Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cải cách hành chính tốt thì tình trạng “bao thư” sẽ giảm nhiều

14:14 17/08/2018
“Khi chúng ta làm tốt thì chi phí lót tay mà chúng ta hay gọi là “bao thư” sẽ giảm xuống rất nhiều. Trên thực tế, nhiều địa phương triển khai tốt mô hình trung tâm hành chính công, người dân đến có kẹp phong bì trong tay muốn cám ơn nhưng cũng không biết đưa phong bì cho ai”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lấy ví dụ.


Chi phí thủ tục thuế thấp nhất, hơn 73.000 đồng

Sáng nay, 17-8, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị Công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 (APCI 2018).

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng

Báo cáo APCI 2018 là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định hiện hành, dựa trên 8 nhóm TTHC quan trọng cho doanh nghiệp gồm: Khởi sự doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; thuế; đầu tư; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; hải quan; đất đai; môi trường; xây dựng.

Việc thu thập thông tin về gánh nặng chi phí của doanh nghiệp được thực hiện trực tiếp với những doanh nghiệp đã thực hiện TTHC trong 6 tháng cuối năm 2017, dựa trên danh sách doanh nghiệp, tổ chức đã từng thực hiện TTHC thuộc một trong 8 nhóm TTHC tại 63 tỉnh thành trên cả nước.

Theo TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội đồng cải cách TTHC, nhóm thủ tục thuế hiện đang giữ vị trí quán quân với chi phí thực hiện thấp nhất, trung bình chỉ hơn 73.000 đồng, trong khi nhóm thủ tục xây dựng có chi phí cao nhất, trung bình lên tới hơn 64 triệu đồng.

TS Ngô Hải Phan trình bày báo cáo

Báo cáo cũng cho thấy chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương. Chẳng hạn về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc.

“Với chỉ số này, Chính phủ sẽ có thêm 1 công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng địa phương, bộ ngành và từ đó tạo sức ép và cạnh tranh trong cải cách giữa các đơn vị” TS Ngô Hải Phan cho hay.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Báo cáo được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là sáng kiến được Thủ tướng đánh giá rất cao và yêu cầu phải công khai.

“Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm vấn đề kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, bao gồm cả chi phí thời gian và tiền, cả trực tiếp và gián tiếp. Trong đó có tình trạng doanh nghiệp và người dân khi tiếp cận các TTHC phải mất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần, mất nhiều chi phí chính thức và phi chính thức để thực hiện TTHC” – Bộ trưởng nói.

Không làm đồng bộ thì không ai muốn cải cách

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, theo một nghiên cứu, riêng trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.200 tỷ đồng chi phí. Do đó, mục tiêu của APCI là đánh giá minh bạch, rõ ràng, công tâm và chính xác.

“Nếu chúng ta không đồng bộ, không áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách, vì cán bộ thực thi thủ tục không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình. Khi chúng ta làm tốt thì chi phí lót tay mà chúng ta hay gọi là “bao thư” sẽ giảm xuống rất nhiều. Trên thực tế, nhiều địa phương triển khai tốt mô hình trung tâm hành chính công, người dân đến có kẹp phong bì trong tay muốn cám ơn nhưng cũng không biết đưa phong bì cho ai”, Bộ trưởng lấy ví dụ.

Toàn cảnh hội nghị

Người phát ngôn của Chính phủ cho hay, Báo cáo được xây dựng trên cơ sở tham khảo các báo cáo về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đồng thời khảo sát thực tế trên các vùng miền cả nước.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ, Báo cáo nhấn mạnh 3 vấn đề cải cách trọng tâm: Thứ nhất, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và các bộ ngành cần phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nhằm kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ vào nhóm đứng đầu trong ASEAN mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.

Để đáp ứng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu và thời gian cụ thể: Rà soát và cắt giảm 50% về điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cho đến nay, về cơ bản các Bộ đã trình Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.

“Với vai trò gác cổng, Văn phòng Chính phủ sẽ có kênh đánh giá độc lập, làm rất kỹ, tránh tình trạng cắt giảm một cách cơ học, hoặc cắt cái này lại mọc cái khác”, Bộ trưởng nói. Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC cũng nhấn mạnh tinh thần “chấp nhận va chạm” trong quá trình cải cách vì lợi ích chung cả đất nước, bởi “có rào cản mới cần cải cách”.

Thứ hai, những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai phương thức Chính phủ điện tử thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ hành chính công cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với giải pháp Chính phủ điện tử nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phục vụ doanh nghiệp của nhà nước, tăng tính minh bạch và giảm tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy cơ quan nhà nước.

Thứ ba, Chỉ số APCI là kết quả đo lường dựa trên trải nghiệm của doanh nghiệp đối với tính hợp lý của quy định pháp luật, thực tiễn thi hành và chất lượng thực thi TTHC. Chỉ số bổ sung cho các chỉ số hiện có đánh giá về môi trường kinh doanh, quản trị hành chính công của Việt Nam; và là dữ liệu cơ sở ban đầu cho việc đánh giá hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm TTHC và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo.


Quỳnh Vinh

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文