Tương lai một thỏa thuận hòa bình Armenia – Azerbaijan
Xung đột Nagorno-Karabakh kết thúc vào tháng 9/2023 và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan thông qua việc sáp nhập khu vực Karabakh vào nước này, cơ hội lịch sử đã mở ra cho quan hệ giữa hai nước láng giềng Armenia và Azerbaijan.
Việc Armenia chính thức công nhận Karabakh là một phần không thể thiếu của Azerbaijan, là một cơ hội thực sự để bình thường hóa quan hệ giữa Baku và Yerevan, cũng như việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa giao thông đối với Armenia, sau đó là việc gỡ bỏ chặn thông tin liên lạc trong khu vực và mở cửa biên giới nước này với Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan.
Nội dung thỏa thuận
Ban đầu, phiên làm việc của dự thảo hiệp ước hòa bình nhấn mạnh một cách có điều kiện 3 điều khoản chính: Yerevan công nhận hoàn toàn Karabakh là một phần của Azerbaijan và từ bỏ tâm lý theo chủ nghĩa phục thù, dỡ bỏ phong tỏa vận tải và liên lạc hậu cần trong khu vực, cũng như việc phân chia và phân định biên giới Armenia – Azerbaijan hiện tại, vì về mặt pháp lý, đường biên giới này không tồn tại trong thời kỳ Armenia kiểm soát Nagorno-Karabakh và 7 khu vực lân cận.
Cho đến nay, điểm thứ 3 - việc phân chia và phân định biên giới tiến triển thành công nhất, dù tiến trình này cũng có khó khăn. Các cuộc biểu tình phản đối việc chuyển giao từng một số khu vực cho Azerbaijan vẫn diễn ra. Ví dụ, các cuộc biểu tình ở vùng Tavush (Armenia) rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, có các cuộc họp thường xuyên tại biên giới của đại điện các ủy ban phân định và phân chia biên giới quốc gia giữa Armenia và Azerbaijan, tại đó các vấn đề phân định lãnh thổ được giải quyết.
Ủy ban phân định và cắm mốc tương ứng do các phó thủ tướng của 2 nước đứng đầu - Shahin Mustafayev phía Azerbaijan và Mher Grigoryan phía Armenia. Một trong những thành tựu trong tiến trình này là việc Baku và Yerevan ký Quy chế hoạt động của Ủy ban phân định biên giới của hai nước vào ngày 30/8, được thiết kế để điều chỉnh hoạt động chung của các ủy ban phân định và phân chia biên giới 2 nước.
Theo văn bản này, Azerbaijan và Armenia đồng ý tiến hành phân định biên giới trên cơ sở Tuyên bố Alma-Ata năm 1991, theo đó các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây cam kết công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau trên cơ sở ranh giới hành chính thời Liên Xô cũ. Tuy nhiên, văn bản này có 1 lỗ hổng khi nhấn mạnh rằng thỏa thuận này không phải là thỏa thuận cuối cùng và sau khi ký hiệp ước hòa bình, quá trình phân định biên giới có thể dựa trên các nguyên tắc khác. Dựa trên cái gì thì văn bản này không nêu cụ thể, điều này trong tương lai gây nguy hiểm cho các thỏa thuận đã lên kế hoạch. Tuy nhiên, công tác phân định cắm mốc vẫn là hướng thành công, có tiến bộ và triển vọng nhất định so với các hướng khác.
Khó khăn phía trước
Việc công nhận hoàn toàn Karabakh và 7 khu vực lân cận trước đây do Yerevan kiểm soát là lãnh thổ của Azerbaijan vẫn còn là một vấn đề. Hiến pháp hiện nay của Armenia, được thông qua năm 1995, sau khi Liên Xô sụp đổ, và được sửa đổi vào các năm 2005 và 2015, có một điều khoản về việc thống nhất Nagorno-Karabakh với Armenia trong tương lai, điều này rõ ràng là không phù hợp với phía Azerbaijan. Baku nhấn mạnh rằng Yerevan phải thay đổi Hiến pháp, vì họ thấy cách diễn đạt hiện tại có khuynh hướng phục thù và có thể có yêu sách lãnh thổ trong tương lai. Phía Azerbaijan muốn có những bảo đảm pháp lý bằng văn bản rõ ràng về việc duy trì toàn vẹn lãnh thổ của mình. Quan chức Yerevan không vội vàng với sáng kiến này, coi đây là sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Hiện tại, người dân Armenia đều ủng hộ đường lối của Thủ tướng Nikol Pashinyan trong việc bình thường hóa quan hệ với Azerbaijan, bao gồm cả dự định tổ chức trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến pháp vào năm 2027, trong đó loại bỏ tất cả các điều khoản liên quan đến khái niệm “Nagorno-Karabakh” hoặc “Artsakh”. Tuy nhiên, 2027 vẫn còn xa và tiến trình đàm phán với Baku có nguy cơ bị đóng băng lần nữa vì việc đề cập đến “Nagorno-Karabakh” trong Hiến pháp Armenia và khả năng thống nhất vùng lãnh thổ này với Armenia là một vấn đề quan trọng đối với Azerbaijan. Nếu không có điều này, như Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nói, không thể đạt được thỏa thuận hòa bình với Armenia.
Việc gỡ bỏ phong tỏa vận tải và liên lạc hậu cần ở Nam Caucasus và mở cửa biên giới, theo thỏa thuận chung, các bên hiện quyết định hoãn vấn đề này lại. Rõ ràng, một quyết định như vậy được đưa ra do bản thân vấn đề này mang tính chất kinh tế và không được coi là ưu tiên hàng đầu. Armenia và Azerbaijan vẫn chưa đạt được thỏa thuận về các dự án mà họ đưa ra nhằm gỡ bỏ việc chặn thông tin liên lạc trong khu vực. Đó là các dự án như Hành lang Zangezur do Azerbaijan khởi xướng và được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, hay “Ngã tư biên giới” do Armenia đề xuất, nhưng chưa được hầu hết các nước trong khu vực ủng hộ. Ngoài ra, vì Yerevan dứt khoát từ chối dự án Hành lang Zangezur, Azerbaijan đã đề xuất một dự án khác là Hành lang Arak, chạy qua lãnh thổ Iran.
Nói về vị thế của các chủ thể trong khu vực, điều đáng chú ý là Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Azerbaijan tích cực ủng hộ dự án Zangezur, trong khi Iran phản đối, như được nêu trong cuộc gặp giữa Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cuối tháng 7. Tehran phản đối việc thay đổi biên giới địa chính trị đã được quốc tế công nhận trong khu vực, đồng thời tin rằng dự án này không có lợi cho Armenia. Nga thì vẫn có thái độ dè dặt đối với các dự án của Armenia và Azerbaijan về liên lạc vận tải và hậu cần, muốn tạo cơ hội cho các bên đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia chủ quyền của mình. Đồng thời, Moscow chắc chắn ủng hộ việc không phong tỏa liên lạc và mở cửa biên giới trong khu vực và sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho tiến trình này.