Taliban tiến sát Kabul

10:48 15/08/2021

Cuộc chiến thâu tóm của Taliban diễn ra chưa đầy 2 tuần nhưng đã có nhiều thành phố lớn nhỏ khắp Afghanistan rơi vào tay lực lượng này. Chính phủ Afghanistan đang ở vào thế chống trả vất vả và có nguy cơ “sụp đổ” trong thời gian rất ngắn.

Ngày 12-8, lực lượng Taliban đã tiến sát thủ đô Kabul sau khi đánh chiếm thành phố Ghazni, cách Kabul khoảng 150 km về phía Nam. Đây là thành phố thứ 10 bị Taliban đánh chiếm chỉ sau 10 ngày lực lượng này phát động chiến dịch tấn công các thành phố nhằm bao vây, cô lập thủ đô Kabul. Điều đáng quan tâm là Ghazni nằm trên tuyến quốc lộ 1 nối Kabul với thành phố lớn thứ hai Kandahar ở miền Nam. Kiểm soát được thành phố này đồng nghĩa với việc Taliban kiểm soát các tuyến giao thông chính tiếp cận thủ đô Kabul, sau khi lực lượng này đánh chiếm thành phố Pul-e Khumri ở phía Bắc Kabul trước đó 2 ngày.

Kabul không nằm trong tầm đe dọa trực tiếp từ Taliban nhưng thủ đô Afghanistan đang dần rơi vào thế bị bao vây, cô lập sau khi Taliban thâu tóm các thành phố xung quanh. Một tuần trước, Taliban tiến quân vòng qua các tỉnh miền Bắc Afghnistan với chiến lược triển khai quân từ nông thôn đánh chiếm các thành phố là thủ phủ các tỉnh. Gần đây, lực lượng này đánh chiếm các thành phố Zaranj và Farah ở miền Tây. Như vậy, vòng vây các đô thị bao quanh Kabul đã rơi vào tay Taliban, cho phép lực lượng này tính toán chiến lược đánh vào thủ đô Kabul.

Theo giới quan sát, khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiến quân cách đây 2 tháng, Taliban không đánh thẳng vào các khu vực đô thị ngay mà tập trung vào vùng nông thôn, lấy nông thôn làm bàn đạp để triển khai chiến lược. Việc thâu tóm từng thành phố từ Đông sang Bắc Afghanistan cách đây 2 tuần được cho là nhằm chiếm giữ các vị trí chốt chặn quan trọng, cắt đứt nguồn chi viện từ các trung tâm lớn ở miền Bắc với Kabul.

 Tổng thống Afghanistan đến thành phố Mazar-i-Sharif động viên quân đội chống Taliban.

Tương tự, khi đánh chiếm Ghazni, Taliban coi như đã chia cắt thành công Kabul với Kandahar, thành phố lớn thứ hai và là kinh đô miền Nam Afghanistan. Taliban sử dụng chiến lược đánh chiếm các đô thị nhỏ, được bảo vệ yếu ớt trước để “lấy gió nuôi bão”, sau đó dồn lực lượng tấn công các đô thị lớn.

Trên đường tiến quân, việc thâu tóm thành phố Kunduz ở miền Bắc được cho là chiến thắng quan trọng nhất, tạo đà mạnh mẽ cho lực lượng này trong những ngày qua. Sau 2 tháng phát động chiến dịch, Taliban hiện đã kiểm soát gần 70% lãnh thổ Afghanistan. Lực lượng này hiện đang nhắm đến các thành phố trọng yếu còn lại, như Lashkar Gah ở miền Nam, Mazar-i-Sharif ở miền Bắc và Herat ở miền Tây. Nếu Taliban lấy luôn các thành phố này, coi như Chính phủ Afghanistan chỉ còn lại thủ đô Kabul là nơi đứng chân cuối cùng.

Khả năng Kabul rơi vào tay Taliban cũng hoàn toàn nằm trong dự báo. Ngày 11-8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bay đến Mazar-i-Sharif để tập hợp, động viên lực lượng ngăn chặn đà tiến quân của Taliban. Sự chống trả quyết liệt của quân đội chính phủ tại các thành phố lớn như Mazar-i-Sharif đang tạm thời gây khó khăn khiến Taliban chưa thể tiến quân nhanh hơn.

Một viễn cảnh như thế đã được giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra vào tuần trước, khi Taliban đánh chiếm các thành phố quan trọng ở miền Bắc. Một mặt Washington đốc thúc Chính phủ Afghanistan chủ động tự mình bảo vệ mình trước sức tấn công như vũ bão của Taliban, mặt khác Đại sứ Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad cũng đích thân đến Doha, Qatar, nơi Taliban đặt văn phòng đại diện chính trị để trực tiếp “nói chuyện” với lực lượng này và thuyết phục dừng các hành động tấn công quân sự đánh chiếm các thành phố và ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Afghanistan để tìm một giải pháp chính trị.

Ông Khalilzad cảnh báo rằng “chính quyền được dựng lên bằng vũ lực sẽ không được công nhận”. Trong khi đó, Cơ quan Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng lên tiếng yêu cầu Taliban dừng các cuộc tấn công vào các thành phố sau khi hàng trăm nghìn dân thường đã phải chạy loạn, mất nhà cửa.

Tuy nhiên, lời nói của ông Khalilzad và Cơ quan Nhân quyền Liên Hợp Quốc có vẻ không có tác dụng gì đối với Taliban. Giới phân tích cho rằng, chỉ nói để thuyết phục khi Taliban đã triển khai chiến dịch quân sự và đánh chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn như thế hoàn toàn không thể giải quyết được gì. Người ta cho rằng, Mỹ đã rút quân mà không đặt ra điều kiện gì để kiềm chế Taiban nhằm giúp chính quyền Kabul kiểm soát đất nước là một “thiếu sót” trầm trọng.

Việc Taliban đánh chiếm 10 thành phố chỉ trong 2 tuần là một hiện tượng quân sự kiếm có, gây chú ý trong giới chuyên môn. Cách giải thích phổ biến nhất là việc Taliban đã không chỉ sử dụng quân sự để tấn công quân đội chính phủ mà còn vận dụng bài vận động chính trị, tâm lý để thu phục người dân tại các vùng lực lượng này kiểm soát và tiến quân.

Từ một lực lượng được gọi là “tàn quân” sau khi bị đánh bật ra khỏi Afghanistan, Taliban đã xây dựng lại, thu hút thêm nhân lực từ các vùng nông thôn bên ngoài các thành phố để bổ sung lực lượng. Trong vài năm trở lại đây, Taliban đã cho thấy sự thay đổi rất lớn về chiến lược, chiến thuật. Lực lượng này đã chuyển dần từ bạo lực sang chính trị để giành lấy quyền lực. Việc Taliban đặt văn phòng đại diện chính trị tại thủ đô Doha của Qatar và sau đó là tiến hành các vòng đàm phán với Mỹ và ký kết thỏa thuận với Mỹ là bước tiến rất lớn của lực lượng này.

Ngay sau khi Mỹ tuyên bố bắt đầu triển khai kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, với hạn chót là ngày 11-9 tới, thế giới đã nhìn thấy một sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của Taliban bằng chiến dịch quân sự kết hợp chính trị, thâu tóm một vùng lãnh thổ rộng lớn của Afghanistan. Trên đường tiến quân, các thủ lĩnh, chỉ huy Taliban đã không ngừng có những động thái tâm lý chiến, như kêu gọi binh sĩ không gây tổn hại cho lực lượng vũ trang và quan chức chính phủ, dân thường,...

Trong khi người dân Afghanistan đang bất mãn với việc chính phủ không kiểm soát được tình trạng tham nhũng tràn lan, sự yếu kém của chính phủ trong vấn đề bảo đảm an ninh..., họ lại gặp phải sự “thuyết phục” kể cả ép buộc của Taliban thì khó tránh khỏi việc các địa bàn nhanh chóng rơi vào tay Taliban.

An Châu (Tổng hợp)

Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đàm Vĩnh Hưng, lại một lần nữa là Đàm Vĩnh Hưng, những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận trong lần xuất hiện hoành tráng của mình. Câu hỏi tại sao lại là Đàm Vĩnh Hưng có thể dễ được lý giải theo chủ quan của Hưng là "các thành phần xấu lợi dụng đẩy câu chuyện này đi xa", nhưng cũng sẵn sàng được một chiều khác của dư luận diễn dịch theo cách: "Vì sự tự tin thái quá dẫn đến quyết định phản cảm của chính Đàm Vĩnh Hưng".

Gần 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) như ngồi trên đống lửa khi lúa đã bán đi, tiền chưa nhận được, nợ chi phí sản xuất của vụ Đông Xuân chưa trả thì gánh nặng của đợt xuống giống vụ Hè Thu lại đến…

Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Điện Biên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của quan hệ hợp tác quốc tế, Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại trong đó có hợp tác quốc tế với Công an các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp thuộc 2 quốc gia Lào và Trung Quốc trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia…

Các đơn vị trúng thầu dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi qua địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã san ủi đồi núi, đổ lấp xuống con sông chảy qua địa bàn xã này hàng nghìn m3 đất đá. Hậu quả của việc làm này không chỉ gây ra tình trạng sông suối bị chặn dòng, thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, sản xuất ở vùng hạ du, mà còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh; gây bồi lấp, nhấn chìm ruộng đồng, nhà cửa của hàng trăm hộ dân ở đây vào mùa mưa lũ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文