Bộ trưởng Y tế: Mong ước của luật là bảo vệ sức khoẻ người dân, bảo vệ nòi giống
Phát biểu giải trình ý kiến ĐBQH về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sáng 16-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu đứng ở các góc cạnh khác nhau, lát cắt khác nhau; khẳng định Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu trên tinh thần xây dựng.
- ĐBQH: Hạn chế tác hại rượu bia, vì tăng trưởng kinh tế và giống nòi đất nước
- Dự Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia: Bảo đảm lợi ích và sức khỏe người dân
- ĐBQH: Cấm trên mạng thì người ta vẫn bán rượu, bia tràn lan
- Có nên cấm bán rượu, bia trên internet?
- (Sốc) Tỷ lệ uống rượu bia ở nam giới Việt là 44,2%
“Khi ban hành chính sách, vấn đề nào có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất, không có lợi cho dân thì không làm. Luật này rất khó, bởi vì nó có những sự tương đối đối đầu với nhau giữa mong muốn luật bảo vệ sức khỏe con người tối đa và các nhà sản xuất, kinh doanh cũng muốn doanh thu và lợi nhuận” – bà nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, luật này ra đời cố gắng tiếp cận một cách hài giữa khía cạnh sức khỏe và kinh tế - xã hội, trong đó khía cạnh sức khỏe nhiều hơn. Thứ hai phải đồng bộ với các luật hiện hành và hội nhập với quốc tế. Thứ ba là phải đạt tính khả thi.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến |
Theo bà, trên kinh nghiệm của quốc tế, hơn 100 nước xây dựng luật, kể cả những nước có nền sản xuất và xuất khẩu rượu và bia lớn nhất thì theo nguyên tắc của y tế thế giới và quốc tế, có 3 giải pháp cơ bản: Một là giảm tính sẵn có. Hai là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa là giảm bớt người uống, vừa tăng nguồn thu của ngân sách. Ba là kiểm soát vấn đề quảng cáo.
“Hội nghị Thượng đỉnh gần đây nhất tại Liên Hợp Quốc, các nguyên thủ quốc gia, các Tổng thống và Thủ tướng, ít nhất là Bộ trưởng Bộ Y tế đã có phiên thứ 3 bàn về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, tức là tim mạch, ung thư, tiểu đường thì có 4 giải pháp chính và cũng là nguyên nhân: Chế độ dinh dưỡng; hút thuốc lá; những tác hại của rượu, bia; ít vận động cơ thể” – Bộ trưởng thông tin.
Đây là 4 giải pháp để phòng, chống những bệnh gây ra 77% tử vong trên thế giới, và giúp cho tuổi thọ của con người đáng nhẽ về khoa học là có thể sống trên 150 tuổi - 200 tuổi nhưng tại sao bây giờ chỉ ở dưới ngưỡng 70 tuổi đến tối đa là 83 tuổi như một số nước đã phát triển.
Đối với các nội dung về quảng cáo, về vấn đề rượu thủ công, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ tiếp thu để chọn ra phương án tối ưu và hài hòa.
Đại biểu thảo luận tại phiên họp |
Vấn đề về nguồn lực, bà cho rằng, trong luật có những chế tài rất chặt nhưng qua quá trình thảo luận nhiều ý kiến nói là Bộ Y tế đã “mềm yếu đi” trước những tác động của các doanh nghiệp mà không giữ được tính nghiêm khắc của luật như dự thảo ban đầu.
“Chúng tôi cũng muốn luật như các nước ở mức như hiện nay, có những nước GDP rất cao, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu rượu, bia vào loại lớn nhưng họ đã xây dựng luật này 30 năm và 2 lần sửa đổi, đến năm nay lại sửa đổi nữa để siết chặt hơn. Đến giờ này, chúng tôi đánh giá luật này ở mức trung bình hơi yếu so với sự chặt chẽ”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Về ý kiến cho rằng Bộ Y tế “lách Luật Ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế muốn Quốc hội thông qua một điều trong dự thảo là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vì thuế này đang thấp, giá rượu, bia vào loại thấp nhất thế giới và trong khu vực.
“Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì nguồn thu ngân sách tăng lên, cố gắng có trích phần trăm do Chính phủ quy định nhưng trình Quốc hội thông qua để có nguồn lực thực hiện, cũng như các chương trình mục tiêu hiện nay”, bà phân tích.
“Với mong ước được bảo vệ sức khỏe người dân tốt nhất, có lợi cho dân, bảo vệ nòi giống trước mắt và lâu dài. Trên bàn cân kinh tế, xã hội, văn hóa không ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực, chúng ta uống ở mức văn minh hơn với chén rượu vui, ngon phải có bạn hiền, vẫn giữ văn hóa đó chứ không đụng chạm và cản trở”, người đứng đầu ngành Y tế nhấn mạnh.
Bà cũng khẳng định, trong luật này không có một điều nào cấm uống rượu uống bia.