Bộ Ngoại giao khuyến cáo về hiện tượng lừa đảo mua vé máy bay về nước

17:25 16/07/2020
“Để bảo vệ quyền lợi của chính mình, các công dân Việt Nam ở nước ngoài cần tuân thủ hướng dẫn của cơ quan đại diện Việt Nam và chỉ mua vé máy bay khi nhận email chính thức từ cơ quan đại diện Việt Nam”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 16/7 nhấn mạnh.

Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 16/7, trả lời câu hỏi của phóng viên xoay quanh thông tin về các hành vi lừa đảo người Việt mua vé máy bay về nước cũng như những nỗ lực của Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán để ngăn chặn tình trạng này và hỗ trợ công dân về nước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Chúng tôi đã trao đổi với Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam và được biết Vietnam Airlines đã thông tin và khuyến cáo người dân, đặc biệt công dân Việt Nam ở nước ngoài về hiện tượng lừa đảo mua vé máy bay trên mạng”.

“Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu xảy ra, cũng như khi chính phủ Việt Nam triển khai các chuyến bay đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước theo nguyện vọng của công dân, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã có thông báo đầy đủ, kịp thời, đăng công khai trên các trang mạng của cơ quan đại diện cũng như của Bộ Ngoại giao, thông báo qua các cơ quan truyền thông Việt Nam và sở tại về thủ tục đăng ký để xem xét đưa trở về nước cũng như các thủ tục và quy trình để có thể mua được vé máy bay về nước”, bà nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin đến báo chí. Ảnh: Việt Linh

Theo đó, các công dân Việt Nam muốn về nước cần đăng ký với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại. Sau khi các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước sẽ có danh sách và gửi email trực tiếp đến từng người thông báo thủ tục để có thể mua vé về nước.

“Chúng tôi cũng có lời khuyên đối với tất cả công dân Việt Nam ở nước ngoài rằng, để bảo vệ quyền lợi của chính mình, các công dân Việt Nam ở nước ngoài cần tuân thủ hướng dẫn của cơ quan đại diện Việt Nam và chỉ mua vé máy bay khi nhận email chính thức từ cơ quan đại diện Việt Nam”, bà khuyến cáo.

Liên quan đến thông tin về việc khôi phục đường bay quốc tế, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, các bộ ngành của Việt Nam đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của nước ngoài về việc khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và một số quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đó, Bộ Ngoại giao đã thông báo tới một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam về việc dự kiến nối lại đường bay tới Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Phnom Pênh (Campuchia) từ giữa tháng 7/2020 trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, góp phần phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

“Bộ Giao thông vận tải đang trao đổi với các cơ quan chức năng của các nước nói trên để thống nhất các vấn đề kỹ thuật bay, tần suất và lộ trình cụ thể”, bà nói, đồng thời bày tỏ hy vọng chương trình này sẽ được hiện thực hóa trong thời gian sớm nhất có thể.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng lưu ý thêm rằng, trước mắt, Việt Nam sẽ ưu tiên các đối tượng đang được phép nhập cảnh hiện nay bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài là các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao, người vào với mục đích ngoại giao công vụ cùng một số trường hợp đặc biệt khác. Người nhập cảnh Việt Nam phải nghiêm túc tuân thủ các điều kiện về kiểm dịch y tế và thực hiện cách ly phù hợp theo quy định về phòng chống dịch.

Tại buổi họp báo, bà Lê Thị Thu Hằng cũng thông tin thêm rằng, tính từ ngày 10/4 cho đến 16/7, Việt Nam đã tổ chức 55 chuyến bay, đưa 13.323 công dân Việt Nam về nước. Các cơ quan, bộ, ngành của Việt Nam trong đó có Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp để cùng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đưa công dân về nước theo đúng nguyện vọng, đối tượng, phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước.

Lam Ninh

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文