Cần thận trọng trong việc khoán kinh phí sử dụng xe công
- Hàng chục lái xe sẽ đi đâu sau khi Hà Nội khoán xe công?
- Thí điểm khoán kinh phí mức trần xe công không quá 9,3 triệu đồng/tháng
- Hà Nội thí điểm khoán xe công với mức 9 triệu đồng/tháng
Đây là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) vừa được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Dự án luật này đã được thảo luận tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá 14 (cuối năm 2016).
Tại đây có ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách tính mức khoán và thời điểm áp dụng.
Một số ý kiến đề nghị thẩm quyền quy định mức khoán kinh phí không nên giao cho Bộ Tài chính và bổ sung thẩm quyền quy định khoán kinh phí xe ôtô của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc quy định cách tính mức khoán, các chức danh cụ thể... cần được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với sự biến động của nền kinh tế và nhu cầu của công tác quản lý của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Riêng về thẩm quyền quy định mức khoán kinh phí, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng thay thẩm quyền của Bộ Tài chính bằng thẩm quyền của Chính phủ.
Dự thảo luật mới nhất cũng không bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ trong việc khoán kinh phí xe ôtô đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách để đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.