Biển miền Trung đã an toàn cho tắm biển, du lịch, nuôi trồng thủy sản

10:08 09/11/2016
Sáng 8-11, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã bàn về tình hình, kết quả triển khai tạm ứng tiền bồi thường và tiếp tục triển khai việc bồi thường toàn bộ trong thời gian tới; xem xét các vấn đề bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; góp ý Đề án “Xác định thiệt hại để bồi thường; hỗ trợ khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế”.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tính đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc kê khai, niêm yết, xác định thiệt hại; áp định mức, tính toán giá trị thiệt hại, niêm yết công khai, hướng dẫn giải đáp các thắc mắc của người dân.

Về việc bồi thường, hỗ trợ, ngày 29/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1880/QĐ-TTg về Định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Theo báo cáo và tổng hợp từ 4 tỉnh là 5.952,8 tỷ đồng, cụ thể: Hà Tĩnh 1.947,2 tỷ đồng, Quảng Bình 2.138 tỷ đồng, Quảng Trị 959,6 tỷ đồng, Thừa Thiên- Huế 908 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm cấp 3.000 tỷ đồng cho 4 tỉnh (Hà Tĩnh 1.000 tỷ đồng, Quảng Bình 1.100 tỷ đồng, Quảng Trị 500 tỷ đồng và Thừa Thiên - Huế 400 tỷ đồng).

Tính đến ngày 7-11-2016, hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh thực hiện chi trả đợt I cho người dân, trong đó, Thừa Thiên - Huế đã giải ngân 213,9 tỷ đồng và Hà Tĩnh 49,4 tỷ đồng. Dự kiến, tỉnh Quảng Trị sẽ tiến hành chi trả tiền bồi thường cho người dân từ ngày 10-11-2016 và tỉnh Quảng Bình từ ngày 11-11-2016.

Về xử lý hàng hải sản tồn kho, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương giải quyết hàng thủy sản tồn kho trong các kho lạnh, kho cấp đông tại 4 tỉnh miền Trung. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay tại 4 tỉnh còn 5.369 tấn hải sản tồn kho; trong đó qua xét nghiệm có 4.402,2 tấn (chiếm 82%) đảm bảo an toàn thực phẩm và 966,2 tấn (chiếm 18%) không đảm bảo an toàn thực phẩm…

Qua rà soát, kiến nghị của người dân và UBND 4 tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung định mức bồi thường thiệt hại và một số đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Tại cuộc họp, các đại biểu phát biểu và cơ bản nhất trí với những nội dung Bộ Nông nghiệp và Phát triển đã báo cáo, đề xuất. Các đại biểu nhấn mạnh cần chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ bồi thường cho người dân bị thiệt hại, cần xem xét lại một số đối tượng đề nghị bồi thường thiệt hại.

Chính phủ đã xác định Đề án bồi thường thiệt hại, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Về đối tượng bổ sung trong Đề án, Phó Thủ tướng quyết định lùi lại để xem xét thêm trên thực tế có đối tượng nào trực tiếp bị thiệt hại từ sự cố môi trường biển. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu và hoàn chỉnh Đề án; trong đó có thể tách phần bồi thường riêng ra để giải quyết trong tháng 12-2016. Còn đối tượng thêm tính sau, có thể sau tháng 12-2016. “Chúng ta phải làm chính xác, thận trọng đối tượng được bồi thường, chứ không lại phát triển tràn lan thì không đạt được mục tiêu” – Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đối với phần xác định hỗ trợ sinh kế và việc thiết lập hệ thống quan trắc, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan cần tiếp tục hoàn chỉnh; sau đó trình Chính phủ phê duyệt. Hai đề án này cố gắng triển khai trong năm 2017 và cuối năm 2018 hoàn thành.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành và Kết luận tại cuộc họp về tình hình thống kê, chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung ngày 31-10-2016; đồng thời tích cực triển khai.

Đối với việc giải quyết các hải sản tồn kho chưa xử lý, Phó Thủ tướng chốt phương án: Hỗ trợ người dân 100% đối với hải sản tồn kho không đảm bảo an toàn thực phẩm phải tiêu hủy; hỗ trợ người dân 70% đối với hải sản tồn kho quá hạn chuyển sang làm thức ăn gia súc; hỗ trợ người dân 30% đối với hải sản tồn kho đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời cộng thêm với hỗ trợ 100% tiền điện và lãi xuất. Phó Thủ tướng giao ngành Công Thương chủ trì, phối hợp với ngành Y tế, ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý, theo dõi, giám sát để thực hiện tốt vấn đề này.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về môi trường biển tại 4 tỉnh đã an toàn cho tắm biển, du lịch, nuôi trồng thủy sản...

Theo TTXVN

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã có báo cáo về kế hoạch kiểm toán năm 2025 gửi tới Quốc hội. Theo đó, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 116 nhiệm vụ (giảm 5 nhiệm vụ so với năm 2024). 

Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng Công an xã tại Hà Tĩnh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng, trong đó phổ biến vẫn là chiêu thức mạo danh người có công quyền đề nghị chuyển tiền qua tài khoản.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.

Chiều 15/11, Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, đã chuyển hồ sơ cùng 2 đối tượng Hồ Xuân Tâm (SN 1998) và Bùi Vinh Quang (SN 1993, cùng trú xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) đến Phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi tàng trữ tiền giả.

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Trong lúc nam thanh niên cầm lái xe máy chở người cha ruột ôm hai bình rượu rắn đi giao cho khách hàng thì bị phát hiện. Khám xét nơi ở của đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ thêm nhiều tang vật có liên quan, nhưng phải 4 tháng sau đó, khi có kết luận giám định từ cơ quan chức năng mới khởi tố vụ án và bị can.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文