Trò chuyện chủ nhật:

Cần xây dựng lại biểu giá điện cho phù hợp

08:37 05/05/2019
Giá điện theo thông báo của EVN chỉ tăng 8,36%, tuy nhiên, khi nhận hoá đơn điện tăng đột biến, người dân “sốc” nặng trước khoản tiền phải chi trả. Trước những diễn biến bất thường của hoá đơn tiền điện, PV chuyên mục Trò chuyện cuối tuần có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia Kinh tế, xung quanh vấn đề này.


PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng giá điện tăng 8,36% từ 20-3, tuy nhiên hoá đơn tiền điện người dân phải trả trong tháng đầu này đã tăng rất mạnh so với thông báo của ngành điện đưa ra. Ông có thể nói rõ hơn về sự bất hợp lý trong cách tính biểu giá điện hiện nay?

PGS.TS Ngô Trí Long: Ngày 20-3, Chính phủ thông báo quy định tăng giá tiền điện lên 8,36%, nhưng ngay tháng đầu người dân phải trả hoá đơn tiền điện có nhiều hộ gia đình phải trả tiền điện tăng gấp 1,5-2 lần. Người dân “sốc” trước việc tăng mạnh này. Bởi trước đó, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết người thu nhập sẽ phải trả thêm thấp nhất 7.000, cao nhất 77.000 đồng.

Về việc này EVN giải thích là do giá điện bán lẻ bình quân từ ngày 20-3 tăng 8,36%, nhu cầu sử dụng điện tăng cao do thời tiết nắng nóng phải sử dụng nhiều thiết bị điện như điều hoà, quạt, và nhiều thiết bị làm lạnh,... do đó lượng điện tiêu dùng tăng lên; thời gian sử dụng điện trong tháng 4 là 31 ngày, dài hơn tháng 3 có 28 ngày.

Theo tôi lý giải mà EVN đưa ra là đúng, nhưng chưa đầy đủ, đằng sau đó có nguyên nhân sâu xa, mà chính nguyên nhân này gây nên sự bất công giữa người tiêu dùng với nhà đèn (EVN). Đó là biểu giá điện bán lẻ tiêu dùng hiện nay bất hợp lý, chỉ có lợi cho EVN, không có lợi cho người tiêu dùng, cần phải xem xét, xây dựng lại biểu giá điện.

Về nguyên tắc, Chính phủ chỉ quy định mức giá điện bình quân cho một kWh điện. Giao cho Bộ Công thương xây dựng biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt. Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt phải đảm bảo các mục tiêu: Một là thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người có thu nhập thấp; Hai là khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm, do nguồn nguyên liệu đầu vào là khoáng thạch, nguồn cung có hạn, đồng thời khi sử dụng lại phát ra khí thải ảnh hưởng tới môi trường, trong khi nhu cầu sử dụng điện rất lớn.

Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Công Thương đã xây dựng biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo bậc thang, lũy tiến. Nghĩa là Biểu giá điện chia làm 6 bậc, tính theo lũy tiến. Hai bậc đầu của biểu giá điện có mức giá bán thấp hơn mức giá bán lẻ điện bình quân (Bậc 1 (từ 0-50KWh): thấp hơn 10%, bậc 2 (từ 51-100KWh) thấp hơn 7%.

Từ bậc 3 đến bậc 6 có mức giá bán cao hơn giá bán lẻ điện bình quân rất nhiều. Bậc 3 (từ 101-200KWh) cao hơn 8,2%; Bậc 4 (từ 201-300KWh) cao hơn 36,1%, Bậc 5 (từ 301-400KWh ) cao hơn 52,5%, Bậc 6 trên 400KWh cao hơn 56,7% so với giá bán lẻ bình quân Chính phủ quy định.

Trong điều kiện hiện nay, một gia đình bình thường 2 vợ chồng với 2 người con thường sử dụng ít nhất trong khoảng 201-300KWh/tháng. Khá nhiều hộ gia đình cũng tiêu dùng trên 300KWh/tháng. Với biểu giá bán lẻ điện hiện hành như vậy, chắc chắn tổng doanh thu tiền điện của EVN thu được chia cho sản lượng điện thương phẩm bán ra trong một tháng sẽ lớn hơn giá bán lẻ điện bình quân mà Chính phủ đã quy định. Như vậy là EVN có lợi, người tiêu dùng bị thiệt.

Xét trên góc độ thống kê cho thấy, trong biểu giá điện, có 2 bậc, mức giá bán lẻ tiêu dùng từ 0-100KWh có mức giá bán lẻ chỉ thấp hơn giá bán lẻ bình quân từ 7-10%. Mà lượng điện tiêu dùng ở 2 bậc này rất ít so với 4 bậc còn lại.

Trong khi đó, 4 bậc còn lại thì quy định mức giá quá cao so với giá bán lẻ điện bình quân (từ 8,2-57%), mà lượng tiêu dùng điện ở 4 bậc này lại rất nhiều so với 2 bậc kia. Biểu giá điện này được xây dựng từ 2014, sau khi đưa vào áp dụng đã bộc lộ rất nhiều bất cập. Công luận đã phản đối rất mạnh, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo 3 miền Bắc Trung Nam, nhưng cuối cùng vẫn không thay đổi.

PV: Vậy theo ông, biểu giá điện nên chia và tính như nào thì hợp lý?

PGS.TS Ngô Trí Long.

PGS.TS Ngô Trí Long: Với biểu giá điện 6 bậc như hiện nay, mà giá ở mỗi bậc như vậy, đặc biệt là mức giá ở các bậc 4,5,6 quá cao so với giá bán lẻ điện bình quân 1864,44đồng/kWh giờ thì người hưởng lợi là ngành điện, không có lợi cho người tiêu dùng. Vì thế, biểu giá điện cần được xem xét lại.

Tôi rất đồng tình với cách xây dựng biểu giá điện bậc thang, lũy tiến. Nhưng số bậc là bao nhiêu là hợp lý ? Đặc biệt, là mức giá của từng bậc so với giá bán lẻ điện bình quân mà Chính phủ quyết định làm sao cho hợp lý.

Muốn xây dựng lại biểu giá bán lẻ điện cho hợp lý, đạt được mục tiêu của Chính phủ, cần phải có sự nghiên cứu phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cũng như những chuyên gia am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ để xây dựng một biểu giá điện làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đèn và người tiêu dùng.

PV: Theo ông, ngành điện hiện nay đang áp giá điện như thế cho người dân đã thực sự minh bạch hay chưa?

PGS.TS Ngô Trí Long: Chúng ta phải phân biệt rõ 2 khái niệm: công khai và minh bạch. Công khai là công bố thông tin. Còn minh bạch là thông tin công bố công khai đó có đúng sự thực, đúng bản chất vấn đề hay không? Hiện nay mọi hoạt động về mặt tài chính của ngành điện đều được công bố một cách công khai, còn minh bạch hay chưa chỉ có các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xem xét mới biết được tính đúng đắn của nó hay không?

Nếu sự công bố công khai đó, được các cơ quan chức năng xác định là đúng sự thực và đúng bản chất vấn đề, khi đó những thông tin công bố công khai đó mới là minh bạch. Nhưng cũng cần lưu ý ở đây là liệu cơ quan chức năng có làm công tâm, khách quan, hoặc có đủ năng lực để đánh giá đúng những thông tin đó hay không?

Ở các nước, ngoài các cơ quan chức năng của Nhà nước, thường có các cơ quan tư vấn độc lập kiểm tra lại, sự đánh giá của các cơ quan chức năng, để bảo đảm tính độc lập, khách quan của nó.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文