Tổng thống Marcos Jr. đến Trung Quốc
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vừa có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Trung Quốc nhằm xác định lại mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời giữ thế cân bằng trong quan hệ đối ngoại với hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc, sau khi đã tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hồi tháng 11/2022.
Chuyến thăm đầy ý nghĩa
Ngày 4/1, tại Đại lễ đường Nhân dân, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp đón Tổng thống Marcos Jr. bằng nghi thức cấp cao. Sau đó, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm được đánh giá là cởi mở, chân tình và mang lại kết quả rõ rệt.
Theo truyền thông Trung Quốc và quốc tế, trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines đồng ý tăng cường quan hệ kinh tế và nối lại đàm phán về thăm dò dầu khí, thúc đẩy hợp tác thăm dò dầu khí ở các khu vực không tranh chấp; đồng ý “tiếp tục xử lý đúng đắn các vấn đề hàng hải thông qua tham vấn thân thiện”.
Trước đó, ông Marcos Jr. đã khẳng định đất nước ông sẽ theo đuổi hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông ngay cả khi không có thỏa thuận với Trung Quốc, sau khi các cuộc đàm phán thăm dò chính thức chấm dứt vào tháng 6/2022 do những trở ngại về hiến pháp và vấn đề tranh chấp chủ quyền. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp chủ quyền và quyền tài phán của nhiều nước trong khu vực.
Biển Đông từ lâu đã là nguồn cơn gây căng thẳng giữa Manila - Bắc Kinh và mối quan hệ đã trở nên căng thẳng hơn vào tháng 12 khi Bộ Quốc phòng Philippines bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong tuyến đường thủy đang tranh chấp. Philippines đã nhiều lần cáo buộc các tàu Trung Quốc quấy rối ngư dân Philippines trong khu vực và trong tuyên bố đưa ra hôm 4/1, ông Marcos Jr. nói rằng ông đã nêu vấn đề này với ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Bắc Kinh. Trong tuyên bố, ông Marcos Jr. cho biết ông Tập Cận Bình hứa sẽ “tìm ra giải pháp” cho phép ngư dân Philippines hoạt động trong ngư trường tự nhiên của Philippines.
Để đạt được mục tiêu đó, hai nước đã công bố kế hoạch thiết lập một đường dây liên lạc trực tiếp giữa các bộ phận hàng hải của hai bên. Trong tuyên bố của mình, ông Marcos Jr. nói rằng ông Tập Cận Bình cam kết sẽ mở rộng hỗ trợ cho Philippines bao gồm nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và an ninh hàng hải, với việc cả hai bên đã ký kết tổng cộng 14 thỏa thuận song phương.
Ông Tập Cận Bình cũng hứa hẹn các cơ hội hợp tác rộng rãi với Philippines, bao gồm hỗ trợ đầu tư của Trung Quốc vào Philippines và giúp nước láng giềng phát triển công nghệ nông nghiệp, giáo dục cơ bản, khí tượng và vũ trụ cũng như nghiên cứu vaccine.
Mỹ muốn khẳng định vị trí ở Đông Nam Á
Chuyến đi Bắc Kinh của ông Marcos Jr. diễn ra ngay sau khi Philippines đã tiếp đón nữ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào tháng 11/2022. Chuyến thăm của bà Harris được dư luận quốc tế quan tâm, cho rằng đây là một động thái nhằm tái khẳng định cam kết của Washington đối với đồng minh của mình.
Tại chuyến thăm đó, bà Harris đã hội đàm với Tổng thống Marcos Jr. và gặp gỡ các đối tác, đã thảo luận về 21 dự án mới do Mỹ tài trợ, bao gồm nhiều địa điểm phòng thủ xung quanh Philippines ở những địa điểm chưa được tiết lộ. Đây cũng được xem là một dấu hiệu cho thấy Washington đang củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Manila.
Sau chuyến đi của bà Harris, Nhà Trắng ra tuyên bố rằng các dự án mới đã ký kết với Philippines là một phần của Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) giữa hai nước, trong đó cho phép quân đội Mỹ sử dụng các địa điểm đã thỏa thuận ở Philippines để diễn tập an ninh và huấn luyện quân sự chung.
Nhưng, quan hệ quốc phòng Mỹ-Philippines thậm chí còn sâu sắc hơn. Philippines từng là nơi đặt 2 trong số các căn cứ hải ngoại lớn nhất của quân đội Mỹ là căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân vịnh Subic, được chuyển giao cho Philippines kiểm soát vào những năm 1990. Một hiệp ước phòng thủ chung được ký năm 1951 vẫn còn hiệu lực, quy định rằng cả hai bên sẽ giúp bảo vệ lẫn nhau nếu một trong hai bên bị bên thứ ba tấn công. Phát biểu với các phóng viên hôm 21/11, bà Harris tái khẳng định cam kết “không lay chuyển” của Washington đối với hiệp ước.
“Chúng tôi phải luôn nhắc lại rằng chúng tôi sát cánh với các bạn để bảo vệ các quy tắc và chuẩn mực (ở Biển Đông)”. Bà Harris cho biết thêm rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào các tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ đụng chạm đến các cam kết phòng thủ chung của Mỹ.
Về phần mình, ông Marcos Jr. cũng nói với các phóng viên báo chí rằng ông “không nhìn thấy một tương lai nào cho Philippines mà không có Mỹ và điều đó xuất phát từ mối quan hệ rất lâu dài với Mỹ”.
Trong khi Philippines là một đồng minh quốc phòng lâu đời của Mỹ, mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, bởi trong 6 năm cầm quyền của mình, ông Duterte đã chuyển hướng quan hệ đối ngoại, tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, gạt bỏ tranh chấp lãnh thổ sang một bên để đổi lấy các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Philippines từ lâu đã cân bằng lợi ích chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương với sự trỗi dậy về địa chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Là một đồng minh quốc phòng của Washington và là một bên tranh chấp đối với các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trên Biển Đông, Philippines có ý nghĩa quan trọng đối với cả chiến lược của Washington trong khu vực và sự trỗi dậy địa chính trị của Trung Quốc. Rommel Banlaoi, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines, cho biết nhiệm vụ lớn của ông Marcos Jr. là củng cố và hiện đại hóa hệ thống phòng thủ của đất nước - với sự giúp đỡ của Mỹ - đồng thời thiết lập đối thoại thân thiện với Trung Quốc để tăng cường quan hệ kinh tế với quốc gia đối tác thương mại lớn nhất của họ.
“Tổng thống Philippines Marcos tỏ ra cởi mở với ý tưởng theo đuổi hợp tác thực tế ở Biển Đông, đồng thời không từ bỏ lập trường lâu nay của mình khi nói đến các vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông”, ông Banlaoi nói.