Kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân: Bác Hồ với mùa xuân năm 1968

08:58 22/01/2023

Ngày 10/9/1967, Bác Hồ đi Trung Quốc chữa bệnh. Người được điều trị tại khu nghỉ mát của Trung ương Đảng Cộng sản nước bạn, trong một biệt thự trên núi cách Bắc Kinh 70km. Ngày 23/12, Bác từ Trung Quốc về nước. Ngày 28/12, Bác làm việc với đồng chí Lê Văn Lương, sau đó họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định chủ trương mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị quyết định cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại phòng họp Bộ Chính trị trong khu Phủ Chủ tịch, Hà Nội (12/1967).

Tại hội nghị, Người chỉ thị cho cán bộ chỉ huy các chiến trường: Kế hoạch phải thật tỉ mỉ. Hợp đồng phải thật khớp. Bí mật phải thật tuyệt đối. Hành động phải thật kiên quyết. Cán bộ phải thật gương mẫu. 9h, Người làm việc với đồng chí Văn Tiến Dũng. 9h30, Người tiếp tục làm việc với đồng chí Lê Văn Lương. 14h, Người làm việc với đồng chí Xuân Thủy. 20h, y tá đến tiêm thuốc cho Người.

Ngày 31/12, 8h30, Người ra Phủ Chủ tịch để ghi âm lời thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân dịp đầu năm mới Mậu Thân 1968. Đồng chí Trần Lâm, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và một số cán bộ đã đến Phủ Chủ tịch từ sớm để chuẩn bị. Theo quy ước quân sự đã thống nhất từ trước, câu thơ cuối cùng phát trên sóng chính là mật lệnh bắt đầu cuộc tổng tiến công, nổi dậy ở miền Nam...

Bút tích Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Lê Duẩn.

Ngày 1/1/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư chúc mừng năm mới tới đồng bào và chiến sĩ cả nước. Từ 8h đến 9h, Người cùng đồng chí Trần Sâm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và một số cán bộ của Thủ đô đi thăm những chỗ vừa bị máy bay Mỹ bắn phá. Người nhắc Thành ủy trong dịp Tết Nguyên đán tới cần quan tâm hơn nữa đến các gia đình bị nạn. 14h30, Người tiếp các đồng chí trong Bộ Chính trị vào thăm. Người căn dặn một số công việc cần giải quyết trong thời gian tới. 16h, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đi chữa bệnh, đồng chí Lê Văn Lương được Ban Bí thư cử đi giúp việc Người. 18h, Người nghỉ lại Quảng Châu. Ngày hôm sau, Người đến Bắc Kinh. Các đồng chí Chu Ân Lai, Khang Sinh ra sân bay Tây Giao đón và đưa Người về nghỉ ở Ngọc Tuyền Sơn.

Ngày 3/1/1968, 8h, Người làm việc với đồng chí Lê Văn Lương. 14h30, Người tiếp bác sĩ Tôn Chấn Hoàn, Viện trưởng Viện Đông y của Bắc Kinh đến thăm sức khỏe. 17h30, Người tiếp và cùng ăn cơm với một số cán bộ Trung Quốc. Từ ngày 4 đến ngày 7/1, Người có triệu chứng cảm nhẹ, mệt và ho nhiều nên các bác sĩ phải tiêm kháng sinh. Ngày 9/1, Người đỡ mệt hơn và trực tiếp nghe buổi hội chẩn của các bác sĩ. Tuy nhiên, mấy ngày tiếp theo, Người vẫn phải tiêm kháng sinh loại khác và làm xét nghiệm, chụp X quang phổi, làm điện tim. Ngày 14/1, các bác sĩ hướng dẫn Người một số động tác tập luyện tay, chân và chuyền bóng. Từ ngày 15/1, các bác sĩ tiếp tục làm xét nghiệm, bắt mạch, kê đơn thuốc điều trị, châm cứu và kết hợp chạy điện phổi cho Người.

Quân Giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu.

Ngày 20/1, Người làm việc với đồng chí Lê Đức Thọ từ Việt Nam sang. 15h, các bác sĩ Đông y đến chườm gừng sao với rượu thuốc. Ngày 23/1, 8h30, các bác sĩ đến chạy điện lần cuối của đợt 1. 10h, Người làm việc và ăn cơm trưa với một đồng chí cán bộ từ Việt Nam đến thăm. 14h30, các bác sĩ Đông y đến chườm gừng. Ngày 25/1, 8h, Người tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường đi công tác, ghé qua Bắc Kinh thăm Người. Ngày 26 và 27/1, Người làm việc và cùng ăn cơm với Đại tướng. Tối 28/1 (30 Tết Mậu Thân), Người cùng đồng chí thư ký Vũ Kỳ đón giao thừa trong một căn phòng vắng, tĩnh mịch để nghe tin tức trên đài. Khi Đài Tiếng nói Việt Nam có tiếng pháo nổ vang đón mừng năm mới vừa dứt thì lời thơ chúc Tết của Người được truyền đi mọi miền của Tổ quốc: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Tiếng Người trên đài hòa vào tiếng nhạc hùng tráng, ánh mắt Chủ tịch Hồ Chí Minh lộ rõ niềm vui và giữa giờ phút thiêng liêng ấy, Người nói khe khẽ nhưng rất rõ: “Giờ này miền Nam đang nổ súng”.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh in trên tờ Newsweek (Mỹ).

Sớm 29/1 (mùng 1 Tết), đồng chí thư ký Vũ Kỳ kể: “Tại Ngọc Tuyền Sơn, Bác Hồ làm việc sớm hơn mọi ngày. Đồng chí giúp việc được Bác gọi bảo mang giấy bút ra viết. Chắc là có việc gì gấp, đồng chí ấy nghĩ. “Chú viết theo Bác đọc nhé”. Bác đọc không to nhưng chậm và rõ ràng: “Đã lâu không làm bài thơ nào. Chấm xuống dòng”. “Dạ, thưa Bác, thơ ạ?”. “Chú viết tiếp nhé: Nay lại thử làm xem ra sao. Phẩy xuống dòng”. “Chắc là thơ rồi, nhưng sao lại chẳng “thơ” chút nào, như là văn xuôi”, đồng chí giúp việc nghĩ. “Chú viết tiếp: Lục khắp giấy tờ vần chửa thấy/ Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao. Thắng trong nháy nháy. Chấm hết”. Ồ, hóa ra bài thơ thật. Đêm qua Bác Hồ nghĩ nhiều về cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968. Và, sáng hôm nay, bài thơ “Thắng” ra đời như vậy: “Đã lâu chưa làm bài thơ nào/ Nay lại thử làm xem ra sao/ Lục mãi giấy tờ vần chửa thấy/ Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao”. 17h30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đồng chí Chu Ân Lai, Khang Sinh, Lý Phú Xuân cùng phu nhân đến chúc Tết...

Ngày 30/1, 18h, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời các bác sĩ Trương Hiếu, Tôn Chấn Hoàn, Hồng Uyên đến ăn tết, đồng chí Ngô Minh Loan - Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cùng dự. Ngày 2/2, 16h30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phu nhân các đồng chí Chu Ân Lai, Khang Sinh và bà Thái Xướng đến chúc mừng thắng lợi của miền Nam. Ngày 7/2, từ 17h45 đến 20h5, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông và các đồng chí Chu Ân Lai, Khang Sinh, Trần Bá Đạt tại phòng khách Quốc hội, nói chuyện về miền Nam. Lúc ra về, Chủ tịch Mao tiễn Người ra tận xe. Ngày 8/2, buổi sáng và đầu giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các bác sĩ đến điều trị bệnh. 17h30, Người tiếp và dùng cơm cùng các bà Đặng Dĩnh Siêu, Thái Xướng, bà Tào cùng các đồng chí Quảng Đông.

Thiệp chúc Tết năm 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 16/2, 10h30, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe đồng chí Ngô Minh Loan báo cáo về việc đồng chí Lê Thanh Nghị điện sang nhờ đồng chí Chu Ân Lai can thiệp việc ách tắc đường sắt chuyên chở hàng hóa và vũ khí. 19h, Người nghe thơ Trần Đăng Khoa. Trong tháng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen 11 cô gái sông Hương và tặng 4 câu thơ: “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Người còn viết bài thơ “Vô đề” bằng chữ Hán, nội dung như sau: “Tam niên bất ngật tửu xuy yên/ Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên/ Hỷ kiến Nam phương liên đại thắng/ Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên”. (Dịch nghĩa là:  Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm/ Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần/ Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/ Một năm là cả bốn mùa xuân). Cuối tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Bộ Chính trị yêu cầu cho biết: “Bộ Chính trị đánh giá cuộc thắng lợi đầu xuân của miền Nam thế nào? Chính sách trước mắt của ta ở miền Nam thế nào? Kế hoạch tương lai gần đây của ta ở miền Nam thế nào?”.

Ngày 11/3, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ đồng chí Lê Văn Lương mang lá thư đề ngày 10/3/1968 cho đồng chí Lê Duẩn. Bức thư có nội dung: “Chú Duẩn thân mến, nhớ lại hồi Nôen năm ngoái, Chú có ý khuyên B. (Bác#) đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, B. rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng# (Anh em trong đó - cách nói miền Nam) đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em. Cách đi, B. sẽ làm công trên một chiếc tàu thủy. Cùng đi sẽ có hai chú Bảo và Kỳ (bác sĩ Nhữ Thế Bảo và thư ký Vũ Kỳ - TG). Việc này B. tự thu xếp, dễ thôi. Lúc đến. Anh em trỏng chỉ phụ trách đón khi tàu cặp bến Miên và đưa B. đến nhà anh Sáu, anh Bảy. Ở lại. Tùy điều kiện mà quyết định: Ít là mấy ngày, nhiều nhất cũng chỉ trong một tháng. Hoạt động thế nào, sẽ cùng anh em trỏng bàn định. Có lẽ Chú và đồng chí khác e rằng sức khỏe của B. không cho phép B. đi chơi xa. Nhưng, thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khỏe tiến bộ mau hơn. Lịch trình đi thăm - Cần mươi ngày để chuẩn bị. Vượt biển độ 6 ngày. Từ bến tàu đến địa điểm độ dăm hôm. Vậy nhờ Chú tính ngày cho khớp, một mặt cho B. biết trước để chuẩn bị, một mặt cho anh em trỏng biết để chờ đón. Để đảm bảo thật bí mật, Chú chỉ nên bàn việc này với một số ít đồng chí trong B.C.T (Bộ Chính trị). Mong chờ Chú trả lời. Trước khi đi Rumani, hai đồng chí Côn và Lành có ghé thăm Bắc Kinh và ở lại chơi mấy hôm, rất vui vẻ. Sức khỏe của B. không ngừng tiến bộ, càng gần ngày ấm, càng tiến bộ hơn. Chúc Chú và tất cả anh em mạnh khỏe. Chào thân ái và quyết thắng. B”.

Ngày 13/3, 17h, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu và bà Tào đến thăm. Ngày 19/3, Người gửi thư khen ngợi chiến thắng của đồng bào miền Nam và dặn dò vắn tắt: “Ý chí phải thật kiên quyết; Kế hoạch phải thật tỉ mỉ; Kiểm tra phải thật kỹ càng; Phối hợp phải thật ăn khớp; Chấp hành phải thật chu đáo; Cán bộ phải thật gương mẫu; Bí mật phải giữ triệt để”. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư bằng chữ Hán gửi Thủ tướng Chu Ân Lai nói rõ ý định bí mật của Người là đi vào miền Nam để thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ và yêu cầu ông Chu Ân Lai giúp đỡ. Ngày 31/3, 18h, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phu nhân các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc tới thăm.

Quân Giải phóng tiến công tại mặt trận miền Nam những ngày đầu xuân 1968. Ảnh tư liệu.

Ngày 3/4, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Mấy ý kiến về tuyên bố của Johnson” gửi Bộ Chính trị, Người nhấn mạnh: “Cần nghiên cứu thật kỹ. Trong tuyên bố đó có những điểm mập mờ, xảo quyệt... Ta cũng nên theo dõi phản ứng của các nước và dư luận của thế giới thế nào. Cần điện cho anh em miền Nam rõ chủ trương của Bộ Chính trị để trong đó tăng cường lãnh đạo tư tưởng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ”. Từ 21h đến 21h30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đồng chí Chu Ân Lai cùng phu nhân Đặng Dĩnh Siêu, Khang Sinh, có Trương Đức Duy phiên dịch. Cuộc gặp nói về tuyên bố của Chính phủ Việt Nam trả lời Tổng thống Mỹ Johnson: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tuyên bố sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện”. Các đồng chí đều nói lúc này Người chưa nên đi thăm miền Nam.

Ngày 14/4, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài thơ chữ Hán “Mậu Thân Xuân tiết” (Tết Mậu Thân): “Tứ nguyệt bách hoa khai mãn viên/ Hồng hồng tử tử hỗ tranh nghiên/ Bạch điểu tróc ngư hồ lý khứ, Hoàng oanh phi thượng thiên/ Thiên thượng nhàn vân lai hựu khứ/ Mang bả Nam phương tiệp báo truyền”. (Dịch nghĩa: “Tháng tư hoa nở một vườn đầy/ Tia tía hồng hồng đua sắc tươi/ Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá/ Hoàng oanh vút tận trời/ Trên trời mây đến rồi đi/ Miền Nam thắng trận báo về tin vui). 19h đến 20h, Người xem phim thời sự tài liệu. Ngày 17/4, buổi sáng bác sĩ Trương Hiếu và Hồng Uyển mang thuốc vào cho Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng trong một tháng và báo cáo kết luận tình hình sức khỏe của Người sau thời gian điều trị. 17h30, Người nghe các đồng chí Phạm Văn Đồng và Lê Thanh Nghị báo cáo công việc. 18h, đồng chí Hoàng Quốc Việt từ Liên Xô về thăm và tất cả cùng ăn cơm với Người.

Ngày 21/4, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bắc Kinh về nước. 8h45, máy bay cất cánh từ Bắc Kinh. 11h55 tới Quảng Châu, Người nghỉ ở nhà khách quân khu. 17h Người rời Quảng Châu về Hà Nội. 18h15, về tới sân bay Bạch Mai, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh ra đón Người về khu Phủ Chủ tịch. 20h hôm đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vào kiểm tra sức khỏe của Người...

Đỗ Hoàng Linh (Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

Mỗi quốc gia đều có những chế tài xử phạt khác nhau đối với người vi phạm giao thông, đặc biệt là đối với hành vi không tuân thủ tín hiệu đèn chỉ dẫn. Tại Đông Nam Á, nhằm nâng cao tính răn đe, các mức phạt với hành vi vi phạm lặp lại có thể được tính lũy tiến hoặc thậm chí ngồi tù.

Chiều  2/1, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cùng đại diện chỉ huy một số phòng chức năng Công an TP đã đến Bệnh viện E thăm hỏi, động viên Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Tổ công tác Y19B-141H, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Ngày 2/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Sỹ Mạnh để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng.

Lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với phạm nhân, trại viên, học sinh, nhất là đã triển khai phương án kịp thời, đảm bảo an toàn cho các phạm nhân trong cơn bão số 3, trong đó có 1 cán bộ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo vệ tính mạng cho phạm nhân.

Quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định pháp luật bị phạt từ 80-100 triệu đồng; cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm bị phạt tối đa 100.000.000 đồng, đối với tổ chức tối đa là 200.000.000 đồng…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文