Xóa đói giảm nghèo, tạo tiền đề an ninh kinh tế

09:36 12/12/2024

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi thể chế kinh tế đều có những định hướng riêng cho sự phát triển. Tuy nhiên, dưới góc độ chung, nếu không có sự ổn định và phát triển thì nền kinh tế dù ở thể chế chính trị nào cũng không thể gọi là vững mạnh và đấy chính là một trong những vấn đề cốt lõi về an ninh kinh tế.

Muốn có sự ổn định và phát triển cho nền kinh tế thì điều kiện cần và đủ là các quốc gia tất yếu phải tạo điều kiện, đồng thời có các “đòn bẩy” chiến lược để giúp người dân có được thu nhập ngày càng cao. Cho nên, chuyện xóa đói, giảm nghèo cũng vì thế mà luôn được cả thế giới quan tâm, xem là một “hàn thử biểu” để đo lường sức mạnh của nền kinh tế.

1. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024, vừa được tổ chức vào tháng 11 ở Brazil (nước Chủ tịch G20 năm 2024), với chủ đề "Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững", Tổng thống Brazil Lula da Silva khẳng định "xóa đói giảm nghèo không chỉ đảm bảo công bằng xã hội mà chính là điều kiện cốt lõi để xây dựng xã hội thịnh vượng và thế giới hòa bình".

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024.

G20 (hay Nhóm 20, thành lập năm 1999) là diễn đàn quốc tế chính thức dành cho các nguyên thủ và thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 19 quốc gia thành viên có nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU), với mục đích nhằm thảo luận về những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy các chính sách liên quan đến việc ổn định tình hình tài chính quốc tế cũng như định hướng phát triển cho nền kinh tế toàn cầu. G20 đang chiếm hơn 90% trong tổng quy mô của toàn bộ nền kinh tế thế giới và diễn đàn này cũng đã mở rộng chương trình nghị sự nên thành phần tham gia hội nghị những năm gần đây còn có cả các bộ trưởng tài chính, bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên.

Việt Nam tuy không phải là nước thành viên, nhưng đây là lần thứ 5 Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên của G20. Lần đầu Việt Nam tham dự là theo lời mời của Canada và Hàn Quốc vào năm 2010, khi Việt Nam lần thứ 2 đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, lần thứ 5 này là theo lời mời của Tổng thống Brazil.

Việc được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên của G20 thể hiện cộng đồng quốc tế ngày càng coi trọng vai trò của nền kinh tế Việt Nam trong nền kinh tế thế giới, cũng như ảnh hưởng và đóng góp của Việt Nam tại các cơ chế đa phương toàn cầu.

Cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh Lai Châu tháo dỡ để làm lại nhà cho người dân.

Điểm rất ấn tượng của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 là mở đầu với lễ phát động Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và phiên thảo luận về cuộc chiến chống đói nghèo. Tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, đã kêu gọi các nước cần có quyết tâm chính trị cao hơn, nguồn lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn cho các chương trình, dự án cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn, bởi xóa đói nghèo không chỉ có ý nghĩa nhân văn cao cả, mà còn là một trong những nền tảng quan trọng nhất, tác động trực tiếp tới bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định trên toàn cầu.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo, Thủ tướng nêu 3 nội dung: không hy sinh an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đặc biệt coi trọng an ninh lương thực và xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế; lấy con người làm trung tâm, chủ thể ưu tiên đầu tư cho con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Những kinh nghiệm này không phải là chuyện lý luận mà thực tiễn đã chứng minh qua những thành quả thu được từ các quyết sách của Việt Nam, khi chương trình giảm nghèo của Việt Nam từ nhiều năm qua đã được ví như “một cuộc cách mạng”, được các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận là điểm sáng và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.

2. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt cũng từng phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc, vào ngày 7/5/2024, khi tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, rằng chương trình giảm nghèo “đã có những chuyển biến rõ rệt trên khắp đất nước và trong cuộc sống người dân Việt Nam”.

Điều này là có đầy đủ cơ sở thực tiễn để chứng minh, vì với xuất phát điểm của một nước nông nghiệp lạc hậu, lại trải qua nhiều năm tháng chiến tranh cũng như hậu quả của tư duy kinh tế kế hoạch, nên Việt Nam từng nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới. 

Nhưng, từ xuất phát điểm như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, đặc biệt qua hơn 40 năm nỗ lực thực hiện công cuộc Đổi mới (kể từ năm 1986), Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn từ 1989 tới 2023, tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Riêng trong vòng 2 thập kỉ kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo; trong vòng 15 năm kể từ năm 2005, tỉ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ giúp bà con dân tộc La Hủ ở bản Hà Si, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khai hoang ruộng trồng lúa để bảo đảm lương thực tại chỗ.

Nếu năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chiếm hơn 58% thì đến năm 2021 con số này là 2,23%; Thu nhập bình quân đầu người năm 1993 đạt 185 USD thì đến cuối năm 2023 con số này là 4.284 USD. Nguồn lực Nhà nước dành cho xóa đói giảm nghèo tăng từ 200 tỷ đồng năm 1993 lên 12.000 tỷ đồng vào năm 2020. Theo Báo cáo phát triển con người mới nhất của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc  (UNDP), xếp hạng chỉ số phát triển con người của Việt Nam tiếp tục tăng từ 115 lên 107 và Việt Nam được xếp trong nhóm có chỉ số phát triển con người cao.
Tính đến năm 2023, Việt Nam đã đi được nửa chặng đường giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và đã được ghi tên vào danh sách 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới, đồng thời là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều về: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.

Riêng năm 2024, theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tổ chức cuối tháng 10), trong bối cảnh vừa phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề và còn kéo dài tại nhiều địa phương, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); tăng trưởng GDP ước cả năm đạt 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao... 

Đặc biệt, các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau"; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93% và theo Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2024 do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 54 - cải thiện tích cực so với vị trí 65 của năm 2023.

3. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đói nghèo là một trong 3 thứ giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Sau khi công bố Tuyên ngôn Độc lập và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào năm 1945, Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc (ngày 10/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ". 

Để hiện thực hóa điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta phải thực hiện ngay: 1- Làm cho dân có ăn; 2- Làm cho dân có mặc; 3- Làm cho dân có chỗ ở; 4- Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp sức được cho tự do, độc lập”, bởi theo Người thì “nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Công an tỉnh Bắc Kạn ra quân làm nhà Ðại đoàn kết cho 5 hộ dân ở huyện Chợ Mới bị thiệt hại do bão số 3.

Thực hiện lời dạy của Người, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, suốt chặng đường lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng chăm lo, nâng cao đời sống người dân, nhất là những người nghèo, đối tượng yếu thế với phương châm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và coi đây là yêu cầu cấp bách, là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của quá trình phát triển nhanh, bền vững đất nước. 

Điều này được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ và ngày càng được minh chứng bằng những thực tế thuyết phục, toàn diện với các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai hiệu quả.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1/2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam, nghị quyết của Đại hội nêu rõ: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn so với những năm trước Đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Và, từ nhận thức này, nghị quyết nhấn mạnh “tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”, đồng thời đặt mục tiêu “Tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng năm”. 

Không lâu sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, ngày 23/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo hơn nữa.

3 đề xuất của đoàn Việt Nam

Trong bài phát biểu tại Phiên thảo luận về cuộc chiến chống đói nghèo của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế chặt chẽ, đóng góp tích cực, hiệu quả vào nỗ lực chung xây dựng một thế giới không còn đói nghèo lâu dài, một thế giới bền vững. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp với các nước G20 và các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình hợp tác Nam - Nam và 3 bên về bảo đảm an ninh lương thực, chống đói nghèo toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu, gồm: Thứ nhất, bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển là điều kiện tiên quyết để xóa đói nghèo và phát triển bao trùm.

Thứ hai, bảo đảm hệ thống nông - lương toàn cầu hiệu quả, ổn định, thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu là nền tảng lâu dài. Thứ ba, bảo đảm đầu tư cho con người, lấy giáo dục đào tạo, an sinh xã hội là nhiệm vụ then chốt cho xây dựng xã hội hài hòa bao trùm, bền vững. Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực cho phát triển bền vững; ưu tiên nguồn lực, xây dựng các chính sách thiết thực, khả thi, hiệu quả cho xóa đói, giảm nghèo, "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Những đề xuất này đã được lãnh đạo nhiều nước hoan nghênh và bày tỏ đồng tình, đánh giá cao.

Lương Duy Cường

Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích”, khởi tố bị can cũng với tội danh trên với Vũ Ngọc Thịnh (SN 1956, trú tại thôn Lê Tiến, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng), đối tượng đã đến tận nhà hành hung cụ ông thương binh 82 tuổi, 57 năm tuổi Đảng, ở thôn Lê Tiến.

Ngày 17/12, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, Công an TP Đồng Xoài  đã mời Bùi Văn Hoàng Anh (SN 1989, ngụ huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đến làm việc liên quan đến vụ đánh tài xế xe tải khi dừng đèn đỏ trên đường ĐT.741 chiều 15/12. 

Thông tư 47/2024 về “Quy định trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trình tự, thủ tục chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới cải tạo, xe máy chuyên dùng cải tạo; trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe môtô, xe gắn máy” do Bộ GTVT ban hành sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025.

Ngày 17/12, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên tuyến đường Trịnh Văn Bô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Trong đó, lực lượng CSGT tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm giao thông cũng như phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển.

Việc các cơ quan chính phủ và quân đội bị rò rỉ thông tin qua các phần mềm và ứng dụng điện thoại không phải là mới. Nhiều nước đã có quy định yêu cầu quan chức, nhân viên chính quyền và binh lính không được sử dụng một số thiết bị, ứng dụng nhất định khi đang thực hiện nhiệm vụ. Nhưng nhà chức trách sẽ đối phó như thế nào với việc thông tin mật bị lộ bởi vì hoạt động riêng tư của nhân viên.

Khi đến đoạn cầu Vực thuộc phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) thì nhóm 6 đối tượng phát hiện 4 thanh thiếu niên khác đang đi trên 2 xe máy nên sử dụng vỏ chai bia chặn đánh, ném vào nhóm này. Hậu quả, 1 trong số các bị hại bị chấn thương sọ não, tỷ lệ tổn thương là 22%.

Bước đầu xác định nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn liên quan đến việc phân chia tài sản sau ly hôn giữa anh Mạc Văn Huy với chị Dương Thị Phượng (mẹ đẻ cháu M.A) hiện đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Cho rằng bố đẻ và ông nội là M.V.Đ đã chèn ép mẹ đẻ nên vào chiều 9/12, cháu M.A sử dụng tài khoản Zalo nhắn tin chửi bới, xúc phạm ông nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文