91,55% đại biểu biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
- Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho ý kiến dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước
- Tiếp tục lấy ý kiến về Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
- Thanh tra công tác chấp hành pháp luật bảo vệ bí mật Nhà nước tại Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm
Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, gồm 5 chương, 28 điều với một số nội dung lớn như: về phạm vi bí mật nhà nước; về danh mục bí mật nhà nước; về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước.
Đáng chú ý, so với dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật đã được bổ sung quy định về hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước, trong đó quy định cụ thể về thẩm quyền tổ chức, thành phần tham dự và giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện về địa điểm tổ chức, phương tiện, thiết bị, các phương án bảo vệ, việc thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước sử dụng tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp để quản lý chặt chẽ, phòng ngừa và ngăn chặn việc lộ, mất thông tin bí mật nhà nước trong hoạt động này.
Tại phiên thảo luận dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước chiều 25-10, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến vào các nội dung: Nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước; các hành vi bị nghiêm cấm; phạm vi bí mật nhà nước và ban hành Danh mục bí mật nhà nước; hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước; cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước; thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; trách nhiệm giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; trách nhiệm của công dân trong bảo vệ bí mật nhà nước; giải mật, điều chỉnh độ mật và tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; đánh giá tác động của các chính sách được quy định trong dự thảo Luật; điều khoản chuyển tiếp; thời điểm Luật có hiệu lực…
Trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 2 điều là điều 7 và điều 9.
Điều 7 quy định Phạm vi bí mật nhà nước gồm 15 khoản, quy định thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Điều 9 quy định Ban hành Danh mục bí mật nhà nước gồm 4 khoản, quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước.
Điều 24 quy định Trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức nêu rõ, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước. Bộ Công an có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước và có nhiệm vụ: Xây dựng, đề xuất chủ trương, chính sách, kế hoạch và phương án bảo vệ bí mật nhà nước; Chủ trì xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước; Phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức bảo vệ bí mật nhà nước; Thẩm định danh mục bí mật nhà nước; Phòng, chống vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước; Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo vệ bí mật nhà nước theo phân công của Chính phủ; Phối hợp với cơ quan chức năng đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định kinh phí và bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước; chế độ, chính sách đối với người trực tiếp làm công tác bảo vệ bí mật nhà nước; Quy định các loại mẫu dấu chỉ độ mật, văn bản xác định độ mật, hình thức khác chỉ độ mật và mẫu giấy tờ về bảo vệ bí mật nhà nước. |