Cần mở rộng chủ thể cung cấp thông tin
TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch LHHVN cho biết, việc xây dựng và ban hành Luật tiếp cận thông tin là rất cần thiết. Việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin với tư cách là quyền cơ bản của công dân có ý nghĩa làm tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của con người, của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định.
Phân tích và so sánh giữa luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về Quyền tiếp cận thông tin, GS. Nguyễn Đăng Dung cho rằng, Việt Nam chưa có một đạo luật riêng điều chỉnh, mà chỉ trong phần triển khai thực hiện của các luật khác, chưa có cách hiểu đầy đủ về quyền tiếp cận thông tin. Việc tiếp cận thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ vẫn khó khăn, dẫn tới tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan công quyền chưa được thực hiện. Quyền tiếp cận thông tin bị lấn át bởi trách nhiệm nặng nề của Pháp lệnh Bí mật quốc gia, tức là quyền được giữ bí mật của các cơ quan nhà nước. Pháp luật về giữ bí mật cụ thể hơn pháp luật tiếp cận thông tin. Trách nhiệm giữ bí mật dễ thực hiện hơn việc cung cấp thông tin. Văn hóa giữa bí mật thịnh hành hơn văn hóa tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, ở hệ thống pháp luật hiện nay không có các quy định thủ tục cung cấp thông tin, không có quy định chiều ngược lại phải cung cấp thông tin theo yêu cầu chủ động từ phía người dân. Quyền được cung cấp thông tin của người dân chưa được quy định riêng, chưa thành một chủ trương chính sách của nhà nước.
Đánh giá cao về những tiến bộ quan trọng của Dự thảo Luật tiếp cận thông tin, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến cho rằng, bên cạnh những quan điểm nhất quán công dân có quyền tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, để góp phần giảm thiểu bức cung, nhục hình, oan sai khi Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực, ông Nguyễn Văn Chiến đề xuất dự thảo nên có quy định rõ hơn về việc tuân thủ trách nhiệm cung cấp thông tin.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về luật học đã góp phần làm sáng tỏ, chặt chẽ thêm nội dung của Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin. LHHVN sẽ tổng hợp những ý kiến, làm văn bản kiến nghị lên cơ quan soạn thảo để hoàn chỉnh dự luật, góp phần khẳng định mục đích của dự thảo đã đề ra.