Phương Tây sắp chuyển giao F-16 cho Ukraine
Sau một thời gian trì hoãn chuyển giao do vướng một số thủ tục và việc đào tạo phi công cũng như nhân viên mặt đất, Hà Lan cho biết Ukraine sẽ nhận được những chiếc máy bay F-16 đầu tiên vào mùa hè này.
Tướng Arnoud Stallmann, chỉ huy lực lượng không quân Hà Lan, cho biết ông dự đoán rằng vào một thời điểm trong mùa hè này, các máy bay chiến đấu F-16 sẽ bay trên bầu trời Ukraine.
Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đã cam kết cung cấp cho Ukraine khoảng 80 chiếc F-16 do Mỹ sản xuất. Đây là những khí tài mà lực lượng không quân Ukraine đã yêu cầu trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, chương trình đưa máy bay lên không trung đã bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong việc giao hàng và huấn luyện.
Tướng Stallmann cho biết, chế độ huấn luyện phi công và nhân viên mặt đất vận hành máy bay không hề đơn giản. “Không chỉ các phi công mới cần được đào tạo; kỹ thuật viên và người bảo trì cũng cần được hướng dẫn kỹ lưỡng. Chúng tôi đang cung cấp chương trình đào tạo hỗ trợ toàn diện”, ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cũng cho biết chuyến giao máy bay đầu tiên cho Ukraine sẽ diễn ra vào mùa hè này, đồng thời bác bỏ những chỉ trích về sự chậm trễ trong bối cảnh có thông tin cho rằng Kiev không hài lòng với tốc độ đào tạo phi công. “Tôi hoàn toàn hiểu quan điểm của Ukraine, họ muốn thực hiện việc này nhanh nhất có thể… Chúng tôi cũng đang cố gắng hết sức để thực hiện nhanh nhất có thể”, bà Ollongren nói.
Ukraine đã chờ đợi nhiều tháng để bắt đầu sử dụng máy bay chiến đấu và hy vọng việc đưa chúng vào sử dụng sẽ thay đổi động lực của cuộc chiến.
Nhưng “Những chiếc F-16 thực sự phức tạp hơn nhiều so với các hệ thống mà lực lượng không quân Ukraine đang sử dụng cho đến nay… Bạn phải thực hiện từng bước của quy trình, nhưng chúng tôi cũng muốn cung cấp chúng nhanh nhất có thể” - bà Ollongren nói thêm.
Ukraine hy vọng sẽ có thể tấn công các máy bay và tên lửa của Nga hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với loại bom dẫn đường KAB có tầm bắn từ 50 đến 70km.
Mykhailo Podolyak, trợ lý của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, cho biết vào tháng trước: “Để chống lại những điều này, ngay cả hệ thống phòng không cũng không hữu ích lắm, chỉ có hàng không. F-16 có tầm bắn xa hơn máy bay MiG và Su của Nga”.
Bà Ollongren cho biết Ukraine sẽ có thể sử dụng các máy bay chiến đấu do Hà Lan tài trợ để thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga với điều kiện việc sử dụng đó nhằm mục đích phòng thủ và tuân thủ luật pháp quốc tế. Đan Mạch cũng cho biết Ukraine sẽ được phép sử dụng máy bay chiến đấu F-16 để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Trong khi Ukraine đang háo hức đưa máy bay F-16 xuất kích, Justin Bronk, một nhà phân tích hàng không của tổ chức nghiên cứu Rusi, cho biết thời điểm thích hợp để triển khai F-16 là một bài toán “đánh giá khung thời gian đầy rủi ro”. “Tôi hy vọng việc đó sẽ được thực hiện khi họ đã sẵn sàng về mặt chiến thuật và hoạt động, cả phi công và phi hành đoàn mặt đất, chứ không phải dựa trên cơ sở rằng “mọi thứ đang tồi tệ, chúng ta cần một chiến thắng chính trị’” - ông Bronk nói.
Chuyên gia Bronk cho biết chiến thuật điều khiển F-16 sẽ hoàn toàn mới đối với các phi công từng lái những chiếc MiG-29 hoặc Su-27 do Liên Xô thiết kế. Những chiếc máy bay đó có xu hướng bay với mức độ can thiệp cao từ mặt đất, với việc người chỉ huy cho phép thả vũ khí từ căn cứ, cách phi công hàng nghìn mét. Ngược lại, phi công F-16 có nhiều quyền tự chủ hơn trong buồng lái và các máy bay cũng như vũ khí được thiết kế để phản ánh điều này.
F-16 thể hiện sự tiến bộ đáng kể so với phi đội hiện tại của Ukraine, bao gồm MiG-29, Su-24 và Su-25, vốn đã bị hư hỏng nặng nề do xung đột. F-16 có thể mang tải trọng vũ khí lớn hơn, phù hợp với năng lực của máy bay ném bom chiến thuật Su-24 của Ukraine. Ngoài ra, F-16 còn được trang bị hệ thống radar mạnh hơn, có thể giúp giảm thiểu bất lợi về radar mà Kyiv gặp phải trong chiến tranh.
Một số chuyên gia cảnh báo rằng việc sử dụng F-16 sẽ gặp nhiều thách thức, đồng thời lưu ý rằng quân đội NATO sẽ không triển khai các máy bay này nếu không có nhiều loại máy bay khác như F-35 mới hơn. Nhưng tướng Stallmann hoan nghênh quyết định của Thụy Điển cung cấp hai máy bay giám sát Saab cho Ukraine, nói rằng họ sẽ cung cấp khả năng “giám sát trên không” quan trọng nhằm nâng cao khả năng của F-16. Ông từ chối bình luận về loại tên lửa mà F-16 sẽ được trang bị, chỉ nói rằng các máy bay phản lực này sẽ được trang bị “nhiều loại vũ khí”.
Giới chuyên gia châu Âu cho rằng Nga sẽ tìm cách tiêu diệt những chiếc F-16 được triển khai tại các sân bay trên mặt đất, do đó “yêu cầu chúng phải được che giấu cẩn thận ngay từ đầu và được bảo vệ bởi hệ thống chống tên lửa để tránh tổn thất nghiêm trọng gần như ngay lập tức sau khi chúng đến Ukraine”.
Tướng Serhii Holubtsov, chỉ huy lực lượng không quân Ukraine, cho biết một số máy bay F-16 sẽ được đồn trú tại các căn cứ không quân ở nước ngoài. Còn công tác bảo trì hay sửa chữa F-16 không được tiết lộ vị trí cụ thể nào.
Bất chấp mọi trở ngại, các chuyên gia hàng không Ukraine hy vọng rằng F-16 sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi. Họ đang hy vọng rằng “với F-16, chúng tôi có thể đạt được sự ngang bằng trên bầu trời Ukraine và mang lại tổn thất nghiêm trọng cho không quân Nga ở khu vực biên giới”.