“Ngừng bắn ngay lập tức” ở Gaza!

06:45 01/04/2024

Ngày 25/3, tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ 14 phiếu thuận ủng hộ văn bản yêu cầu “ngừng bắn ngay lập tức” tại Gaza. Lần này, Mỹ đã bỏ phiếu trắng. Phải mất 5 tháng 3 tuần, Hội đồng Bảo an cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận và đưa ra yêu cầu chung về việc này.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến giữa Israel và Hamas, Hội đồng Bảo an đã 4 lần xem xét dự thảo nghị quyết ngừng bắn và đều có một trong nhóm 5 thành viên thường trực sử dụng quyền phủ quyết.

Nghị quyết thứ năm được đưa ra biểu quyết vào ngày 25/3: 14 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thuận, Mỹ bỏ phiếu trắng. Quyết định của Hội đồng Bảo an, trái với tuyên bố của Đại hội đồng và Tòa án Công lý Quốc tế của Liên hợp quốc ở The Hague, có tính ràng buộc cao. Điều này đồng nghĩa Israel và Hamas sẽ có nghĩa vụ chấm dứt chiến sự. Nhưng, làm thế nào tài liệu này sẽ được thực thi trên thực tế và các biện pháp trừng phạt có thể là gì vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết “ngừng bắn ngay lập tức” ở Gaza.

Nghị quyết, được thông qua trong tiếng vỗ tay, nhưng đã vấp phải những phản ứng và yêu cầu làm rõ từ cộng đồng quốc tế. Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc, ông Nicolas de Rivière nêu rõ: “Trong 2 tuần nữa, sau khi tháng Ramadan kết thúc, Hội đồng sẽ phải thực hiện việc thiết lập lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, hỗ trợ tái thiết lập và ổn định Gaza. Cuối cùng và quan trọng nhất, Hội đồng cần đưa tiến trình chính trị trở lại đúng hướng, hướng tới giải pháp hai nhà nước, đây là giải pháp duy nhất có thể đảm bảo hòa bình”.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Linda Thomas-Greenfield cho rằng, lệnh ngừng bắn chỉ có thể bắt đầu “khi con tin đầu tiên được thả tự do”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Yoav Gallant, hiện đang ở Washington để gặp gỡ các quan chức cấp cao của Mỹ, đã đưa ra quan điểm cứng rắn hơn: “Chúng ta không có quyền đối xử nhân đạo với họ để ngừng chiến tranh trong khi vẫn còn con tin ở Gaza”. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cho biết việc Mỹ, đồng minh chính của Israel, bỏ phiếu trắng “không phải là thay đổi lập trường”. Trong khi đó, Israel cho rằng việc Mỹ bỏ phiếu trắng tại Liên hợp quốc “gây tổn hại đến nỗ lực chiến tranh và nỗ lực giải cứu con tin, vì nó mang cho Hamas hy vọng rằng áp lực quốc tế sẽ giúp họ có được lệnh ngừng bắn mà không cần giải cứu con tin”.

Một phụ nữ Israel cầm biểu ngữ kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Cảm xúc đan xen

Lệnh ngừng bắn ở Gaza dự kiến chỉ kéo dài trong suốt tháng Ramadan. Điều này cho thấy mức độ căng thẳng trong các cuộc đàm phán tại New York cho đến phút chót. Nó phản ánh rõ sự bế tắc trong các cuộc thương lượng trên thực địa. Lời kêu gọi ngừng bắn trong tháng Ramadan được Sudan đưa ra cách đây 10 ngày, đây sẽ là một tín hiệu rất xấu đối với Gaza nếu Mỹ không chấp thuận.

Israel phẫn nộ sau quyết định của Mỹ. Kể từ tháng 10, chính quyền Tổng thống Joe Biden đóng vai trò là lá chắn trong Liên hợp quốc chống lại các nghị quyết được coi là bất lợi đối với nhà nước Do Thái, nhưng sau nhiều lần làm ngơ trước các yêu cầu của Mỹ, Israel dường như đã bị Washington bỏ rơi. Cuộc bỏ phiếu này đã gây ra một cuộc khủng hoảng công khai thực sự giữa Israel và đồng minh, trong khi đối với người Palestine thì đó là dấu hiệu của hy vọng đầu tiên, ngay cả khi vẫn còn nhiều điều bất ổn tồn tại.

Ngay sau khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, chỉ mất vài phút để ông Benjamin Netanyahu công khai thể hiện sự phẫn nộ của mình bằng việc hủy chuyến đi đến Washington của phái đoàn gồm các trợ lý thân cận và Nhà Trắng cho biết họ “ngạc nhiên” trước phản ứng này. Trong những ngày gần đây, ông Joe Biden đã thay đổi lập trường với đồng minh Israel. Sự cố chấp của ông Benjamin Netanyahu về khả năng Rafah có thể bị tấn công khiến ông Joe Biden phải lên tiếng và Israel mất đi sự bảo vệ vô điều kiện tại Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Washington không chấp nhận lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Thật vậy, chỉ vài giờ trước khi bỏ phiếu, nghị quyết này vẫn chỉ đề xuất lệnh ngừng bắn trong tháng Ramadan. Vào phút chót, Mỹ đã đàm phán một thỏa thuận dài hạn với các điều khoản mơ hồ hơn, đây là dấu hiệu cho thấy Washington muốn giữ lại công cụ để gây áp lực lên cả Israel và Hamas.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Washington tin rằng một cuộc “tấn công quy mô lớn” vào Rafah sẽ là “sai lầm” của Israel. Ông Miller cũng nói thêm rằng Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ thảo luận cụ thể về vấn đề này với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Ông John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết: “Chúng tôi rất thất vọng vì họ không đến Washington để thảo luận chuyên sâu về các phương án khả thi thay thế cho chiến dịch quân sự trên bộ tại Rafah”.

Để thể hiện thiện chí, chương trình tham quan của Bộ trưởng Quốc phòng Israel, vốn đã có mặt trên đất Mỹ, thậm chí còn được mở rộng. Washington cũng cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của nghị quyết này bằng cách khẳng định rằng nó không ràng buộc và không cản trở khả năng của Israel trong việc chống lại Hamas. Nhưng, điều này không đúng, vì bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng đều cấu thành luật quốc tế mà các bên liên quan phải tuân thủ.

Báo hiệu sự thay đổi

Bất hòa công khai giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Netanyahu không thể được coi là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi lớn trong liên minh, theo các nhà phân tích. Mỹ tỏ ra thụ động nhưng không bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Gaza tại Liên hợp quốc hôm thứ Hai. Động thái này đã gây chú ý khi việc Mỹ bỏ phiếu trắng, đánh dấu một sự thay đổi so với 3 lần phủ quyết trước đó đối với các nghị quyết tương tự của Hội đồng Bảo an. Nhưng, nhà phân tích Mark Sleboda cảnh báo không nên đi quá xa vụ việc, cho rằng sự rạn nứt hiện tại trong quan hệ Mỹ-Israel là vấn đề thù địch giữa các nhà lãnh đạo hơn là sự thay đổi thực sự trong mối quan hệ quân sự giữa hai nước.

Nhà nghiên cứu và chuyên gia quan hệ quốc tế về chương trình chính trị Misfits của Sputnik cho biết: “Đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu và ông Biden, đây là một tình anh em tan vỡ. Tôi thực sự không biết liệu đó có phải là tình anh em giữa hai người hay không, nhưng đây không phải là dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi lớn hơn nào đó trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi xét đến ảnh hưởng của AIPAC ở nước này và mối quan hệ an ninh lâu dài của Mỹ với Israel. Điều đó sẽ rất quan trọng nếu nó là sự thật”. Nhà phân tích cho biết, việc Mỹ ngừng viện trợ vũ khí cho Israel sẽ là bằng chứng cho sự thay đổi thực sự trong quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm.

Ác cảm của ông Biden đối với ông Netanyahu có thể đã kéo dài từ thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi ông Biden giữ chức Phó Tổng thống. Ông Netanyahu phản đối nỗ lực của Mỹ trong việc theo đuổi ngoại giao với Iran, thích đối đầu quân sự với đất nước 88 triệu dân. Nhằm làm giảm vị thế của ông Obama, Thủ tướng Israel thậm chí đã chỉ trích chính sách của cựu Tổng thống Mỹ tại phiên họp của Quốc hội Mỹ. Bất chấp thái độ thù địch công khai, ông Obama vẫn cung cấp cho Israel gói viện trợ quân sự lớn nhất trong lịch sử trước khi rời nhiệm sở. Bất kể mâu thuẫn nào tồn tại giữa Tổng thống Mỹ và ông Netanyahu, thì dường như đã được hàn gắn trong thời gian ngắn khi ông Biden thổn thức ôm lấy Thủ tướng Israel ở Tel Aviv sau cuộc nổi dậy ngày 7/10/2023 của Hamas. Tuy nhiên, ông Netanyahu đã nhiều lần chống đối ông Biden trong những tháng gần đây với hành vi ngang nhiên thách thức lời kêu gọi ngừng bắn của Mỹ.

Ông Sleboda cho biết mối quan tâm hàng đầu đối với ông Biden hiện tại là Israel sẽ thực hiện một cuộc tấn công bạo lực vào Rafah, nơi có hơn 1,5 triệu người Palestine đang trú ẩn. Bên cạnh việc tạo ra sự phản đối của công chúng, một động thái như vậy có thể cũng sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ của Mỹ với Ai Cập nếu người Palestine buộc phải tìm nơi ẩn náu ở sa mạc Sinai.

Ai Cập là một trong những nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ kể từ cuối những năm 1970, khi cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carry giám sát việc ký kết Hiệp định Trại David nhằm đảm bảo sự ủng hộ của Ai Cập đối với Israel. Kể từ đó, Mỹ đã bóp nghẹt nền dân chủ của Ai Cập trong nhiều thập kỷ, ủng hộ cuộc đảo chính chống lại Tổng thống đắc cử Mohamed Morsi để đảm bảo một nhà lãnh đạo thân Israel nắm giữ quyền lực ở nước này.

Sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Israel rõ ràng đã không nhận được nhiều sự biết ơn từ các thường dân Israel. Một đoạn video năm 2009 do nhà báo Max Blumenthal quay đã thể hiện thái độ phân biệt chủng tộc phổ biến trong công chúng Israel, với việc người Israel khi đó gọi Tổng thống Mỹ Obama bằng từ “N” - một trong số những lời nói tục tĩu về chủng tộc khác. Video đã bị YouTube, Vimeo và các nền tảng trực tuyến khác gỡ xuống trong bối cảnh phản đối của các nhóm theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, những người phản đối việc thu hút sự chú ý đến sự cố chấp phổ biến trong xã hội Israel.

Dù nói gì đi nữa, chính quyền ông Joe Biden trong những ngày gần đây đã cho thấy rằng họ không còn sẵn sàng đi theo Israel trong tình thế sự cô lập ngày càng rõ rệt. Cuối cùng, điều khiến họ thay đổi ý kiến không phải là ông Benjamin Netanyahu, mà là tình trạng suy thoái của người dân Gaza và đặc biệt là áp lực từ các cử tri đảng Dân chủ bất mãn, vài tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Sự hài lòng từ Hamas và Ramallah

Trong một tuyên bố, Hamas cho biết họ đã sẵn sàng cho một cuộc trao đổi tù nhân “ngay lập tức” với Israel. Đại sứ Algeria tại Liên hợp quốc, ông Amar Bendjama hoan nghênh việc thông qua nghị quyết này: “Trong 5 tháng qua, người dân Palestine đã phải chịu đựng đau khổ tột cùng. Cuộc chiến đẫm máu này đã diễn ra quá lâu. Nghĩa vụ của chúng tôi là phải chấm dứt nó. Cuối cùng, Hội đồng Bảo an thực hiện phần trách nhiệm của mình”. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết trong một thông cáo rằng nghị quyết này là một “bước đi tích cực”.

Trước nhà xác bệnh viện Al Aqsa ở Deir al Balah, thuộc Dải Gaza, ngày 25/3/2024.

Chính quyền Palestine tại Ramallah cũng đã phản ứng: “Chúng tôi hoan nghênh nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza”. Bộ trưởng Nội vụ Palestine, ông Hussein al-Sheikh đã đăng tải trên mạng xã hội X rằng: “Chúng tôi yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến tranh tội ác này và Israel phải rút khỏi Dải Gaza ngay lập tức”. Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc cho rằng, thời điểm này “là một bước ngoặt” để chấm dứt “nỗi thống khổ” của người dân Dải Gaza. Ông Mansour nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh sự đoàn kết của các bạn trong việc kêu gọi lệnh ngừng bắn ngay lập tức... Hy vọng điều này sẽ cứu sống nhiều người trên mảnh đất này. Đây phải là dấu chấm hết cho những hành động tàn bạo đối với người dân của chúng ta”.

Cũng trên nền tảng X, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh quyết định của Hội đồng, nhưng ông cảnh báo: “Nghị quyết này phải được thực thi. Thất bại sẽ không thể tha thứ’.

Sau khi nghị quyết được công bố, đã có những tiếng reo hò ở phía Nam Dải Gaza, ở Rafah, thành phố này, nơi có một triệu rưỡi người phải di dời đang đông đúc. Đối với nhiều người, lệnh ngừng bắn, ngay cả khi chỉ trong thời gian tháng Ramadan, có nghĩa là họ sẽ trở về nhà, cung cấp viện trợ nhân đạo tốt hơn và do đó cung cấp lương thực.

Nhưng, những cảm giác vui sướng này cũng xen lẫn sự bất an. Liệu điều này có thực sự xảy ra? Nhiều người dân Gaza chọn giữ thái độ lạc quan thận trọng. Thông qua cuộc điện thoại với một người tị nạn, họ chia sẻ: “Vâng, chúng tôi đã thấy thông tin trên giấy tờ thì có lý do để vui mừng, nhưng thực tế, có khả năng nó sẽ không được tuân thủ. Nếu thất bại thì đây cũng sẽ không phải là nghị quyết đầu tiên hay cuối cùng của Liên hợp quốc không được đưa vào áp dụng. Asma, một phụ nữ Palestine từ Khan Younès, hiện đang tị nạn tại Rafah, lo ngại: “Tôi không nghĩ người Israel sẽ thực thi quyết định này. Ở đây, mọi người muốn chấm dứt chiến tranh. Ai cũng muốn và tôi cũng vậy, vì hoàn cảnh ngày càng khó khăn. Việc họ có giải quyết hay không thì chúng ta vẫn đang sống bằng thời gian vay mượn”.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文