Thế giới kêu gọi Israel dừng tấn công Rafah

14:20 19/02/2024

Các lãnh đạo thế giới, các tổ chức nhân đạo quốc tế đang ra sức ngăn cản Israel tiến hành đợt tấn công bằng bộ binh vào thành phố Rafah, miền Nam Gaza, nơi trú ẩn an toàn cuối cùng của người Palestine ở Gaza.

Cuộc tấn công vào thành phố Rafah được quan tâm nhiều vào thời điểm này bởi đây là nơi trú ẩn an toàn cuối cùng của người Palestine tị nạn bởi các cuộc tấn công của Israel. Thành phố này hiện đang chứa hơn 1 triệu người Palestine từ Bắc và Trung Gaza sơ tán khỏi nơi ở để tránh bom đạn Israel. Các tổ chức nhân đạo quốc tế cho rằng, nếu Israel tiếp tục tấn công vào Rafah, thảm họa nhân đạo tại Gaza sẽ càng khủng khiếp hơn nữa và thế giới sẽ phải ân hận vì không thể ngăn cản nó xảy ra dù đã nhìn thấy trước.

Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã góp thêm tiếng nói của mình vào những lời kêu gọi quốc tế ngày càng tăng nhằm yêu cầu Israel từ bỏ kế hoạch tấn công quân sự tổng lực vào thành phố Rafah, sau chiến dịch giải cứu con tin dữ dội khiến nhiều người Palestine thiệt mạng.

Binh lính Israel bên ngoài trụ sở cơ quan của Liên Hợp Quốc.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Vua Abdullah của Jordan tại Nhà Trắng hôm 12/2, Tổng thống Mỹ nói: “Một chiến dịch quân sự lớn ở Rafah không nên tiến hành nếu không có kế hoạch đáng tin cậy để đảm bảo an toàn và hỗ trợ cho hơn 1 triệu người đang trú ẩn ở đó”. Ông Biden nói rằng, Mỹ đã làm việc “cả ngày lẫn đêm” để nỗ lực thỏa thuận ngừng bắn tạm thời 6 tuần trong cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas như một bước đệm cho một lệnh ngừng bắn lâu hơn. Ông nói rằng, “các yếu tố chính của thỏa thuận đã được đặt lên bàn” mặc dù vẫn còn những khoảng trống.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Australia Penny Wong cũng cho rằng, việc không đảm bảo chăm sóc đặc biệt cho dân thường ở Rafah sẽ “gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của chính Israel”. Tuần trước, người đồng cấp Đức Annalena Baerbock đã cảnh báo rằng, một cuộc tấn công của Israel vào Rafah sẽ là một “thảm họa nhân đạo đang hình thành”. Bà nói thêm: “Người dân ở Gaza không thể biến mất trong không khí”. Volker Turk, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc, cho biết: “Thế giới không thể cho phép điều này xảy ra. Những người có ảnh hưởng phải kiềm chế hơn là tạo điều kiện cho nó xảy ra”.

Rạng sáng 12/2, quân đội Israel đã tiến hành các cuộc không kích vào Rafah trong khi lực lượng bộ binh đột kích để giải cứu 2 con tin. Người dân cho biết 2 nhà thờ Hồi giáo và một số ngôi nhà đã bị máy bay chiến đấu, xe tăng và tàu của Israel tấn công trong hơn 1 giờ đồng hồ, gây hoảng loạn lan rộng cho dân thường. Theo bác sĩ Marwan al-Hams, Giám đốc Bệnh viện Abu Youssef al-Najjar, có khoảng 67 người đã thiệt mạng trong cuộc giải cứu con tin, trong đó có cả phụ nữ, trẻ em và hàng chục người bị thương. Kết quả, quân đội Israel đã giải cứu được 2 con tin bị bắt cóc vào ngày 7/10/2023, nhưng lực lượng Hamas cho báo chí biết một số con tin cũng bị thiệt mạng trong chiến dịch giải cứu.

Ngay sau cuộc giải cứu, Thủ tướng Israel đã chúc mừng các lực lượng Israel và cho rằng Israel sẽ tiếp tục các cuộc tấn công tương tự, đồng thời tuyên bố người Palestine tị nạn phải rời khỏi Rafah trước khi quân đội Israel tiến hành chiến dịch tấn công.

Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU đã giận dữ chỉ trích lãnh đạo Israel trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về số người chết ngày càng tăng ở Gaza, lên tới hơn 28.000 người. Quan điểm của Borrell được lặp lại bằng ngôn ngữ ngoại giao hơn bởi ông David Cameron, Ngoại trưởng Anh. Ông Cameron nói: “Chúng tôi thực sự không thể hiểu được làm thế nào bạn có thể tiến hành một cuộc chiến giữa những người này, khi họ không có nơi nào để rời đi”.

Cảnh con tin Israel đoàn tụ với gia đình sau khi được giải cứu.

Theo tờ Guardian của Anh, chiến lược lợi dụng việc giải cứu con tin để thúc đẩy các cuộc tấn công trên bộ vào Gaza của Israel dường như đang phản tác dụng. Một sự thật trớ trêu là quân đội Israel chỉ giải cứu được 3 con tin trong hơn 4 tháng giao tranh với Hamas, ít hơn số con tin thiệt mạng trong nỗ lực giải thoát họ. Điều này đã chứng minh ngược lại rằng giải pháp dùng sức mạnh quân sự để giải cứu con tin không những không mang lại hiệu quả như mong muốn mà còn khiến nỗ lực giải cứu trở nên khó khăn hơn, đẩy con tin vào tình thế nguy hiểm, tính mạng không được bảo đảm. Thực tế này đã được các nghị sĩ đối lập ở Israel, lực lượng cánh tả cũng như gia đình các con tin đặt ra với Thủ tướng Netanyahu trong những tháng đầu của cuộc chiến nhằm kêu gọi ông chấm dứt các hành động quân sự và tìm giải pháp an toàn hơn, hiệu quả hơn, kể cả việc đàm phán với Hamas.

Trong khi đó, các nỗ lực ngoại giao vẫn tiếp tục với mục đích cứu con tin mới và thỏa thuận ngừng bắn nhằm ngăn chặn cuộc tấn công. Các đại diện của nhóm chiến binh Palestine Hamas đã có mặt tại Cairo (Ai Cập) vào ngày 14/2 và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, đã đến Ai Cập trong chuyến thăm đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ căng thẳng giữa các cường quốc trong khu vực về việc hỗ trợ Tổ chức Anh em Hồi giáo (Islamic Brotherhood). Ông Erdogan cho biết, các cuộc thảo luận với Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi sẽ tập trung vào cuộc tấn công của Israel ở Gaza.

Hôm 13/2, Israel đã đưa ra quyết định vào phút cuối khi cử một phái đoàn do những người đứng đầu Cơ quan Tình báo MOSSAD David Barnea và Ronen Bar của Shin Bet dẫn đầu, đến gặp các nhà hòa giải Mỹ, Ai Cập và Qatar. Giám đốc CIA William Burns đã cùng Giám đốc Tình báo Ai Cập Abbas Kamel và Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani tham gia một ngày hội đàm “mang tính xây dựng”.

Cơ quan thông tin nhà nước Ai Cập cho biết, cuộc hội đàm đã kết thúc mà không có đột phá đáng kể nào. Vòng đàm phán này nhằm mục đích ngừng bắn kéo dài và trao đổi con tin và tù nhân lần thứ hai sau lệnh ngừng bắn thành công kéo dài 1 tuần vào cuối tháng 11/2023, dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 16/2.

An Châu (Tổng hợp)

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Quán triệt chủ trương chính quy hóa lực lượng Công an xã, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an đã tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp với phương châm “trên dưới đồng lòng” triển khai bài bản, khoa học việc bố trí con người, trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng cấp Công an thứ tư đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Qua đó, đã có rất nhiều sự đổi thay tích cực về an ninh trật tự, vun đắp nghĩa tình quân dân và sự trưởng thành từ chính những chiến sĩ Công an bám cơ sở.

Ngày 21/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thái Bình cho biết, vừa bắt giữ Trương Tất Hảo (SN 1971), là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc và cố ý gây thương tích.

Hôm nay (21/5), Lễ bốc thăm ASEAN Mitsubishi Electric Cup (tiền thân là AFF Cup) năm 2024 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đội tuyển Việt Nam cũng sẽ khởi động cho chiến dịch này dưới thời huấn luyện viên Kim Sang Sik.

Quá trình thi công móng cột xảy ra sạt lở làm nhiều người thương vong, mở đường công vụ trái phép trên đất rừng phòng hộ, tự ý chặt hạ cây gỗ rừng tự nhiên và tại nhiều vị trí móng cột vẫn còn vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB)... là những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quá trình thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

Chiều 20/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Chung (SN 1978, Trưởng phòng Quản lý nhân sự Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hoàng Kim Giáp) để điều tra về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文