Bỏ biên chế giáo viên là khó khăn, nhưng không thể không làm
- Thừa biên chế, giáo viên và hiệu trưởng được “bổ nhiệm” làm bảo vệ
- Bộ Giáo dục chia sẻ vấn đề "biên chế" đang gây bão dư luận1
- Thiếu triết lý giáo dục như thể thiếu bộ định vị khi đi đường
- Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng giảm tải
- Bỏ biên chế trong ngành giáo dục: Lo hiệu trưởng lạm quyền2
Do nhiều đại biểu (ĐB) có ý kiến về giáo dục và chính sách đối với giáo viên, học sinh, sinh viên... cuối phiên thảo luận buổi sáng 9-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có phát biểu giải trình một số nội dung.
Liên quan đến cải cách giáo dục và đề xuất đang gây tranh cãi thời gian gần đây về việc thí điểm bỏ biên chế giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Muốn nâng cao chất lượng giáo dục cần có nguồn lực và động lực. Động lực đối với các giáo viên và nhà giáo rất quan trọng, nhưng đang có nhiều bất cập, trong đó rất rõ là trong việc tuyển dụng.
Bộ trưởng cho rằng do quy định tuyển dụng công chức, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công, đặc biệt ở cấp phổ thông, chưa phù hợp, dẫn đến thừa - thiếu cục bộ.
Bên cạnh đó, phần nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế cho ổn định, nên rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng được chương trình mới để thực hiện đề án cải cách chương trình sách giao khoa. Vì vậy, Bộ mới đặt vấn đề chuyển dần từ công chức viên chức sang hợp đồng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ |
“Trước hết, chúng tôi sẽ thí điểm từ khu vực đại học và phổ thông có điều kiện. Sau đó, sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Giáo viên và đội ngũ quản lý cần được đặc biệt đổi mới, vì đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục” – Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
“Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng nhà giáo, từ đó thực hiện thành công đổi mới theo Nghị quyết 29. Nghị quyết này cũng nêu rõ: Năng lực đội ngũ phải căn cứ vào đóng góp về kết quả và năng lực, phẩm chất (của từng người?). Có thể đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt yêu cầu. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm”.
Do đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình, bước đi, “và chúng tôi thực hiện rất căn cơ, trước hết thí điểm ở đại học, vì có thuận lợi là đơn vị sự nghiệp chuyển sang mô hình tự chủ” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Gần đây Bộ đã trao đổi với các đơn vị, các Sở (và nhận) được sự đồng tình. Dư luận cũng rất quan tâm và đồng hành, phù hợp với điều kiện cơ sở và tâm lý giáo viên” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Ngoài ra, đối với giáo viên, Bộ cũng sẽ rà soát các chế độ thâm niên, lớp ghép, tiến tới xoá bỏ đăng ký thi đua và các quy định dẫn đến chất lượng không thực chất.
Về kiên cố hóa trường, lớp, xóa lớp ghép ở vùng cao, Bộ trưởng cho biết: Chính phủ cũng rất quan tâm, bố trí 6.000 tỷ đồng để khu vực khó khăn kiên cố hoá trường, lớp. Tuy nhiên, so với nhu cầu thì còn chưa đáp ứng được. “Bộ đang cùng địa phương soát để làm sao cho hiệu quả nhất, có lộ trình tăng cao (kinh phí?)”.
Trước ý kiến ĐB nêu về việc học sinh vùng đặc biệt khó khăn được ưu tiên chế độ theo Nghị định 116 bị cắt chế độ khi ra khỏi vùng khó khăn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Đây là nội dung Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đề nghị Chính phủ quan tâm. “Trong phiên họp vừa rồi, Chính phủ đồng ý học sinh 5 tuổi không phân biệt dân tộc, ở vùng đặc biệt khó khăn, đều được miễn học phí. Còn (học sinh) có hoàn cảnh khó khăn (khác) thì Bộ sẽ tham mưu Chính phủ”.
Về vấn đề bạo lực học đường đang ngày càng trở thành một mối quan ngại lớn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định An toàn cho học sinh phổ thông. Hiện Bộ đang thực hiện kế hoạch cùng Trung ương đoàn tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho học sinh, sinh viên. Bộ cũng ban hành Chỉ thị đối với các cơ sở giáo dục, cùng với các địa phương và Bộ, ngành liên quan để cùng giảm bạo lực học đường.