Mỹ muốn lấy lại ảnh hưởng ở Trung Đông?

14:34 27/06/2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ đi thăm Trung Đông vào trung tuần tháng 7 trong bối cảnh Mỹ nhiều năm qua giảm bớt sự can dự của mình ở khu vực này, tạo cơ hội cho các đối thủ gia tăng ảnh hưởng và từ đó gây khó khăn cho các chính sách của Mỹ nếu muốn tăng cường can dự trở lại.

Có thể nói, chuyến thăm này có ý nghĩa vượt xa việc cài đặt lại quan hệ hay nhu cầu năng lượng của Mỹ. Tổng thống Biden đang đứng trước một nhiệm vụ hết sức khó khăn trong việc làm hài hòa lợi ích giữa Mỹ và các nước Trung Đông và mối quan hệ hết sức phức tạp giữa các nước trong khu vực với nhau.

Đây là chuyến thăm Trung Đông đầu tiên của ông Biden kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1-2021. Điều này cho thấy đây không chỉ là một chuyến thăm xã giao thông thường, mà là bước đi có tính toán: là để tiếp tục khẳng định các cam kết của chính quyền Mỹ dưới thời ông Biden trong việc theo đuổi các chính sách Trung Đông và thể hiện sự quyết tâm của Washington muốn lấy lại ảnh hưởng, qua đó chi phối các vấn đề khu vực như nhiều năm trước đây.

Ông Joe Biden sắp thăm Trung Đông. Ảnh: AFP

Trong hơn nửa thế kỷ, sự can dự của Mỹ trên khắp khu vực Arab và thế giới rộng lớn hơn đã tạo tiền đề cho chiến lược “ngoại giao phòng ngừa”, qua đó tạo điều kiện cho Mỹ hiểu biết sâu sắc về các quốc gia nước ngoài cũng như công dân của họ hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên hành tinh này. Với tiềm lực tài chính, Mỹ đã xây dựng các đại sứ quán có quy mô lớn, nhân lực mạnh và được chuẩn bị tốt để đối phó với các khủng hoảng có thể đe dọa lợi ích của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ đã để lại dấu ấn to lớn khi làm giảm căng thẳng và ngăn chặn các xung đột trên toàn cầu thông qua các biện pháp can thiệp thận trọng và hiệu quả. Tóm lại, “hoạt động ngoại giao hằng ngày” của Mỹ không chỉ giúp nước này dễ dàng điều hướng các bối cảnh phức tạp trên thế giới mà còn dẫn dắt một trật tự toàn cầu tự do ngay sau khi Liên Xô tan rã.

Sau sự kiện 11-9, Mỹ đã phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, cùng với đó là các nhân viên ngoại giao đã nỗ lực không biết mệt mỏi để xây dựng hoặc tái thiết các thể chế nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, năng lực của Mỹ trong việc can thiệp vào các cuộc xung đột, xây dựng các thể chế sau chiến tranh và hướng dẫn quá trình chuyển đổi đã giảm mạnh, điều này được thể hiện qua hậu quả sai lầm trong quá trình ra quyết định đối với Afghanistan, Syria, Liban, Tunisia và Iraq.

Trước cuộc chiến chống khủng bố, sự can dự của Mỹ trên khắp thế giới Arab được xác định bằng sự hiện diện bền bỉ, hiểu biết và nhất quán mà không bị ảnh hưởng bởi những biến động chính trị liên tục ở Washington. Một dấu hiệu nổi bật của sự hiện diện ổn định, đáng tin cậy này là việc vun đắp các mối liên hệ sâu sắc, giúp Mỹ có thể phát triển sự hiểu biết về địa phương nhằm phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách và điều động chiến lược rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, sau vụ tấn công Benghazi năm 2012, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu ưu tiên tránh rủi ro, đưa ra các quy trình an ninh quan liêu hoặc các hạn chế quá thận trọng khiến nhân viên, dân thường và những người khác bị cô lập ngay trong các đại sứ quán và không thể tham gia đầy đủ với các đối tác ở một khu vực mà các mối quan hệ xã hội đề cao tiếp xúc cá nhân. Trong những năm sau đó, phản ứng tự phát ưu tiên sự an toàn hơn là vun đắp các mối quan hệ quan trọng để bảo vệ lợi ích của Mỹ đã tạo ra một mô hình không bền vững cho sự tham gia, một phần nguyên nhân dẫn đến phản ứng khủng hoảng đáng thất vọng ở Libya. Ở đó, Washington dường như tỏ ra “ì ạch, bất cần” và “lùi bước” trước cạnh tranh lợi ích từ bên ngoài tìm cách thống trị một bối cảnh bị vùi dập bởi xung đột và bất ổn chính trị, mặc dù vẫn có thể thấy rõ ảnh hưởng của Mỹ đối với quỹ đạo của quốc gia Bắc Phi này trong hành trình tìm kiếm dân chủ hóa đầy đủ.

Việc ưu tiên tránh rủi ro của Mỹ trong can dự ngoại giao rõ ràng đang “tước đi” kiến thức và hiểu biết rất cần thiết của Washington về địa phương, do đó khiến việc đánh giá các mối đe dọa nghiêm trọng trở nên khó khăn hơn, chứ chưa nói đến việc đưa ra các “hành động phủ đầu” hiệu quả.

Thời kỳ hậu 11-9 đã thay đổi đáng kể khu vực Trung Đông, Bắc Phi (MENA) và “trò chơi quyền lực cứng” tiếp theo giữa Moscow, Bắc Kinh và Washington khiến Bộ Ngoại giao Mỹ gặp khó khăn tại khu vực này. Tuy nhiên, Mỹ đơn phương giải giáp vũ khí bằng cách rút khỏi một số nơi ở khu vực này mà những nước khác đang gia tăng ảnh hưởng.

Cộng đồng chính sách đối ngoại ở Washington phải từ bỏ quan điểm rằng Mỹ chỉ có thể theo đuổi lợi ích của mình trong khu vực bằng cách thực hiện một chương trình nghị sự theo chủ nghĩa tối đa hoặc thông qua việc tái thiết hoàn toàn Trung Đông.

Thật vậy, trong khi có sự đồng thuận rộng rãi rằng 2 thập kỷ trước của thế giới hậu cuộc chiến chống khủng bố đã tạo ra quá ít thành công, giới lãnh đạo ở Washington vẫn chưa biết vị thế của Mỹ ở thế giới Arab nên như thế nào và liệu có thể đạt được “thành công” hay không - bất kể điều đó có ý nghĩa gì. Chính thái độ khác thường này đã thúc đẩy một số đối tác của Mỹ trong khu vực tìm kiếm các mối quan hệ mới và thực hiện các tính toán mới trong tương tác của họ với Mỹ sau này.

Rõ ràng, ưu tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ không chỉ là nên nhấn mạnh vào sự hiện diện lâu dài mà còn là quay trở lại sự tham gia năng động như giai đoạn trước sự kiện 11-9, vốn cân bằng lợi ích an ninh với hợp tác kinh tế, chính trị và cùng có lợi trên một loạt các đấu trường. Mức độ tương tác đó sẽ đòi hỏi sự tiếp xúc tham gia nhiều hơn và thể hiện ý định một cách mạnh mẽ, thay vì im lặng như hiện tại. Và, ông Biden đang nỗ lực thay đổi hiện tại đó.

Sơn Hà (Tổng hợp)

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文