Bộ trưởng Tô Lâm: Nghiên cứu, đối thoại với người dân để giải quyết dứt điểm những khiếu kiện

12:34 02/07/2018
“Nghiên cứu kỹ nội dung, nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện của người dân, có kế hoạch đối thoại để giải quyết dứt điểm, bảo đảm hài hoà lợi ích của tổ chức, doanh nghiệp và người dân, không để xảy ra phức tạp” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay, 2-7.


Trước đó, phát biểu thảo luận tại hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Công an đã thực hiện chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhiều vấn đề cơ bản, chiến lược:

Cụ thể, đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược hội nhập quốc tế về an ninh, trật tự (ANTT) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và những chủ trương, giải pháp hoạch định đường lối phát triển kinh tế; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị đảm bảo ANTT ở những khu kinh tế, khu công nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tham mưu sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về ANTT, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh…

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

“Đã triển khai các phương án, kế hoạch giải quyết các vụ việc phức tạp nổi lên về ANTT, nhất là giải quyết ổn định tình hình biểu tình trái pháp luật phản đối dự án Luật đơn vị hành chính đặc biệt xảy ra tại Bình Thuận và một số địa phương vừa qua” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ Công an cũng đã tập trung đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển; mở các cao điểm tấn công, trấn áp, truy nã các loại tội phạm theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn; tập trung đấu tranh triệt phá với những băng, ổ, nhóm tội phạm hoạt động theo tính chất lưu manh, côn đồ, sử dụng vũ khí, hung khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm xâm hại trẻ em; đặc biệt là tội phạm hình sự, kinh tế có những mối quan hệ rất đặc biệt.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, do triển khai quyết liệt nên tội phạm nhìn chung được kiềm chế, giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra 9,5%.

Bộ Công an đã chủ động, tham mưu phối hợp giải quyết các vụ khiếu kiện, đình công, lãn công; tăng cường biện pháp PCCC, cứu hộ cứu nạn ở các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, qua đó tạo môi trường ổn định, an toàn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Đã tham mưu phối hợp giải quyết 172 vụ với hơn 2.414 lượt khiếu kiện lên Trung ương liên quan đến đất đai, chính sách pháp luật về môi trường. Tăng cường PCCC, góp phần ngăn ngừa, giảm thiệt hại về tài sản của các doanh nghiệp. Đã kiểm tra, xử lý 6.921 trường hợp vi phạm về PCCC. Thu về gần 1.500 tỷ đồng xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC và ATGT nộp về cho ngân sách.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, công tác cải cách hành chính trên lĩnh vực quản lý Nhà nước về ANTT đã tạo điều kiện thuận lợi hơn. Đã chủ động làm tốt công tác xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài; tiếp tục cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, Bộ Công an đã tập trung rà soát, đề xuất, loại bỏ 21 sản phẩm hàng hoá kiểm tra chuyên ngành thuộc thẩm quyền của Bộ Công an (chiếm 58%) để đơn giản hoá thủ tục hành chính, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian cho người dân, doanh nghiệp…

Toàn cảnh hội nghị

Để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm, đảm bảo an ninh – quốc trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị với Chính phủ 3 vấn đề:

Trước hết, cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 46 ngày 22-6-2015 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm ANTT trong tình hình mới” và Chỉ thị số 28 ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường công tác đảm bảo ANTT trong tình hình mới”.

“Trong đó xác định người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước hết về tình hình ANTT và tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những nhân tố gây mất ANTT tại địa phương, đơn vị mình. Khi xảy ra các tình huống phức tạp về ANTT tại đơn vị, địa phương nào thì cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nơi đó phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết theo phương châm 4 tại chỗ” – Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ là người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất tại địa phương; lực lượng Công an, Quân đội giữ vai trò tham mưu nòng cốt trong thực hiện các phương án, kế hoạch đảm bảo ANTT trên địa bàn. Phải có sự gần gũi, tập trung thống nhất cao, thông suốt trong chỉ huy, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các địa phương chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện và giải quyết những yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự; tăng cường đối thoại với nhân dân, tổ chức rà soát những bức xúc có thể hình thành những điểm “nóng”.

“Nghiên cứu kỹ nội dung, nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện của người dân, có kế hoạch đối thoại để giải quyết dứt điểm, bảo đảm hài hoà lợi ích của tổ chức, doanh nghiệp và người dân, không để xảy ra phức tạp” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; nhất là tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về ma tuý, xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

Thủ trưởng các cấp, các ngành phải tổ chức quán triệt đến từng cán bộ về những yêu cầu quan trọng trong đảm bảo công tác ANTT, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ.

6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Công an các cấp đã điều tra, xử lý 54.944 vụ phạm pháp hình sự. Trong đó hơn 20.500 vụ tội phạm hình sự, 8.875 vụ tội phạm về kinh tế; 530 vụ tội phạm tham nhũng; hơn 12.800 vụ phạm tội về môi trường; đặc biệt 12.446 vụ tội phạm về ma tuý, trong đó triệt phá nhiều đối tượng cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia; chặt đứt các đường dây các đối tượng thuê vận chuyển trên đường…



Quỳnh Vinh

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文