Xử lý hành vi sản xuất thực phẩm bẩn: Nhiều kẽ hở trong luật
- Kiên quyết xử lý việc sản xuất thực phẩm bẩn
- Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đòi hỏi trách nhiệm lớn từ doanh nghiệp
- Chặn thực phẩm “bẩn”, bảo vệ người tiêu dùng
Song như bà Phạm Khánh Phong Lan -Trưởng Ban Quản lý (BQL) ATTP khẳng định tại cuộc họp vào chiều 12-3, rằng, còn quá nhiều khó khăn. Trong đó, theo đề xuất của BQLATTP với ban ngành các cấp, đó là cần phải sửa đổi nhiều điều khoản trong Luật ATTP, Luật Hình sự mới nhất (2015) mới đủ sức chế tài, đủ sức răn đe, xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội danh sản xuất thực phẩm bẩn, mất an toàn như hiện nay.
Theo bà Lan, sau 1 năm đi vào hoạt động, các mô hình BQL ATTP đưa ra, thực hiện đã có nhiều thành công. Cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ do UBND TP giao cho. Nhưng nếu khẳng định đã quản lý, kiểm soát được 100% vấn đề ATTP thì bà Lan khẳng định là chưa.
Theo bà Lan, trong khẩu hiệu "xây dựng thực phẩm sạch", chúng ta đã có những bước đi rất dài. Như: thiết kế mô hình kinh doanh hiện đại, lập lại trật tự trong SX-KD-chế biến thực phẩm, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, xây dựng hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm, tầm soát phát hiện chất ô nhiễm làm biến chất thực phẩm, phát hiện chất phụ gia công nghiệp độc hại bị trà trộn vào thực phẩm.
Riêng để trả lời câu hỏi liệu người dân đã an tâm hoàn toàn về nguồn thực phẩm được "hàng rào" bảo vệ của Ban QLATTP giám sát chưa thì bà Lan cho rằng, còn quá sớm để trả lời câu hỏi này.
Vụ giết mổ heo lậu - hành vi này hiện nay mới chỉ xử ở mức vi phạm hành chính là không đủ sức răn đe. |
Trong nỗ lực công tác phòng chống thực phẩm bẩn, bà Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận, Ban gặp muôn vàn khó khăn trong những qui định pháp luật khi áp dụng việc xử lý những vi phạm về ATTP.
Luật ra đời còn hở quá nhiều là nguyên nhân khiến những kẻ kinh doanh thực phẩm theo kiểu trục lợi, ăn xổi ở thì, vẫn lợi dụng thành công để làm thực phẩm bẩn.
Sau 1 năm hoạt động, Ban đã xây dựng được mô hình cơ chế phối hợp của Ban với liên ngành các đội quản lý ATTP của 24 quận huyện, hình thành nên một mạng lưới quản lý, giám sát khá chặt chẽ cho thấy có những hiệu quả đầu tiên.
Bà Lan cũng bày tỏ, nếu được sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, sự ủng hộ quyết liệt hơn nữa của lực lượng Công an, nhất là Cảnh sát kinh tế, QLTT tại các quận huyện thì bà tin chắc việc quản lý, chấn chỉnh lại tình hình kinh doanh vi phạm trong SX thực phẩm mất an toàn trên địa bàn TP sẽ giảm thiểu, đi vào trật tự chứ không nhộn nhạo như hiện nay.
Tuy nhiên, theo bà Lan, qua việc trực tiếp xử lý nhiều vụ việc vi phạm của cá nhân, của tổ chức về ATTP, cho thấy, hầu như hiện nay tất cả các vụ vi phạm ATTP đều được xử lý ở mức Vi phạm hành chính.
Cho tới nay, có duy nhất 1 vụ vi phạm sản xuất thực phẩm bẩn được Quốc hội đề nghị chuyển hồ sơ qua Công an củng cố hồ sơ để xử lý với tội danh theo Bộ Luật Hình sự.
Theo bà Lan, do hiện nay theo Bộ Luật Hình sự mới nhất - 2015, còn nhiều cái rất khó khi làm căn cứ xử lý vi phạm sản xuất thực phẩm theo tội danh Hình sự.
Đánh giá về tính khả thi của việc ra đời BQL ATTP 1 năm qua, Bà Lan đúc kết: việc Ban ra đời là đã thực hiện được qui về một đầu mối trong quản lý ATTP, thống nhất được sức mạnh nguồn nhân lực từ 3 nguồn gồm: Sở Công thương, Sở Y tế và Sở NN-PTNT vốn nhiều năm trước đây do chia tách, chồng chéo trong hoạt động nên kém hiệu quả trong quản lý ATTP.
Theo đó, khi muốn xử lý một vụ việc vi phạm ATTP, hiện nay không phải phụ thuộc vào việc trình các cơ quan quản lý, nặng về thủ tục hành chính, làm tiến độ công việc bị chậm, nhờ thống nhất nguồn lực, nhân sự, chuyên môn nên sẽ kịp thời đề xuất những vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý chung.
Đến nay Ban đã hình thành mạng lưới nhân sự quản lý ATTP liên quận huyện tại 08 Đội Quản lý ATTP liên quận - huyện và 02 Đội Quản lý ATTP tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm (chợ Hóc Môn và chợ Bình Điền). Toàn bộ số nhân sự trong mạng lưới là 468 người.
Trong đó có 250 người là Thanh tra thực phẩm, 60 người chuyên môn kiểm nghiệm thực phẩm, hàng trăm người trong nghiệp vụ cấp phép, thẩm định cấp giấy chứng nhận ATTP. Sức mạnh nhân lên rất nhiều, so với trước đây khi ở vị trí từng Chi cục nhỏ lẻ.
Thứ nữa, qua sự phối hợp kí kết liên tịch với các Khu CN, Khu chế xuất, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, Ban đã hình thành mô hình quản lý ATTP hiệu quả hơn ở những khu vực "nhạy cảm" này, vốn nhiều công nhân, và học sinh, nơi thường gây mối lo của ngộ độc thực phẩm;
Củng cố được mô hình xây dựng "chuỗi thực phẩm an toàn", trả lời được câu hỏi mà người dân luôn quan tâm là tìm nguồn thực phẩm sạch ăn hàng ngày. Các mô hình trên theo bà Lan sẽ phát triển chuyên sâu hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao trong quản lý ATTP thì nhất thiết phải thay đổi nhiều điều khoản về Luật ATTP.
"Tôi phải nói rằng, tội SX thực phẩm bẩn với tính chất đầu độc sức khoẻ của con người khi ăn, dùng phải gây tác hại nghiêm trọng với sức khoẻ và kéo dài nhiều năm sau của đời người có thể kết vào tội ác "diệt chủng"", bà Lan nhấn mạnh.
Trong khi đó, Luật của ta hiện nay hở quá nhiều, khiến khi phát hiện việc đưa phụ gia hoá chất vào thực phẩm mà không đưa vào xử lý Hình sự được. Như vụ heo bị tiêm thuốc an thần phát hiện vào 2017, hay gần 27 tấn thực phẩm bị phát hiện tại Hóc Môn trước Tết Nguyên đán có trộn phụ gia hoá chất công nghiệp.
Do lỗi của người vi phạm lại nằm "ngoài khung". Luật chỉ qui định, chỉ xử lý tội Hình sự với người vi phạm sử dụng phụ gia hoá chất cấm, ngoài danh mục. Thuốc an thần theo qui định được phép sử dụng trong chăn nuôi, vậy họ sử dụng đúng loại cho phép, nhưng đã sử dụng "sai mục đích".
"Lọt tội phạm là ở đây! Tội danh rõ ràng nhưng không xử lý Hình sự được. Hay: những sản phẩm thịt gia súc gia cầm đã trong tình trạng biến chất, tiêu huỷ được rồi nhưng vì tham, nhiều tiểu thương vẫn bán cho người dân và hiện mới bị xử lý mức độ vi phạm hành chính. Điều này không đủ sức răn đe.
Ngoài ra, việc kiểm nghiệm và kết quả mẫu kiểm nghiệm thực phẩm lâu nay còn phải đợi chờ quá lâu, khi có kết quả chủ vi phạm đã tẩu tán hết số hàng. Luật ATTP và các văn bản, qui phạm pháp luật liên quan hiện không cho phép xử lý việc vi phạm ATTP dựa trên kết quả test nhanh mẫu thực phẩm. Mà chỉ có tính chất sàng lọc, sau đó dương tính mới lấy mẫu lần nữa đi kiểm nghiệm ở nơi có phòng Labor cao cấp. Như vậy, cơ chế giám sát để "định tội" thực phẩm mất an toàn còn phải chạy theo diễn biến thực tế, kém hiệu quả.
Thời gian tới Ban sẽ xử lý song song hai việc; vừa triển khai những gì đã có trong Pháp luật, đồng thời góp ý, đề xuất các cấp để có sự sửa đổi trong pháp luật, "trám" kịp thời những kẽ hở trong Luật ATTP đang áp dụng, với mục đích củng cố những " công cụ" hiệu quả trong xử lý tình trạng vi phạm ATTP, để xử lý đến cùng được tội danh vi phạm ATTP.