Ama Thái và chiêu bài Tin lành Đề ga

07:19 23/12/2004

"Mình có tội to với Nhà nước. Mình ân hận lắm rồi. Có chết cũng giữ lấy lời, mình không nghe Ksor Kơk lừa bịp nữa”. Đây là lần thứ ba, Ama Thái, kẻ cầm đầu cuộc gây rối ngày 10/4/2004 ở Tây Nguyên, thề thốt.  

Cũng như nhiều lần trước đây, chỉ huy cao nhất của cái gọi là Tin Lành Đề ga Gia Lai mạnh mồm lên tiếng chỉ trích chính tổ chức do mình có công nặn ra đồng thời lên án cả những kẻ giật dây đang định cư tại Hoa Kỳ. Ama Thái (tên thật là Siu Huêh) lại cam kết: “Mình sẽ về nói với đồng bào từ bỏ Tin Lành Đề ga (TLĐG), nó xấu lắm... Chỉ mong Nhà nước tha tội cho mình về làm ăn với vợ con thôi".

Âm mưu phục hồi FULRO

Trước năm 2000, chưa bao giờ có ai từng nghe qua các khái niệm TLĐG hay nhà nước Đề ga. Có chăng, đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng đã nằm sẵn trong đầu của một số kẻ ảo tưởng...

Siu Phan sinh năm 1949 ở Krong Pa, Gia Lai. Trước giải phóng, anh ta chỉ  là một thông ngôn quèn phục vụ chiến dịch Phượng Hoàng của CIA ở Phú Túc, Krông Pa. Năm 1996, Siu Phan sang Mỹ định cư theo diện HO. Tuổi đã lớn, hội nhập đời sống Mỹ là điều không dễ, Siu Phan đành phải dựa dẫm vào sự giúp đỡ của cộng đồng Tin Lành người dân tộc thiểu số tại Hoa Kỳ. Do đó, ông ta đã gặp được B.Dasu K'Bông, nguyên mục sư quản hạt Nam Thượng Trung phần (từ những năm 70), đồng thời là một cựu chỉ huy FULRO của vùng Lạc Dương, Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) và Ksor Kơk - chủ tịch cái gọi là đảng Cấp tiến liên quốc (Translational Radical Party) đang được một số nghị sĩ Mỹ hà hơi tiếp sức để giành được quy chế “quan sát viên” tại Liên Hiệp Quốc.

Vậy là, từ mục đích mưu lợi cỏn con cho đời sống cá nhân, Siu Phan đã nhanh chóng bị cuốn vào mưu toan đầu cơ chính trị của một nhóm người Thượng Tây Nguyên tại Mỹ. Bộ  ba  Ksor Kơk, K'Bông và Siu Phan đã thống nhất cho ra đời tổ chức Tin Lành  Quốc tế Thượng Đề ga, gọi tắt là Tin Lành Đề ga, do Siu Phan làm chủ tịch. Không lực lượng, không tiền bạc, mơ hồ về đường lối, tổ chức này vẫn rắp tâm xây dựng một tôn giáo riêng cho người Thượng Tây Nguyên, làm bàn đạp tinh thần tiến tới “giải phóng” Tây Nguyên để thành lập một... nhà nước Đề ga do Ksor Kơk làm tổng thống. Kể từ đây, nền dân chủ quá trớn của nước Mỹ đã đẻ ra thêm một quái thai múa may trên sân khấu chính trị.

Giữa năm 2000, qua điện thoại, fax của một người quen ở thị trấn Chư Sê, Gia Lai, Siu Phan và K'Bông đã liên hệ được với một số phần tử vừa nhẹ dạ, vừa lắm tham vọng trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trong đó có Ama Thái để vừa đe dọa, vừa dụ dỗ họ tham gia TLĐG nhằm đấu tranh, “khi nào đòi được đất nước mới thôi”. Phụ họa với Siu Phan, từ Mỹ, một số đối tượng khác như H'Loanh, Rah Lan Ngoách cũng gọi điện cho Ama Thái động viên: “Cố phát triển TLĐG, cố đấu tranh đến cùng. Khi phong trào nổ ra ở Tây Nguyên, Liên Hiệp Quốc sẽ can thiệp, chính quyền Việt Nam không trừng trị đâu!”.

Theo đạo Tin Lành từ năm 1972, đã có tới 28 năm sinh hoạt tôn giáo trong Hội thánh Tin Lành miền Nam Việt Nam, Ama Thái thừa biết cái gọi là TLĐG chỉ là trò lừa bịp, thừa biết là làm gì có cái gọi là “Tôn giáo riêng của người Tây Nguyên”. Sinh năm 1949, có 3 con, người con lớn đã 28 tuổi, là một giáo viên cấp I, bản thân cũng từng là giáo viên trong lực lượng sơn thôn biệt phái của Bộ Phát triển sắc tộc chế độ cũ, Ama Thái thừa cả tuổi đời lẫn nhận thức, kinh nghiệm để nhận biết đúng, sai.

Ama Thái hiểu rất rõ, TLĐG hay nhà nước Đề ga cũng chỉ là một, thực chất chỉ là âm mưu dựng lại tổ chức FULRO đã chết từ lâu. Nhưng tham gia TLĐG là con đường ngắn nhất để Ama Thái, một kẻ không hề qua trường lớp thần học nào cả, nhảy tót lên hàng “chức sắc tôn giáo”. Ngoài ra, ông ta còn hy vọng sẽ được đi Mỹ, nếu có một chút “vốn liếng” đối lập chính trị lận lưng. Và con đường “đấu tranh để thành lập nhà nước Đề ga” đã được Ama Thái chọn làm giải pháp.

Sau một thời gian thông tin qua lại, ngày 20/9/2000, từ địa chỉ Noth Carolina,  412 Vinecrest Dr. Matthews, NC 28105, USA, mục sư B.Dasu K'Bông đã gửi về một máy fax ở làng Tôt Byơch ở thị trấn Chư Sê một “quyết định quan trọng”, phong chức sắc “Tin Lành Đề ga” cho  8 nhân vật chưa hề trải qua một khóa đào tạo tôn giáo nào ở Gia Lai. Chức lãnh đạo và phó lãnh đạo giao cho Rah Lan Nglol (Ama Chăm) và Kpă Hling. Ama Thái được nhận chức thư ký.

Một tuần sau, ngày 26/9/2000, nhóm “tân chức sắc” này đã họp nhau tại làng Hăng Ring, Chư Sê để nghe đọc diễn văn của Ksor Kơk. Y kêu gọi phát động đấu tranh, đòi đất, đòi đuổi người Kinh về đồng bằng nhằm thành lập nhà nước Đề ga. Những tên phản động lưu vong còn gửi về cho đồng bọn cả “bản đồ Đề ga” và băng từ tuyên truyền: “lực lượng vũ trang bên ngoài” của nhà nước Đề ga đã... sẵn sàng tiếp ứng" (!).--PageBreak--

Ama Thái đã tích cực sao chép những bản tài liệu kích động này gửi đi nhiều nơi. Cũng chính ông ta là người đã lôi kéo, lập danh sách và làm lễ chứng nhận cho một số đồng bào nhẹ dạ gia nhập TLĐG. Theo mệnh lệnh trực tiếp của Rah Lan Nglol, Ama Thái đã đi khắp nơi phát động biểu tình, lấy cớ đòi thả hai kẻ bị chính quyền bắt giữ ở Chư Prông, gây rối loạn ở Gia Lai tháng 1/2001. Sau vụ gây rối này, Rah Lan  Nglol và một số tên cầm đầu lộ mặt, đã vượt biên sang Campuchia và trốn vào trại tị nạn của UNHCR mới thành lập vội vã tại thị xã Banlung, tỉnh Rattanakiri. Quyền lãnh đạo TLĐG được giao lại cho Ama Thái. Rah Lan Nglol căn dặn: “Phải kiên trì đấu tranh, không được trốn đi, vì nếu Ama Thái trốn thì không còn ai lãnh đạo”.

Sự tráo trở của Ama Thái

Mất Nglol, Ksor Kơk, K'Bông, Siu Phan lại tìm đường khác để bắt lại liên lạc với Ama Thái. “Nhịp cầu” mới được chúng dựng lên ở Krông Pa, thông qua 2 nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất là anh em Ksor Chung, Ksor Ni, anh em con dì con già của Ksor Kơk. Nhóm thứ hai gồm Ksor Kla – một người họ hàng khác của Ksor Kơk và Nay Thuy, con trai Siu Phan. Ama Thái được yêu cầu  lập danh sách những đối tượng tham gia biểu tình đã bị công an bắt hoặc tình nghi, gửi sang Mỹ để những kẻ cầm đầu tổ chức rêu rao với báo chí và dư luận quốc tế gây áp lực.

Mặt khác, từ Mỹ, những kẻ cầm đầu cũng gửi tài liệu tuyên truyền về cho Ama Thái hướng dẫn y biên soạn và phát tán, nhằm định hướng việc tập hợp lực lượng và tổ chức biểu tình gây rối. Ama Thái đã tích cực đi lại như con thoi một số vùng phía bắc tỉnh Gia Lai để dựng lại TLĐG, bổ nhiệm một số tên cầm đầu thay thế cho số đã  bị bắt hoặc đã bỏ trốn sang trại tị nạn.

Đến tháng  6/2001, về cơ bản, 6 khu vực TLĐG mới đã hình thành. Các vùng phía bắc Tp. Pleiku, Ama Thái giao cho Y Em, Ksor Tik lãnh đạo; khu vực Krông Pa giao cho Siu Kaih, vùng Chư Gố tập hợp được khoảng 1.300 tín đồ, Ama Thái giao Rah Mah Vịt làm lãnh đạo, Siu Anh Roãi làm thư ký...

Tập hợp xong lực lượng, Ama Thái làm báo cáo, đưa cho một tay chân là Y  Khới gửi sang Mỹ, xin tổ chức bạo động vào dịp Noel năm 2001. Y chỉ thị cho đám chỉ huy TLĐG các nơi: “Tập trung lực lượng kéo lên huyện, tỉnh biểu tình trong đêm 22/12/2001, vì lúc đó là dịp lễ thành lập quân đội, bộ đội, biên phòng, công an sẽ không chú ý”.

Vào phút cuối,  Ama Thái lại triệu tập các thành phần cốt cán họp tại nhà bố vợ của Siu Lun ở Tot Byơch (Chư  Sê). Ông ta thông báo: “Cuộc biểu tình sẽ nổ ra tại Bia Bre, kéo dài từ ngày 22 đến 25/12/2001. Sau đó, Ama Thái sẽ trốn đi Campuchia. Ai muốn đi theo thì chuẩn bị 500.000đ, 1 chỉ vàng, 5 kg gạo, 2 bộ quần áo...”. Các cánh biểu tình đã không thể phối hợp được với nhau, tạo nên một cuộc gây rối lớn như Ama Thái chờ đợi. Tuy nhiên, sự kích động, hô hào của ông ta vẫn khiến hàng trăm người ở Gia Lai rủ rê nhau vượt biên, gây sự bất ổn kéo dài nhiều tháng liền trước và sau Tết Nguyên đán năm 2002.

Là kẻ tổ chức, kích động, song Ama Thái lại không thể thực hiện được việc vượt biên. Phải ở lại và bị vạch mặt, ông ta đã nhiều lần thề thốt, viết giấy cam kết từ bỏ TLĐG, thậm chí lên án nó gay gắt. Bề ngoài, Ama Thái đã đi một số địa phương, kêu gọi các chấp sự, tín đồ nên quay lại với Hội thánh Tin Lành miền Nam, không theo TLĐG nữa. Nhưng bên trong, ông ta lại viết thư ngỏ, bí mật chuyển đi các nơi, kêu gọi tín đồ ly khai các nhánh Tin Lành khác để gia nhập TLĐG. Trong thư  gửi các chấp sự tin cẩn, Ama Thái úp mở: “Hiện nay con đường của Ama Thái đang gặp khó khăn nhưng sau này sẽ khác. Anh em hãy vững tâm nghe theo...”.

Ngày 29/3/2002, lợi dụng đám tang tại nhà vợ chồng Ama Bing ở thôn Nhơn Hòa, Chư  Sê, Ama Thái đã tới nhà Siu Bling, một đối tượng vừa từ trại Banlung được Rah Lan Nglol bố trí trốn về để nhận giao chỉ thị, tài liệu đồng thời thông báo tình hình, ý đồ của UNHCR và tổ chức TLĐG cho Ama Thái. Nhận chỉ thị xong, Ama Thái đã triệu tập ngay một cuộc họp, nhằm phân công trách nhiệm củng cố tổ chức cho một số đối tượng cốt cán trong 6 khu vực thuộc các vùng Bờ Ngoong, Ia Tiêm, Chư Sê...

Điên rồ hơn, Ama Thái còn âm mưu “lập chiến khu để đấu tranh lâu dài”. Một mặt, ông ta bí mật chỉ đạo cho đối tượng Siu Bôch (Ma Peo) kích động rào làng, chống chính quyền, không cho công an, bộ đội vào. Mặt khác, ngày 15/4/2002, ông ta lại dẫn một toán tay chân vào rừng Iale khảo sát địa hình, giao cho  Rah Mah Klit, chứng đạo Phú Nhơn, lập danh sách TLĐG, sau đó viết đơn xin chính quyền huyện, tỉnh cho những người TLĐG vào lập làng sinh sống. Nếu không được chấp thuận, họ sẽ lấy đó làm cớ để tiếp tục biểu tình, chống phá.

Từ những động thái vận động ráo riết này, đến giữa năm 2002, TLĐG đã bắt đầu hồi phục mạnh ở Chư Sê khiến ngay cả các mục sư của Hội thánh Tin Lành miền Nam cũng cảm thấy lo ngại. Đơn bị bác bỏ, để che mắt, Ama Thái đã nhanh tay làm đơn khác xin đưa 52 nhóm TLĐG vừa phục hồi gia nhập vào nhánh Tin Lành Cơ Đốc Phục lâm. Song song với hành động công khai ấy là một chủ trương ngược hẳn: ông ta gọi  các chứng đạo, chấp sự đến nghiêm cấm tuyệt đối việc ly khai TLĐG hay gia nhập các nhánh Tin Lành khác.--PageBreak--

Những hành vi này bị lật tẩy, ông ta lại hứa “hối cải” và viết đơn xin chính quyền “mạnh tay nghiêm trị TLĐG lừa bịp tín đồ Tin Lành các dân tộc Tây Nguyên”. Tháng  8/2004, Ama Thái đã đi nhiều địa phương, lên cả Đài Phát thanh - Truyền hình và báo Gia Lai, lớn tiếng lên án Ksor Kơk, Siu Phan và bọn phản động lưu vong xúi giục đồng bào Tây Nguyên làm việc sai trái, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. Ama Thái còn lấy mình làm gương, kêu gọi những lầm lỡ ra đầu thú, gọi người vượt biên hồi hương, khuyên đồng bào từ bỏ TLĐG để được hưởng chính sách khoan hồng...

Sợ mất Ama Thái, từ trại tị nạn Ban Lung, Rah Lan Nglol đã phái Siu Bling (Ama Lip) về bắt liên lạc và làm phó cho Ama Thái trong việc gây dựng lực lượng. Chỉ một thời gian ngắn sau sự có mặt của Y Bling, Ama Thái đã phát triển TLĐG khắp Gia Lai như gieo nấm độc. Đến giữa năm 2003, một bộ khung chỉ huy TLĐG cấp tỉnh ở Gia Lai do chính y lãnh đạo (kiêm cả trưởng vùng Chư Sê) đã hình thành với 22 khu vực do 36 đối tượng phụ trách, lôi kéo, ép buộc được  gần  20.000 tín đồ tham gia. Thấy đã có lực lượng trong tay, Ama Thái lại dấn thêm một bước phiêu lưu: Ông ta liên lạc với các quan thầy ở Mỹ, xin chỉ thị tổ chức gây rối.

Vụ gây rối 10/4/2004

Sau khi nghe Ama Thái báo cáo tình hình, tháng 3/2004 Siu Phan thông qua Ksor Kla đã chỉ đạo Ama Thái thành lập Tổng liên hội Hội thánh TLĐG, hứa hẹn khi cái “Tổng” này lớn mạnh, Ksor Kơk và Siu Phan sẽ về Tây Nguyên để thành lập “nhà nước Đề ga tự trị”. Ngày 15/3/2004, Siu Phan ra lệnh: Phải tổ chức biểu tình từ ngày 10 đến 17/4/2004 theo 3 cấp xã - huyện - tỉnh.

Ngày 2/4/2004, Ama Thái đã triệu tập các lãnh đạo vùng của TLĐG Gia Lai để phân công nhiệm vụ. Ksor Kla sẽ phụ trách khu vực từ Ayun Pa tới huyện Sông Hinh  (Phú Yên), Kpă Ben từ xã Dun đến xã Ia Phang (Chư Sê); Kpuih Yơ chỉ huy thị trấn Chư Sê, xã Ia Ko, Ia Dreng;  Ia Tiêm, xã Bờ Ngoang (Chư Sê), xã Bình Giáo, Ia Băng (Chư Prông) và phần Nam xã Đắk Đoa. Tất cả các cánh biểu tình sẽ đồng loạt tiến dần về TP Pleilku. Tổng chỉ huy là Ama Thái và Puih Hrơng, cấp phó của ông ta.

Trước khi giải tán, Ama Thái đã giao cho mỗi tên chỉ huy một lời hiệu triệu do chính y viết, có nội dung: “Thông báo cho tất cả các hội thánh có TLĐG đúng 7 giờ sáng ngày 10/4/2004 phải đi biểu tình, yêu cầu chính quyền phải trả lại số người bị bắt, đòi tự do tôn giáo, yêu cầu bộ đội, công an rút khỏi làng, trả đất cho Tây Nguyên tự trị. Trước khi đi biểu tình nên chuẩn bị lương thực đủ ăn trong  7 ngày...”.

Tham vọng nhưng lo sợ, ngày 9/4/2004, Ama Thái lại giao cho Siu Bôch, Rah Lan Ban phải tìm đường trước cho ông ta để có thể kịp thời trốn ngay nếu kế hoạch bị lộ. Cuộc biểu tình gây rối đã nổ ra ngày 10/4/2004 ở một vài địa phương tại tỉnh Gia Lai. Không giống như tính toán đầy tham vọng của Ama Thái là sẽ có tới  20.000 người xuống đường và biểu tình suốt 7 ngày, thực tế chỉ chưa đầy 1/6 con số đó dại dột tham gia. Được giải thích, rất nhiều người trong số tham gia biểu tình đã quay sang phản đối mưu đồ của Ama Thái và những kẻ kích động.

Một thời gian sau cuộc gây rối này, Ama Thái không trốn đi được đã nằm im... chờ thời. Trong khi đó, một số kẻ quá khích  trong cuộc biểu tình, quá thất vọng vì không thấy “Liên Hiệp Quốc can thiệp, Ksor Kơk bảo lãnh” đã quay sang tố cáo Ama Thái và những kẻ cầm đầu.

Ngày 27/11/2004, Ama Thái đã phải lột mặt nạ khi được Cơ quan Công an triệu tập đến làm việc. Ama Thái khai hết, từ âm mưu, sơ đồ tổ chức đến tên tuổi của các thành viên lãnh đạo cái gọi là Tổ chức TLĐG Gia Lai do chính ông ta chỉ huy. Ama Thái thừa nhận: Nếu không có ông ta, vụ gây rối ngày 10/4/2004 ở Gia Lai đã không xảy ra. Ama Thái còn tự giác viết thư cho vợ yêu cầu nộp cho công an 7 tập tài liệu tuyên truyền kích động do chính ông ta soạn thảo. Tiếp đó, Ama Thái còn viết thư cho nhiều tay chân cốt cán, kêu gọi họ từ bỏ TLĐG, ra đầu thú và thật thà khai báo. Ông ta còn tình nguyện được đứng ra vạch mặt Ksor Kơk, Siu Phan và kêu gọi tín đồ các nơi từ bỏ ảo mộng Đề ga...

Về phần mình, buổi làm việc nào Ama Thái cũng than thở là mùa đông nên ông ta đau khớp, nại việc đang xây nhà, cà phê sắp hái, không có người làm để xin được khoan hồng. “Lần này là lần cuối cùng, có chết mình cũng không dại gì theo TLĐG nữa”. Có thể lời thề thốt của Ama Thái chẳng phải là thứ trắc bằng gì lắm, song lần này ông ta không nói dối. Bởi lẽ, vấn đề “Tin Lành Đề ga” lộ quá rõ bản chất lừa bịp, dối trá và hoang tưởng, sẽ chẳng còn đủ sức lừa ai được nữa

Nguyễn Hồng Lam

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文