Những bất cập tại trung tâm hành chính TP Đà Nẵng:

Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng: "ngọn hải đăng"... tắt phụt!

09:16 13/08/2016
Những ngày qua, dư luận đã bị “nóng lên” khi vấn đề chuyển nơi làm việc của các sở, ngành khỏi Trung tâm hành chính (TTHC) TP Đà Nẵng được chính thức nêu ra tại cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng.

Người dân bức xúc bởi một công trình bề thế, xây dựng tiêu tốn đến 2.000 tỷ đồng và mới đưa vào sử dụng 2 năm thì đã phải tính đến xây dựng công trình khác thay thế.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu di dời TTHC đến một vị trí khác hợp lý, Đà Nẵng sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm và tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng vì không cần phải xây hầm qua sông Hàn...

Nhiều năm trước đây, ý tưởng bán trụ sở các cơ quan và dồn về TTHC tập trung của Đà Nẵng (số 24 Trần Phú, quận Hải Châu) đã được thực hiện một cách duy ý chí, bỏ qua mọi ý kiến phản biện. Trong một thời gian ngắn, công trình gồm 2 tầng hầm và 34 tầng nổi, với diện tích sàn hơn 20.000m2 đã hoàn thành, với hình dáng theo thiết kế là ngọn hải đăng.

TTHC Đà Nẵng nằm gần bờ sông Hàn nhưng lại ngột ngạt do thiếu không khí.

Nhưng nhìn vào, người dân Đà Nẵng hay gọi đó là “trái bắp”. Xung quanh toà nhà được bao bọc bởi những tấm kính, trông xa như những hạt bắp…

Sau những hồ hởi ban đầu khi dọn về làm việc tại TTHC, nhiều cán bộ, nhân viên các Sở, ngành nhanh chóng cảm thấy sự ngột ngạt do thiếu không khí, nhất là các đơn vị được bố trí ở các tầng trên cao. Do kính bọc kín xung quanh, TTHC Đà Nẵng chẳng khác mấy một cái chai thuỷ tinh khổng lồ bịt bùng.

Cán bộ lớn tuổi, sức khoẻ hạn chế và phụ nữ có thai là những người cảm nhận rõ nhất sự ngột ngạt trong trụ sở mới. Nhiều người chịu không nổi phải xin điều chuyển xuống tầng thấp, thậm chí thuyên chuyển công tác. Nhưng lãnh đạo các sở, ngành khi được hỏi về môi trường không khí nơi họ làm việc tại TTHC thường trả lời dè dặt.

Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng không nêu đánh giá về tác động của việc thiếu hụt không khí đối với sức khoẻ của những người làm việc tại TTHC, vì “muốn đánh giá phải có nghiên cứu đầy đủ, rõ ràng, không thể nói theo cảm nhận chủ quan”. Tuy nhiên, bà Yến thừa nhận có nhiều cán bộ viên chức than phiền về tình trạng khó thở do thiếu không khí.

Trao đổi với PV CAND, ông Nguyễn Điểu - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng (vừa bàn giao công tác tuần trước) cho biết, tình trạng thiếu hụt không khí nghiêm trọng hơn đối với các tầng trên cao của TTHC, còn Sở TM&MT làm việc ở tầng 15 của tòa nhà thì không thấy có vấn đề gì lớn. Trừ trường hợp trời nóng quá, điều hòa trung tâm quá tải, không hoạt động thì làm việc trong phòng sẽ nóng bức, khó chịu. Vào mùa đông, tình trạng trên ít xảy ra.

“Nhưng trong một môi trường kín đáo như vậy không khí vào rất hạn chế. Những người có bệnh tim mạch, huyết áp khi phải làm việc ở tầng cao thì thấy không ổn, dù trách nhiệm của Ban quản lý vận hành phải đảm bảo đủ ôxy cho tòa nhà. Các sở, ngành tập trung làm việc tại TTHC có nhiều mặt lợi, nhưng cũng nhiều mặt không tốt, trong đó có vấn đề sức khỏe”. Những tác động không mong muốn đến sức khoẻ đối với cán bộ nhân viên làm việc tại tòa nhà TTHC Đà Nẵng đã được lãnh đạo TP Đà Nẵng kiểm tra, ghi nhận.

Tại cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 11-8, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành uỷ - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng xác nhận: TP có chủ trương di dời TTHC và đã xem đây là vấn đề lớn, đã đưa vào chương trình hành động của Thành uỷ Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng và chỉ thực hiện nếu mang lại hiệu quả tốt hơn. Trước mắt, UBND TP Đà Nẵng đã đề ra giải pháp mở rộng hệ thống thông gió bằng việc mở thêm một số cửa hút không khí tự nhiên vào tòa nhà. Sắp tới, sẽ triển khai kế hoạch đấu thầu để thực hiện...

Không chỉ giải quyết vấn đề sức khoẻ lâu dài cho cả ngàn cán bộ công chức, việc di dời TTHC ra khỏi vị trí hiện tại và đưa về vị trí phù hợp sẽ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở khu vực lân cận. Việc ùn tắc này chỉ phát sinh sau khi TTHC tập trung được đưa vào hoạt động.

Cùng với việc điều chỉnh phân luồng, phân tuyến giao thông, quy định nhiều tuyến đường 2 chiều thành một chiều, Đà Nẵng đã phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng triển khai xây dựng hầm chui tại một số giao lộ, nhưng vẫn chưa thể giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc ngày càng gia tăng.

Mới đây, Đà Nẵng tiếp tục thông qua chủ trương xây hầm nối hai bờ sông Hàn để giải quyết ùn tắc. Theo dự kiến, hầm có chiều dài 1.315m với 6 làn xe với vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng...

Có thể nói, quyết định bán nhà làm việc của các sở, ngành và dồn về TTHC tập trung có nhiều bất cập. Việc xem xét để “sửa sai” của lãnh đạo TP Đà Nẵng hiện nay đối với việc này thể hiện thái độ dũng cảm và cầu thị, cần sự ủng hộ của người dân.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch giao thông - đô thị, nếu di dời TTHC về khu vực phía Nam TP Đà Nẵng, như Hoà Cường Nam, hoặc Hoà Cường Bắc và khu vực giáp ranh - những nơi có hạ tầng giao thông thuận tiện sẽ giải quyết được lưu lượng phương tiện rất lớn vào trung tâm TP, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam theo quy hoạch của Đà Nẵng; đồng thời, không cần phải đầu tư hầm qua sông Hàn.

Toà nhà hành chính hiện tại có thể bán để thu hồi vốn đầu tư. Nhưng nếu vừa di dời TTHC mà vẫn xây hầm chui qua sông Hàn trong giai đoạn này thì không cần thiết và đó là một sự lãng phí lớn.

Được biết từ đầu năm 2016, đã có nhiều chuyên gia về kiến trúc - đô thị được mời để khảo sát, đánh giá, cho ý kiến về việc di dời TTHC Đà Nẵng và tính toán địa điểm xây dựng khu hành chính tập trung ở vị trí thích hợp. Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, sẽ lấy ý kiến của người dân về vấn đề này.

Thân Lai

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文