Báo động về nguy cơ mất an toàn thông tin trong cơ quan nhà Nước

20:33 29/03/2016
Ngày 29-3, tại Hà Nội, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế Việt Nam (IDG Việt Nam) đã phối hợp tổ chức Hội thảo-Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật (Security World) 2016 với chủ đề “An toàn thông tin, bảo mật cơ sở dữ liệu: Yêu cầu bức thiết trong kỷ nguyên số”.


Gia tăng số lượng các cuộc tấn công thu thập thông tin tình báo

Tại Hội thảo, Đại tá Nguyễn Văn Thỉnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho biết: Tình hình an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp.

Trong đó, đáng chú ý là hoạt động tấn công của các nhóm tin tặc nhắm vào Việt Nam để thu thập thông tin tình báo được ghi nhận gia tăng về số lượng.

Đại biểu tham quan triển lãm công nghệ mới về an ninh bảo mật.

Theo báo cáo tình báo về các mối đe dọa toàn cầu của công ty CrowdStrike (Mỹ), thì Việt Nam đã trở thành mục tiêu tấn công xâm nhập, thu thập thông tin tình báo hàng đầu của các nhóm tin tặc trên không gian mạng và có thể tiếp tục là một trong những mục tiêu tấn công chủ đạo của các nhóm tin tặc liên quan tới vấn đề Biển Đông.

Đặc biệt, vào tháng 4-2015, công ty Fire Eyes (Mỹ) đã công bố và phân tích hoạt động của nhóm tin tặc APT30 đã tấn công bằng mã độc để đánh cắp dữ liệu, thu thập thông tin tình báo quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự.

Hãng bảo mật Kaspersky của Nga mới đây đã công bố hoạt động của nhóm gián điệp mạng Naikon nhằm vào các tổ chức chính phủ cấp cao, quân sự và dân sự của các quốc gia xung quanh biển Đông trong vòng 5 năm qua, gồm một số nước như Philipin, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma, Singapore, Nepal và Việt Nam.

Theo thống kê này, hệ thống mã độc Naikon đã sử dụng một thiết bị linh hoạt mà có thể xây dựng ở bất kỳ một quốc gia mục tiêu nào để chuyển các thống tin từ hệ thống nạn nhân đến các trung tâm điều khiển cho từng nhóm mục tiêu cụ thể.

Đảm bảo an toàn thông tin, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia về an ninh mạng đến từ Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cơ yếu Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những nguy cơ mất an toàn thông tin trong các đơn vị, cơ quan Nhà nước.

Toàn cảnh Hội thảo quốc gia về An ninh bảo mật.

Đó là do các quy định của pháp luật về an toàn, an ninh thông tin của Việt Nam còn chậm ban hành, chưa đồng bộ, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành đã được triển khai nhưng chưa nhịp nhàng nên hiệu quả chưa cao; các trang thiết bị, giải pháp về an toàn an ninh thông tin chủ yếu do các đối tác nước ngoài cung cấp, do không làm chủ được công nghệ nên hiệu quả còn hạn chế.

Để hạn chế nguy cơ từ tình trạng mất an ninh, an toàn thông tin tại Việt Nam, Đại tá Võ Tuấn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã đề xuất một số giải pháp như: Đối với các  tổ chức, cơ quan Nhà nước, cần phải thường xuyên rà soát hệ thống đề kịp thời vá những lỗ hổng bảo mật; áp dụng biện pháp quyền được khai thác thông tin, dữ liệu của các cơ quan tổ chức, đồng thời sử dụng các thiết bị có độ bảo mật cao nhằm hạn chế khả năng bị tấn công từ hệ thống dữ liệu.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân về nguy cơ mất an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật. Trong đó, có việc sớm ban hành hướng dẫn Luật An toàn thông tin mạng; nâng cao vai trò của Ban chỉ đạo an ninh, an toàn thông tin (Ban 114) từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị chuyên trách của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng cũng phải thường xuyên phối hợp thanh, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thông tin tại cơ quan, bộ, trọng yếu.

Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn thông tin do tính toàn cầu của mạng Internet. Các hoạt động hợp tác quốc tế cần được diễn ra theo nhiều cấp độ như: giữa Việt Nam với các quốc gia, giữa cơ quan quản lý với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Hơn 10.000 trang thông tin điện tử có tên miền “.vn” bị tin tặc tấn công

Thống kê trong năm 2015 của các đơn vị chức năng Bộ Công an cho thấy, có hơn 10.000 trang/cổng TTĐT có tên miền .vn bị tấn công, chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện, cài mã độc, tăng 68% so với năm 2014, trong đó có 224 trang thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước.

Tin tặc liên tiếp thực hiện tấn công vào hệ thống trang tin/cổng TTĐT của Việt Nam, tập trung nhiều nhất trong tháng 6/2015 với số lượng các trang tin bị tấn công lên đến hơn 1.700 trang, trong đó có 56 trang tên miền .gov.vn. Các cổng thông tin của cơ quan Đảng, Nhà nước bị tấn công tập trung vào 24 bộ/ngành, 48 tỉnh/thành phố, 13 trường đại học, cao đẳng. Các cổng TTĐT bị tấn công đa số tồn tại lỗi bảo mật nghiêm trọng nhưng không được đầu tư nâng cấp, khắc phục. Đối tượng tấn công các trang mạng Việt Nam xuất phát chủ yếu từ nước ngoài. 

PV

Huyền Thanh

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Sáng 25/12, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM và PCTP) sử dụng công nghệ cao (CNC) Công an tỉnh vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Tam Kỳ, Công an huyện Thăng Bình triệt xóa đường dây đánh bạc qua mạng xã hội dưới hình thức ghi lô đề quy mô hơn 50 tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文