Cải thiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

20:00 12/06/2020
Chiều 12/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó góp phần cải thiện đời sống của nhân dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Cân nhắc tính khả thi, tính trùng lặp của các dự án thành phần

Nêu ý kiến, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị phạm vi áp dụng đối với các xã, thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên giảm xuống mức 10% để mở rộng số  thôn, xã được thụ hưởng chính sách. 

Vì đặc thù ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen với người Kinh. Ở nhiều xã có đông hộ đồng bào sinh sống nhưng địa giới hành chính rộng, chưa đủ điều kiện chia tách, nên có xã có trên 6 nghìn người sinh sống thì đồng bào dân tộc thiểu số chưa đạt tỷ lệ 15%. 

Đối với dự án số 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là chỉ tiêu đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng (cứng hóa đường giao thông), hầu hết các xã đều có đường giao thông kiên cố về đến trung tâm xã, đại biểu Tô Ái Vang nhận xét, mới chỉ đạt mức tối thiểu, chưa đạt cấp độ theo tiêu chuẩn của ngành giao thông – vận tải.

Giao thông đến vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta có nhiều khó khăn, khó đi lại trong mùa mưa lũ. Đồng bằng sông Cửu Long đang có nhiều tuyến đường bị sụt lún, sạt lở, hư hỏng, nếu gặp thiên tai, mưa lũ, đường giao thông bị tàn phá nặng nề, có nguy cơ tiềm ẩn rất cao. 

Do vậy, chương trình mục tiêu quốc gia lần này cần cân nhắc tính khả thi, tính trùng lặp của các dự án thành phần so với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, để tập trung ngân sách vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. 

Đại biểu Tô Ái Vang cũng đề nghị cần bổ sung quy hoạch khu tái định cư tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số ở dọc các tuyến đường giao thông nông thôn, phát huy hết năng lực sẵn có, đáp ứng nhu cầu của đồng bào dân tộc, thiểu số, mà còn bảo đảm khả năng đi trước một bước, thu hút đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy chương trình cơ cấu kinh tế, các nghề sử dụng nhiều lao động ở khu vực này. Bởi đồng bào dân tộc thiểu số thường sống ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn nên bị tách biệt về địa lý, không gian kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chính sự tách biệt này ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với các sự cố không lường trước trong đời sống của người dân. Vì vậy, Chương trình này nên tạo điều kiện cho đồng bào được giao lưu, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng thoát nghèo bền vững. 

Đoàn chủ tọa.

Không việc gì phải chi cho hoạt động của Ban quản lý

Về 10 dự án thành phần của chương trình, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, mục tiêu cuối cùng là phải vào được đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thực sự bộ mặt của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

“Những chính sách này phải trực tiếp tới từng gia đình, từng người một, nhất là các chương trình, chính sách về bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em. Tôi nghĩ đây là chương trình hạt nhân để tất cả chúng ta quan tâm, không chỉ là những chương trình của Chính phủ, Nhà nước mà mọi người khi có tấm lòng quan tâm thì đây là hạt nhân để xã hội tiến bộ hơn”, đại biểu nói.

Đề cập đến nguồn lực thực hiện Chương trình, đại biểu cho rằng, nguồn lực Chính phủ phê duyệt trên 137.000 tỷ đồng là nền tảng chứ chưa thể phúc đáp được các ý tưởng trong Chương trình này. Vì thế, theo đại biểu Nguyễn Sơn, vấn đề xã hội hóa ở đây không chỉ là huy động các doanh nghiệp, đơn vị mà các tổ chức và chính quyền các cấp. 

Trong phân bổ nguồn lực của Chương trình, tỷ lệ gói tín dụng cho người dân trên 19.000 tỷ đồng là còn ít. Cần hỗ trợ lãi suất để người dân chủ động vay ở các ngân hàng để sản xuất, phát triển nâng cao đời sống, thu nhập cũng như vật chất, tinh thần, văn hóa. Đại biểu lưu ý, không việc gì phải chi cho hoạt động của Ban quản lý các dự án mà cần chi cho các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người dân để thu hút được các nguồn lực khác. 

Đại biểu Tô Ái Vang.

Phát huy vai trò giám sát việc thực hiện các mục tiêu 

Nhất trí với đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các địa bàn đặc biệt khó khăn và nhóm dân tộc có những khó khăn đặc thù.

Nhằm phát huy tinh thần vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để theo dõi, giám sát việc thực hiện Chương trình, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, việc tập trung đầu tư xây dựng các trạm y tế cho các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới có đủ điều kiện khám chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cơ bản cần được quan tâm đúng mức. 

Song song với quá trình đầu tư này, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng Chính phủ cần quan tâm đến chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đồng thời đưa ra các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kiểm soát tỷ lệ sinh và nâng cao chất lượng dân số ở một số dân tộc thiểu số. 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng và hướng dẫn Mặt trận tổ quốc các cấp giám sát thực hiện các nội dung trong Chương trình.

 Nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số

Nhấn mạnh việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) kiến nghị bổ sung, lồng ghép nội dung về giới vào các dự án liên quan đến phụ nữ và trẻ em trong Chương trình, đặc biệt cần quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ, trẻ em để họ tự bảo vệ mình và người thân khi cần thiết.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Quốc hội cần quan tâm đến điều kiện sống, làm việc, nhu cầu thiết yếu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như ăn mặc, nước sạch, vệ sinh môi trường; đồng thời đảm bảo tỷ lệ biết đọc, biết viết của phụ nữ dân tộc thiểu số, đảm bảo tối thiểu 15% lao động nữ người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định, khi nói đến phát triển kinh tế, xã hội tộc thiểu số - miền núi là đồng thời nhắc đến cơ hội để phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số, qua đó tạo điều kiện cải thiện giống nòi của thế hệ dân tộc thiểu số tương lai. 

Cho rằng người mẹ là nhân vật trao truyền những giá trị văn hóa cho con cái, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương bày tỏ sự tin tưởng: Khi những người mẹ được giáo dục, chăm lo tốt, có cơ hội để nâng cao vị thế xã hội, họ sẽ kiến tạo nên những thế hệ trẻ tương lai dân tộc thiểu số đầy triển vọng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào nội dung dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia quy định rõ về tỷ lệ phần trăm người dân tộc thiểu số miền núi được ưu tiên các chế độ đào tạo, bồi dưỡng, tham gia các hoạt động hướng nghiệp, đảm bảo tỷ lệ phụ nữ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, đặc biệt là trong quá trình mang thai, sinh nở. 

Đại biểu Đinh Thị Bình.

Xác định nhu cầu vốn đang bị ngược quy trình? 

Nhận định việc xác định nhu cầu vốn cho Chương trình dường như đang bị ngược quy trình, đại biểu, Đinh Thị Bình (Phú Thọ) phân tích, theo Tờ trình của Chính phủ và các văn bản chi tiết kèm theo cho thấy, hiện nay Ủy ban Dân tộc mới đang chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, xác định các xã khu vực 1, khu vực 2, khu vực 3 và các thôn đặc biệt khó khăn để trình Ủy ban Dân tộc tổng hợp, sau đó mới hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. 

Như vậy, có nghĩa là các con số: 1.400 xã và khoảng 8.000 thôn trong dự kiến trình Quốc hội chỉ là con số ước tính và tạm thời, thực tế có thể cao hoặc thấp hơn con số đó, do công tác phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển vẫn chưa hoàn thành.

Việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển là một yêu cầu được đặt ra từ lâu, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định các chính sách đối với đồng bào. Yêu cầu này càng trở lên cấp thiết hơn khi Quốc hội quyết định thực hiện Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Bởi thế, theo đại biểu Đinh Thị Bình, đáng lẽ, cơ quan chức năng phải khẩn trương hoàn thành công tác phân định, phê duyệt danh sách các xã khu vực 1, 2, 3 và các thôn đặc biệt khó khăn trước Kỳ họp này thì mới có đủ cơ sở để xác định được tổng số đối tượng, địa bàn đầu tư, từ đó sẽ dự kiến được nguồn vốn cho Chương trình bảo đảm chính xác, hợp lý. Nhưng chúng ta lại đang làm ngược. 

Đại biểu Đinh Thị Bình đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Dân tộc khẩn trương hoàn thành công tác phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển để có đầy đủ cơ sở xây dựng đầu tư Chương trình và bố trí mức vốn cho phù hợp. 


Thu Thuỷ

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文