Sửa đổi Luật Đặc xá: Chính sách khoan hồng đặc biệt nên điều kiện cũng phải đặc biệt
- Đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong Luật Đặc xá (sửa đổi)
- Những đối tượng nào sẽ được đặc xá?
- Đặc xá thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với người phạm tội
Chiều 11-4, thảo luận về Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), vấn đề các đại biểu quan tâm đó là điều kiện để được đặc xá, những trường hợp không được đặc xá, thống kê số liệu những người được đặc xá có công ăn việc làm, tỉ lệ tái phạm...?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, qua đó, đã đặc xá cho 85.897 phạm nhân, 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại phiên thảo luận |
Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2017, công tác thi hành án dân sự liên quan đến công tác đặc xá đã thi hành xong 199.109 việc với số tiền thu được hơn 3 nghìn tỷ đồng.
“Theo báo cáo của các địa phương trung bình mỗi năm, số người được đặc xá chiếm tỷ lệ 8% các đối tượng đang chấp hành hình phạt tù. Trong 7 lần đặc xá vừa rồi, chỉ có 1.007 người tái phạm tội, chiếm tỷ lệ 1,21%. Gần 50.000 có công ăn việc làm ổn định cuộc sống”- Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất quan điểm cần sửa đổi Luật Đặc xá, đồng thời nhấn mạnh, sửa đổi Luật Đặc xá phải theo hướng nâng cao chất lượng công tác này, làm thế nào để đặc xá thật sự là đặc ân của Nhà nước, đồng thời đề nghị không nên bỏ quy định đặc xá “nhân ngày lễ lớn của đất nước, nhân sự kiện trọng đại của đất nước và trường hợp đặc biệt” vì những sự kiện đặc biệt như: Đại hội Đảng, bầu cử HĐND các cấp...có thể đặc xá để thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng và đặc biệt.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an. |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, những trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhưng do quá nghèo không thể thi hành hình phạt bổ sung (phạt tiền) thì nên giao cho Chủ tịch nước xem xét không thi hành hình phạt bổ sung. “Điều kiện đặc xá chặt chẽ quá cũng không được, nhưng nới lỏng thì mất đi ý nghĩa đặc biệt của đặc xá. Chính vì vậy, cần xem xét rất kỹ” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định các vấn đề mà đại biểu nêu ra là những nội dung hết sức quan trọng mà chính cơ quan soạn thảo cũng còn phân vân. Nhiều nhất vẫn là điều kiện đặc xá.
Quan điểm của Bộ Công an nếu điều kiện chặt chẽ quá cũng không được, lỏng thì mất ý nghĩa. Ủy ban Tư pháp cũng đặc vấn đề phải giải quyết dứt điểm các hình phạt phụ và nghĩa vụ dân sự mới đủ điều kiện đặc xá. Nhưng trên thực tế có những trường hợp bất khả bởi bản thân họ, gia đình, người thân không có khả năng giúp đỡ nữa trong khi họ đủ các điều kiện khác.
“Nếu như vậy, những điều kiện khác đủ rồi, chỉ vì điều kiện này nên không được. Nhưng ở góc độ khác, có những trường hợp tài sản của bị hại, cơ quan tổ chức, nhà nước chưa khắc phục đã được xem xét đặc xá thì sẽ gây dư luận không đồng tình. Như vậy, theo tôi, phải phân biệt cụ thể trường hợp nào được đặc xá, trường hợp nào thì không được. Nhưng quy định cơ học trong Luật thì rất khó. Chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến này để cùng với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tìm ra hướng tích cực nhất” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận. |
Về điều kiện trong điều 66, BLHS 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện giống với điều kiện của đặc xá, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho rằng, về mặt điều kiện có những điểm giống nhau nhưng nhưng về mặt ý nghĩa thì khác nhau hoàn toàn. Tha tù có trước thời hạn có điều kiện là vẫn còn án, vẫn phải thi hành án, chỉ là thay vì ở trong tù phạm nhân được về nhà có để thi hành án. Còn đặc xá là đương nhiên là hết án, là công dân tự do.
Về các ý kiến quy định về đặc xá các đối tượng đang thi hành án tại nhà tạm giữ cấp huyện, có cần thiết đưa vào Luật không, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho biết, trên thực tế, phạm nhân thi hành án tại nhà tạm giam, tạm giữ Công an cấp huyện và Trại tạm giam Công an cấp tỉnh tỉ lệ rất ít, thường là tội không nghiêm trọng. Chính vì vậy, nếu không đưa vào Luật sẽ bỏ lọt đối tượng. Ở cấp huyện, có trường hợp đủ tiêu chuẩn phải báo cáo Hội đồng đặc xá cấp tỉnh chứ không phải mỗi huyện thành lập một hội đồng xem xét 1, 2 trường hợp.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành, nhất trí sửa đổi Luật đặc xá để khắc phục hạn chế hiện hiện hành, phù hợp với các văn phản pháp luật hiện hành. Đề nghị cơ quan chủ trì nên việc tổng kết thực tiễn, đánh giá phải có giải trình thuyết minh kỹ, nhất là điều kiện đặc xá, không được đặc xá và thi hành hình phạt bổ sung trong điều kiện được đặc xá; kể cả những trường hợp không được đặc xá cũng cần đánh giá tác động, ảnh hưởng.
“Đây là chính sách khoan hồng đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta nên điều kiện cũng phải đặc biệt. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần chỉnh lại để trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến” – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.