Hội nghị G7 dưới góc nhìn chuyên gia
Hội nghị Thượng đỉnh G7 (bao gồm 7 nước công nghiệp phát triển) lần này, các nhà lãnh đạo tham dự đã thảo luận nhiều vấn đề như sức ép kinh tế của Trung Quốc, cuộc chiến Ukraine, việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, quản trị bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển bền vững.
Tính chất bao trùm của hội nghị lần này, cũng như việc các nước G7 tiếp cận Nam bán cầu và nỗ lực phối hợp giải quyết các thách thức cấp bách toàn cầu, đã nêu bật thực tế về tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của các nước trong khối cũng như các đối tác.
Laura von Daniels, Trưởng Phòng nghiên cứu châu Mỹ thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh Đức, cho rằng khi bàn về Nam bán cầu và tầm quan trọng chính trị của khu vực này, vẫn cần phải xem liệu G7 đã hành động đủ hay chưa. Khi xét tới danh sách những nước được mời tham dự hội nghị, có thể nói Thủ tướng Nhật Bản đáng được khen ngợi vì có tầm nhìn bao trùm hơn. Các nhà lãnh đạo từ Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook, Hàn Quốc và Việt Nam đã tham dự một số phiên mở rộng của hội nghị. 2 trong số các vấn đề được nhắc đến thường xuyên trong cả các phiên chính thức và không chính thức, là cuộc chiến Ukraine và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi nói đến điều này, nhiều người cho rằng hội nghị giống như màn phô trương sức mạnh truyền thống của Mỹ và đồng minh hơn là nỗ lực xây dựng một liên minh lớn hơn để có thể giải quyết triệt để vấn đề.
Các cuộc thảo luận tập trung nhiều vào “cây gậy” như việc tăng cường hợp tác quân sự và áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp với những nước thứ ba làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây, hơn là vào “củ cà rốt” mà G7 có thể đưa ra để lôi kéo các nước khác. Ngoài ra, sẽ cần nhiều nỗ lực hơn để thuyết phục các quốc gia Nam bán cầu hợp tác, vì nhu cầu và lợi ích của họ khá khác nhau. Để có được sự đồng thuận của những nước này, cần dành nhiều không gian hơn cho các ưu tiên chính trị của họ.
Theo Robin Niblett, chuyên gia cao cấp của Chương trình châu Âu thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), trong số các chủ đề được thảo luận tại hội nghị lần này, mối quan tâm chung lớn nhất rõ ràng là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mục đích của cuộc thảo luận về vấn đề này là tăng cường khả năng chống chịu và an ninh kinh tế chung của các thành viên G7 để đối phó với việc Trung Quốc có khả năng sử dụng sức mạnh kinh tế hòng gây sức ép với các nước khác. Tham vọng thống nhất hành động dựa trên việc ra mắt Nền tảng điều phối G7 về cưỡng ép kinh tế tại hội nghị.
Cơ chế này sẽ cho phép các thành viên G7 bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu trước hành vi gây ảnh hưởng phi pháp, gián điệp, gây rò rỉ dữ liệu và phá hoại trong lĩnh vực kỹ thuật số. Các thành viên cũng cam kết phối hợp ngăn chặn việc sử dụng những công nghệ mũi nhọn mà họ phát triển nhằm nâng cao năng lực quân sự đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.
Đặc biệt, trong tuyên bố riêng về khả năng chống chịu của nền kinh tế và an ninh kinh tế, các thành viên G7 khẳng định rằng họ sẽ sát cánh cùng nhau để chống lại sự cưỡng ép kinh tế. Tuy nhiên, đối với Brazil, Ấn Độ và những nước khác nằm ngoài G7, việc nhóm này tự do sử dụng các biện pháp trừng phạt và “vũ khí hóa” đồng USD là lời nhắc nhở rằng một G7 vững mạnh đồng nghĩa với việc Mỹ có thể tiếp tục chi phối các chính sách kinh tế và đối ngoại của họ.
Một vấn đề khác cũng được các chuyên gia nhìn nhận, đó là vai trò trở lại của G7, sau một thời gian dài suy giảm. Theo Riccardo Alcaro - điều phối viên nghiên cứu và là Chủ nhiệm Chương trình Global Actors thuộc Viện quan hệ quốc tế Italy cho biết, cách đây không lâu, G7 (sau đó là G8 trong một thời gian ngắn) đã bị coi là diễn đàn lỗi thời khi khả năng cung cấp năng lực quản trị toàn cầu ngày càng giảm, xu hướng được chứng minh một cách thuyết phục nhất bởi sự xuất hiện của G20 với tư cách là diễn đàn quốc tế chính để thảo luận về các phản ứng đối với cuộc đại suy thoái 2008-2009. 14 năm sau, G7 đã lấy lại được vị thế của mình.
Việc các đối tác của Mỹ trong nhóm G7 nhìn chung đều ủng hộ các mục tiêu và tuyên bố của họ là thành tựu quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden lần này. G7 có thể không còn là bên thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu, tuy nhiên, chừng nào họ còn đạt được sự đồng thuận thì nhóm này vẫn sẽ duy trì năng lực đáng kể để định hình các mối quan hệ quốc tế.
Một điểm quan trọng khác đáng nhắc đến, đó là theo Yasushi Kudo, Chủ tịch Genron NPO Nhật Bản, hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là sự kiện lịch sử diễn ra tại một trong 2 thành phố từng hứng chịu sự tàn phá của vũ khí hạt nhân. Với tư cách Chủ tịch G7 năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida muốn hội nghị giúp tái khẳng định sự đoàn kết giữa các quốc gia G7 cũng như tạo động lực để đưa thế giới xích lại gần nhau hơn, hướng tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Vào ngày cuối cùng của hội nghị, các nhà lãnh đạo từ 8 nền kinh tế mới nổi không thuộc G7 - trong đó có Ấn Độ, Brazil, Indonesia - và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tham gia 2 phiên thảo luận: Ukraine và Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Cuối cùng, theo Céline Pajon, Trưởng Phòng nghiên cứu Nhật Bản của Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima cho thấy trật tự quốc tế mới đang được hình thành. Trong thế giới mà an ninh là điều không thể chia tách, cần ưu tiên việc duy trì trật tự dựa trên các quy tắc được xây dựng trên tinh thần tập thể và tìm kiếm thỏa thuận tạm thời. G7 có thể hướng tới điều này bằng việc xem xét những quan điểm khác nhau của các nước công nghiệp và ở Nam bán cầu, vốn ưu tiên đa liên kết và quyền tự chủ. Nhật Bản và châu Âu sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.