Quy định 4 trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên

17:03 11/11/2019
Luật Lực lượng dự bị động viện nhằm xây dựng lực lượng này vững mạnh, có trình độ chiến đấu cao và được quản lý chặt chẽ; đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh…

Chiều 11-11, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên

Các ý kiến phát biểu thảo luận, hầu hết tán thành việc cần thiết phải ban hành Luật Lực lượng dự bị động viện nhằm xây dựng lực lượng này vững mạnh, có trình độ chiến đấu cao và được quản lý chặt chẽ; đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh…

Theo dự thảo Luật này, lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.

Dự thảo luật giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thẩm quyền lập kế hoạch huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên của đơn vị Quân đội nhân dân.

Đáng chú ý, dự thảo luật này quy định có 4 trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên, gồm: Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ; Khi thi hành lệnh thiết quân luật; Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; Để phòng chống, khắc phục thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến đề nghị chỉ quy định huy động lực lượng dự bị động viên khi có lệnh tổng động viên, động viên cục bộ, trong chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng cho phù hợp với Hiến pháp, Luật Quốc phòng, bảo đảm quyền công dân, tránh tốn kém và bảo đảm tính khả thi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay ở mỗi huyện có một đại đội và mỗi tỉnh có một tiểu đoàn dự bị động viên làm nhiệm vụ khẩn cấp.

Các đơn vị này được huy động để phối hợp với Công an nhân dân giải quyết khi có tình hình đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc để phòng chống, khắc phục thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

"Theo đó, quy định các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên như dự thảo Luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội là cần thiết và phù hợp với Luật Quốc phòng” – ông Võ Trọng Việt cho biết.

Về huy động lực lượng dự bị động viên khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ, theo ông Võ Trọng Việt, có ý kiến đề nghị phân biệt giữa huy động phương tiện kỹ thuật dự bị và trưng dụng tài sản theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản để bảo đảm quyền về tài sản của công dân; nghiên cứu quy định cho ngắn gọn, dễ hiểu và thống nhất.

Phương tiện kỹ thuật dự bị là tài sản đã được đăng ký, sắp xếp theo kế hoạch ngay từ thời bình để sẵn sàng bàn giao cho Quân đội theo yêu cầu nhiệm vụ có phạm vi hẹp hơn so với tài sản được trưng dụng theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Còn phương tiện kỹ thuật dự bị khi được điều động để bàn giao cho lực lượng thường trực của Quân đội khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ sẽ do người có thẩm quyền quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản quyết định.

Về huy động lực lượng dự bị động viên khi chưa đến mức tổng động viên động viên cục bộ, có ý kiến đề nghị làm rõ về thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên, nhất là trong trường hợp thiết quân luật để bảo đảm tính khả thi.


Thu Thuỷ - Viết Phùng

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文