Taliban đang trên đà sụp đổ?

10:56 19/03/2025

Kể từ khi giành lại quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8/2021, chế độ Taliban đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng. Cuộc chuyển đổi không dễ dàng từ phong trào nổi dậy thành một chính phủ nắm quyền đang ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề khiến người ta đặt câu hỏi về khả năng duy trì quyền lực của họ.

Chính sách hà khắc 

Ngay khi trở lại nắm quyền, chế độ Taliban đã áp đặt hàng loạt chính sách hà khắc, chủ yếu dựa trên cách diễn giải cứng nhắc của họ về luật Hồi giáo (Sharia). Những chính sách này không chỉ ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội mà còn khiến đất nước rơi vào tình trạng cô lập quốc tế, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế.

Taliban đang trên đà sụp đổ? -0
Đàm phán với Ấn Độ chỉ là thành quả nhỏ bé trong nỗ lực kết nối với thế giới của Taliban.

Một trong những thay đổi lớn nhất dưới chế độ Taliban là việc đàn áp quyền của phụ nữ và trẻ em gái, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền theo tiêu chuẩn quốc tế. Chính quyền Taliban cấm phụ nữ làm việc trong nhiều lĩnh vực. Tháng 12/2022, Taliban ra lệnh cấm phụ nữ làm việc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và quốc tế, tuyên bố rằng họ vi phạm quy định về trang phục Hồi giáo. Đến tháng 4/2023, lệnh cấm này mở rộng sang cả cơ quan của Liên hợp quốc tại Afghanistan, khiến nhiều chương trình nhân đạo bị đình trệ. Lệnh cấm làm việc đặc biệt ảnh hưởng đến ngành y tế, nơi nhiều nữ bác sĩ và y tá không được phép làm việc, khiến việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em bị suy giảm nghiêm trọng.

Dựa trên quan điểm phân biệt giới tính, chính quyền Taliban ngăn cấm giáo dục đối với nữ sinh. Từ tháng 3/2022, Taliban cấm nữ sinh từ lớp 6 trở lên đến trường, chấm dứt quyền học tập của hàng triệu trẻ em gái. Quyết định này khiến Afghanistan trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ học tập ở bậc trung học và đại học. Cùng với đó là việc chính quyền Taliban áp đặt quy định khắc nghiệt về trang phục và di chuyển. Phụ nữ bị buộc phải mặc burqa (trùm kín từ đầu đến chân) khi ra đường. Từ tháng 5/2022, Taliban ra lệnh phụ nữ chỉ được rời khỏi nhà khi có nam giới trong gia đình đi kèm. Những chính sách này khiến phụ nữ gần như bị loại khỏi đời sống xã hội, kinh tế và chính trị.

Taliban vẫn phải đối mặt với những cuộc xung đột.

Taliban cũng hạn chế tự do báo chí và quyền dân sự khác. Hàng trăm cơ quan báo chí đã bị đóng cửa, các nhà báo bị bắt giữ hoặc bị hành hung khi đưa tin về các vấn đề nhạy cảm. Các cuộc biểu tình, đặc biệt là của phụ nữ phản đối các chính sách của Taliban, bị giải tán bằng vũ lực. Chính quyền Taliban đã khôi phục các hình phạt công khai bị chỉ trích như: đánh roi, chặt tay, ném đá đến chết hay thậm chí là hành quyết công khai đối với những người phạm tội. Những chính sách hà khắc này của Taliban đã dẫn đến tình trạng cô lập ngoại giao và kinh tế.

Sau giai đoạn đầu khá thân thiện, cộng đồng quốc tế dần quay lưng lại với Chính phủ Taliban, khiến Afghanistan bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Tài sản trị giá 9,5 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Afghanistan vẫn bị Mỹ đóng băng, trong khi đó viện trợ quốc tế bị cắt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến 28 triệu người Afghanistan đang cần cứu trợ nhân đạo. Theo Liên hợp quốc, hơn 90% dân số Afghanistan hiện đang sống dưới mức nghèo đói do tác động của các chính sách kinh tế và xã hội của Taliban.

Đói nghèo là vấn đề lớn của Afganistan.

Mâu thuẫn nội bộ và thách thức quản lý

Không chỉ đối mặt với sự cô lập quốc tế và khủng hoảng kinh tế, chính quyền Taliban còn bị chia rẽ bởi những mâu thuẫn nội bộ sâu sắc giữa các phe phái, tranh giành quyền lực và xung đột về đường lối chính trị. Những yếu tố này khiến khả năng quản lý đất nước của Taliban trở nên kém hiệu quả, đe dọa đến sự ổn định của chính quyền trong tương lai.

Taliban không phải là một tổ chức thống nhất hoàn toàn mà bao gồm nhiều nhóm với tư tưởng khác nhau. Hiện nay, chính quyền Taliban bị chia rẽ bởi 2 phe chính: Phe bảo thủ có quan điểm cứng rắn do Thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhundzada và nhóm các giáo sĩ bảo thủ ở Kandahar lãnh đạo muốn áp dụng luật Sharia nghiêm khắc. Phe cải cách có quan điểm ôn hòa hơn, bao gồm nhiều thành viên cấp cao như Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani và Phó Thủ tướng Abdul Ghani Baradar cho rằng chính quyền Taliban cần có cách tiếp cận linh hoạt hơn để được công nhận quốc tế và nhận viện trợ tài chính.

Theo các thông tin được tiết lộ thì một số cuộc họp nội bộ đã trở nên căng thẳng, thậm chí dẫn đến những cuộc đối đầu vũ trang nhỏ giữa các phe phái. Việc không có một cơ chế lãnh đạo thống nhất khiến chính quyền Taliban hoạt động thiếu hiệu quả và thường xuyên có những quyết định mâu thuẫn nhau.

Lực lượng Taliban quay lại tiếp quản chính quyền từ tháng 8/2021.

Bản thân chính quyền Taliban cũng bị đánh giá là yếu kém. Họ không có kinh nghiệm quản lý một chính phủ hiện đại, dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự có chuyên môn trong các cơ quan nhà nước. Việc loại bỏ toàn bộ quan chức thời chính phủ cũ khiến nhiều bộ máy quản lý rơi vào tình trạng tê liệt. Điều này khiến nền kinh tế suy sụp và nạn tham nhũng tràn lan. GDP của Afghanistan đã giảm hơn 30% kể từ năm 2022 tới nay. Hệ thống ngân hàng gần như bị sụp đổ do lệnh trừng phạt quốc tế. Hơn nữa, Afghanistan đang trải qua tình trạng hạn hán nghiêm trọng và tỷ lệ thất nghiệp cao, đặt ra thách thức lớn để cung cấp các dịch vụ cơ bản và duy trì ổn định xã hội. Trong khi đó các thủ lĩnh Taliban lợi dụng quyền lực để kiểm soát nền kinh tế phi chính thức, bao gồm buôn bán ma túy, khai thác khoáng sản trái phép. Tham nhũng trong chính quyền ngày càng gia tăng, khiến người dân mất niềm tin vào Taliban. 

Các nhóm vũ trang đối lập cũng đe dọa trực tiếp tới quyền lực của chính quyền Taliban. Nhóm khủng bố ISIS-K (Nhà nước Hồi giáo Khorasan) coi Taliban là "quá mềm mỏng" và đã thực hiện nhiều vụ đánh bom liều chết nhằm vào lực lượng an ninh Taliban. Theo Liên hợp quốc, từ năm 2021 đến 2024, ISIS-K đã thực hiện hơn 200 vụ tấn công, khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Một lực lượng khác là Phong trào kháng chiến quốc gia (NRF) do Ahmad Massoud lãnh đạo vẫn tiếp tục hoạt động ở các vùng núi phía Bắc. Mặc dù Taliban đã mở các chiến dịch đàn áp NRF, nhưng phong trào này vẫn có sức hút với những người chống đối chế độ Taliban.

Tình trạng cô lập quốc tế 

Dù Taliban đã kiểm soát hoàn toàn Afghanistan, không một quốc gia nào chính thức công nhận chính quyền của họ. Các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga và các nước trong khối EU đều có quan hệ với Taliban nhưng chưa chấp nhận họ là chính quyền hợp pháp. Liên hợp quốc tiếp tục duy trì đại diện của Chính phủ Afghanistan cũ, bác bỏ yêu cầu của Taliban được tham gia với tư cách là chính phủ hợp pháp. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cũng không công nhận Taliban. 

Pakistan từng hỗ trợ Taliban nhưng hiện tại quan hệ căng thẳng do Taliban chứa chấp các nhóm phiến quân chống Chính phủ Pakistan như Tehrik-i-Taliban Pakistan. Trung Quốc từng thể hiện mong muốn hợp tác khai thác tài nguyên khoáng sản của Afghanistan nhưng lo ngại bất ổn an ninh do sự hiện diện của các nhóm khủng bố ở khu vực biên giới nên đã dừng kế hoạch này. Iran có mâu thuẫn với Taliban về vấn đề nguồn nước và quyền lợi của người Shia ở Afghanistan. Dù Taliban tìm cách mở rộng quan hệ ngoại giao như với Ấn Độ (tháng 1/2025 vừa qua, Ngoại trưởng hai bên đã có cuộc gặp mặt tại Dubai) nhưng sự cô lập ngoại giao vẫn là trở ngại lớn đối với chính quyền này.

Luật hồi giáo hà khắc khiến nhiều người bất bình.

Tình hình càng khó khăn hơn với Taliban sau khi Tổng thống Donald Trump tái đắc cử. Dưới thời cựu Tổng thống Biden, Mỹ vẫn duy trì một số kênh đối thoại với Taliban, tuy nhiên chính quyền ông Trump đã có lập trường cứng rắn hơn khi ngừng các cuộc đối thoại với Taliban về công nhận ngoại giao, đồng thời áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với các cá nhân cấp cao của Taliban. Chính quyền Tổng thống Trump đã công khai chỉ trích các chính sách đàn áp phụ nữ của Taliban, sử dụng đây như một lý do để duy trì lệnh trừng phạt.

Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì chính quyền ông Trump "sẽ không bao giờ hợp tác với một chính phủ vi phạm nghiêm trọng quyền con người như Taliban". Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tim Sheedy mới đây đã đệ trình “Đạo luật không tài trợ cho khủng bố của người nộp thuế”, nhằm mục đích ngăn chặn viện trợ liên bang của Mỹ đến Afghanistan.

Với các thách thức trên, khả năng duy trì quyền lực của Taliban trong tương lai đang bị đặt dấu hỏi. Nếu Taliban không thể sớm ổn định nền kinh tế và giải quyết những bất bình ngày càng gia tăng, họ có thể phải đối mặt với thách thức làm sụp đổ hệ thống. Đối với một quốc gia đã trải qua nhiều thập kỷ xung đột, một thất bại khác trong quản lý là viễn cảnh ảm đạm mà chúng ta không ai mong muốn. 

Tiểu Phong

Nhận lời mời của Chính phủ Liên bang Nga và chính quyền thành phố Saint Petersburg, Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm Ngô Phương Ly đã đến Moscow ngày 22/7, thăm và tham dự các hoạt động ngoại giao văn hóa nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Theo Sở NNMT TP Hồ Chí Minh, thời gian qua Tổ công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sổ hồng) của thành phố đã xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với 142 dự án nhà ở. Số dự án được tháo gỡ chủ yếu là chung cư với số lượng lên đến 89.672 căn hộ. Trong đó đã tháo gỡ dứt điểm đối với 97 dự án, tương ứng với số lượng khoảng 71.418 căn đủ điều kiện cấp sổ hồng…

Tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 7/2025 diễn ra ngày 24/7, Thiếu tướng Nguyễn Công Bảy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Chính trị, Bộ Công an đã thông tin đến phóng viên về các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Liên quan thông tin “Mẹ Bắp” chiếm đoạt tiền từ thiện, ngày 24/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đối với bà Lê Thị Thu Hòa, trú thôn Nho Lâm, xã Thuận Nam (Khánh Hòa). Kết quả này đã được thông báo cho người có đơn tố giác tội phạm là ông Nguyễn Quốc Huy.

Truyền thông bẩn, nội dung xàm xí, vô bổ hay tạo những drama ảo, giật gân nhằm câu kéo sự quan tâm, theo dõi trên cộng đồng mạng. Khi khán giả lên án, phanh phui, công kích, chửi rủa lại chính là nguồn thu khổng lồ cho những “thợ săn” donate (quyên góp).

Với 1 huy chương Vàng và 4 huy chương Bạc, đoàn Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có kết quả cao nhất tại Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) 2025. Thành tích này tiếp nối chuỗi kết quả ấn tượng mà các đoàn học sinh Việt Nam đạt được tại các Kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực trong nhiều năm qua.

Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định chi tiết chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự; thành phần, số người thực hiện nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi và khai quật tử thi để lấy ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngày 24/7, đội tàu Hải quân Ấn Độ do Chuẩn Đô đốc Susheel Menon – Chỉ huy Hạm đội miền Đông Hải quân Ấn Độ dẫn đầu đã cập Cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm xã giao TP Đà Nẵng trong 3 ngày.

Vào khoảng 0h ngày 24/7, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận thông tin khẩn cấp về nguy cơ vỡ đê tại xã Dân Quyền (cũ), nay là xã Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.