Tiếp nối những thông lệ tiêu cực
Sau 2 năm “im ắng”, ngày 18-4, phía Bắc Iraq lại rung chuyển vì cuộc tiến công trên bộ xuyên biên giới của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Với sự tham gia của pháo binh, chiến đấu cơ, trực thăng, máy bay không người lái mở đường, các lực lượng biệt kích Thổ Nhĩ Kỳ nhắm thẳng vào căn cứ của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) nằm trong lãnh thổ Iraq - một quốc gia có chủ quyền.
“Cho đến tên khủng bố cuối cùng”
“Hoạt động của chúng tôi đang diễn ra thành công, đúng như kế hoạch.Các mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đầu đã đạt được”, hãng AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar.
Ông Hulusi Akar nhấn mạnh: “Cuộc đấu tranh của chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi tên khủng bố cuối cùng bị vô hiệu hóa. Chúng tôi quyết tâm cứu quốc gia cao quý của mình khỏi mối đe dọa khủng bố đã hoành hành trên đất nước chúng tôi suốt 40 năm”. Nghĩa là, cho dù trong cuộc tiến công mới nhất này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thu lượm được nhiều thành công, với việc phá hủy thành công nhiều boongke, đường hầm và kho đạn, cũng như các cơ sở quân sự của PKK ở các khu vực biên giới phía Bắc Iraq như Metina, Zap và Avashin-Basyan, thì đây vẫn chưa phải lần “động binh” sau cuối.
Đương nhiên, nó cũng chẳng phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân qua biên giới một quốc gia láng giềng, với mục tiêu truy quét PKK - lực lượng bị họ xem là khủng bố. Hồi năm 2020-2021, các chiến dịch tương tự mang tên Claw-Tiger, Claw Lightning và Claw-Eagle cũng đã được tiến hành ở miền Bắc Iraq trong nhiều ngày. Còn trước đó, Ankara cũng từng đưa quân, kèm cả không quân và thiết giáp, vượt qua biên giới vào lãnh thổ Syria. Và hiện tại, bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ đang hành tiến theo chân các nhóm biệt kích tiền phong, dù số lượng cụ thể chưa được công bố.
Chính những lần đưa quân sang đất hàng xóm không cần đếm xỉa đến ý kiến “chủ nhà” như thế này từng không ít lần tạo nên những căng thẳng ngoại giao, giữa Ankara với Damascus hay Baghdad. Mới tháng 2-2021, những hành động cứng rắn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ - với cáo buộc rằng các tay súng người Kurd đã sát hại 12 người Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt làm con tin ở miền Bắc Iraq (lực lượng người Kurd cho rằng những người này đã thiệt mạng do trúng bom của Thổ Nhĩ Kỳ trong một chiến dịch giải cứu con tin bất thành) - đã khiến một đợt căng thẳng ngoại giao dấy lên, đến mức Đại sứ Iran tại Iraq Iraj Masjedi phải cảnh báo: “Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ không được gây ra mối đe dọa hoặc vi phạm chủ quyền của Iraq”.
Người Kurd là nhóm dân tộc lớn thứ tư ở Trung Đông.Dù số lượng lớn, họ không có quốc tịch, trong khi phần đất mà họ sinh sống trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran tới Armenia.Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd luôn ở thế đối đầu căng thẳng. Ankara coi các lực lượng người Kurd ở biên giới phía Nam nước này là một mối đe dọa, khi PKK đặt đại bản doanh ở miền Bắc Iraq và đã sử dụng vùng lãnh thổ này để tiếp sức cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara xung đột với đảng PKK kể từ sau khi PKK phát động một phong trào ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu những năm 1980, chiến đấu vì mục tiêu giành độc lập cho một quốc gia mới mang tên Kurdistan. Năm 1984, xung đột vũ trang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK đã biến thành cuộc chiến cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và phương Tây đều coi PKK là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, các chiến binh người Kurd vẫn được xem là đồng minh quan trọng của phương Tây và Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở cả Syria và Iraq. Thậm chí, trong khá nhiều giai đoạn của cuộc chiến ấy, họ chính là lực lượng đối đầu trực diện với IS trên tuyến lửa.
Vì thế, Washington vẫn duy trì một chỗ đứng quân sự ở các khu vực do người Kurd ở Syria kiểm soát, trong khi một số cơ sở quân sự của Mỹ và lãnh sự quán Mỹ đóng ở Erbil - khu vực do người Kurd tại Iraq kiểm soát.
Vì thế, lần động binh này của Ankara, cũng như những lần trước, có thể xem là sự công nhiên phớt lờ tầm ảnh hưởng của các quyền lực chính trị phương Tây.
Tô đậm những tiền lệ
Rõ ràng, đầu tiên, Ankara có những lý do xác đáng (trên lập trường của mình) để biện hộ cho những hành động quân sự mang tính chất xâm phạm chủ quyền quốc gia khác. Họ coi PKK là khủng bố, là mục tiêu phải trấn áp và tiêu diệt và PKK lại đặt căn cứ tại những khu vực “hiểm địa” mà các chính quyền trung ương Syria hay Iraq chưa đủ sức “vươn tay” quản lý. Nói cách khác, để tự bảo vệ an ninh của chính mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngần ngại tiến công vào những “lãnh địa cát cứ” trên lãnh thổ các quốc gia láng giềng.
Thực ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng chẳng phải cường quốc đầu tiên chọn cách hành xử bất chấp luật pháp quốc tế như vậy. Luật pháp quốc tế quy định rằng mọi hành động tiến công quân sự vào một quốc gia có chủ quyền đều có thể bị xem là hành vi xâm lược, song, lợi ích riêng cốt lõi luôn là động lực quan trọng nhất thúc đẩy các guồng máy, vượt qua những khuôn khổ đó.
Thế giới hiện tại có vẻ như đang trở nên bất an hơn. Có điều, thực tế là các nước lớn đã luôn tự cho mình quyền được sử dụng vũ lực với các nước yếu thế hơn, nhằm đạt được điều họ mong muốn. Cũng với lý do tương tự Thổ Nhĩ Kỳ, như tất cả giới quan sát cũng như công chúng còn nhớ, quân đội Mỹ cùng đồng minh đã tiến đánh Afghanistan năm 2001 và ở lại đó suốt 20 năm. Trước đó nữa, năm 1989, Mỹ đổ quân vào Panama, một quốc gia Caribeean nhỏ bé hoàn toàn không có sức kháng cự. Còn sau đó, chỉ cần dính dáng đến lợi ích của mình, quân đội Mỹ cũng sẵn sàng tràn vào Iraq, năm 2003, hay hiện diện suốt dải Bắc Phi - Trung Đông để nối dài những dư chấn của Mùa xuân Arab. Còn hiện tại, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã kéo dài đến gần 2 tháng.
Đó là những tiền lệ về việc chiến tranh và xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế - điều mà nhân loại vẫn đang nỗ lực thay đổi. Vấn đề là, để thay đổi được thực tế này, có lẽ còn một chặng đường rất dài phía trước.
Trở lại với cuộc hành binh của Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq, ở một khía cạnh khác, có thể tin rằng Ankara sẽ còn tiếp tục tổ chức những cuộc đột kích nhắm vào lực lượng các chiến binh người Kurd.
Ở đây, giấc mơ Kurdistan độc lập không chỉ là nỗi lo lắng của riêng Thổ Nhĩ Kỳ, mà nó ảnh hưởng đến nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của cả Iraq, Syria, Armenia và Iran.Không quốc gia nào trong số trên có thể chấp nhận ý tưởng ly khai đó. Cũng chẳng có căn cứ pháp lý nào để người Kurd đòi hỏi nền độc lập riêng cho mình. Vì thế, đến hiện tại, PKK vẫn chiến đấu trong vô vọng. Rất đáng lưu ý, một trong những điểm tựa quan trọng nhất của họ lại chính là... người Mỹ. Mặc dù, sau khi IS bị đánh bại, PKK đã không ít lần “than vãn” rằng họ bị người Mỹ “bỏ rơi”.
Iran, mặc dù là kình địch khu vực của... Thổ Nhĩ Kỳ, mới ngày 13-3 vừa qua thôi, cũng đã bị Iraq yêu cầu giải thích về một vụ bắn tên lửa đạn đạo của Tehran nhằm vào thành phố Erbil, thủ phủ khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iraq đã triệu Đại sứ Iran tại Baghdad, Iraj Masjidi tới trụ sở để phản đối vụ tấn công bằng tên lửa do quốc gia này thực hiện trước đó nhằm vào thành phố Erbil ở miền Bắc Iraq. Theo Bộ Ngoại giao Iraq, vụ tấn công này là sự vi phạm chủ quyền của Iraq. Bộ Ngoại giao Iraq đã thể hiện sự phản đối của chính phủ nước này đối với vụ bắn tên lửa đã gây ra “thiệt hại vật chất” và “tổn hại đối với nhà cửa, công trình dân sự.
Nghĩa là, vào lúc này, với hàng loạt tiền lệ đã và đang hằn lên hay trở nên đậm sâu hơn, Ankara sẽ còn có điều kiện để thoải mái hành động hơn.Nhìn rộng ra, với những hành động kiểu như thế từ các cường quốc, thế giới này đang dần trở nên hỗn loạn hơn.