Nước Pháp sau gần 600 ngày sống cùng COVID-19

22:26 29/08/2021

Kể từ khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 24-1-2020, nước Pháp đã trải qua gần 600 ngày sống cùng đại dịch, khiến nhiều thói quen của người dân bị thay đổi. Thoạt đầu nhiều người khá lúng túng trước sự kiện đột ngột này nhưng đến nay, dù muốn dù không, họ đã dần thích ứng với cuộc sống mới, dẫu không tránh khỏi khó khăn.

Từ Paris, nhà văn Việt kiều Hiệu Constant gửi cho Chuyên đề An ninh thế giới bài viết về những gì đã và đang diễn ra ở nước Pháp hơn 1 năm qua.

Cuộc sống đã thay đổi

Dịch COVID-19 ngày càng hoành hành dữ dội buộc Tổng thống Pháp Emmanuelle Macron quyết định ba đợt cách li tại gia trên toàn quốc, đợt một từ 17-3 đến 11-5, đợt hai từ 30-10 đến 15-12-2020. Đợt ba từ 3- 4 đến 3-5- 2021. Lúc đầu thực sự rất khắt khe rồi sau đó dần nới lỏng. Ví như người dân chỉ được phép ra khỏi nhà, đi dạo trong bán kính 100m, sau đó là 1 km, và sau nữa là 10 km.

Bà con xem nghệ sĩ Hồ Thụy Trang biểu diễn.

Cùng lúc, để tránh sự cách li tại gia kéo dài, gây nhiều bức xúc trong dân chúng và cũng nhằm từng bước phục hồi kinh tế, Chính phủ Pháp đã quyết định gỡ bỏ cách li tại gia nhưng ra lệnh giới nghiêm, lúc đầu từ 18h hôm trước cho đến 7h sáng hôm sau, sau đó cũng nới dần đến 20h rồi gỡ bỏ hẳn.

Cho đến thời điểm này, người Pháp dần quen với cuộc sống “sống chung với COVID-19” bởi họ ý thức được rằng virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại ở khắp nơi. Tính đến ngày 15-8-2021, số ca dương tính COVID-19 là 6.449863; số ca đã được chữa khỏi: 5.881325 và số ca tử vong là 112.612.

Hiện tại, cộng thêm các biến thể của COVID-19, các ca dương tính mới được ghi nhận vẫn lên tới hàng ngàn mỗi ngày. Sau một đợt ngắn chừng vài tuần đã không có bệnh nhân tử vong thì giờ lại xuất hiện và tính đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ca mỗi ngày. Chính phủ Pháp cũng như các nhà chức trách Y tế đã rất cố gắng từng bước, và đã có những biện pháp hữu hiệu để trợ giúp và bảo vệ dân chúng. Ngay khi những liều vaccine  COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Pháp, chiến dịch tuyên truyền về tiêm chủng đã được chính phủ tung ra ngày 27-12-2020. Tính đến ngày 15-8-2021, đã có hơn 70% dân số Pháp, tức hơn 47 triệu người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên và hơn 60%, tức hơn 41 triệu người đã tiêm đủ hai mũi.

Triển lãm tranh của Họa sĩ Nguyễn Nam Trân.

Pháp đã mở thêm chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em trên 12 tuổi. Chính phủ đã ra lệnh sử dụng hộ chiếu vaccine (giấy chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine). Hiện nhiều cơ quan tại Pháp đã kiểm tra hộ chiếu này, nếu ai không có thì sẽ không được vào hoặc được tham gia sự kiện. Sắp tới, nếu người dân ra ngoài và bị kiểm tra mà không có giấy này thì sẽ bị phạt 135 Euro. Đây chính là vấn đề lớn nhất mà Chính phủ Pháp gặp hiện nay, vì nhiều người dân phản đối quyết định “Hộ chiếu vaccine” này của chính phủ. Những ngày qua, tại Paris và các thành phố lớn tại Pháp đều có biểu tình khá dữ dội, người tham gia lên đến hàng trăm ngàn, để phản đối việc tiêm chủng bắt buộc…

Nhưng xét cho cùng chiến dịch tiêm vaccine của Pháp đã khá thành công, Chính phủ Pháp đang cố gắng ít nhiều lấy lại đời sống văn hóa giải trí trước đây cho người dân. Tất cả các quán cà phê, nhà hàng, rạp phim, trung tâm văn hóa đã mở cửa nhưng lượng người tham gia vẫn bị hạn chế. Để giúp đỡ các chủ nhà hàng và cà phê, Tòa thị chính Paris đã cho phép họ tạo những “mảnh sân tạm thời” ngoài vỉa hè công cộng, thậm chí lấn cả làn đường giao thông. Do thời tiết hiện nay cuối hè đầu thu rất đẹp, cả chủ và khách hàng đều hài lòng khi được ngồi ăn hoặc uống ngoài trời.

Người Việt ở Pháp vượt qua đại dịch

Gần 600 ngày sống trong cảnh phong tỏa thật chẳng dễ dàng gì, nhất là với giới nghệ sỹ. Nghệ sỹ nhạc dân tộc Hồ Thụy Trang đã rất vui khi được tham gia trình diễn cùng với hội Calliope nhân dịp Lễ hội mùa hè vừa qua. Ngày 7-7, chị đã cùng với nữ nghệ sỹ Isabelle Genlis biểu diễn vở Tấm Cám tại khu Không gian xanh tại quận XVII Paris. Trả lời phỏng vấn của tôi, chị nói: “Hơn một năm giãn cách xã hội thì tôi lại được trở lại với sân khấu, không có niềm vui nào lớn hơn đối với người nghệ sỹ là được trở lại sân khấu của mình, và hơn nữa lại được diễn để kể những câu chuyện cổ tích Việt Nam mà đã gây được rất nhiều tiếng vang và rất được nhiều người yêu thích, ngay cả người Việt và người Pháp.

Cuộc sống bình thường mới ở Paris.

Hôm nay, cảm xúc của tôi khác trước rất nhiều, là vì đã quá lâu, nói là quá lâu tại vì đã hơn một năm không có biểu diễn thì mình thấy thời gian thật dài và hơn nữa cảm xúc của mình diễn vở Tám Cám ngoài trời, không gian khác ở trên sân khấu, hơn nữa lại nhận được tiếng vỗ tay của những người bạn đủ các sắc tộc, đủ các màu da, họ chăm chú, họ lắng nghe, họ tìm hiểu và họ đến gần với mình hơn và hiểu được văn hóa của mình hơn”.

Tôi cũng rất vui được tham dự buổi khai mạc triển lãm tranh của bà Nguyễn Nam Trân - một họa sỹ kiều bào tại Paris - cùng với Hội Nghệ sỹ Marais vào ngày 18-7. Những nghệ sỹ này đã phải đợi rất lâu để có thể lại được tiếp xúc với công chúng của họ và tôi hiểu được niềm hân hoan hiện rõ trên gương mặt họ.

Với chị Phan Tường Vi, một kiều bào có chồng là người Pháp và một con nhỏ đang đi học, cuộc sống chỉ thực sự xáo trộn vào đợt bị cách li tại gia đợt đầu tiên vào tháng 3-2020, đó là đợt giãn cách xã hội khắt khe nhất tại Pháp. Theo chị Vi,  thời điểm đó chị đã sống trong lo lắng cho sức khỏe của gia đình vì thời điểm ấy chưa biết khi nào khoa học mới tìm ra vaccine. Hàng ngày chị theo dõi thông tin trên truyền hình, báo đài và chấp hành theo những chỉ thị quy định của chính phủ.

Hàng ngày vẫn cho con thực hiện các bài tập cô giáo gửi và tạo những hoạt động giải trí tại nhà cho cả gia đình. Tuy nhiên ngày qua ngày, dần dần tất cả đều thích nghi với hoàn cảnh. Với chị, sau phong tỏa đợt 1, lại có những đợt 2, đợt 3… và cả nhà dần đã “quen” với việc này vì không còn ngỡ ngàng lo lắng nhiều như lần đầu tiên.

“Thậm chí vẫn hay nói chuyện với nhau hay với bạn bè là nếu sắp tới có tiếp tục đợt phong tỏa lần 4 thì chúng tôi vẫn “sẵn sàng” cho đến khi chúng ta chiến thắng và vượt qua hẳn dịch bệnh này”, chị nói thêm và cho biết tất cả gia đình đều đã tiêm vaccine đầy đủ “và hiện nay chúng tôi gần như trở lại cuộc sống bình thường trước dịch COVID-19, đi làm, đi học, xem hòa nhạc, đi du lịch...”.

Liên quan đến ngày khai giảng của con gái, chị cho biết do còn học mẫu giáo nên chưa bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp nên không có thay đổi nhiều. Chỉ có giờ vào lớp và tan học thì được trường phân theo giờ riêng để lượng phụ huynh đưa đón con tại cổng trường không quá đông vào cùng một thời điểm.

Quầy sách cũ bên kè sông Seine.

Chị Trần Thị Phương Thảo, chủ cửa hàng Le Vietnam chuyên kinh doanh các nhu yếu phẩm và thực phẩm của Việt Nam tại thành phố Laval thuộc miền Tây nước Pháp cho biết, do kinh doanh mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nên cửa hàng của chị được mở liên tục trong suốt mùa dịch. Tổng số ngày nghỉ ít hơn mọi năm nhưng doanh thu cũng giảm khoảng 10-15% bởi kinh tế khó khăn thì người dân cũng hạn chế chi tiêu.

Chị Thảo nói cả gia đình chị đều ủng hộ việc tiêm chủng, vì vậy ngay khi chính phủ cho phép tiêm vaccine với người dưới 18 tuổi, chị đã cho con trai đi tiêm ngay. Theo chị Thảo, chị đã trò chuyện nhiều với  khách hàng của mình và biết được rằng có rất nhiều người Pháp dù đã tiêm chủng, nhưng họ vẫn ủng hộ việc biểu tình chống hộ chiếu vaccine vì đơn giản họ không muốn cảm thấy bị chính phủ ép buộc.

Với công việc của mình, tôi đã gặp, đã trò chuyện với nhiều người, đủ các tầng lớp trong xã hội. Trong suốt thời gian có dịch COVID-19 đến nay, cuộc sống của giới nhân viên văn phòng không bị ảnh hưởng nhiều, bởi họ có thể làm việc trực tuyến tại nhà, nhiều cuộc họp báo, hội thảo cũng được tiến hành qua vidéoconfrérence. Các y bác sỹ và giới lao động phổ thông thì vất vả và khó khăn hơn, bởi họ là những người ở tuyến đầu trong trận chiến phòng chống dịch, nguy cơ bị lây nhiễm là rất lớn.

Sau nhiều đợt giãn cách xã hội, các nhà hàng, quán cà phê, rạp hát, phòng chiếu phim và các trung tâm giải trí… đã được mở cửa trở lại nhưng cũng được thực hiện dần dần. Hiện tại, Chính phủ Pháp vẫn tiếp tục trích ngân sách nhà nước để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp buộc phải đóng cửa hoặc nghỉ làm do dịch COVID-19. Một số doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng đây đó tại Paris hay ở các thành phố khác, rất nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoàn toàn và vĩnh viễn. Paris đang dần lấy lại phong độ. Những khu thương mại, các khu phố trung tâm Paris đã bắt đầu đông khách du lịch.

Nói chung, nước Pháp đã gượng dậy, nhưng tất cả vẫn là hết sức mong manh trước đại dịch COVID-19 mà cho đến hiện tại, không một ai dám khẳng định khi nào thì mới chấm dứt.

Hiệu Constant (từ Paris)

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文