Nga - Triều siết chặt quan hệ

14:29 18/09/2023

Chuyến thăm Nga trong 3 ngày của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh phương Tây, quan tâm bởi đây là chuyến thăm thắt chặt quan hệ giữa hai quốc gia mà Mỹ đều đang đối đầu trên cả hai mặt trận.

Ông Kim Jong-un đã đáp chuyến tàu hỏa bọc thép màu xanh “thương hiệu” từ Bình Nhưỡng để đến vùng Viễn Đông Nga nằm ngay sát biên giới CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ Moscow bay đến Viễn Đông để đón ông Kim. Sau buổi yến tiệc tiếp đãi đêm 12/9, hai nhà lãnh đạo mới bắt đầu bước vào hội đàm. Đầu tiên là hội đàm tại sân bay vũ trụ Vostochny, sau đó bay đến thành phố Komsomolsk-on-Amur và Vladivostok tham quan các cơ sở công nghiệp quốc phòng và Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.

Nga - Triều siết chặt quan hệ -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga-Triều diễn ra trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây bao vây cấm vận do cuộc chiến tại Ukraine, còn CHDCND Triều Tiên thì vẫn đang bị Mỹ và Liên hợp quốc cấm vận do chương trình hạt nhân. Vì thế, Mỹ và đồng minh đặc biệt chú ý theo dõi cuộc gặp không có sự tham gia đưa tin của truyền thông phương Tây này. Tất cả đều phải thông qua các hãng thông tấn của Nga.

Cuộc hội đàm cấp cao vào ngày 13/9 tại Vostochny tuy chỉ diễn ra trong hơn 1 giờ đồng hồ nhưng được đánh giá là rất quan trọng. Ngay sau hội đàm, Tổng thống Putin đã đánh giá cuộc nói chuyện “rất có kết quả” và “hai bên đã trao đổi quan điểm chân thành”. Còn ông Kim thì cho biết hội đàm tạo nên mối quan hệ bền chặt hơn và cam kết sẽ “duy trì mối quan hệ này trong hơn trăm năm”.

Truyền thông nhà nước CHDCND Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng chuyến đi của ông tới Nga là “biểu hiện rõ ràng” cho thấy Bình Nhưỡng “ưu tiên tầm quan trọng chiến lược” của quan hệ Moscow-Bình Nhưỡng. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hôm 12/9 cũng cảnh báo rằng cuộc gặp này là “khá quan trọng” và “vượt xa một thỏa thuận vũ khí tiềm năng”.

Theo truyền thông Nga, trong cuộc gặp tại Vostochny, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi nhiều vấn đề quan trọng cùng quan tâm, như khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực và những vấn đề hợp tác về giáo dục, môi trường, khoa học công nghệ,... Đặc biệt, trong cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã bày tỏ sự tán thành mạnh mẽ nhất đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine. Ông nói với Tổng thống Putin rằng “Nga sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến trừng phạt các thế lực tà ác”.

Một trong những nội dung quan trọng được chú ý nhiều nhất là trao đổi về hợp tác quân sự, quốc phòng giữa hai nước. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước hiện vẫn chưa rõ nét và đang có nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh cùng chung đối thủ trong cuộc đối đầu với Mỹ và phương Tây. Về vấn đề này, Tổng thống Nga Putin cho biết Moscow và Bình Nhưỡng đang xem xét và thảo luận một số khả năng hợp tác về quốc phòng, và Nga sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ CHDCND Triều Tiên một số vấn đề về quân sự nhưng “có giới hạn”.

Hôm 13/9, Mỹ đã bày tỏ cảnh báo về khả năng hợp tác quân sự mới giữa Nga và CHDCND Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết sự hợp tác được công bố trong chuyến thăm của ông Kim là “khá rắc rối và có khả năng vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”. Ông cho biết Mỹ lo ngại rằng các vệ tinh của CHDCND Triều Tiên, vấn đề Tổng thống Putin hứa hợp tác, đã được sử dụng để phát triển tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Trong trong hợp tác quân sự Nga-Triều, phương Tây băn khoăn nhất việc liệu CHDCND Triều Tiên có cam kết “chuyển vũ khí” cho Nga hay không. Đây là vấn đề mà ngay trước chuyến thăm Nga của ông Kim Jong-un truyền thông cũng như chính quyền các nước phương Tây tung ra thông tin dạo đầu rằng nhiều khả năng CHDCND Triều Tiên sẽ cam kết chuyển vũ khí cho Nga, bởi CHDCND Triều Tiên được cho là còn kho dự trữ tên lửa và đạn pháo khá lớn chưa sử dụng. Các loại đạn dược này lại được chế tạo theo công nghệ của Liên Xô trước đây nên hoàn toàn tương thích với các hệ thống vũ khí hiện đại của Nga. Tuy nhiên, Moscow và Bình Nhưỡng đều bác bỏ mọi sự băn khoăn của phương Tây.

Tổng thống Putin hướng dẫn nhà lãnh đạo Kim Jong-un tham quan sân bay vũ trụ Vostochny.

Trong khi đó, giới quan sát nhìn nhận việc Nga-Triều tăng cường hợp tác quân sự là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh đối đầu căng thẳng vẫn chưa dứt giữa Nga và phương Tây và cả trên Bán đảo Triều Tiên. Một mặt siết cấm vận vũ khí với CHDCND Triều Tiên, mặt khác Mỹ lại gia tăng hợp tác quân sự và cung cấp vũ khí cho các đồng minh Đông Bắc Á, tạo nên áp lực quân sự cho Bình Nhưỡng.

Cũng ngay trong hôm 13/9, Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán 25 chiến đấu cơ F-35 trị giá 5 tỷ USD cho Hàn Quốc, loại máy bay chiến đấu hàng đầu có khả năng tàng hình. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc bán máy bay phản lực này “sẽ cải thiện khả năng của Hàn Quốc nhằm đáp ứng các mối đe dọa hiện tại và tương lai bằng cách cung cấp khả năng phòng thủ đáng tin cậy để ngăn chặn sự xâm lược trong khu vực và đảm bảo khả năng tương tác với các lực lượng Mỹ”. Việc mua bán diễn ra khi căng thẳng với CHDCND Triều Tiên gia tăng. Truyền thông liên tiếp đưa tin Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử tên lửa mới nhất khi ông Kim đến thăm Nga.

Đồng thời, Mỹ cũng đã tăng cường hợp tác “tay ba” với Nhật Bản và Hàn Quốc, những đồng minh có quân đội Mỹ đồn trú. Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8 tại khu nghỉ dưỡng Trại David gần Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã hứa sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với nhau về vấn đề Triều Tiên và các thách thức khác.

Bất chấp những băn khoăn của phương Tây, Nga-Triều đang tiếp tục những bước đi chắc chắn trong xây dựng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Tại cuộc hội đàm, ông Kim Jong-un đã mời Tổng thống Putin đến thăm Bình Nhưỡng vào một ngày nào đó. Đây có lẽ sẽ là chuyến thăm CHDCND Triều Tiên đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Nga trong nhiều năm qua, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hai nước.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Kể từ năm 2025, các trường đại học (ĐH) phải quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển về thang chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu quy tắc quy đổi tương đương phải đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho việc áp dụng, đồng thời việc quy đổi phải có căn cứ khoa học và thực tiễn.

Sau 1 tháng tiếp nhận nhiệm vụ mới, với sự nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tận tâm trong công việc, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an TP Huế đã bắt nhịp và thực hiện tốt công tác giải quyết hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP). Nhiều người dân sau khi được tận tình hướng dẫn làm thủ tục đã viết những lá thư cảm ơn gửi đến Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an TP Huế.

Hà Nội là một trong những đô thị đầu tiên áp dụng camera tích hợp AI giám sát, xử phạt hành vi đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định. Sau một tháng thực hiện dùng camera giám sát hành vi đổ rác không đúng nơi quy định tại 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, người dân đã có biến chuyển ý thức bước đầu. 

Chiều 2/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục biển, hải đảo và kiểm ngư tỉnh Cà Mau và Huỳnh Văn Đẳng, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá - Chi cục thủy sản và chăn nuôi thú y (đều thuộc Sở NN&MT) về hành vi nhận hối lộ.

Israel chính thức khước từ đề nghị ngừng bắn với phong trào Hamas ở Dải Gaza và tiếp tục chiến dịch tấn công trên bộ với mục tiêu mở rộng "khu vực an ninh", động thái buộc người Palestine sinh sống tại đây tiếp tục phải di dời và đối mặt nguy cơ thương vong thường trực.

Từ đầu năm đến nay, Công an thành phố Cần Thơ đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý 61 trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận dùng mạng xã hội đăng tải những nội dung xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân, tổ chức...

Sau một thời gian lắng xuống, thời gian gần đây, hàng loạt cơ sở thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng trái phép trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đồng loạt hoạt động trở lại, bất chấp các quy định của pháp luật.

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 24 dự án sử dụng vốn ngân sách đang trong tình trạng tồn đọng, dừng thi công, chậm tiến độ… gây thất thoát, lãng phí. Trước thực trạng này, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu rà soát toàn bộ, xem xét xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức để dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài.

Hàng loạt vấn đề đặt ra thời gian qua đã cho thấy phải tính toán kỹ hơn về số môn đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam với mục tiêu Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046. Dù đã dự kiến 17 môn trọng điểm nhưng rất có thể nhà quản lý lại phải chọn lựa kỹ hơn.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối. Nhờ sự hỗ trợ của các ứng dụng tích hợp tính năng quét QR, người tiêu dùng dễ dàng nắm rõ hơn thông tin về sản phẩm, hàng hóa. Ứng dụng mã QR cũng được coi là giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp quản lý quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng uy tín thương hiệu.

Bom đạn của những trận đánh khốc liệt đã cướp đi của ông Nguyễn Văn Toàn (SN 1940, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) một con mắt. Chiến tranh còn “tặng” thêm cho ông hai mảnh đạn đồng. Hơn 50 năm qua, những mảnh đạn ấy đã trở thành một phần chứng tích của lịch sử, song hành cùng cơ thể của người cựu chiến binh quả cảm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.