ năm 2019. Mô hình hoạt động kiểu này đang rất phổ biến trong các nhóm cực hữu tại Đức, khi các cuộc thi đấu võ thuật trở thành kênh quan trọng giúp chúng khuếch trương ảnh hưởng, tuyển mộ và đào tạo các thành viên mới.

Theo Hans-Jakob Schindler, giám đốc cấp cao của Dự án Chống chủ nghĩa cực đoan có trụ sở tại Berlin, các lễ hội võ thuật do những nhóm cực hữu tổ chức thường được tuyên bố là các sự kiện chính trị, khiến chúng khó bị cấm hơn và đảm bảo rằng mọi lợi nhuận sẽ được miễn thuế. Tại các sự kiện này thường có sự góp mặt của một vài diễn giả hoặc hội thảo cực đoan cánh hữu... Và, trong khi các giải đấu võ thuật tổng hợp ở châu Âu thường có các võ sĩ từ các nhóm chủng tộc khác nhau, những sự kiện này chỉ cho phép các võ sĩ da trắng tham gia.

Bộ trưởng Nội vụ Đức, Nancy Faeser mô tả lệnh cấm nhóm Hammerskins là một đòn mạnh chống lại chủ nghĩa cực đoan cánh hữu có tổ chức ở nước này. Ảnh: Spiegel

“Chúng đang cố gắng mở rộng phạm vi tuyển mộ thành viên”, ông Schindler nói. “Khi bàn mời mọi người mua áo phông, bạn có thể mời họ đến tham dự một trong những lễ hội như vậy. Và bạn dần dần bắt đầu nói với họ về hệ thống chính trị tồi tệ như thế nào. Vì vậy, phương pháp tuyên truyền này tinh tế hơn một chút so với trước đây”.

Trong các video quảng cáo cho giải đấu chiến đấu cực hữu lớn nhất, được gọi là “Kampf der Nibelungen” (Trận chiến của Nibelungs), không có biểu tượng hoặc khẩu hiệu cực hữu nào được trưng bày. Dấu hiệu duy nhất cho thấy sự kiện này nằm ngoài xu hướng chủ đạo chỉ là khuôn mặt của những người tham gia đều bị làm mờ khi phát tán trên các mạng xã hội.

Nhưng, thông điệp được tuyên truyền ở các sự kiện này rất rõ ràng. Alexander Ritzmann, cố vấn cấp cao của Dự án Chống chủ nghĩa cực đoan, cho biết: “Những diễn giả cực hữu thuyết phục người nghe rằng người da trắng đang bị đe dọa ở mọi cấp độ”.

Một số người tham gia đã công khai nỗ lực học võ thuật để chuẩn bị chống lại những kẻ mà họ coi là đe dọa bản sắc châu Âu da trắng, báo Frankfurt Roundup dẫn lời một võ sĩ tham gia “Kampf der Nibelungen” cho biết. “Trong thời đại ngày nay, người dân của chúng ta đang dựa lưng vào tường và tất cả chúng ta đều lo ngại về sự sống còn của mình”, võ sĩ kể trên nói trên một podcast cực hữu vào năm 2015.

“Vòi bạch tuộc” cuối cùng bị chặt?

Trở lại với việc Hammerskins bị chính cấm hoạt động, Bộ Nội vụ Đức cho biết đây là lần thứ 20 một hiệp hội cực đoan cánh hữu bị đặt ngoài vòng pháp luật ở nước này. Trước lệnh cấm, Hammerskins là tổ chức đầu trọc cánh hữu lớn cuối cùng ở Đức còn hoạt động sau khi một nhóm khác, Blood and Honor, bị đặt ngoài vòng pháp luật vào năm 2000.

Blood and Honor có quan hệ mật thiết với các thành viên của một nhóm phát xít mới đã thực hiện 10 vụ giết người có động cơ phân biệt chủng tộc ở Đức. Vào năm 2020, chính quyền Đức cũng đã cấm một nhóm phát xít mới khác là Combat 18 tham gia vào các buổi hòa nhạc cực hữu. Cơ quan tình báo nội địa Đức ước tính có khoảng 38.800 người theo chủ nghĩa cực đoan cánh hữu ở nước này, với hơn một phần ba trong số họ được coi là “có khả năng bạo lực”.

Một cuộc biểu dương lực lượng trên đường phố của những kẻ theo chủ nghĩa cực hữu tại Đức. Ảnh: DW

Lệnh cấm Hammerskins được đưa ra trong bối cảnh chủ nghĩa cực đoan cực hữu ở Đức ngày càng phát triển và sự ủng hộ ngày càng tăng đối với đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (đảng AfD) theo chủ nghĩa dân tộc, chống người nhập cư. AfD có tỷ lệ ủng hộ ở mức 21-22% trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất, đưa đảng này lên vị trí thứ hai sau đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) và dẫn trước tất cả các đảng cầm quyền trong liên minh trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz.

Sự trỗi dậy của AfD phản ánh làn sóng cực hữu ngày càng phát triển tại Đức. Hiện, Đức đã nâng chủ nghĩa khủng bố cực hữu lên đầu danh sách các mối đe dọa an ninh quốc gia sau một số vụ tấn công, đáng chú ý nhất là vụ tấn công thất bại vào giáo đường Do Thái ở Halle, phía Đông đất nước hồi tháng 10/2019 và một cuộc tấn công có động cơ phân biệt chủng tộc ở Hanau, gần thành phố Frankfurt, vào tháng 2 năm nay khiến 9 người thiệt mạng.

Vào cuối năm ngoái, chính quyền Đức cũng phá vỡ một âm mưu cực đoan lớn nhằm lật đổ chính phủ liên bang và đưa một số quý tộc cánh hữu lên lãnh đạo đất nước, đồng thời thay thế nhà nước hiện tại bằng mô hình Đế quốc Đức của thế kỷ 19. Nỗ lực làm chính biến này được dẫn đầu bởi cái gọi là Phong trào Reichsbrger, ước tính có tới 20.000 người ủng hộ, với tư tưởng hoài niệm về nhiều giai đoạn đã qua của lịch sử nước Đức.

Theo Văn phòng Tổng Công tố Liên bang Đức, Reichsbrger tuyển chọn số lượng lớn thành viên là những cựu binh sĩ của các lực lượng vũ trang Đức, trong đó có cả lính đặc nhiệm, nên tổ chức này được đánh giá là đặc biệt nguy hiểm. Để triệt phá Reichsbrger, gần 3.000 nhân viên an ninh đã được huy động cho chiến dịch đột kích và nhà chức trách Đức đã bắt 25 kẻ cầm đầu của phong trào cực hữu này.

Với những gì thu thập được trong chiến dịch triệt phá âm mưu lật đổ trật tự hiến pháp của Reichsbrger, giới chức an ninh Đức có lý do để tăng cường trấn áp các nhóm cực hữu tại nước này, mà lệnh cấm đối với Hammerskins là minh chứng mới nhất.

Nguyễn Khánh

Cơn sốt mang tên Nguyễn Xuân Son có thể không đơn thuần chỉ là hiệu ứng nhất thời, khi dòng người lao động quốc tế đến Việt Nam làm việc ngày càng lớn. Không ít cá nhân trong số đó đã quyết định ở lại Việt Nam định cư, đồng thời xin quốc tịch Việt Nam cho con của họ.

Ngày 3/1, TAND huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) mở phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Văn Khỏe (SN 1969, trú tại xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (GTVT) ước tính tổng nhu cầu nhân lực trực tiếp ở các khối quản lý nhà nước, quản lý dự án, tư vấn, xây lắp, vận hành cho xây dựng, khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cao điểm khoảng 200.000 - 250.000 lao động, gồm: Nhân lực quản lý dự án 700 -900 cán bộ, tư vấn 1.100-1.300 lao động, xây lắp 180.000 - 240.000 lao động và giai đoạn vận hành là 13.880 lao động.

Một thông tin có thể không mới nhưng vẫn khiến nhiều người bất ngờ: Từ ngày 25/12/2024, dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam phải thực hiện xác thực tài khoản người dùng đang hoạt động. Cụ thể: "Tài khoản mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại di động hoặc mã số định danh cá nhân mới được phép hoạt động, đăng bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin (theo: Đức Thiện-Báo Tuổi trẻ)

Thời gian gần đây, trào lưu nuôi búp bê Kumathong lại nóng trở lại. Lý do là bởi nhiều người tin rằng, khi “nuôi” một con búp bê này trong nhà thì tài lộc ngút trời, làm việc gì cũng hanh thông. Không chỉ người lớn mà nhiều học sinh cũng đua nhau tìm mua búp bê Kumanthong qua mạng xã hội về thờ cúng tại nhà, hy vọng mang lại may mắn, học giỏi.

Mới đây, truyền thông Mỹ dẫn kết quả một số cuộc thăm dò dư luận cho biết, phần lớn người dân nước này lựa chọn mừng năm mới một cách bình yên và ấm áp tại nhà, sau một năm học tập và làm việc vất vả. Nhưng những diễn biến bất ngờ tại "xứ cờ hoa" lại trở thành nỗi ám ảnh đối với họ.

Đã xuất hiện thêm tín hiệu tích cực hướng đến một tiến trình đàm phán chấm dứt xung đột, mang lại hòa bình lâu dài cho Ukraine sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Slovakia Robert Fico đến Moscow hôm 22/12.

Một sự kiện được đông đảo dư luận quan tâm gần đây là việc bắt buộc định danh tài khoản mạng xã hội kể từ 25/12/2024. Người dùng mạng xã hội ở Việt Nam sẽ phải xác minh tài khoản bằng số điện thoại thuê bao chính chủ hoặc số căn cước công dân.

Hỏi: Gia đình tôi có người vừa mới ra tù và có dự định xuất cảnh ra nước ngoài. Xin quý Báo cho biết, người mới chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích có được xuất cảnh ra nước ngoài không? (Lê Hùng, Từ Sơn, Bắc Ninh)

Mỗi quốc gia đều có những chế tài xử phạt khác nhau đối với người vi phạm giao thông, đặc biệt là đối với hành vi không tuân thủ tín hiệu đèn chỉ dẫn. Tại Đông Nam Á, nhằm nâng cao tính răn đe, các mức phạt với hành vi vi phạm lặp lại có thể được tính lũy tiến hoặc thậm chí ngồi tù.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文